Có điểm gì chung giữa những thất bại 1-3 rồi 0-4 của Milan trên sân Barcelona ở Champions League hai mùa gần đây, thất bại 0-4 của tuyển Italia trước tuyển Tây Ban Nha ở chung kết EURO 2012 và thất bại 2-4 của đội tuyển U21 Italia trước U21 Tây Ban Nha ở chung kết giải trẻ châu Âu vừa kết thúc?
Đó đều là những thất bại tan nát, và thảm họa của người Italia đều được khởi nguồn bởi một bàn thua trong khoảng 15 phút đầu trận.
U21 Italia (phải) đã thua TBN vì những bàn thua trong nửa đầu hiệp một |
Trừ Milan ở trận lượt về vòng bảng Champions League mùa 2011-12, khi họ thất thủ 2-3 ngay trên sân San Siro ở thế phải liên tục rượt đuổi Barcelona, người Italia chưa bao giờ (trong những năm gần đây) dám chơi đôi công sòng phẳng trước lối chơi tiki-taka ma quái. Milan chơi tấn công Barca hôm đó là chỉ đơn giản vì họ không phải chịu sức ép, khi mà dù thắng hay thua thì họ cũng đều chỉ đứng nhì bảng.
Đó là thứ tâm lý “thử cho biết”. Ngay cả khi Bayern Munich chứng minh rằng tiki-taka có thể bị xé nát bởi chiến thuật tấn công đa diện, thì Italia (cũng như hầu hết các đối thủ khác của Tây Ban Nha) khó có thể học hỏi được vì thiếu những con người giỏi giang như đội tân vô địch Champions League. Bởi thế, chắc chắn Azzurri sẽ chơi phòng ngự, thậm chí là phòng ngự triệt để, ở sân Fortaleza đêm nay.
Nhưng thực tế cho thấy ngay cả khi chấp nhận “đổ bê tông” thì người Italia cũng vẫn thua tan nát, chẳng phải một lần. Toan tính của cả Milan và các đội tuyển Italia khi đối đầu với tiki-taka đều là phòng ngự chặt chẽ và chờ đợi sơ hở của đối thủ để tìm cơ hội ghi bàn. Không phải họ chưa từng thành công (Milan hòa Barca 2 lần và thắng 1 lần trong hai năm qua, Italia hòa TBN 1-1 ở vòng bảng EURO 2012), nhưng hãy nhìn xem, đó đều là những lần Barca hay Tây Ban Nha không thực sự cần phải thắng. Khi họ muốn thắng thì người Italia không cưỡng lại được. Ở cuộc chơi nào trước người Italia, tiki-taka của người TBN cũng nắm thế chủ động gần như tuyệt đối. Ngay từ lúc bóng lăn. Ngay cả khi áp lực tâm lý thuộc về họ.
Bí quyết của người Tây Ban Nha đơn giản lắm: ghi bàn từ rất sớm. Bàn thắng sớm sẽ phá tan ý đồ phòng ngự của đối thủ và giúp họ dễ đá hơn rất nhiều, thêm nữa là đẩy quả bom áp lực sang bên kia chiến tuyến. Ngược lại, khi dính bàn thua sớm, người Italia thường rơi vào tình thế hoảng loạn và dễ dàng đánh mất tất cả. Milan có lợi thế dẫn 2 bàn ở lượt đi cũng vẫn nát vụn sau khi bị Messi chọc thủng lưới ở ngay phút thứ 5 trận lượt về.
Italia tự tin đến thế ở EURO 2012 cũng chẳng khá hơn. U21 Italia mới đây những tưởng chiến thuật phòng ngự phản công xuất sắc giúp họ loại U21 Hà Lan ở bán kết sẽ là điểm tựa cho tham vọng vô địch châu Âu, nhưng kết cục tất cả đều đã biết. Nếu để người Tây Ban Nha ghi bàn trước phút 15, trận đấu coi như kết thúc từ thời khắc đó, với một tỷ số rất đậm. Vì mục tiêu giết chết cuộc chơi từ đầu, Tây Ban Nha chắc chắn sẽ dồn toàn lực tấn công ngay sau tiếng còi khai cuộc như họ vẫn làm và thường thành công.
Bởi thế, một trong những nhiệm vụ bắt buộc nếu Italia muốn tạo địa chấn đêm nay là phải không để thủng lưới ít nhất trước phút 15, thậm chí là phút 30. Nếu ý đồ “đánh nhanh, thắng sớm” thiếu hiệu quả, Tây Ban Nha có thể bị áp lực tâm lý làm nao núng. Chỉ khi đó, cơ hội mới “dè dặt” mở ra cho Pirlo và các đồng đội.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)