Lối chơi tiki-taka giải thích cần giữ bóng nhiều trong chân nhằm có được nhiều cơ hội tấn công và hạn chế nguy cơ thủng lưới. Càng về sau, dường như mục tiêu thứ hai là hạn chế nguy cơ bị tấn công, tức hạn chế bàn thua lại càng được La Roja đặt nặng.
Cuộc họp thường niên giữa các chiến lược gia hàng đầu diễn ra sau Euro 2012 tại Warsaw, Ba Lan tập trung chính vào vấn đề chiến thuật của đội tuyển Tây Ban Nha, những nhà vô địch. Với La Roja, với tiki-taka, các chuyên gia bóng đá không khó để đưa ra kết luận nghệ thuật giữa bóng đã được đưa lên một tầm cao mới với những người Tây Ban Nha, đối với họ giữ bóng trong chân là mục tiêu tối thượng.Tây Ban Nha ngày càng đặt nặng sự thực dụng dưới thời Del Bosque
Với chức vô địch châu Âu, một lần nữa người Tây Ban Nha khẳng định vị thế thống trị bóng đá thế giới. Các tuyển thủ Tây Ban Nha thể hiện khả năng kỹ thuật điêu luyện cùng sự ăn ý trong từng pha phối hợp nhằm mục đích hóa giải những đợt vây ráp, gây áp lực của đối phương, tìm ra những khe hở, khoảng trống có thể xuyên phá. Hơn thế nữa, đội tuyển Tây Ban Nha không chỉ tận dụng được sức mạnh khủng khiếp mà tiki-taka mang lại trong tấn công mà kể cả trong phòng ngự.
Nhìn cách Tây Ban Nha chơi bóng trên sân và số lần Casillas phải vào lưới nhặt bóng là minh chứng rõ ràng nhất cho luận điểm này, đặc biệt là kể từ khi HLV Del Bosque lên nắm chức HLV trưởng. Lối chơi tiki-taka giải thích cho việc cần giữ bóng nhiều trong chân nhằm có được nhiều cơ hội tấn công hơn và hạn chế nguy cơ bị tấn công. Càng về sau, dường như mục tiêu thứ hai là hạn chế nguy cơ bị tấn công, tức hạn chế bàn thua lại càng được La Roja đặt nặng.
Đặc biệt trong những trận đấu loại trực tiếp, nơi không có chỗ cho những sai lầm thì lối chơi tiki-taka càng trở nên thực dụng hơn bao giờ hết. Không ít lần trên sân, các cầu thủ Tây Ban Nha vẫn chuyền bóng nhưng “hàm lượng tấn công hay đột biến” có trong những đường chuyền mà họ thực hiện là vô cùng ít. Những Xavi, Iniesta, Cesc, Busquets hay Xabi Alonso vẫn chuyền đi, chuyền lại, chuyền lên phía trước rồi chuyền trở về phía sau.
Chắc chắn hàng phòng ngự đối phương dù dày đặc đến đâu thì cũng không thể làm khó những chân chuyền hàng đầu thế giới như vậy. Cũng không thể biện minh là vì Tây Ban Nha không có một trung phong đáng tin cậy thực sự nào như Euro 2012 vừa qua bởi vì hai cánh lẫn trung lộ của họ đâu có thiếu những mũi nhọn biết cách xuyên phá.
Tại giải vô địch châu Âu vừa qua, Casillas chỉ phải duy nhất một lần vào lưới nhặt bóng ở trận khai mạc với Italia, còn World Cup thì chắc chắn nhiều người còn nhớ serie chiến thắng 1-0 từ vòng đấu loại trực tiếp đầu tiên cho tới trận chung kết của La Roja. Dường như sự vững chãi của hàng phòng ngự đang trở thành nền tảng để Del Bosque xây dựng đội bóng, bằng chứng là trong 37 trận đấu chính thức dưới thời “ngài râu kẽm”, Tây Ban Nha chỉ để lọt lưới 18 lần.
Trung bình mỗi trận đấu, Tây Ban Nha chỉ để lọt lưới 0.48 bàn, thấp nhất trong số những đội tuyển mạnh của thế giới, bao gồm 8 đội tuyển từng vô địch World Cup cùng Bồ Đào Nha và Hà Lan. Đội tuyển sở hữu khả năng phòng ngự tốt thứ hai là đội tuyển Anh với 27 trận để thủng lưới 16 bàn (0.59 bàn/trận). Tại hai giải World Cup và Euro gần đây nhất, Tây Ban Nha chỉ để lọt lưới 3 bàn trong 13 trận, tại những giải đấu khốc liệt bậc nhất như vậy, những thống kê mà thầy trò Del Bosque có được là “vô tiền khoáng hậu”.
Những chiến lược gia nói gì về Titki-takanaccio:
HLV Del Bosque: Phong cách chơi bóng của chúng tôi cho thấy kết quả trận đấu không dựa trên những phép thuật. Chúng tôi có niềm tin vào việc giữ bóng và di chuyển. Cách tốt nhất để tấn công chính là phòng ngự. Có bóng trong chân giúp chúng tôi ít phải tốn sức trong những pha tranh bóng, có nhiều cơ hội tấn công hơn và hạn chế nguy cơ bị thủng lưới.
HLV Joachim Low: “Tây Ban Nha luôn là đội bóng sở hữu nhiều bóng, điều đó khiến cho các đối thủ mệt mỏi và tạo điều kiện cho chính họ có thể lái trận đấu theo ý của mình cũng như tạo được sự tự tin.
HLV Giovanni Trapattoni: “Tây Ban Nha chơi tốt bởi vì họ có những cá nhân kiệt xuất để giữ bóng trong chân”.
(Theo Dân Trí)