Vậy là, vòng bảng VCK World Cup 2014 mới trôi qua chưa được nửa chặng đường mà đã xuất hiện cú sốc kinh hoàng đầu tiên khi nhà ĐKVĐ giải đấu và xen giữa danh hiệu đó là hai lần liên tiếp vô địch châu Âu đã không còn cơ hội bảo vệ ngôi Vương sau thất bại thứ hai từ đầu giải. Chile hiển nhiên được đánh giá thấp hơn Hà Lan nhưng rốt cục, vẫn có thể đánh bại TBN một cách thuyết phục không kém gì Oranje tuy kết quả chỉ là 2-0 bởi đơn giản đại gia từng hạ gục họ 2-1 cách đây 4 năm hoàn toàn đánh mất mình hết sức khó hiểu.
Dù không phủ nhận so với World Cup 2014 và Euro 2012, sức mạnh hiện tại của nhà ĐKVĐ thế giới lẫn châu Âu đã suy giảm đáng kể, chủ yếu do gánh nặng tuổi tác của dàn trụ cột và sự bảo thủ của Del Bosque khi nhất quyết không chịu làm mới đội hình. TBN mang đến Brazil lực lượng không có nhiều khác biệt, phần lớn đã có mặt trong hai chiến công trước đó, trong đó không ít người đã thuộc về dĩ vãng. Bởi thế, xét cho cùng, việc TBN ngã ngựa trước Hà Lan, bại tướng ở chung kết World Cup 2010, tại trận ra quân chẳng làm ai bất ngờ. Có chăng chỉ là họ quá sốc với thất bại thảm hoạ 1-5 mà thầy trò Del Bosque phải nhận. Với việc ở trận đấu diễn ra trước đó, Hà Lan đã vượt qua Australia bằng tỷ số sát nút 3-2 thì TBN bắt buộc phải hạ gục Chile nếu không muốn về nước sớm ngay sau vòng bảng, tái lập thảm kịch mà ĐT Pháp từng gánh chịu ở World Cup 2002. Thực ra về mặt lý thuyết, kể cả có hoà Chile thì TBN vẫn còn cửa đi tiếp vì ở trận cuối, chỉ cần họ thắng đậm Australia và chờ đợi Hà Lan vượt qua Chile thì tấm vé thứ hai của bảng B vẫn nằm trong tay họ. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, Hà Lan chắc gì đã chơi sòng phẳng ở trận cuối, một khi đã chính thức đi tiếp. Bên cạnh việc sẽ cho nhiều trụ cột nghỉ ngơi chuẩn bị cho trận đấu vòng 1/8 thì Oranje đương nhiên rất muốn giúp Chile một tay, qua đó loại bớt một ứng cử viên cho ngôi vô địch và cũng là sự trả thù ngọt ngào dành cho TBN (cần lưu ý rằng, chỉ cần Chile hoà được Hà Lan thì TBN có thắng Australia bao nhiêu bàn đi nữa vẫn phải rời khỏi cuộc chơi).
Nào ai có thể ngờ, TBN hùnh mạnh là thế, La Liga thống trị châu Âu như vây mà rốt cục, họ đánh mất ngôi Vương thế giới chỉ sau 2 trận đầu vòng bảng
Do đó để tự cứu lấy số phận của chính mình, "Những chú bò tót" phải lấy lại ngay tức thì danh dự, phẩm chất của một nhà vô địch từng lập ra kỳ tích giành liên tiếp 3 danh hiệu lớn. Sự điều chỉnh về mặt nhân sự của Del Bosque ở trận cầu sinh tử này là khó tránh khỏi khi mà vài trụ cột lâu năm không đáp ứng được yêu cầu. "Ngài râu kẽm" đã quyết định loại bỏ thẳng tay trung vệ Pique lẫn nhạc trưởng Xavi ra khỏi đội hình thi đấu, thay vào đó, ông đã trọng dụng Javi Martinez, hậu vệ đang khoác áo Bayern Munich và Pedro Rodriguez, tiền đạo chơi khá ổn ở Barca mùa vừa rồi bất chấp không được ra sân nhiều. Pedro sẽ thay thế đàn anh Xavi trong hệ thống tấn công gồm 3 "nhân viên phục vụ" (hai người còn lại là Iniesta và David Silva) cho "ông chủ tuyến trên" Diego Costa. Tuy rằng, chân sút gốc Brazil đã thể hiện hình ảnh hết sức nghèo nàn ở trận thua Hà Lan và dấu ấn duy nhất là pha ngã vờ mang về 11m nhưng rõ ràng vào lúc này, TBN liệu còn biết trông mong vào ai khi mà phong độ của Torres quá tệ còn David Villa quá già. Về phần Chile, chẳng sai khi cho rằng đội hình xuất phát của họ là "La Liga thu nhỏ" bởi 6/11 cầu thủ đã và đang chơi bóng tại giải đấu hàng đầu TBN mà đáng chú ý nhất đương nhiên là Alexis Sanchez. Ngoài ra, còn phải đề cập tới Vidal, tiền vệ chủ lực của Juventus.
Dẫu đã có sự thay đổi song TBN vẫn chưa thể trở lại là chính mình và bị Chile áp đảo trong những phút đầu. Ngay ở giây thứ 45, sau nỗ lực của Alexis, cầu thủ quá hiểu không ít tuyển thủ TBN nhờ quãng thời gian sát cánh ở Barcelona, bóng tới chân Vargas và tiền đạo đang khoác áo Valencia lanh lẹ dứt điểm, sượt qua chân Martinez rồi chệch cột dọc trong gang tấc. Ở cú phạt góc ngay sau đó, Jara đã có pha đánh đầu suýt trúng đích. "Kẻ thống trị" thế giới trong 5-6 năm trở lại đây đã cực kỳ vất vả trong việc kiểm soát thế trận bởi lối chơi áp sát, pressing trên khắp mặt sân của Chile, dựa vào nền tảng thể lực sung mãn của các tuyển thủ. Alexis cùng đồng đội di chuyển trên khắp mặt sân, đeo bám quyết liệt ngay từ phần sân đối phương, khiến TBN khó nhọc xoay sở. Thêm một lần, câu chuyện làm mới ĐT lại cần phải được nhắc đến. Sự cứng nhắc và mù quáng của Del Bosque đang gây hoạ cho La Furia Roja khi mà nhiều tuyển thủ, trong đó không ít đã cao tuổi, không làm sao có đuợc thể trạng tốt nhất sau mùa giải kéo dài (lưu ý, các thành viên của hai đội bóng thành Madrid còn phải thi đấu ở chung kết Champions League).
Mãi tới phút 15, "nhà vua" mới có được cơ hội nho nhỏ khi Alonso ập vào dứt điểm cận thành nhưng trúng vào người Bravo. Tuy nhiên, chính tiền vệ phòng ngự có mặt trong thành phần ĐT Tây Ban Nha từ thời vô địch Euro 2008 đã góp công lớn vào bàn thắng của đối thủ. Phút 20, xuất phát từ quả chuyền về bất cẩn của nhà vô địch Champions League đưa bóng đúng vào chân Alexis, cầu thủ đạt hiệu suất ghi bàn tốt thứ 2 Barca mùa vừa rồi (chỉ kém Messi) đã phối hợp bật tường nhịp nhàng với đồng đội trước khi đẩy bóng vào vòng cấm cho Aranguiz. Dù hoàn toàn có thể tung ra cú dứt điểm song cầu thủ đang chơi bóng tại Brazil đã tỉnh táo chuyền sang cho Vargas đang chờ sẵn ở phía trong. Rất bình tĩnh, tiền đạo này loại bỏ Casillas rồi sút tung lưới trống.
Tuy Del Bosque đã có vài sự thay đổi, TBN vẫn thể hiện bộ mặt cực kỳ nhợt nhạt từ công đến thủ
Đã khốn lại gặp khó, TBN đứng trước hàng núi thách thức. Nếu như Javi Martinez thi đấu đạt yêu cầu thì Pedro lại chưa làm nên cơm cháo gì. Điều đáng nói ở đây, TBN chơi quá rời rạc, thiếu sinh khí và chẳng còn chút bóng dáng nào của lối chơi tiqui-taka huyền thoại từng giúp họ chinh phạt thế giới. Không chỉ hoàn toàn thiếu vắng những bài phối hợp nhóm, bật tường nhỏ mà các gương mặt lẫy lừng như Iniesta, Alonso, Silva cũng không phất nổi đường chuyền nào ra hồn mà vốn là sở trường của họ ở cấp độ CLB hoặc trong thời kỳ huy hoàng của tuyển TBN. Phút 28, hoạ hoằn lắm, Costa mới có bóng để dứt điểm trong vòng cấm sau pha đánh đầu chiến thuật của Silva song anh chỉ có thể tìm đến mép lưới phía ngoài mà thôi.
Càng chơi TBN càng bế tắc tột độ trước sự phong toả khó chịu và bí bách của đối thủ Chile. Dấu hiệu mất kiểm soát đã xuất hiện và Alonso đã từng phải nhận thẻ vàng do vào bóng quyết liệt trên mức cần thiết. Tưởng như việc bị dẫn trước 0-1 trong hiệp đầu đã là kịch bản quá tồi tệ với TBN thì hai phút trước giờ nghỉ giải lao, họ đã phải nhận bàn thua thứ hai. Alexis Sanchez, đầu tàu của Chile, đã thực hiện cú sút phạt đẳng cấp ở khoảng cách hơn 20m và hơi chếch về cánh phải, buộc Casillas phải tung người cứu thua. Tuy nhiên, chẳng đồng đội nào của anh kịp tiếp ứng để Aranguiz ung dung đón bóng bật ra và vung chân kết thúc uy lực, hạ gục vị "Thánh sống" của Real và ĐT Tây Ban Nha.
Quả thực, ngay cả những chuyên gia bi quan nhất của làng bóng đá TBN cũng chưa bao giờ nghĩ đến viễn cảnh rằng đội nhà lại thể hiện hình ảnh nghèo nàn và tồi tệ đến thế chỉ sau 2 trận vòng bảng dù họ cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng TBN hoàn toàn có nguy cơ đối mặt với giải đấu thất bại. Không chỉ để thủng lưới tới 7 bàn ("xuất sắc" vượt trội so với Pháp năm 2002 khi Les Bleus chỉ thủng lưới tổng cộng có 3 bàn mà thôi) mà TBN còn không hề chứng tỏ được chút gì cái chất tiqui-taka đã làm nên thương hiệu, tên tuổi của họ. Đừng vội "đổ tội" cho Chile chơi quá hay mà chính xác hơn, TBN chơi quá dở. Càng không thể viện cớ thất bại nặng nề trước Hà Lan đã tạo ra áp lực khiến TBN không gượng dậy nổi bởi một đội tuyển lớn, đã thâu tóm một loạt danh hiệu trong quá khứ không xa chẳng nhẽ không đủ tầm để thoát khỏi sức ép. Trách nhiệm đầu tiên tất nhiên thuộc về Del Bosque. Ông đã không dám cải tổ và trọng dụng những con người vừa trẻ trung hơn vừa giàu khát vọng hơn như Cazorla, Mata hay Koke, nhất là khi chẳng ai rơi vào trạng thái no nê thành tích giống thế hệ của Xavi, Iniesta, Alonso, Casillas, Pique.
Chile dắt tay Hà Lan vào vòng 1/8 sớm 1 trận
Giờ đây, TBN mà lội ngược dòng thành công khi đã bị dẫn trước tới hai bàn thì đó chắc chắn là điều thần kỳ đáng ngợi ca chứ chẳng phải tầm thường. Ngay đầu hiệp 2, Koke, tiền vệ trẻ chơi rất lên chân trong thành phần Atletico mùa vừa rồi, được đưa ra sân thay cho Xabi Alonso và thực sự, đem theo được luồng sinh khí mới. TBN thi đấu khởi sắc hơn hẳn và liên tục uy hiếp cầu môn Chile. Phút 48, lần đầu tiên trong trận đấu, Iniesta tung ra được quả chuyền dài chuẩn xác đúng kiểu vào vòng cấm địa cho Diego Costa nhưng chân sút số 19 gốc Brazil đã hơi chậm chân, để hậu vệ Chile kịp phá ra. Vài phút sau, các CĐV TBN ngồi trên khán đài càng thêm đau lòng khi phải chứng kiến pha bỏ lỡ "đỉnh" nhất VCK World Cup 2014 tính đến thời điểm này của Sergi Busquets. Sau khi Bravo đấm bóng ngăn chặn cú sút phạt của Ramos, Costa đã "cầu kỳ" dùng kỹ thuật "xe đạp chổng ngược" để đưa bóng vào phía trong và tiền vệ đánh chặn của Barca lao vào dứt điểm nối ra ngoài ở cự ly chưa đến 5m. Kể ra cũng cần phải thông cho Busquets bởi anh đã quen "dọn dẹp", "chém đinh chặt sắt" hoặc .... "ăn vạ" chứ đâu phải giỏi ghi bàn nên kết thúc tệ âu cũng là hợp lý. Chỉ có điêu, trong bối cảnh đội nhà khát bàn thắng thì pha bỏ lỡ của Busquets càng tô đậm thêm bức tranh tối tăm như hũ nút của nhà ĐKVĐ.
Nếu Busquets thành công, chắc chắn TBN sẽ ngày một khởi sắc hơn chứ không phải rồi "đâu lại vào đấy". Koke chỉ đủ sức "hà hơi thổi ngạt" để duy trì sự sống cho "con bệnh vô phương cứu chữa" TBN chứ không làm sao giúp La Furia Roja hồi phục thần kỳ. Tinh thần toàn đội vừa được vị tướng Del Bosque vực dậy bằng mấy lời uý lạo trong phòng thay đồ đã lại dần xuống thấp sau khi hoàn toàn bất lực trong việc công phá hàng thủ kiên cố của Chile. Thậm chí, phút 68, họ may mắn tránh khỏi bàn thua thứ 3 khi Isla dứt điểm vọt xà ở khoảng cách rất gần sau pha xử lý "nửa chuyền nửa sút" của Mena từ bên cánh trái. Chẳng những bó tay trong khoản tìm kiếm bàn thắng mà TBN còn để lại ấn tượng xấu thông qua hành động đáng lên án như của Sergio Ramos. Phút 74, lợi dụng động tác phá bóng lên, Ramos đã khôn khéo đạp luôn cái gầm giày vào bắp đùi Vargas nhưng đã qua mặt được trọng tài.
Còn nước còn tát, Del Bosque tung Torres rồi Cazorla vào sân song cả hai cũng không khá khẩm hơn đàn em Koke bao nhiêu. Duy nhất Cazorla phần nào cho người thấy sự có mặt của mình trên sân bằng cú đá hết sức khó chịu ở sát vach 16m50 mà chỉ có phản xạ nhanh nhạy mới giúp thủ thành đang khoác áo Sociedad cản phá thành cong. Tiếp đến, Bravo lại đổ người từ chối quả sút phạt đưa bóng đi hơi sâu của Cazorla bên cánh trái. Những phút cuối, TBN thi đấu mà như lê "thân tàn ma dại" trên sân và toàn bộ băng ghế huấn luyện cũng trở nên câm lặng. Trận đấu kết thúc và các nhà ĐKVĐ lầm lũi rời khỏi sân. Có lẽ, từ giờ họ đã có thể thu xếp hành lý hoặc ăn chơi nhảy múa, thăm thú khám phá Brazil cho đến hết vòng bảng thay vì luyện tập bởi đơn giản, họ đã chính thức bị loại khỏi World Cup 2014 và trận cuối chỉ mang tính chất thủ tục hay dùng mỹ từ sang hơn: vãn hồi danh dự. Tuy nhiên, xét cho cùng phải về nước với thành tích toàn thua hoặc có điểm số an ủi chẳng khác gì nhau. Nhưng kể cả có chơi quyết tâm, chẳng có gì đảm bảo TBN sẽ hạ gục được Australia, đội đã chơi rất hay trước Hà Lan và chắc chắn sẽ cháy hết mình chứ không phải rệu rã, bạc nhược, chán nản như các nhà ĐKVĐ sắp mất ngai. Trong khi Chile đã kéo tay Hà Lan vào vòng 1/8 và trở thành hai đội đầu tiên chính thức vượt qua vòng bảng. Cuộc chạm trán giữa hai ĐT này ở lượt đấu cuối cùng bảng B chỉ còn mang tính chất phân định ngôi đầu mà thôi. Nhưng chưa chắc, trận đó sẽ còn ý nghĩa nếu như Brazil chẳng may không đứng đầu bảng A, khiến chẳng ai còn ham hố ngôi đầu làm gì.
Đội hình thi đấu
Tây Ban Nha: Casillas; Azpilicueta, Martinez, Sergio Ramos, Alba; Iniesta, Busquets, Xabi Alonso (Koke 46'); Silva, Diego Costa (Torres 64'), Pedro (Cazorla 76')
Chile: Bravo; Silva, Jara, Medel; Isla, Diaz, Vidal, Aranguiz (Gutiérrez 64'), Mena; Alexis Sanchez, Vargas (Valdivia 85')
Bảo Phương