Tiki-taka của đội tuyển TBN lại đứng trước thử thách, và việc kéo dài được "tuổi thọ" trên thực tế của nó phụ thuộc rất nhiều vào tài cầm quân của HLV Vicente Del Bosque.
Tiki-taka không lỗi thời
Cách đây gần một tháng, câu hỏi ấy cũng đã được đặt ra cho Barcelona, sau 3 trận thua liên tiếp chỉ trong vòng 10 ngày. Real Madrid và AC Milan đã đánh bại họ một cách tâm phục khẩu phục, bằng hệ thống phòng ngự có chiều sâu, chứ không phải cách chơi “đặt xe bus”. Đội bóng xứ Catalunya, tương tự đội TBN hiện tại, chơi mờ nhạt, bế tắc và thiếu đột biến.Tiki-taka của ĐT Tây Ban Nha lại đứng trước thử thách
Nhưng cho đến trận lượt về gặp Milan tại Champions League, Barca cho thấy rằng chỉ cần họ chơi với quyết tâm cao nhất, nhờ động lực được đánh thức từ mục tiêu phải san bằng cách biệt ở lượt đi, họ không có đối thủ.
Tiki-taka không hề là hệ thống lỗi thời như ta tưởng. Nền tảng vững chắc của nó, kết nối cả đội dựa trên các đường chuyền và khả năng di chuyển liên tục, vẫn giúp các tập thể sử dụng nó tạo ra môi trường “lý tưởng” để tiêu diệt đối thủ. Nhưng vấn đề ở đây là động lực: Cả đội tuyển TBN và Barca đều đã vận hành lối chơi quen thuộc này trong gần nửa thập kỷ qua, với những con người cũng quen thuộc và giành đủ mọi chiến quả trong từng ấy thời gian.
Riêng việc hai lần vô địch EURO và một lần vô địch World Cup đối với đội tuyển TBN có thể đã được coi là một kỳ tích. Thậm chí, họ là đội tuyển vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
Nhưng vẫn cần được tái tạo
2/3 đội hình tuyển TBN là cầu thủ của Barcelona, và sự bào mòn động lực ấy thậm chí còn... nhân đôi khi họ khoác áo ĐTQG. Xavi, Iniesta, Busquets.v.v cũng cần được tái tạo khao khát thi đấu của bản thân. Ở Barcelona, họ có Lionel Messi là người truyền cảm hứng. Nhưng tại đội tuyển TBN, không có một cá nhân kiệt xuất nào đủ khả năng đảm nhiệm vai trò ấy.
Vai trò tái tạo cảm hứng ấy nằm trong tay ông Del Bosque. Nhà cầm quân này đã ít nhất hai lần làm mới đội tuyển TBN, bằng những thay đổi then chốt về mặt chiến thuật. Khi tiếp quản tuyển TBN từ HLV Luis Aragones vào năm 2008, ông đã mạnh dạn tháo bỏ một mắt xích quan trọng bậc nhất dưới thời người tiền nhiệm: Marcos Senna được thay thế bằng Sergio Busquets.
Thay đổi này đã đồng bộ hóa lối chơi từ Barca, nơi Busquets đóng vai trò là người phân phối bóng. Senna đơn thuần là một tiền vệ đánh chặn, và sự xuất hiện của Busquets đã giúp tuyến giữa TBN vận hành trơn tru hơn. Khi đội TBN đến EURO 2012 với tư thế của một đội bóng đã no nê danh hiệu, ông loại bỏ hẳn vị trí tiền đạo khỏi đội hình, cho các cầu thủ vận hành sơ đồ 4-6-0.
Đó là hệ thống đã phát huy tối đa các yếu tố cơ bản làm nên Tiki-taka: Số đông ở giữa sân giúp họ vây ráp và đoạt bóng của đối thủ tốt hơn; khả năng chuyền bóng, di chuyển và hoán đổi vị trí cũng linh hoạt hơn. Bằng sự thay đổi ấy, TBN bảo vệ thành công vương miện châu Âu.
Nhưng lần này, lối chơi ấy lại gặp thử thách, và ông Del Bosque thì vẫn chưa tìm ra phương án thích hợp để làm mới nó. Các tiền đạo David Villa hay Pedro đều sa sút phong độ, và không hiểu có phải vì TBN không có Messi hay không, mà hiệu suất của họ khi chơi cho TBN cũng giảm rõ rệt. Hệ thống 4-6-0 cũng đang chỉ làm tốt nhiệm vụ cầm bóng, còn trên khía cạnh tạo đột biến, thì có lẽ các tiền vệ của tuyển TBN cũng đã “lây” bệnh ở CLB: Thiếu động lực. Trận lượt đi gặp Pháp, TBN thậm chí chỉ cầm bóng ngang ngửa đối thủ, với 50% thời lượng. Thậm chí, ở trận gặp Phần Lan, các cầu thủ TBN còn bộc lộ dấu hiệu chủ quan.
Tình thế khó khăn hiện tại của đội tuyển TBN có thể kích thích động lực cho họ trên Stade de France, nhưng về lâu dài, duy trì sự thống trị của TBN là câu chuyện tự làm mới bản thân thuộc về trách nhiệm của ông Del Bosque. Nếu ông cũng bó tay, có lẽ đội TBN phải xin nhập tịch cho... Messi!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)