Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

Hà Lan 2-1 Mexico: Màn thắng ngược kỳ diệu của Robben và cộng sự

Chủ Nhật 29/06/2014 22:29(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chuyện Hà Lan lọt vào tứ kết hoàn toàn nằm trong dự đoán của phần lớn giới chuyên môn nhưng chắc chắn, ít người lại dám tưởng tượng ra một kịch bản không thể thót tim và kịch tính hơn thế. Cho đến tận phút 88, Hà Lan vẫn bị dẫn trước 1-0 và hoàn toàn bế tắc trong việc tìm kiếm bàn gỡ, thậm chí phần lớn thời gian bị lấn át song trong một khoảnh khắc "trời định", Sneijder đã làm tung lưới Ochoa để rồi vài phút sau, tới lượt Huntelaar lập đại công trên chấm 11m sau khi cầu thủ chơi hay nhất bên phía Mexico, thủ quân Rafael Marquez đã đánh mất sự tỉnh táo bằng pha truy cản Robben, giúp "lốc đầu đàn" của Hà Lan ở trận này có dịp "toả sáng" mang về cho đội nhà cú đá penalty định mệnh.

Hà Lan chắc chắn là đội tạo được ấn tượng mạnh nhất vòng bảng khi không chỉ giành số điểm tuyệt đối (9) mà còn là đội ghi được nhiều bàn nhất (10). Dưới bàn tay dìu dắt của nhà cầm quân lão luyện Louis Van Gaal mà được giới chuyên môn nhìn nhận mới đích thực là ngôi sao sáng nhất Oranje tại giải đấu lần này chứ không phải một tuyển thủ quốc gia nào dù lẫy lừng như Van Persie hay Robben, hai cầu thủ chơi tốt nhất đội từ đầu giải. Quả thực vị thuyền trưởng tương lai của CLB Man Utd đã biến Hà Lan thành một tập thể vững mạnh, có sự kết hợp nhịp nhàng giữa những cựu binh dày dạn kinh nghiệm và số cầu thủ trẻ chưa được biết đến nhiều nhưng thực sự vô cùng lợi hại khi được sử dụng đúng cách. Không những vậy, Hà Lan bây giờ cực kỳ linh hoạt và uyển chuyển về mặt chiến thuật cũng như lối chơi. Khó có thể nhận định rõ ràng Hà Lan của Van Gaal theo trường phái nào: tấn công hay thực dụng bởi Oranje hội tụ đặc trưng của cả hai phong cách này. Khi cần, Hà Lan có thể bùng nổ công phá đối phương chẳng kém ai nhưng họ mà muốn thực dụng, triển khai đấu pháp khó chịu khắc chế bất cứ đối thủ nào thiên về tấn công thì tin chắc không dễ hoá giải chút nào. Tại vòng bảng, Hà Lan đã thể hiện đầy đủ những tố chất đó nhưng không có nghĩa họ đã để lộ hết bài bởi đơn giản, Van Gaal cực kỳ khôn lường, đặc biệt trong khoản thay thế nhân sự, điều chỉnh chiến thuật sắc sảo tuỳ theo diễn biến cụ thể của trận đấu.

Sneijder xứng danh là ngôi sao của những trận đấu lớn
Sneijder xứng danh là ngôi sao của những trận đấu lớn

Trong khi đó, Mexico cũng khẳng định được năng lực, sức mạnh của mình tại vòng bảng. Rõ ràng, Mexico đã xoay sở vượt qua một bảng đấu khó chơi và hoàn toàn tỏ ra ngang ngửa với chủ nhà Brazil. Đại diện của khu vực CONCAFAF sở hữu phong cách thực dụng đỉnh cao. Hàng thủ mới phải nhận duy nhất 1 bàn thua từ đầu giải và hàng công phản công cực sắc. Giống hệt Hà Lan, nền tảng cốt lõi của Mexico là một tập thể gắn kết mà không ai là ngôi sao quá quan trọng, không thể thay thế. Dù vậy, nếu trung vệ đội trưởng Rafael Marquez và thủ thành Ochoa mà vắng mặt hay chơi dưới sức thì Mexico nhiều khả năng sẽ nguy to. Một người là thủ lĩnh hàng thủ 5 người với trách nhiệm to lớn, bao quát của một libero cổ điển mà tưởng như đã bị tuyệt diệt trong thế giới bóng đá song đến kỳ World Cup này đã được hồi sinh. Libero là vị trí đòi hỏi kỹ năng cực kỳ toàn diện của cầu thủ (phải biết cả công lẫn thủ, di chuyển nhịp nhàng như con thoi giữa các tuyến, biết điều phối đồng đội để tránh bị dẫm chân lên nhau cũng như phán đoán chính xác tình huống có thể xảy ra hòng can thiệp kịp thời) và không phải ai cũng có thể đảm nhận hay nói một cách khác, thời nào cũng vậy, số libero "xịn" trên thế giới có lẽ đếm không hết một bàn tay còn người kia thi đấu siêu đẳng nơi khung gỗ, bất chấp đang rơi vào cảnh bơ vơ không chốn dung thân. Ochoa, đã khiến Samuel Eto’o phải im hơi lặng tiếng khi Mexico đánh bại Cameroon 1-0, rồi có trận đấu hay nhất giải ở Fortaleza (cũng là địa điểm diễn ra trận đấu vòng 1/8 với ... Hà Lan) khi 2 lần từ chối Neymar với những pha cứu thua ngoạn mục trong trận hòa 0-0 với chủ nhà Brazil.

Quả thực, Van Gaal luôn rất biết cách tạo bất ngờ cho đối thủ về cách bố trí nhân sự, khiến họ chẳng biết đâu mà lần. Janmaat, cầu thủ đã có mặt đầy đủ trong 3 trận vòng bảng vừa qua, bất ngờ phải ngồi ngoài sân và mất suất đá chính vào tay Paul Verhaegh, hậu vệ kỳ cựu chơi bóng tại Đức cho Augsburg nhưng mới chỉ có đôi lần khoác áo ĐTQG. Verhaegh cùng Dirk Kuyt, một lão tướng khác cũng ngoài 30 tuổi nhưng thâm niên thi đấu cho Oranje thì khủng hơn nhiều (đây chính là trận thứ 100 của cựu cầu thủ Liverpool ở ĐTQG Hà Lan) sẽ quán xuyến hai cánh trong sơ đồ 3-5-2 song sẽ mai chóng được biến thành 5-3-2 hoặc 4-3-3 nhờ sự đa năng, linh hoạt của các cầu thủ. Wijnaldum, tiền vệ trẻ sinh năm 1990 của PSV, vẫn giữ được vị trí ở tuyến giữa bên cạnh đàn anh Nigel De Jong trong khi trên hàng công, tất nhiên vẫn có mặt đầy đủ bộ ba Sneijder (hộ công) - Van Persie, Robben (tiền đạo). Về phần Mexico, HLV Herrera vẫn duy trì quan điểm chơi 5 hậu vệ với Marquez ở trung tâm như mọi khi. Sự thay đổi duy nhất là sự có mặt của Carlos Salcido, lão tướng đã 33 tuổi ở tuyến giữa có trên 120 lần khoác áo ĐTQG thay cho Vazquez bị treo giò. Dù đóng góp 1 bàn vào chiến thắng 3-1 trước Croatia ở trận cuối, Javier Hernandez vẫn phải ngồi ngoài sân, khiến anh chưa thể có cơ hội ghi điểm với ông thầy mới Van Gaal.

Trước trận, không ít chuyên gia đã nhận định rằng kiểu gì Hà Lan cũng gặp vô vàn khó khăn trước Mexico nhưng cuối cùng vẫn là đội chiến thắng nhờ các ngôi sao. Hà Lan vốn đã có một ngôi sao trên ghế huấn luyện: Louis Van Gaal thì đêm qua, lại xuất hiện thêm 2 ngôi sao nữa. Một tiền vệ im tiếng từ đầu giải nhưng khẳng định đẳng cấp đúng lúc: Wesley Sneijder. Một siêu dự bị Huntelaar, người chơi chưa tới 20 phút nhưng kiến tạo một bàn và ghi bàn ấn định chiến thắng. Bên cạnh đó là "gương mặt thân quen" Robben, siêu sao giỏi đột phá, biết dứt điểm và mang về quả phạt đền quan trọng. Nếu cần một ví dụ thì Sneijder là hình mẫu tiêu biểu cho đẳng cấp người Hà Lan. Tiền vệ 30 tuổi không còn giữ được phong độ đỉnh cao cách đây 4 năm và trầm lắng ở các trận đấu vòng bảng cũng như 87 phút ở cuộc đối đầu Mexico. Tuy nhiên chỉ cần một khoảnh khắc để anh lóe sáng đúng lúc, mở màn cho cuộc lội ngược dòng. Đây cũng là bàn thắng thứ năm của Sneijder ở năm trận đấu loại trực tiếp gần nhất tại World Cup.

Hà Lan sớm phải chịu tổn thất khi De Jong phải rời sân do chấn thương
Việc De Jong phải rời sân do chấn thương hồi đầu trận chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thất thế của Hà Lan

Không thể phủ nhận, Mexico đã chơi tốt trước Hà Lan và nếu họ giành quyền vào tứ kết cũng hoàn toàn xứng đáng. HLV Herrera đã cho các học trò tiếp cận trận đấu ấn tượng, chia cắt các ngôi sao tấn công Hà Lan đồng thời tận dụng mọi cơ hội để dứt điểm. Lối chơi của Mexico khiến Hà Lan gặp khó khăn trong phần lớn thời gian thi đấu và tưởng chừng phải bỏ cuộc. Tuy nhiên số phận đã không mỉm cười với Mexico và tước đoạt tấm vé vào tứ kết theo cách phũ phàng nhất. Hàng phòng ngự Mexico với thủ lĩnh Rafael Marquez có những pha truy cản hợp lý, trong đó hai lần khiến Robben ngã trong vòng 16m50 mà không bị thổi phạt. Ngay cả trong trường hợp Robben vượt qua Marquez thì tiền vệ này vẫn không đánh bại được Ochoa. Thủ môn được mệnh danh "Người nhện" tại World Cup năm nay không chỉ chiến thắng Robben mà còn xuất thần cản phá cú dứt điểm cận thành của De Vrij. Ochoa chỉ bị đánh bại bởi hai tình huống mà anh hoàn toàn bị động trước Sneijder và Huntelaar. Trên hàng công, Mexico khiến hậu vệ Hà Lan phải vất vả với tốc độ và sự khéo léo từ hai biên. Việc thiếu đi De Jong ngay đầu trận khiến Hà Lan đánh mất trung tuyến vào tay Mexico. Điều này khiến Mexico chơi lấn lướt, đặc biệt trong hiệp một song đã không thể tận dụng tốt thời cơ để rồi phải "chết" hiên ngang vào phút chót.

Như mọi khi, Hà Lan vẫn chọn cách tiếp cận trận đấu theo cách ru ngủ đối phương khi thi đấu vô cùng chậm rãi, từ tốn và chưa hề muốn bốc dù Mexico duy trì cự ly đội hình khá thấp. Nhưng khi thời gian mới chưa trôi qua được 10 phút, "cơn lốc màu da cam" đã phải gánh chịu tổn thất khi De Jong phải rời sân do chấn thương và Van Gaal đành phải đưa hậu vệ trẻ Martins Indi vào thay. Như vậy, Daley Blind, một trong những phát hiện mới của Van Gaal ở kỳ World Cup này, sẽ được đẩy lên tuyến giữa trám vào lỗ hổng De Jong để lại còn Indi sẽ đá lệch trái trong hàng thủ 3 người. Tuy nhiên, chẳng rõ có phải do quán triệt đến cùng quan điểm "chơi chậm" của HLV trưởng hay do thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sức khoẻ mà các hậu vệ thi đấu dưới sức, đặc biệt xoay sở vô cùng khó nhọc và tốc độ xử lý tình huống chậm, dẫn đến chuyện Mexico đã có điều kiện tổ chức các bài lên bóng nhanh sở trường. Phút 14, Layun đột ngột tăng tốc chếch bên cánh trái, vượt qua Verhaegh rồi chuyền cắt mặt vô cùng khó chịu vào phía trong nhưng không đồng đội nào của anh kịp tiếp ứng.

Vài phút sau, từ cú nhả bóng của Peralta, tiền vệ trùng tên với người thầy đáng kính ở ĐTQG (nhưng giữa hai người chẳng có dây mơ rễ má gì về mặt họ hàng) đã bình tĩnh loại bỏ một bóng áo cam trong vòng cấm rồi dứt điểm chìm chệch cột dọc trong gang tấc. Phút 20, Vlaar đã phải xài "thủ pháp" giơ cao chân hòng ngăn chặn Herrera xâm nhập vòng cấm và có vẻ mũi giày của hậu vệ Hà Lan đã trúng vào đầu tiền vệ Mexico nhưng chẳng có tiếng còi nào cất lên trong sự bực bội của ban huấn luyện Mexico. Càng chơi càng hay, Mexico bắt đầu thể hiện sự lấn lướt so với đối thủ được đánh giá cao hơn và điều đáng ngại nhất cho Hà Lan là Mexico thực sự tấn công rất sắc bén, được triển khai ở tốc độ cao dù không quá màu mè. Đặc biệt, Mexico rất khôn ngoan tập trung khai thác mạnh vào hai biên do hai cầu thủ cứng tuổi trấn giữ. Phút 24, Salcido bất ngờ tung ra cú sút từ xa và thủ thành Cillessen đã hơi giật mình nên không thể bắt dính bóng.

Trước khị bị thủng lưới, Mexicon đã tỏ ra trên cơ Hà Lan
Trước khị bị thủng lưới, Mexicon đã tỏ ra trên cơ Hà Lan

Hoạ hoằn lắm, Hà Lan mới có được màn đáp trả song chẳng đủ "gãi ngứa" cho hàng thủ kiến cố mang màu xanh. Khá may cho Hà Lan, đúng thời điểm họ bị lép vế thấy rõ và rất cần một quãng thời gian nghỉ ngắn để "tĩnh tâm" và có được sự chỉ đạo cấp thiết từ Van Gaal thì trọng tài đã cho trận đấu tạm nghỉ theo chế độ "giải nhiệt" để hai đội tiếp nước và được các bác sĩ săn sóc ngay trên sân. Chẳng là ở World Cup lần này, FIFA thừa hiểu mức độ giới hạn của các cầu thủ khi phải thi đấu trong điều kiện thời tiết nắng nóng, lại vào thời điểm giữa trưa (theo giờ Brazil) như trận đấu này nên đã cho phép các trọng tài được phép dừng trận đấu khoảng vài phút để cầu thủ hai đội được nghỉ ngơi, săn sóc sức khoẻ nếu như nhiệt độ trên sân vượt qua mốc 30 độ. Nhờ vậy, sự yếu thế của Hà Lan được giảm bớt sau khi trận đấu tiếp tục nhưng Mexico vẫn đôi ba lần khoét cánh, khiến các CĐV Hà Lan giật mình thon thót bởi cả Robben lẫn Verhaegh hầu như toàn bị hụt hơi trước các tiền vệ đầy tốc độ của đối phương. Song tình huống nổi bật nhất mà Mexico có được trong khoảng thời gian còn lại của hiệp 1 lại xuất phát từ pha đánh trung lộ và Dos Santos băng vào vòng cấm đón bóng rồi dứt điểm ở góc hẹp, bị Cillessen chặn đứng.

Tuy nhiên, ngay trước thời điểm giải lao, lẽ ra Hà Lan đã có cơ hội mở tỷ số nếu trọng tài quan sát tinh tế hơn. Van Persie chớp được đường chuyền hỏng hiếm hoi của hàng thủ đối phương để triển khai đợt tấn công chớp nhoáng và Robben đã lao xuống hỗ trợ. Song khi mà ngôi sao của Bayern chưa kịp thực hiện ý đồ dứt điểm thì anh đã bị cả Marquez lẫn Moreno đốn hạ từ hai hướng. Ấy thế mà, không hiểu sao, ông vua sân cỏ người BĐN, Pedro Proenca lại bỏ qua. Xem lại pha quay chậm thì dường như, Hà Lan xứng đáng được hưởng 11m ở pha bóng này. Rốt cục, ngay đầu hiệp 2, Mexico đã có được bàn thắng, thành quả xứng đáng cho những gì họ đã trình diễn từ đầu trận. Phút 48, Dos Santos ung dung xử lý bóng mà không vấp phải sự truy cản nào quá quyết liệt từ cặp tiền vệ trung tâm Blind - Wijnaldum ở khoảng cách hơn 20m so với cầu môn và nhờ vậy, cầu thủ từng trưởng thành từ lò La Masia danh tiếng đã có thời cơ tung ra cú sút xa rất hiểm bằng chân trái, lại cộng thêm phản ứng khá bị động của Cillessen nên trái bóng đã chui gọn vào góc lưới.

Bị dẫn bàn, Hà Lan buộc lòng phải tìm cách dâng cao đội hình và thi đấu gấp gáp, khẩn trương hơn hòng kiếm bàn gỡ. Nhưng nhờ vậy, Mexico lại càng dễ xuyên thủng hậu phương lỏng lẻo của Hà Lan. Phút 54, lại một cú sút tầm xa được Dos Santos tung ra và lần này, Cillessen đã chơi tốt khi tung người bắt gọn. Không thể kiên nhẫn lâu hơn, HLV Van Gaal đã đưa "gà son" Depay vào sân. Còn nhớ, tiền vệ sinh năm 1994 này đã có hai bàn tại World Cup 2014, đều được thực hiện sau khi vào sân thay người. Sự có mặt của Depay gần như ngay tức thì mang lại điềm may cho đội nhà dù chưa thể thành bàn thắng. Phút 57, từ quả phạt góc của Robben, De Vrij ập vào dứt điểm dũng mãnh và lần đầu tiên trong trận đấu, "siêu thủ môn" Ochoa phải trổ tài cứu bóng ngay trên vạch vôi. Trước khi ra ngoài, trái bóng còn liếm vào cột dọc. Thực ra, trong tình huống này, Ochoa gặp may nhiều hơn là tài năng khi bóng đi đúng vào vị trí của anh và cũng trúng vào đầu chứ không bị tay cản phá.

Tình huống Robben bị phạm lỗi đã quyết định số phận của Mexico
Cú ngã quyết định trận đấu của Robben

Với quyết tâm cao độ và nhịp điệu dồn dập, Hà Lan dần chiếm lĩnh được cục diện nhưng đó lại là dịp để hàng thủ áo xanh được thử lửa. Về cơ bản, họ tiếp tục bảo vệ an toàn cho khung thành Ochoa trước những màn đột phá của Robben hay sự tinh quái của Sneijder, Van Persie. Phút 61, tiền vệ số 10 của Hà Lan từng cùng Inter Milan phiên bản Jose Mourinho đoạt cú ăn ba vĩ đại ở mùa giải 2009-2010 nỗ lực tung ra ra cú sút ở gần vạch 16m50 và trái bóng đã đập vào chân hậu vệ Mexico rồi bay chệch khung thành. Phút 69, Robben đã phải nằm sân sau cố gắng xâm nhập vòng cấm địa nhưng trọng tài vẫn làm ngơ. Lần này ông đã chính xác bởi điểm phạm lỗi đầu tiên nằm ngoài vạch 16m50 và tiếp đó, chính xác hơn Robben đã vấp vào chân hậu vệ Mexico chứ chẳng có ai truy cản anh. 

Trong bối cảnh khó khăn ngập tràn thì hiển nhiên Hà Lan rất trông đợi vào Robben, cầu thủ có khả năng tạo ra đột biến cao nhất trong đội hình. Phút 73, Robben đột nhập vào vòng cấm từ cánh phải, dũng mãnh loại bỏ chốt chặn cuối cùng xuất sắc Rafael Marquez bằng kỹ thuật cá nhân điêu luyện nhưng ở thế đối mặt với Ochoa, anh đã thất bại. Xem ra, thủ thành 28 tuổi người Mexico sẽ kiếm được chỗ làm mới ngon lành sau World Cup 2014 khi anh đang thể hiện được phong độ cao tại Brazil và danh hiệu "thủ môn xuất sắc giải" hiện nằm gọn trong tay anh. Phút 76, thủ quân Robin Van Persie đã phải rời sân do chơi quá mờ nhạt và "thợ săn" Huntelaar, cầu thủ đạt thành tích ghi bàn tốt thứ hai cho ĐTQG trong thành phần tham dự World Cup 2014 (sau chính Percy), vào thay nhưng sự điều chỉnh này không phát huy tác dụng khi Huntelaar hoàn toàn lạc lõng giữa vòng vây áo xanh. Phút 80, lẽ ra trận đấu đã an bài và số phận của Oranje chính thức được định đoạt nếu như Salcido không dứt điểm quá cẩu thả  (đưa bóng bay lên trời) sau khi đã luồn lách qua 2-3 cầu thủ áo cam.

Về cuối trận, Hà Lan chơi vô cùng khẩn trương. Những lão tướng như Robben, Sneijder, Kuyt đã dốc toàn bộ sức lực còn lại trong người để níu giữ hy vọng mong manh mà ngày một giảm đi theo thời gian nhưng bóng đá vốn dĩ từ xưa đến nay luôn tiềm ẩn vô số bất ngờ, kịch tính, khó lường không ai có thể đoán trước. Chính những điều này đã làm nên sức hấp dẫn không thể cưỡng lại của môn thể thao Vua. Phút 88, khi mà Hà Lan "tắc vẫn hoàn tắt" và "lốc" vẫn chỉ là "gió nhẹ" thì bàn thắng đột nhiên đến với họ. Từ quả phạt góc bị phá ra của Robben, trái bóng bật đến đúng tầm chân của Sneijder và không chần chừ, tiền vệ 30 tuổi dồn toàn bộ sức mạnh thực hiện ngay cú bắt volley bằng má ngoài chân phải. Trái bóng bay với tốc độ kinh hoàng và tin chắc kể cả thánh Lev Yashin có sống dậy hay bất cứ thủ thành huyền thoại nào khác của bóng đá thế giới rơi vào tình cảnh này cũng phải bất lực như Ochoa bởi đơn giản, một cú đá như vậy chắc chắn không thể chặn đứng thành công. Kể cả có chạm được vào bóng thì cũng không thể cản nổi, thậm chí có thể gãy tay chứ chẳng chơi.

Nỗi thất vọng cùng cực của Mexico khi cầm vàng mà để vàng rơi
Nỗi thất vọng cùng cực của Mexico khi "cầm vàng mà để vàng rơi"

Tưởng như, chừng đó đã là quá hấp dẫn và kịch tính rồi thì người hâm mộ, đặc biệt đem lòng yêu mến Hà Lan, lại được "phát rồ" vào phút bù giờ thứ 2. Không biết lần thứ bao nhiêu trong trận đấu, Robben lại sử dụng kỹ thuật cá nhân điêu luyện để xâm nhập vòng cấm và "át chủ bài của Mexico, Rafael Marquez dày dạn kinh nghiệm, chơi cực hay từ đầu trận đã mắc phải sai lầm sơ đẳng. Với những năm tháng thi đấu đỉnh cao, trung vệ 35 tuổi này quá hiểu Robben nguy hiểm và tinh ranh đến mức nào ấy thế mà anh vẫn dại dột kê chân hòng cản phá Robben. Vậy là, ngôi sao sáng của Hà Lan chẳng có lý do gì để không đổ vật xuống sân và trọng tài không thể làm gì khác ngoài chỉ tay vào chấm 11m. Cứ cho Robben đã diễn kịch quá khéo song Marquez cần phải tự trách bản thân trước và ở các tình huống tương tự, đa phần đội ngũ vua sân cỏ cũng làm như Proenca, nhất là khi cái chân của Marquez thực sự đã chạm vào Robben dù tác động rất nhỏ. 

Điều khá ngạc nhiên, Van Gaal lại trao trách nhiệm sút 11m nặng nề cho Huntelaar chứ không phải Robben, Sneijder hay Kuyt. Song ai cũng rõ, từ đầu giải, hầu như mọi quyết định thay người của vị tướng tài Van Gaal đều phát huy tác dụng và lần này cũng chẳng phải ngoại lệ khi tiền đạo đang khoác áo Schalke (Đức) lạnh lùng đánh lừa Ochoa để mang về chiến thắng nghẹt thở và kịch tính nhất từ đầu giải đến giờ. Tiếng còi kết thúc trận đấu vàng lên và nhiều chiến binh quả cảm, cứng cỏi của Mexico đã khóc tu tu trên sân như những cậu nhóc. Đương nhiên không thất vọng và khổ đau làm sao được khi họ "cầm vàng mà để vàng rơi" quá tiếc nuối. Vậy là, kể từ năm World Cup 1994 đến nay, Mexico vẫn không làm sao lọt nổi vào tứ kết dù liên tục vượt qua vòng bảng và năm nay, họ đã tiến gần hơn bao giờ hết đến vòng đấu đó. Còn người Hà Lan tất nhiên chẳng thể quá tự hào với những gì đã làm được ở trận này nhưng đừng quên rằng, yếu tố may mắn và khoảnh khắc luôn song hành với mọi nhà vô địch, bất kể cấp độ (CLB, ĐTQG) hay giải đấu. Trên chặng đường vinh quang, kiểu gì cũng phải tồn tại vài ba trận đấu thót tim và "chết hụt" như vừa rồi bởi phải như thế thì thành công có được mới được nhớ đến muôn đời.

Đội hình thi đấu
Hà Lan:
Cillessen, Vlaar, De Vrij, Verhaegh (Depay 56'), Blind, Wijnaldum, De Jong (Indi 9'), Sneijder, Robben, Kuyt, Van Persie (Huntelaar 76')
Mexico: Ochoa, Aguilar, Rodriguez, Marquez, Moreno (Reyes 46'), Layun, Salcido, Herrera, Guardado, Giovani Dos Santos (Aquino 61'), Peralta (Javier Hernandez 75')

Bảo Phương

Có thể bạn quan tâm

Argentina 1-1 Brazil (Kết thúc): Neymar tắt lịm, kinh điển Nam Mỹ bất phân thắng bại

Argentina 1-1 Brazil (Kết thúc): Neymar tắt lịm, kinh điển Nam Mỹ bất phân thắng bại

Argentina 1-1 Brazil (Kết thúc): Neymar tắt lịm, kinh điển Nam Mỹ bất phân thắng bại

(Bongda24h.vn) - Cập nhật liên tục diễn biến tường thuật trực tiếp tình huống video clip kết quả kèm link xem bóng đá trực tuyến chất lượng cao trận đấu Siêu kinh điển Nam Mỹ Superclasico Argentina vs Brazil thuộc vòng loại World Cup 2018 khu vực Nam Mỹ.

Xem thêm
top-arrow
X