Sau khi tiếng còi kết thúc của trọng tài cất lên, một sự tiếc nuối bao trùm tất cả những người Thiên thanh và hàng triệu triệu cổ động viên của họ.
Trong hoàn cảnh khó khăn về nhân sự, Italia đã chơi hay hơn nhiều Tây Ban Nha, và chỉ còn cách cuộc trả món nợ đã vay một năm về trước một quả penalty trong loạt luân lưu. Của Bonucci, một trong những người hùng của 120 phút trước đó.
Italia của Prandelli đã chơi cực tốt trước Tây Ban Nha |
Trong cơn điên của người Ý
Câu đầu tiên của người viết bài này: Xin lỗi những chàng trai Thiên thanh vì đã hoài nghi quyết tâm và năng lực thực sự của họ. Bị chỉ trích nặng nề sau những bàn thua liên tiếp trong ba trận ở vòng bảng, bị tước mất thứ vũ khí quan trọng và gần như mang tính biểu tượng của đội Ý mới mẻ là Balotelli, bị dồn vào chỗ buộc phải thể hiện niềm tự hào, sự kiêu hãnh và sức mạnh tinh thần lẫn chiến thuật, Italia đã khiến thế giới đảo lộn trước Tây Ban Nha. Italia đã chơi hay hơn, tạo được nhiều cơ hội nguy hiểm hơn không phải là những nhà vô địch thế giới, vốn được đánh giá cao hơn trước trận, như một sự đương nhiên, mà là những học trò của Prandelli.
Đấy là một trận hòa đẹp đẽ, trên thế thắng và có những thời điểm mà nếu sự tiếc nuối xuất hiện, thì chỉ là vì thiếu sự bùng nổ cần thiết của Pirlo, thiếu một chân sút lạnh lùng cỡ Balotelli, người có thể biến những cơ hội trước khung thành Casillas thành bàn thắng quyết định.
Italia đã chiến đấu, đã vượt trội ở nhiều khía cạnh và rất lâu rồi, người ta mới lại thấy cơn giận dữ Tây Ban Nha bị cơn điên của một đội bóng khác nhấn chìm. 90 phút họ bất lực. 120 phút cũng thế.
Đối thủ ấy đã từng nhiều lần làm chao đảo Tây Ban Nha trong hai tiếng thi đấu, đã một lần làm rung chuyển khung thành Casillas sau cú sút trúng cột dọc của Giaccherini, đã thể hiện sự ngạo nghễ trên chấm phạt đền bằng cú đá xúc thìa của Candreva, gợi lại cú sút tương tự của Pirlo trước Anh một năm về trước, đã có những người hùng thực sự tỏa sáng trong một nỗ lực mạnh mẽ nhằm đánh bại Tây Ban Nha (De Rossi, Giaccherini). Họ đã bịt chặt hai biên của đối thủ, đã không cho đối phương có nhiều cơ hội nhờ sự xuất sắc của nhóm Juve trong đội, đã khiến cho Tây Ban Nha không thể hiện được sức mạnh vốn có, đã chơi trận hay nhất của mình ở giải. Nhưng Bonucci đã làm hỏng tất cả bằng một cú luân lưu hỏng ăn.
Cuộc cách mạng dang dở của Prandelli
Giống như 5 năm trước, Italia lại thua Tây Ban Nha trên chấm phạt đền. Ngày ấy, ở tứ kết EURO 2008 trên sân Vienna, những người đá hỏng là Camoranesi và Di Natale. Triều đại của Donadoni kết thúc ở đấy và Lippi trở lại. Bây giờ, lại là Tây Ban Nha, là penalty và một thất bại nữa ở loạt luân lưu.
26 Đã có 26 lần trong lịch sử các giải đấu chính thức, Italia phải giải quyết số phận của mình trong thời gian đá hiệp phụ. 10 lần số trong đó phải được quyết định ở chấm phạt đền, và Italia thua nhiều hơn thắng (4 lần so với 6 lần). 42 Trận đấu với Tây Ban Nha là trận thứ 42 của Prandelli trên cương vị HLV trưởng đội tuyển Ý, với thành tích 20 thắng, 9 thua và 13 hòa (2 trong đó phải giải quyết bằng luân lưu 11 mét, Ý thắng 1, trước Anh, ở EURO 2012, và thua 1, chính là trận gặp Tây Ban Nha ở Confed Cup 2013). |
Nhưng không có triều đại nào kết thúc, mà tiếp tục là quá trình cải cách mạnh mẽ về tư duy bóng đá dưới thời Prandelli, cho mục tiêu xa hơn, là World Cup sau đây một năm nữa. EURO 2012 mở ra quá trình thay đổi. Confed Cup 2013 là sự tiếp nối và World Cup 2014 phải là sự khẳng định cho con đường đã chọn.
Cuộc cách mạng về tư duy bóng đá tấn công đã thành công. Azzurra bây giờ là một đội bóng có thể chơi tấn công với tất cả các đối thủ. Nhưng trên khía cạnh hiệu quả và thành tích với các đối thủ lớn, còn nhiều vấn đề phải bàn.
Kể từ sau EURO, Italia đã thua Anh, Pháp, không thắng được Hà Lan, Brazil và Tây Ban Nha. Trên khía cạnh chiến thuật, Prandelli đã ấp ủ tham vọng sử dụng đội hình 4 hậu vệ cho các sơ đồ biến thể của ba tiền đạo ở tuyến trên. Nhưng 8 bàn thua trong 3 trận vòng bảng giải Confed Cup 2013 đã buộc ông phải quay trở về với sơ đồ ba trung vệ để đảm bảo an toàn hơn cho tuyến giữa. Đấy có thể được coi là một bước lùi về chiến thuật của Prandelli. Italia đã đẩy Tây Ban Nha vào khó khăn trong 120 phút của trận bán kết, không thủng lưới, nhưng cũng không ghi được bàn nào, không phải chỉ vì không có Balotelli, mà vì cơ chế tấn công ấy không đủ để Italia có nhiều cơ hội ghi bàn mười mươi hơn nữa.
Lấn lướt Tây Ban Nha, Italia đã thắng chính họ và thể hiện sự bất khuất của họ khi bị dồn vào chân tường. Nhưng đây mới chỉ là một trận đấu và con đường đến World Cup còn rất dài, cho đến khi Prandelli tìm ra một sơ đồ chiến thuật tối ưu cho Thiên thanh để vừa đạt được hiệu quả cần thiết, vừa thể hiện tư duy tấn công của ông.
Hình ảnh cuối cùng chắc chắn sẽ khiến người ta nhớ mãi: Prandelli chắc hẳn sẽ hài lòng lắm khi nhìn thấy Del Bosque như bị đóng đinh trên ghế chỉ đạo của đội Tây Ban Nha, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, mệt mỏi và căng thẳng, không chỉ vì cái nóng. Những người yêu Italia chưa bao giờ hết hy vọng...
(Theo Thể Thao Văn Hoá)