Chẳng rõ có phải do ý đồ giấu bài hay dưỡng sức mà Argentina đã chơi dưới sức trong trận mở màn World Cup 2014. Ngoại trừ pha đốt đền vào đầu trận của Kolasinac và khoảnh khắc loé sáng đậm dấu ấn cá nhân của Messi, còn lại phần lớn thời gian Argentina đã trình diễn bộ mặt khá nghèo nàn, đặc biệt trong hiệp đầu tiên. Kể cả khi có sự thay đổi nhân sự thì ĐT xứ Tango cũng chẳng thi đấu tốt hơn bao nhiêu. Trong khi tân binh Bosnia với tinh thần chiến đấu đến cùng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và xứng đáng có bàn danh dự vào những phút cuối.
Bao năm qua, thứ bóng đá mà Argentina trình diễn luôn có sự pha trộn nhịp nhàng giữa chất Latinh thuần khiết của khu vực Nam Mỹ và những đặc trưng cơ bản của khu vực châu Âu. Ấy thế mà, lâu lắm rồi (chính xác từ World Cup 1990), Argentina không còn lọt vào bán kết ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Bây giờ, Albiceleste của Sabella ngày một bị "châu Âu hoá" nhưng sở hữu trong tay một thiên tài bóng đá mà hoàn toàn có thể sánh ngang với những huyền thoại vĩ đại bậc nhất của làng túc cầu giáo từ xưa đến nay. Đó là Lionel Messi. M10 chính là hiện thân của mẫu siêu sao đặc trưng cho tính khoa học và hợp lí trong lối chơi vốn là điển hình của bóng đá châu Âu song bên cạnh đó, Messi cũng mang trong người nhiều chất bóng đá Argentina nhất cả đội: Tinh quái, đẳng cấp kĩ thuật thượng thừa kiểu rất "Argentina". Kể từ khi Sabella lên nắm quyền thì phong độ của Messi ở ĐTQG dần được cải thiện dù rằng đánh giá tổng thể, còn lâu mới sánh bằng hình ảnh huy hoàng, lộng lẫy của anh ở CLB Barcelona. Tuy nhiên, cũng cần phải cảm thông cho Messi bởi anh được đào tạo ra ở đội bóng xứ Catalan, ngấm cái chất tiqui-taka của Barca từ trong máu và xung quanh anh là những cầu thủ hàng đầu thế giới, chưa kể thời gian thi đấu, luyện tập ở cấp đội tuyển rõ ràng quá ít ỏi so với cấp CLB. Song để sự nghiệp được trọn vẹn, Messi bắt buộc phải toả sáng ở một kỳ World Cup giống như tiền bối Diego Maradona mà anh được xem là "truyền nhân đích thực" của ông.Messi đã nổ súng ở ngay trận mở màn World Cup 2014
Trong khi đó, Bosnia chỉ là một ĐT thuộc diện "trung bình khá" của châu Âu và mới lần đầu tiên được góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh nhưng đây là tấm gương của sự vượt khó. Sau khi Liên bang Nam Tư tan rã vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Bosnia đã rơi vào cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm do xung đột giữa các sắc tộc. Bởi thế, đất nước luôn trong tình trạng hỗn loạn, vô tổ chức và rình rập hiểm nguy với người dân, kéo theo sự đi xuống của nền bóng đá. Rất nhiều tuyển thủ bây giờ của ĐTQG Bosnia đã từng phải trải qua quãng thời gian thơ ấu bão táp mà đôi khi ranh giới sống - chết rất mong manh. Không ít người đã phải theo gia đình bỏ xứ, tha hương cầu thực nhưng khi đất nước yên bình và cần đến sự phục vụ của họ, thì đa phần đều quay trở về, sát cánh bên nhau để tạo ra một ĐTQG đầy sức chiến đấu nhằm thông qua môn bóng đá, tạo dựng hình ảnh Bosnia với bạn bè quốc tế.
Trước giải, giới chuyên môn cùng chung nhận định Argentina tồn tại sự chênh lệch quá lớn giữa công và thủ khi họ mang tới Brazil hàng công đáng mơ ước với Messi là hạt nhân nhưng các vệ tinh cũng rất xuất sắc, có thể chia sẻ gánh nặng khi cần thiết như Di Maria, Aguero, Higuain, Lavezzi. Ấn tượng hơn cả, khi Argentina không tấn công, họ cũng trở nên nguy hiểm vô cùng bởi khả năng phản công siêu hạng. Không cần phải rê dắt, xoay người, chạm bóng dẫn lên để làm chậm nhịp triển khai, cũng không phải giữ bóng liên tục, đội bóng của Messi thiên về kiểm soát trận đấu hơn kiểm soát bóng, đấy có thể là khác biệt lớn nhất của Argentina nhiều năm qua. Bởi thế, chỉ cần những ngôi sao tuyến trên chơi đúng sức thì hàng thủ có hơi "lởm" cũng chẳng phải chuyện gì lớn. Trận mở màn World Cup 2014, Sabella đã khiến không ít người ngạc nhiên (nhưng phù hợp với điều kiện của ĐTQG Argentina) khi bố trí sơ đồ đề cao sự an toàn: 3-5-2. Messi và đối tác thân cận Aguero chơi cao nhất trên hàng công. Di Maria chơi thấp hơn như một hộ công song tin chắc, họ sẽ không ngừng hoán đổi vị trí cho nhau. Mascherano và Maxi Rodriguez sẽ quán xuyến tuyến giữa trong khi Rojo và Zabaleta chịu trách nhiệm hai bên cánh với tầm hoạt động rộng, lên công - về thủ nhịp nhàng. Bộ ba trung vệ bao gồm Garay, gương mặt từng khoác áo Real Madid và được cho trong tầm ngắm của Man Utd, lão tướng Campagnaro của Inter Milan và Federico Fernandez của Napoli, một đội bóng khác thuộc Serie A.
Khi mà chiến thuật "lạ" (Argentina thường chơi 4-3-3 giống Barca hoặc 4-2-3-1) của Sabella chưa kịp phát huy tác dụng thì các vũ công Tango đã sớm tìm được bàn thắng lúc thời gian mới trôi qua được hơn 2 phút. Từ chấm đá phạt bên cánh trái, Messi nhồi bóng vào vòng cấm địa và Kolasinac, thành viên trẻ nhất của ĐTQG Bosnia tham dự World Cup 2014 (sinh năm 1993), đã vô tình đốt đền. Đây chính là bàn thắng sớm nhất tính từ đầu giải. Tuy nhiên chẳng rõ có phải do bàn mở tỷ số đến khá may mắn và không hẳn là một sản phẩm hoàn hảo mà Argentina không có được sự hưng phấn cần thiết để từ đó lấn lướt đối thủ. Không những vậy, Argentina còn tỏ ra rất thận trọng chứ không máu lửa, nhiệt huyết và vô tư như Bosnia trong trận ra mắt giải đấu World Cup. Nhiều bận, Argentina như thể lùi sâu đội hình chơi phòng ngự - phản công và Bosnia mới là đội tạo sức ép tốt hơn. Phút 14, Hajrovic phá bẫy việt vị băng xuống đón đường chuyền đẹp qua đầu toàn bộ hàng thủ Argentina của Pjanic nhưng anh không thể thắng được Romero trong pha đối mặt.
Sau 20 phút đầu, Messi chẳng để lại được ấn tượng nào, thậm chí còn kém tích cực so với Di Maria và Augero. Do đó, hàng thủ Bosnia chưa phải đối mặt với nhiều hiểm nguy và chống đỡ khá dễ dàng. Thực ra, chính cách sắp xếp của Sabella đã làm hạn chế Messi. Tuy có nhiều đất diễn nhưng "Quả bóng vàng FIFA" 4 năm liên tiếp lại thiếu đi đối tác hỗ trợ (Di Maria và Aguero vẫn là quá ít nếu so với những gì Messi được nhận ở Barca và năng lực hiện giờ của Argentina) nên nếu bị chăm sóc quá kỹ thì Messi càng khó xoay sở. Nhiều lúc, Messi phải lùi xuống sâu để kiếm bóng hoặc "cắt đuôi" đối phương. Càng về cuối hiệp 1, trận đấu càng trở nên tẻ nhạt và thiếu muối khi cầu môn hai bên gần như được giữ trong trạng thái "an toàn tuyệt đối". Các đợt tấn công sắc sảo cũng là "của hiếm" mà quanh đi quẩn lại chỉ các đường chuyền ban vô vị hay những quả tạt, căng ngang cho có. Duy nhất một lần Romero phải thực sự trổ tài sau cú đánh đầu của Lulic từ một tình huống phạt góc.
Saballa đã không thể ngồi yên khi chứng kiến hiệp đầu quá tẻ nhạt và buồn ngủ của đội nhà nên ngay đầu hiệp 2, ông đã tiến hành điều chỉnh cả nhân sự cho đến lối chơi. Theo đó, Higuain và Gago được tung vào sân, thế chỗ của Maxi và Campagnaro. Chiến thuật lập tức được trở về 4-3-3 quen thuộc với bộ ba Higuian - Aguero - Messi ở tuyến trên và ngay phía dướ là Di Maria trong khi Gago là đối tác của Mascherano ở trung tuyến. Song Bosia mới là đội có được pha uy hiếp đầu tiên khi Hajrovic thực hiện cú sút phạt chếch bên cánh phải, đưa bóng vòng qua hàng rào chắn, chỉ có điều chưa đủ lực và hiểm hóc để đánh bại nốt chốt chặn cuối cùng Romero. Trên thực tế, Argentina vẫn chẳng tài nào chiếm lĩnh được thế trận và thua kém đối thủ về khả năng gây áp lực lên cầu môn. Ngoài pha bóng kể trên, hàng thủ Albiceleste còn đôi lần phải giật mình trước những đòn đánh của đối thủ.
Chính xác phải đến phút 60, thủ môn đang chơi bóng tại Premier League cho Stoke City, Asmir Begovic mới phải "động thủ" sau cú dứt điểm chéo góc của Aguero. Vài phút sau, M10 nhằm thẳng khán đài mà bắn trong tình huống đá phạt ở khoảng cách gần 30m (nhưng chính diện với cầu môn). Tuy nhiên, Messi rốt cục cũng chứng tỏ được đẳng cấp và trình độ của mình. Phút 65, sau khi đập nhả với đồng đội Higuain, El Pulga đã thi triển "kung-fu quen thuộc" (dẫn bóng đột phá qua vài cầu thủ đối phương rồi dùng chân trái dứt điểm) và thủ thành Begovic đã phải bó tay khi trái bóng vượt khỏi tầm với của anh, đập vào cột dộc trước khi chui vào lưới. Lưu ý rằng, đây mới là bàn thứ 2 của Messi ở các VCK World Cup (bàn đầu tiên xuất hiện ở trận đại thắng Serbia 6-0 tại kỳ WC đầu tiên mà anh đã tham dự cách đây 8 năm tại Đức). Người ta đã chờ đợi khoảnh khắc này từ quá lâu và đó rõ ràng là điềm báo tốt lành cho một giải đấu mà Messi cần phải bùng nổ.
Dẫu vậy, bộ mặt của Argentina không khởi sắc rõ rệt sau bàn thắng gia tăng cách biệt trong khi Bosnia vẫn kiên trì và cố gắng đến cùng chứ không chấp nhận buông xuôi nên họ đã được tưởng thưởng xứng đáng. Phút 84, tiền đạo vào sân trong hiệp 2 và đang chơi bóng tại Đức, Ibisevic băng vào vòng cấm đón đường chuyền đẹp của Lulic và kết thúc quyết đoán vào góc gần. Dù đã chạm được tay vào bóng nhưng Romero vẫn không thể cứu thua. Như vây, ngay trong trận trình làng World Cup, tân binh Bosnia đã có ngay bàn thắng đầu tiên mang tính chất lịch sử dù có thể nó chỉ là pha lập công danh dự mà thôi nhưng vẫn khiến người Argentina phải run sợ và Sabella đã phải đưa Biglia ra sân thay cho Aguero nhằm tăng cường sự chắc chắn cho tuyến giữa. Quả thật, khoảng thời gian ít ỏi còn lại là không đủ để Bosnia làm nên chuyện. Thậm chí, Messi mà dứt điểm tốt hơn sau màn kiến tạo của Di Maria ở phút bù giờ thứ 2 thì tỷ số chung cuộc đã là 3-1.
Tuy chiến thắng vừa rồi chẳng mấy ấn tượng và chẳng thể thuyết phục được ai nhưng xét cho cùng, Argentina đã có một khởi đầu suôn sẻ tại VCK World Cup 2014. Hãy nhớ rằng, đâu phải nhà vô địch nào cũng tưng bừng và đẹp đẽ ngay từ trận đầu. Điểm quan trọng là sự chắc chắn, tiến bộ qua từng trận đồng thời là cả sự tính toán, phân phối sức hợp lý của người thuyền truởng. Biết đâu đấy, càng vào sâu Argentina càng chơi hay, nhất là khi ngôi sao lớn nhất Messi đã sớm "khai nòng". Còn Bosnia mà cứ thể hiện như trận vừa rồi thì cơ hội vượt qua vòng bảng là không hề nhỏ bởi Iran quá yếu và Nigeria đã qua thời thịnh vượng.
Đội hình thi đấu
Argentina: Romero, Garay, Campagnaro (Gago 46'), Zabaleta, F. Fernandez, Rojo, Maxi Rodriguez (Higuain 46'), Mascherano, Di Maria, Messi, Aguero (Biglia 87')
Bosnia: Begovic, Bicakcic, Spahic, Kolasinac, Besic, Pjanic, Misimovic (Haris Medunjanin 74'), Mujdza (Ibisevic 69'), Lulic, Hajrovic (Visca 71'), Dzeko
Bảo Phương