(Bongda24h) - Trong một ngày Messi không thăng hoa và các vệ tinh xung quanh cũng chơi kém theo, Argentina đã không thể hạ gục nổi chủ nhà Ả Rập Xê Út "kém về mặt năng lực nhưng không chịu thua về mặt tinh thần" dưới sự dẫn dắt của nhà cầm quân hiểu khá rõ M10, Frank Rijkaard.
Chỉ cần cái tên Lionel Messi cũng đủ làm nên sức nóng của cuộc đấu "giao lưu hữu nghị" giữa đại gia bóng đá hàng đầu thế giới và quốc gia Trung Đông "thừa tiền, lắm tham vọng nhưng mãi vẫn lẹt đẹt trong làng túc cầu". Từ giờ đến hết năm, trận đấu nào cũng mang ý nghĩa với Messi bởi đơn giản, anh đang đứng trước thời cơ phá vỡ thêm vài kỷ lục nữa. Thêm một bàn, M10 sẽ vượt qua tiền bối Gabriel Batistuta trở thành tay săn bàn vĩ đại nhất cho ĐT Argentina trong năm (12). Thiếu 2 bàn, Messi sẽ chạm tới "đỉnh cao muôn trượng" của Vivian John Woodward (25 bàn thắng quốc tế trong năm cho ĐT Anh), tồn tại suốt hơn 100 năm qua (1909). Cuối cùng, anh chỉ còn 9 bàn so với "kỷ lục của kỷ lục" 85 bàn do "Vua dội bom" Gerd Muller thiết lập năm 1972. Thực ra, nhiều nguồn tin cho rằng thành tích của Muller không khủng khiếp đến mức vậy vì 12 bàn trong số đó được thực hiện ở một giải đấu không chính thức song điều đó xét cho cùng chẳng quan trọng vì một thiên tài cỡ như Messi đủ sức phá vỡ mọi giới hạn. Mới cả, nếu M10 chinh phục được cột mốc cứ cho là "ảo" đó thì tin chắc sẽ chẳng còn ai trên đời này dám xem thường siêu sao người Argentina. Từ thời bóng đá còn mông muội thì cũng đâu có huyền thoại nào làm được như thế, huống chi trong bối cảnh bóng đá hiện đại, phát triển thành một ngành công nghiệp với sự cạnh tranh khốc liệt thì lại xuất hiện một thiên tài xác lập ra hàng loạt kỳ tích tưởng như "viển vông".Messi im lặng, Argentina không thắng
Tuy phải chơi trên sân khách nhưng tin chắc, Messi và đồng đội sẽ nhận được sự cổ vũ không nhỏ vì phần lớn khán giả đến sân hoặc là fan hâm mộ của anh và ĐTQG Argentina, hoặc đơn giản chỉ muốn chứng kiến "bằng xương bằng thịt" những ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới thi đấu, trong đó tất nhiên "thần tượng số 1" còn ai khác ngoài Messi. Điều thật thú vị, dẫn dắt đội chủ nhà (ĐTQG Ả Rập Xê Út) là Frank Rijkaard, người thầy đầu tiên của M10 tại đội 1 Barcelona. Ngay từ cách bố trí đội hình xuất phát, đội khách đã làm hài lòng người hâm mộ Ả Rập Xê Út chật kín trên các khán đài khi đưa ra sân nhiều hảo thủ. Ngoài đội trưởng Messi thì còn cần phải kể đến Di Maria, Sergio Aguero, Mascherano hay Zabaleta, Coloccini. Dĩ nhiên, ĐT nào chẳng phải tận dụng những trận giao hữu để thử nghiệm nhân tố mới nên sự có mặt của njhững Salvio (đang khoác áo Benfica, BĐN), Tino Costa (Valencia) chẳng có gì là bất ngờ. Thậm chí, 2 "tuyển thủ lạ" còn được xem là ít.
Trận đấu khởi đầu vô cùng sôi nổi đúng với tính chất giao hữu. Không có gì ngạc nhiên khi Argentina dễ dàng giành quyền chủ động, lấn lướt về thời gian kiểm soát bóng và không ngừng tổ chức tấn công. Đội chủ nhà chống đỡ khá hiệu quả bằng hệ thống phòng ngự được tổ chức chặt chẽ (lưu ý, các cầu thủ ở Trung Đông sở hữu nền tảng thể lực khá sung mãn) cùng quyết tâm của từng vị trí. Chẳng những vậy, mỗi khi có thời cơ, Ả Rập Xê Út tiến hành ngay đòn đánh trả. Chính xác phải đến phút 12, Argentina mới tạo được cơ hội nguy hiểm đầu tiên. Từ một đường tân công bên cánh trái, trái bóng đến chân Messi ở sát vạch 16m50 và anh "nắn nót" thực hiện cú đặt lòng chân trái sở trường nhưng không thể hạ gục được thủ thành Abdullah. Đội chủ nhà đưa ra câu trả lời với màn băng xuống tốc độ của Al-Shamrani để đón đường chuyền dài của đồng đội, vượt qua Zabaleta rồi dứt điểm chệch cột dọc lúc chạm trán thủ thành Romero.
Phía ngoài sân, HLV Rijkaard không giấu nổi sự hài lòng khi nhìn các học trò thi đấu đầy tự tin trước ĐT đáng bậc "đàn anh" (thậm chí, "cha chú" cũng chẳng quá chút nào). Hàng thủ chơi tập trung và hạn chế tối đa sức mạnh công phá của đối thủ. Ngay cả Messi cũng không có quá nhiều đất để trình diễn. Trong khi đó, tuyến trên tỏ ra khá hiệu quả trong các bài phản công. Phút 19, lại là Al-Shamrani bứt tốc đón đường chọc khe của đồng đội và dứt điểm chéo góc mà nếu Romero không kịp phản xạ thì không loại trừ khả năng mành lưới của Argentina sẽ phải rung lên. Một vài tình huống ăn bàn rõ rệt càng mang đến sự hưng phấn mạnh mẽ cho bầy "Chim ưng xanh" (biệt danh của ĐTQG Ả Rập Xê Út) và nhờ vậy, thế trận dần trở nên cân bằng. Đến phút 29, đội chủ nhà xuất sắc làm tung mành lưới đội khách hùng mạnh. Xuất phát từ một pha đá phạt ở gần giữa sân, Al-Sahlawi băng xuống chọn đúng điểm rơi và thực hiện cú đánh đầu khó, buộc thủ thành đang khoác áo Sampdoria phải chịu bó tay. Thật đáng tiếc, trọng tài biên đã căng cờ báo việt vị và pha quay chạm đã khẳng định đó là một quyết định hoàn toàn chính xác.
Quả thực, Albiceleste đang gặp vô vàn khó khăn trong việc tiếp cận cầu môn đối phương. Ba ngôi sao trên hàng công Di Maria, Aguero, Messi chẳng những chưa có được cú đột phá nào ra hồn mà cũng chẳng phối hợp được với nhau lần nào khi mà hàng thủ dưới sự chỉ huy của thủ quân Hawsawi (cầu thủ duy nhất trong đội tuyển Ả Rập Xê Út đang chơi bóng tại nước ngoài cho CLB hàng đầu của Bỉ: Anderlecht) vẫn vững như bàn thạch. Những phút cuối hiệp 1, Argentina vẫn không tài nào giải quyết được bế tắc nhưng họ đã có thêm được vài ba cơ hội đáng kể như cú sút căng của Zabaleta ở gần vạch 16m50, buộc Abdullah phải trổ tài hay màn dẫn bóng lắt léo quen thuộc của Messi trong vòng cấm rồi đưa vào phía trong cho Di Maria song một hậu vệ áo xanh kịp thời phá ra.
Bước sang hiệp 2, Argentina có liền hai sự thay đổi người khi Ricky Alvarez, tiền vệ công đang khoác áo Inter Milan và Di Santo, tiền đạo đang chơi bóng tại Anh cho Wigan và chưa từng khoác áo ĐTQG trước đó, vào sân chiếm chỗ của Tino Costa cùng Salvio, hai cầu thủ đã chơi quá mờ nhạt. Nói chung, chưa cần bàn đến cục diện ra sao, đội tuyển nào chẳng cố tận dụng hết quyền thay người (tối đa 6) trong các trận giao hữu. Phút 49, Argentina được hưởng cú sút phạt ở cự ly hơn 25m và chính diện với cầu môn song Lionel Messi thực hiện không thành công. Đội tuyển đang đứng thứ 3 thế giới (theo BXH mới nhất của FIFA) vẫn cầm được nhiều bóng hơn và ra sức tấn công nhưng "bế tắc hoàn bế tắc". Messi và cộng sự chưa thể tìm ra một phương án hữu hiệu để phá vỡ được bức tường kiên cố dựng trước cầu môn.
Giống như hiệp đầu, Ả Rập Xê Út luôn đánh trả "đâu ra đấy". Nhìn ĐT này thi đấu, không khó để nhận ra dấu ấn của HLV Rijkaard khi các cầu thủ áo xanh phối hợp nhỏ, bật tường khá nhuần nhuyễn và phần nào mang hơi hướng tiqui-taka (cần nhớ, Rijkaard có công sức không nhỏ vào việc hình thành ra phong cách đã làm nên thương hiệu Barcelona). Phút 66, cầu thủ vào sân thay người Al Qahtani có dịp đối mặt với Romero sau màn bật tường cùng đồng đội nhưng anh đã xử lý không tốt, khiến thủ thành 25 tuổi cản phá được. Bóng bật ra lại đến vị trí của Al Qahtani và một cú sút về cầu môn bỏ trống được tung ra. Tuy nhiên, trên vạch vôi vẫn còn Rojo, hậu vệ đang khoác áo Sporting Lisbon (Bồ Đào Nha) nên chưa có bàn thắng cho đội chủ nhà. Vài phút sau, Argentina cho rằng họ xứng đáng được hưởng 11m sau khi trái bóng trúng vào tay một cầu thủ chủ nhà từ pha xử lý của Aguero.
Phút 70, tận dụng sự thiếu dứt khoát của hàng thủ Argentina, một bóng áo xanh dũng mãnh đột nhập vòng cấm địa mà nếu Romero không tỉnh táo băng ra nhanh để chặn đứng từ trong trứng nước thì đội khách khó lòng tránh khỏi bàn thua. Ngay sau đó, bóng liên tục được phá ra ở trước vạch vôi bên phía cầu môn đội chủ nhà sau các pha dứt điểm liên tiếp của Aguero, Di Santo. Thời gian cứ trôi đi và Argentina càng phải gia tăng áp lực. Phút 77, Di Santo bật cao đánh đầu vọt xà ngang từ quả tạt như đặt của Di Maria bên cánh trái. Nhưng đáng nói hơn cả là tình huống diễn ra mấy phút sau đó. Messi khởi xướng đợt tấn công, "đập nhả" với Sergio Aguero rồi dùng kỹ thuật cá nhân điêu luyện thoát khỏi sự truy cản của một hậu vệ đối phương song Abdullah đã băng lên nhanh như cắt, khiến cho M10 không thể thực hiện được pha kết thúc.
Những phút cuối trận, Albiceleste thi đấu ngày một khẩn trương, gấp gáp nhưng bàn thắng vẫn chẳng thấy đâu, nhất là khi khả năng chớp cơ hội không tốt của hàng công. Phút 86, Di Santo có bóng trong tư thế trống trải sau đợt uy hiếp của Messi. Đúng là góc không được rộng song tiền đạo sinh năm 1989 lại xử lý không tốt với một động tác "chẳng rõ chuyền hay sút" làm trái bóng bay ngang qua cầu môn. Trước khi hết giờ, đã xuất hiện một tình huống gây tranh cãi. Thủ thành Abdullah đã vào trúng bóng trong pha truy cản Sergio Aguero, ấy thế mà, trọng tài vẫn thổi phạt. Điểm đáng bàn ở đây, ông vua sân cỏ lại xác định điểm phạm lỗi nằm ngoài vạch 16m50 (đồng nghĩa không có penalty mà chỉ là phạt trực tiếp) trong khi camera đã chỉ ra Aguero bị đốn hạ từ khi toàn bộ thân hình vẫn còn nằm gọn trong vòng cấm. Nếu trọng tài xử lý chuẩn hơn thì Argentina đã có được thắng lợi dù chẳng vẻ vang cho lắm nhưng như thế còn hơn là hứng chịu một trận hoà "hai không". Chính vì thế, Messi và đồng đội rời sân trong tâm trạng buồn rười rượi. Vậy là, "Quả bóng vàng FIFA" 3 năm liên tiếp không thể xác lập kỷ lục ghi bàn mớ trong màu áo ĐTQG bởi từ giờ đến hết năm, Argentina không còn thi đấu thêm bất cứ một trận nào nữa.
Đội hình xuất phát
Ả Rập Xê Út: Abdullah;A l-Shahrani, Hawsawi, Al-Bishi, Al-Harbi; Khariri, Al-Dosari, Otaif, Al-Jassim; Al-Shamrani, Al-Sahlawi
Argentina: Romero; Zabaleta, Fernandez, Coloccini, Rojo; Salvio, Mascherano, Tino Costa, Di Maria; Aguero, Messi
Bảo Phương