Ronaldo là cầu thủ xuất sắc nhất, thành công nhất mà bóng đá Bồ Đào Nha sản sinh trong một thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, có lẽ sẽ khó để CR7 trở thành một huyền thoại thực sự ở đất nước của mình, với vai trò một người hùng dân tộc trên sân cỏ.
Chưa thể là thủ lĩnh
Về chuyên môn, khả năng bùng nổ, dĩ nhiên Ronaldo là người nổi bật hơn hẳn so với các đồng đội ở tuyển. Tầm ảnh hưởng cả về tài năng lẫn danh tiếng quá lớn khiến chiếc băng đội trưởng được trao vào tay anh như một điều tất yếu. Tuy nhiên, nếu theo dõi bóng đá đủ lâu, chúng ta đều có thể nhận thấy, những phẩm chất cần có ở một người thủ lĩnh bao quát toàn đội không tồn tại rõ ràng ở Ronaldo. Anh sinh ra là để tỏa sáng, chứ không phải để làm người đi kiểm tra các công tắc đèn.
Bồ Đào Nha chẳng thể trông chờ vào một mình Ronaldo
EURO 2012 được xem là một kỳ thi đấu tốt của CR7, anh hai lần sắm vai chính trong các chiến thắng trước Séc và Hà Lan. Đúng là Ronaldo đã cho thấy bản năng sát thủ, vị thế đầu tàu trên hàng công với những bàn thắng đầy ấn tượng, tuy nhiên nhìn vào thực tế mà nói thì Séc chưa hề là một đối thủ quá mạnh, trong khi Hà Lan đã sa sút thảm hại tại giải đấu vừa rồi. Người Bồ có quyền tiếc nuối bởi lẽ ra họ có thể vào tới chung kết, chỉ thua Tây Ban Nha trên chấm 11 mét, song sự hợp lý, nỗ lực của cả tập thể đã giúp Bồ Đào Nha vô hiệu hóa đội bóng láng giềng, chứ không chỉ nhờ Ronaldo mà làm được. Một thực tế khác, là cũng trong trận bán kết đó, dấu ấn của Ronaldo tương đối nhạt mờ, anh bỏ lỡ một cơ hội hiếm hoi bằng cú sút vọt xà vội vã, trong khi chẳng thể giúp ích gì ở loạt sút luân lưu.
Suốt vòng loại WC 2014, Ronaldo cũng không quá nổi trội, kết quả là dù rơi vào một bảng đấu thuộc loại “nhẹ nhõm nhất châu Âu”, nhưng đội tuyển của anh vẫn lẹt đẹt với những kết quả đáng thất vọng, để rồi phải nơm nớp lo âu đón chờ lượt play-off. Lỗi chẳng của riêng ai, nhưng hình ảnh Bồ Đào Nha chơi chắc chắn, gắn kết trước Tây Ban Nha tại EURO đã biến thành một đội bóng đầy bế tắc trong tấn công và lao đao trong phòng ngự, ngay trước những đối thủ vô danh. Bồ Đào Nha bất ổn, họ lúc hay lúc dở với một tập thể hầu hết chỉ là cầu thủ tầm trung, và Ronaldo cũng ảnh hưởng khá nhiều bởi điều đó, anh tỏa sáng khi cả đội chơi ổn, còn khi đã chệch choạc dù trước những đội bóng yếu, Ronaldo cũng không thể một mình làm người cứu rỗi.
Người thủ lĩnh còn cần là người nổi lửa tinh thần, quan tâm khắp mặt sân, đến từng đồng đội trong tình huống cần thiết. Ronaldo là con người sảng khoái, thân thiện, song anh lại không phải mẫu người ý nhị, giỏi thúc đẩy những người xung quanh. Những bước chạy của anh có thể tạo hiệu ứng về năng lượng, nhưng về bản chất, Ronaldo là một biểu tượng cho tính độc lập, cho khát khao chinh phục chính bản thân, hơn là “con người tập thể”. Lối đá của anh cũng là hướng về khung thành chứ không phải người có thể điều khiển nhịp độ, kịch bản trận đấu, rồi cả cách ăn mừng khi tự ghi bàn và khi ra chia vui với đồng đội cũng khác biệt rất xa.
Khi siêu sao ở giữa một đội bóng bình thường
Nếu không có Ronaldo, thì cả về danh tiếng lẫn tài năng, những cầu thủ còn lại trong tuyển Bồ Đào Nha không cách nhau nhiều lắm. Điều dễ dàng nhận thấy là khi không còn bị lấn át bởi chiếc bóng lớn của CR7, các cầu thủ tấn công chơi tự tin hơn, có nhiều đất cho riêng mình hơn, phân chia nhiệm vụ dàn trải hơn, thay vì dồn bóng và chờ đợi quá nhiều ở người đội trưởng. Trong khi đó, hàng thủ Bồ Đào Nha cũng tập trung và làm đúng chức năng hơn hẳn, với tâm thế của một đội bóng chất lượng trung bình khá, chứ chẳng phải một ông lớn đang sở hữu một siêu sao hàng đầu.
Bóng đá là môn thể thao tập thể, vì vậy cũng khó trách Ronaldo. Nên nhớ tuyển Pháp với đội hình đẹp đẽ hơn cũng chẳng lấy gì làm thành công suốt nhiều năm qua. Tuyển Hà Lan với rất nhiều ngôi sao lớn còn có một mùa EURO tệ hại. Tuyển Anh thì liên tục gây thất vọng tại các giải lớn dù cũng liên tục giới thiệu những gương mặt chất lượng trong đội hình. Hay Arghentina, từ giữa sân trở lên “thừa mứa” ngôi sao là thế, vậy nhưng đội bóng của Messi cũng chẳng để lại mảy may dấu ấn đỉnh cao, chỉ là lần này thì họ đang làm tốt tại bảng đấu vòng loại của mình. Trách cứ những cầu thủ giỏi nhất đội là việc rất dễ, nhưng bóng đá hiện đại đâu phải như trong trò chơi điện tử giai đoạn đầu, nơi một người có thể cầm bóng chạy từ đầu tới cuối sân để ghi bàn.
Nhắc đến những “người hùng” theo kiểu kéo cả bộ máy rệu rã đi lên, có tác động lên trận đấu theo cả hai trục không gian và thời gian, thì phải kể tới những huyền thoại như Maradona, Zidane, hay phần nào là Pirlo. Còn thời điểm này, một ngôi sao kiểu như vậy có lẽ không tồn tại trong các đội bóng, nhất là khi môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, yếu tố chiến thuật, sự gắn bó giữa 11 con người ngày càng đóng vai trò quyết định đến kết quả thắng thua. Đứng giữa một đội tuyển không có người cùng đẳng cấp, cùng tần số, với tiềm lực hạn chế, rất khó để Ronaldo làm được điều gì đó vĩ đại trong sự nghiệp của mình ở cấp quốc gia. Chẳng thể chờ đợi một tay Ronaldo đưa Bồ Đào Nha lên đỉnh, mà chỉ có thể là một tập thể Bồ Đào Nha chơi khôn ngoan, hiệu quả, đi xa nhờ những bàn thắng của Ronaldo.
(Theo Bongda)