Với người Đức, trận đấu với Thụy Điển trên sân Olympic tại Berlin được thành 2 phần rõ rệt. 60 phút phần đầu, họ ở trên thiên đường, 30 phút còn lại, họ rơi xuống địa ngục. Zlatan Ibrahimovic và các đồng đội đã suýt hạ knoct-out các cầu thủ Đức, vốn được mệnh danh là những người có “thần kinh thép”.
Đá trên sân nhà với 72.369 khán giả ủng hộ, dẫn trước tới 4 bàn sau 55 phút, nhưng cuối cùng, Đức vẫn phải chịu trận hòa không tưởng 4-4 với Thụy Điển. Cách mà đội khách ghi tới 4 bàn chỉ trong khoảng 30 phút cuối chẳng khác nào một cú đấm uy lực giáng thẳng vào mặt đội chủ nhà, khiến những người đang nuôi tham vọng lên ngôi vô địch tại World Cup 2014 suýt bị hạ knoct-out.
Việc bắt nhịp trận đấu nhanh, chiếm lĩnh hoàn toàn thế trận và ghi bàn quá dễ dàng đã tạo ra trong các cầu thủ Đức một sự chủ quan rất lớn. Dẫn trước tới 4-0 sau 55 phút, gần như không ai có thể ngờ rằng Thụy Điển lại có thể vùng lên một cách mạnh mẽ đến thế, trên sân của đối thủ vốn nổi tiếng có bản lĩnh cực kỳ vững vàng và sở hữu “thần kinh thép”. Trên sân cỏ, cầu thủ Đức vẫn được ví như “võ sĩ thép” trên võ đài.
Thụy Điển không thể hoàn tất cú lội ngược dòng ngoạn mục, nhưng trận hòa 4-4 trong tình thế này thậm chí còn ý nghĩa hơn một trận thắng bình thường đối với đội bóng của Zlatan Ibrahimovic, người đã mở đầu màn tra tấn khủng khiếp nhắm vào người Đức ở 30 phút cuối. Thụy Điển một lần nữa chỉ rõ điểm yếu của Đức dưới triều đại của các huấn luyện viên Juergen Klinsmann và Joachim Loew: Tinh thần, bản lĩnh. Từ chỗ là sở trường, tinh thần của người Đức đã biến thành sở đoản.
Sở hữu một dàn cầu thủ trẻ đầy tài năng, Đức dễ dàng vượt qua các đối thủ ở những trận đấu không quá mức căng thẳng. Nhưng khi phải đối diện với sức ép cực kỳ lớn, như các trận bán kết World Cup 2006 và EURO 2012 với Italia hay chung kết EURO 2008 và bán kết World Cup 2010 với Tây Ban Nha, các cầu thủ Đức đã không thể chiến thắng được chính mình.
Sau những thất bại ở World Cup 2006, EURO 2008 và World Cup 2010, dư luận Đức nhìn chung không có thái độ phê phán gay gắt đối với các cầu thủ và huấn luyện viên. Thay vào đó là những lời hoa mỹ, kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng mà các cầu thủ trẻ sẽ tạo ra. Cho đến thất bại ở EURO 2012, thầy trò ông Loew mới phải đón nhận sự nghiêm khắc của giới chuyên gia và truyền thông.
Sự chỉ trích kịch liệt có thể khiến người ta sụp đổ, nhưng ai vượt qua được thì sẽ tiến lên mạnh mẽ. Sau trận hòa 4-4 còn xấu hổ cơn cả một thất bại này, “búa rìu dư luận” tới tấp nhằm vào thầy trò ông Loew. Thụy Điển đã dạy cho Đức một bài học nhớ đời, về sự mạnh mẽ và vững vàng ở vào những thời điểm cần thiết. Nếu vượt qua được tất cả những chuyện này, Đức sẽ có nhiều hy vọng hơn trong mục tiêu chinh phục đỉnh vinh quang ở World Cup 2014.
Xét về điểm số và cục diện, một trận hòa trước Thụy Điển không phải là thảm họa đối với Đức, khi mà cơ hội để thầy trò ông Loew giành ngôi đầu bảng C cùng một thấm vé đi thẳng đến Brazil vẫn còn rất lớn. Nhưng về mặt niềm tin, những hoài nghi về sức mạnh thực sự của “Die Mannschaft” lại trỗi dậy, sau khi tưởng chừng đã được dập tắt bằng trận thắng “hủy diệt” 6-1 trên sân của Ireland.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)