- Khả năng ra sân của Cristiano Ronaldo tại World Cup 2014 vẫn rất mù mờ
- Ribery chấn thương: Đội Tuyển Pháp & nỗi ám ảnh Zidane 2002
- Sơ đồ chiến thuật nào lên ngôi tại World Cup 2014?
Rooney chưa có nổi bàn nào ở World Cup |
Không ai có thể phủ nhận, tài năng, đẳng cấp, trình độ, thương hiệu của Ronaldo, Messi hay Rooney. Bao năm qua, họ đều thể hiện phong độ vô cùng ổn định, trở lại cầu thủ quan trọng bậc nhất ở CLB họ khoác áo. Tại cấp độ ĐTQG, họ luôn giữ chỗ đứng khá chắc chắn, bất chấp mức độ cống hiến cho tổ quốc nhiều khi hoàn toàn thua xa so với nơi trả thu nhập thường xuyên cho họ. Thế nhưng, thật trùng hợp và kỳ lạ, cứ đến World Cup thì y như rằng, không hẹn mà gặp, cả ba đều chơi mờ nhạt, gần như chưa tạo được ấn tượng sâu đậm gì. Bởi thế, chẳng trách những chuyên gia khó tính đã tuyên bố rằng nếu muốn được lưu danh sử sách thì họ buộc phải toả sáng ở 1 kỳ World Cup nào, kể cả khi không thể giúp đội nhà bước lên bục vinh quang chứ những thành tích ở cấp CLB dù vang dội và vĩ đại đến mấy cũng là chưa đủ. Cả ba cũng không còn quá trẻ trung gì và đến kỳ World Cup sau nếu vẫn còn có thể góp mặt thì đều ngoài 30 tuổi nên họ bắt buộc phải toả sáng ở VCK World Cup 2014 sắp tới, bằng không sẽ chẳng thể xoá nổi "vết ố lớn" trong sự nghiệp thi đấu.
Kém cỏi nhất là Wayne Rooney. Tất cả đều rõ Rooney chính là thần đồng bóng đá số 1 Anh quốc trong thập niên đầu của thế kỷ 21. Anh nổi lên từ lúc mới 17, 18 tuổi tại Everton và đến khi tham dự VCK World Cup đầu tiên trong đời cầu thủ (2006) thì Rooney đã là một tên tuổi lớn ở Man Utd nói riêng và nước Anh nói chung. Dẫu vậy, kết thúc giải, Rooney chẳng ghi nổi bàn nào và Anh bị loại bởi ĐT Bồ Đào Nha của ... Ronaldo ở vòng tứ kết sau loạt đấu súng may rủi trên chấm 11m. Ngoài ra, hẳn tất cả vẫn còn chưa quên vụ xô xát giữa hai "gà nhà" cùng thuộc "chuồng" Man Utd Rooney - Ronaldo ở trận đấu đó (chính Ronaldo đã "lèm bèm" với trọng tài chính, khiến Rooney bị đuổi khỏi sân ở phút 62 sau pha vào bóng quyết liệt với Ricardo Carvalho, lúc đó khoác áo Chelsea). May mắn, Sir Alex Ferguson vĩ đại đã kịp thời ra tay giảng hoà sau đó, bằng không gần như chắc chắn một trong hai người sẽ phải rời khỏi Old Trafford và mấy mùa kế tiếp, họ vẫn hợp tác vui vẻ tại Man Utd cho đến ngày Ronaldo chuyển sang Real Madrid. World Cup đó, ĐT Anh ghi được tổng cộng 6 bàn và Gerrard là chân sút tốt nhất với hai pha lập công.
Đến World Cup 2010 thì rõ ràng Rooney đã trưởng thành và chững chạc hơn nhiều. Anh thậm chí còn là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho Tam sư ở vòng loại khu vực châu Âu (9 bàn) thế nhưng tới VCK diễn ra ở Nam Phi, Rooney lại lâm vào tịt ngòi và ĐT Anh bị Đức loại ở vòng 1/8 với sự kiện vô cùng đình đám mà đã làm thay đổi khá nhiều quan điểm của FIFA về môn thể thao Vua. Đó là việc bàn thắng của Lampard không được công nhận dù trái bóng đã nằm sau vạch vôi đến gần mét. Nếu Tam sư có bàn ở tình huống đó (khi ấy, tỷ số mới là 1-1) thì chưa chắc chung cuộc họ đã phải chấp nhận thất bại nặng nề 1-4. Sau giải, FIFA đã buộc phải xem xét nghiêm túc chuyện triển khai công nghệ hỗ trợ trọng tài vào các trận đấu nhằm tránh những sai sót nghiêm trọng tương tự mà trước đó, Cơ quan quyền lực nhất làng túc cầu giáo thế giới từng nhiều lần trì hoãn với suy nghĩ: Sai lầm là một phần của cuộc chơi và hoàn toàn phụ thuộc vào sự chủ quan của lực lượng trọng tài. Tại kỳ World Cup lần này, công nghệ Goal-line (hay còn gọi là Mắt diều hâu) sẽ được triển khai nhằm xác định xem trái bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa. Thực ra, giải đó, do lối chơi quá nặng thực dụng của Fabio Capello mà cả giải, qua 4 trận đấu, Tam sư chỉ ghi nổi đúng 3 bàn (nhờ công của Gerrard, Defoe và trung vệ Upson).
"Đỉnh" hơn Rooney một chút là đại siêu sao Lionel Messi, cầu thủ bóng đá số 1 hành tinh (giờ tạm xuống thứ 2 sau Ronaldo) trong mấy năm gần đây và thiết lập hàng loạt kỷ lục "vô tiền khoáng hậu" (đáng buồn, chỉ chủ yếu ở cấp độ CLB). Cụ thể, sau hai kỳ World Cup, Messi đã xuất sắc có được ... 1 bàn duy nhất, được thực hiện ở trận đại thắng Serbia 6-0 ở vòng bảng VCK World Cup 2006. Lần đó, Argentina đã bị loại ở tứ kết sau loạt luân lưu 11m trước ĐT Đức, nước chủ nhà giải đấu và chung cuộc xếp thứ 3. Tuy nhiên, khi tham dự World Cup 2006, Messi vẫn chưa thật sự nổi ở Barcelona và chỉ được xem là quân bài dự bị ở Albiceleste (anh chính là cầu thủ ghi bàn trẻ nhất World Cup 2006 và ít tuổi thứ 6 trong lịch sử World Cup). Bởi vậy, nếu có phê phán Messi thì phải xét đến VCK World Cup 2010 khi sự nghiệp của anh dần đạt tới ngưỡng đỉnh cao. Hành trang của Messi tham dự giải đấu là hai danh hiệu "Vua phá lưới La Liga" và "Chiếc giày vàng châu Âu" (34 bàn). Ấy vậy mà, nào ai có thể ngờ, M10 không một lần đưa nổi được cái tên của mình lên bảng điện tử dù tổng cộng ĐTQG Argentina có được đến 10 bàn (thêm một lần, các vũ công Tango lại chịu thua "Xe tăng" Đức ở tứ kết nhưng nặng nề và thê thảm hơn nhiều: 0-4) và cầu thủ ghi nhiều nhất là Gonzalo Higuain (3). Cũng may, Messi vớt vát lại danh dự bằng vài pha kiến tạo thành bàn. Dẫu mờ nhạt tại Nam Phi nhưng đến cuối năm, Messi vẫn nhận được danh hiệu cá nhân cao quý "Quả bóng vàng FIFA" vừa được hợp nhất của hai giải thưởng "Quả bóng vàng châu Âu" và "Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới" (năm 2009, Messi cũng thâu tóm cả hai danh hiệu nay). Thực ra, đóng góp của Messi cho ĐTQG chỉ tăng lên rõ rệt sau khi Sabella lên nắm quyền vào năm 2011 (thành tích ghi bàn quốc tế của anh không ngừng tăng, tiêu biểu như năm 2012, Messi có đến 12 bàn cho Argentina).
Ronaldo cũng mới chỉ có 2 bàn
Thành tích tốt nhất thuộc về Ronaldo với 2 bàn chia đều cho 2 kỳ World Cup tham dự. Năm 2006, Ronaldo đang trên đà bứt phá thành "sao lớn" (danh tiếng lúc đó kém hơn Rooney nhưng trội hơn Messi) và được đội tuyển BĐN đặt rất nhiều kỳ vọng bởi chẳng có ai "xịn" hơn anh (Ronaldo chính là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất ĐT ở vòng loại với 7 pha lập công). Song rốt cục, Ronaldo kiếm được đúng 1 bàn, lại từ chấm phạt đền trong chiến thắng Iran 2-0 ở vòng bảng. Dù sao, đánh giá tổng thể, Ronaldo đã có kỳ World Cup không quá tồi, ít nhất dưới góc nhìn của các chuyên gia khi lọt vào danh sách những ứng cử viên tranh giải "Quả bóng vàng World Cup". Bốn năm sau, Ronaldo đã là "đối trọng" lớn nhất của Messi trên cầu trường nhưng vẫn chưa thể vượt mặt (chính xác phải đến năm 2013, anh mới thâu tóm được danh hiệu "Quả bóng vàng FIFA" và mùa vừa rồi, cũng đạt phong độ tốt hơn "đại địch thủ"). Chỉ duy nhất mặt trận World Cup, Ronaldo có thể nở nụ cười dù cũng rất "gượng gạo" bởi ít ra anh cũng kết thúc giải với một bàn thắng, được ghi trong màn huỷ diệt CHDCND Triều Tiên 7-0 tại vòng bảng (kết thúc giải, BĐN cũng chỉ có được 7 bàn bởi hai trận còn lại vòng bảng họ đều hoà 0-0 và đến vòng 1/8, thua 0-1 Tây Ban Nha, đội tuyển về sau giành chức vô địch).
Không khó để liệt kê ra những cầu thủ không quá tên tuổi mà có thành tích ghi bàn ở World Cup giỏi hơn 3 ngôi sao lớn kể trên. Nhìn chung, vì sao họ kém hiệu suất ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh vẫn là một "bí ẩn" không thể tìm ra lời giải xác đáng. Chỉ biết rằng, World Cup sắp tới, họ mà không cải thiện nổi thành tích nghèo nàn thì e rằng họ còn bị dư luận cười chê dài dài. Tại vòng loại, cả ba lần lượt ghi được 10, 8 và 7 bàn tương ứng cho Argentina, Bồ Đào Nha và Anh.
Họ đã chơi như thế nào ở các VCK World Cup
Messi: 571 phút, 1 bàn
Ronaldo: 754 phút, 2 bàn
Rooney: 595 phút, 0 bàn
Bảo Phương