Thứ Ba, 16/04/2024Mới nhất
Zalo

Hà Lan 2-0 Chile: "Cơn lốc trẻ" hoành hành

Thứ Hai 23/06/2014 22:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Dù lựa chọn lối chơi phòng ngự - phản công nhưng Hà Lan mới là đội kiểm soát được tình hình từ đầu đến cuối để rồi có được thắng lợi khá nhàn nhã khi mà Chile cũng không dám chơi hết mình. Van Persie vắng mặt nên trách nhiệm đổ hết lên đầu Robben và anh cũng không làm ai thất vọng khi góp sức vào cả hai bàn thắng do hai gương mặt giàu triển vọng của bóng đá nước nhà, đều vào sân thay người, Leroy Fer cùng Memphis Depay thực hiện.

Cả Hà Lan lẫn Chile đều đã giành quyền đi tiếp nên cuộc chạm trán ở lượt cuối vòng bảng chỉ mang ý nghĩa định đoạt ngôi đầu mà thôi. Lẽ ra, trận đấu sẽ trở nên đáng xem hơn nhiều nếu như FIFA không bố trí hai trận cuối bảng B diễn ra trước hai trận cuối bảng A đồng nghĩa Hà Lan hay Chile đâu có quyền chọn đối thủ cho mình ở vòng 1/8. Chính Louis Van Gaal đã cực kỳ bức xúc trước chuyện này và công khai tuyên bố rằng FIFA đã chủ định thiên vị nước chủ nhà Brazil nên mới sắp xếp buồn cười như vậy. Dù sao, đánh giá tổng thể và khách quan thì đội nào đứng đầu bảng B sẽ có cơ hội lớn hơn tránh được Brazil, trừ phi Selecao nghĩ khác song khả năng Brazil chủ đích chọn vị trí thứ 2 là cực thấp bởi đơn giản Brazil lúc nào cũng tràn đầy niềm kiêu hãnh, lại chơi trên sân nhà nên khái niệm buông, cầm chừng, không hết mình chỉ vì muốn tránh đội nào, đội kia không được phép tồn tại trong đầu, bằng không kiểu gì họ cũng sẽ phải đối mặt với sự giận dữ của dư luận nước nhà vốn cực kỳ khắt khe.

hà lan chile
 

Trong bối cảnh, nhiều đội tuyển đến từ châu Âu gặp vô vàn khó khăn tại World Cup 2014 được tổ chức ở Nam Mỹ với nhiều điều kiện không thuận lợi, đặc biệt về khoản thời tiết thì rõ ràng những gì Hà Lan làm được đến lúc này là tuyệt vời và rất đáng ghi nhận. Chưa bàn đến hai thắng lợi liên tiếp và 6 điểm trọn vẹn như hệ quả tất yếu, bản thân Oranje đã có nhiều sự thay đổi, cải tiến các giá trị truyền thống hòng hướng đến một ĐT giàu sức cạnh tranh hơn và có thể chạm tới các danh hiệu lớn. Thứ "Total Football (Bóng đá tổng lực)" vốn là đặc sản bao đời nay của bóng đá Hà Lan hiện chỉ còn phảng phất chứ không quá thống lĩnh ĐTQG như trước. Dưới bàn tay của Van Gaal, Hà Lan bây giờ không đến mức quá thực dụng hay có chủ trương dựng xe bus hai tầng mà đã biết triển khai nhiều đấu pháp linh hoạt khác nhau chứ không chỉ bó hẹp trong sơ đồ 4-3-3 truyền thống. Với van Gaal, “Oranje” chiến đấu nhiều hơn, hạn chế phối hợp ngắn và luôn phản công nhanh nhất có thể.

Trước Chile, Hà Lan thể hiện rõ quyết tâm giành chiến thắng khi đưa ra sân đội hình gần như mạnh nhất. Thủ quân Van Persie không thể thi đấu do án treo giò nên Van Gaal đã bố trí Jeremain Lens, tiền đạo đang chơi bóng tại Ukraine cho Dynamo Kiev, chơi trên hàng công với Robben. Sneijder vẫn sắm vai hộ công ngay phía dưới dù rằng tân thuyền trưởng Man Utd có lẽ nên thử nghiệm một phương án khác phòng có thể sử dụng khi cần thiết vì Sneijder chơi không tốt trong hai thắng lợi vừa qua. Lão tướng Dirk Kuyt có lần đầu tiên được ra sân ở World Cup 2014 và sẽ chơi bên cánh trái khi mà "phát hiện mới" Daley Blind lùi xuống đảm nhận vai trò trung vệ do Indi chưa hoàn toàn bình phục chấn thương gặp phải ở trận đấu với Australia trong chiến thuật 3-4-1-2 và có thể chuyển thành 5-3-2 khi cần thiết. Cầu thủ bắt cặp với De Jong ở tuyến giữa không còn là De Guzman mà là Wijnaldum, tiền vệ sinh năm 1990 của PSV Eindhoven. Trong khi đó, không hẹn mà gặp, ĐT Chile cũng bố trí sơ đồ mang dáng dấp 3-4-1-2 (hoặc 3-4-3) nhưng giống như Hà Lan mất Van Persie thì Chile cũng không có được sự phục vụ của Arturo Vidal, cầu thủ quan trọng bậc nhất đội vì lý do khác: sức khoẻ không đảm bảo. Thực ra, trước khi World Cup khởi tranh, Vidal đã dính phải vài rắc rối liên quan đến thể lực và khi Chile đã nắm trong tay tấm vé đi tiếp thì việc ngôi sao của Juve được nghỉ trên băng ghế dự bị cũng là điều hợp lý. Không những vậy, qua hai chiến thắng vừa rồi, Chile đã cho thấy họ là một tập thể mạnh, đoàn kết, máu lửa và không quá bị phụ thuộc vào vài ngôi sao nhất định.

Hà Lan vẫn chọn cách tiếp cận trận đấu hết sức thận trọng, chậm rãi, sẵn sàng chấp nhận cho đối thủ ép sân. Dường như Van Gaal muốn hàng thủ vốn tập hợp toàn gương mặt trẻ có dịp được thử thách, rèn luyện khi mà vẫn còn để lộ ra vài sai sót đồng thời định thử nghiệm xem liệu Hà Lan có thể chơi thực dụng đến mức nào. Quãng thời gian đầu trận, ý đồ "thâm sâu" đó của ông đã phát huy tác dụng khi "lốc Da cam" tỏ ra vô cùng chắc chắn bên phần sân nhà, gần như bịt chặt mọi đường tiếp cận cầu môn và chống đỡ hiệu quả mọi sức ép mà đối thủ tạo ra. Bởi thế, sau hơn một nửa thời gian thi đấu của hiệp 1, cơ hội tốt nhất mà Chile tạo ra chỉ là một pha dứt điểm vọt xà của Gutierrez sau tình huống phạt góc do Sneijder thực hiện. Tất nhiên, chất lượng trận đấu cũng chỉ mức trung bình khi mà chỉ một đội muốn tấn công ghi bàn còn đội kia chỉ ra sức phòng thủ.

hà lan chile
 

Tuy nhiên, cơ hội nguy hiểm đầu tiên của trận đấu lại thuộc về Hà Lan. Phút 35, từ quả đá phạt bên cánh phải của Robben, trái bóng được treo vào trong và De Vrij, trung vệ từng làm tung lưới nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha, đã băng vào lắc đầu chệch cầu môn. Không lâu sau đó, Chile kêu ca đòi trọng tài thổi 11m sau khi Alexis bị Kuyt phạm lỗi trong vòng cấm nhưng bất thành. Xem lại pha quay chậm thì không phủ nhận, cầu thủ từng có nhiều năm chơi bóng tại Premier League cho Liverpool đã có tác động lên ngôi sao đang khoác áo Barcelona nhưng không đủ mạnh tới mức khiến Alexis phải ngã đẹp như thế. Phút 40, Hà Lan đã trình diễn một trong thứ vũ khí lợi hại nhất của mình tại World Cup lần này. Đó là chặn được một đợt tấn công của đối phương bên phần sân nhà, lập tức trái bóng được đẩy lên phía trên cho Robben và tiền vệ của Bayern Munich cứ mặc sức dẫn bóng, bứt tốc lao về phần sân đối phương. Tiếp đó, hoặc Robben phối hợp với đồng đội hoặc tận dụng khoảng trống do đồng đội tạo ra bằng pha chạy chỗ thu hút sự quan tâm của đối phương để tự tung ra cú dứt điểm. Lần này, tiền vệ từng được mệnh danh là "Người thuỷ tinh" (nhưng Robben bây giờ không còn thường xuyên làm bạn với bệnh viện nữa) chọn phương án hai và trái bóng đã bay chệch cột dọc trong gang tấc.

Thực ra sự tẻ nhạt của hiệp đầu còn xuất phát từ những toan tính của hai đội. Chile chủ trương tấn công nhưng họ không dám bung hết sức bởi đơn giản, họ cần phải dành nó cho trận sắp tới, còn Hà Lan dĩ nhiên càng không phải tiêu tốn quá nhiều thể lực khi mà bản thân họ luôn giữ nhịp điệu rất chậm rãi. Ngay sau giờ nghỉ giải lao, Chile có sự điều chỉnh khi Jean Beausejour, tiền vệ kỳ cựu đang khoác áo đội hạng Nhất Anh Wigan Athletic, vào thay "đàn em" Gutierrez đang chơi bóng tại... Hà Lan cho CLB Twente nhưng đại diện của Nam Mỹ vẫn không dám vùng lên trong khi Hà Lan chẳng việc gì phải chơi nhanh khi mà hoà trận này là đủ để họ giữ được ngôi đầu bảng. Bởi thế, bức tranh chung của trận đấu không khởi sắc bao nhiêu. Vắng Vidal, Alexis dĩ nhiên trở thành chủ lực hàng công và anh đã có vài pha xử lý khôn ngoan bên phần sân đối phương. Phút 65, xuất phát từ một tình huống đá phạt, cầu thủ đạt phong độ cao thứ 2 Barcelona mùa vừa rồi (sau Lionel Messi) co chân dứt diểm buộc thủ thành Cillessen phải trổ tài. Phải đến khi bị dính một đòn thực sự, Hà Lan mới chịu đáp trả với một pha xử lý hoàn toàn cá nhân khác của Robben và lần này, Bravo dễ dàng ngăn chặn cú đá chìm nhưng khá căng từ sát vạch 16m50.

robben hà lan
Robben vẫn chứng tỏ được đẳng cấp của mình trên hàng công

Phút 69, tài năng trẻ Memphis Depay, người hùng của Hà Lan trong chiến thắng Australia, được đưa vào sân kéo theo sự kỳ vọng của Van Gaal về một giải pháp dự phòng cho hàng công và vài phút sau, Van Gaal tiếp tục trao cơ hội cho Leroy Fer, một gương mặt 9x nữa của ĐT Hà Lan. Người phải rời sân là Snejder, "số 10" vẫn chưa hết nhạt nhoà. Vừa có mặt trên sân chưa được bao lâu và ngay ở pha chạm bóng đầu tiên, chính Fer đã trực tiếp lập công đem về bàn thắng cho đội nhà. Từ quả đá phạt góc của Robben, cầu thủ đang khoác áo Norwich City tại Ngoại hạng Anh đã chọn đúng điểm rơi để bật cao đánh đầu uy lực tung lưới Chile. Đây cũng là bàn đầu tiên của Fer trong sắc áo ĐTQG. Ngoài ra, lần thứ hai trong lịch sử tham dự World Cup, Hà Lan có hai bàn liên tiếp đến từ các cầu thủ vào sân thay người (trước đó Depay đã mang về thắng lợi cho Hà Lan trước Australia sau khi vào thay người). Trước đó, chính Depay chứ không phải ai khác đã tung ra pha nã đại bác tầm xa, buộc Bravo phải ra tay cứu thua mà từ đó Hà Lan được hưởng phạt góc.

Dù thời gian còn đủ cho Chile lật ngược thế cờ song cần nhớ, hơn 70 phút trước đó, họ đã bó tay thì chẳng có cơ sở gì tình trạng này chấm dứt cho đến hết trận. Quả thực, dù không hề có dấu hiệu buông xuôi và vẫn miệt mài tấn công song Chile không tài nào tiếp cận được thủ môn Cillessen nói gì đến ghi bàn bởi hàng thủ Da cam quá chắc chắn. Cơ hội nguy hiểm nhất mà họ tạo ra được là cú đánh đầu cản phá của De Jong mà suýt trở thành màn đốt đền nếu như De Vrij không phá ra ngay trên vạch vôi. Chile cho rằng trung vệ của Hà Lan đã dùng tay chơi bóng nhưng thêm một lần trọng tài làm ngơ. Tưởng như 1-0 đã là tỷ số chung cuộc thì đúng vào phút bù giờ thứ hai, Hà Lan đã có thêm bàn thắng. Vẫn từ một đợt phản công siêu nhanh, dựa trên tốc độ kinh hoàng của Robben và ngôi sao từng khoác áo Chelsea, Real Madrid đã căng ngang vào trong vô cùng khó chịu từ cánh trái để Depay kịp băng vào tiếp ứng với cú đá vừa đủ làm tung lưới Chile. Vậy là sau Daley Blind thì Depay thực sự là "nhân tố bí ẩn" của Hà Lan ở World Cup lần này khi đã có hai bàn sau hai lần ra sân từ băng ghế dự bị. Được biết, tiền vệ công này còn được cho đang trong tầm ngắm của Man Utd và với những gì đã trình diễn, phải chăng Van Gaal đã có thể xua tay hài lòng cũng như có thêm cơ sở để kéo anh về Old Trafford cùng mình.

 Đội hình thi đấu
Hà Lan:
Cillessen; Janmaat, De Vrij, Vlaar, Blind, Kuyt (Kongolo 89'); Wijnaldum, De Jong, Sneijder (Leroy Fer 75'); Robben, Lens (Depay 69')
Chile: Bravo; Medel, Silva (Valdivia 70'), Jara; Isla, Aranguiz, Gutierrez (Beausejour 46'), Diaz, Mena; Sanchez, Vargas (Pinilla 80')

Xếp hạng chung cuộc tại bảng B

TT

Đội tuyển

TrậnThắngHoàThuaBàn thắngBàn thuaHiệu sốĐiểm
1 Hà Lan 330010379
2 Chile 32015326
3 Tây Ban Nha 310247-33
4 Australia 300339-60

Bảo Phương

Có thể bạn quan tâm

Argentina 1-1 Brazil (Kết thúc): Neymar tắt lịm, kinh điển Nam Mỹ bất phân thắng bại

Argentina 1-1 Brazil (Kết thúc): Neymar tắt lịm, kinh điển Nam Mỹ bất phân thắng bại

Argentina 1-1 Brazil (Kết thúc): Neymar tắt lịm, kinh điển Nam Mỹ bất phân thắng bại

(Bongda24h.vn) - Cập nhật liên tục diễn biến tường thuật trực tiếp tình huống video clip kết quả kèm link xem bóng đá trực tuyến chất lượng cao trận đấu Siêu kinh điển Nam Mỹ Superclasico Argentina vs Brazil thuộc vòng loại World Cup 2018 khu vực Nam Mỹ.

Xem thêm
top-arrow
X