Không Ronaldinho. Không Kaka. Không Pato. Không luôn cả Ramires. HLV Felipe Scolari đã thẳng tay loại họ khỏi đội hình dự Confed Cup lần này, và có thể là World Cup năm sau tại chính Brazil. Một trong những đội Brazil “bình dân” bậc nhất trong lịch sử.
Nhưng đội Brazil ấy vừa đè bẹp Nhật Bản trong trận ra quân tại Confed Cup, và có vẻ như tất cả những đội Brazil biết trút bỏ đi sự phù phiếm đều chiến thắng. Như tại Mỹ năm 1994, và Nhật Bản – Hàn Quốc 2002.
Brazil của sự kỷ luật
Nếu như việc loại bỏ Kaka và Pato có thể là điều cần thiết, bởi thực tiễn thi đấu của họ mùa này là thấp, thì quyết định từ chối Ronaldinho và Ramires, ngoài chuyện tuổi tác (Ronaldinho) và sự cạnh tranh khốc liệt ở tuyến giữa của Brazil (Ramires), còn cho thấy ông Scolari muốn tạo ra một đội bóng mang phong cách châu Âu đến thế nào.
Ramires, sau khi bình phục chấn thương, đã không tập trung đúng hạn cho trận giao hữu gặp Nga vào tháng Ba, trong khi Ronaldinho trở nên lạc lõng với những pha xử lý không cần thiết trong 25 phút cuối trận giao hữu gặp Chile. Thế là đủ để ông Scolari đưa ra quyết định cuối cùng: Brazil không cần những người có vấn đề về kỷ luật. Brazil cần rất ít sự ngẫu hứng. Và Brazil phải tôn trọng tập thể tối đa.
Đó là hình ảnh đã được bộc lộ trong chiến thắng trước Nhật Bản. Đến cả một chân sút “màu mè” như Neymar cũng dẹp bỏ những động tác thừa để hướng đến hiệu quả tối đa, và anh thậm chí làm rất tốt. Ở tình huống mở tỉ số ngay từ phút thứ ba, nếu là ở Brazil, cựu tiền đạo Santos có thể đã cố giữ bóng và rê qua hàng thủ đối phương trước khi dứt điểm. Nhưng lần này, anh tung ra một cú vô lê bóng sống. Đó là pha dứt điểm trúng đích đầu tiên của giải, và bàn thắng đầu tiên.
Quên đi những cú lắc hông gợi cảm, những pha vân vê bóng bằng gầm giày, đánh gót, hay rabona. Brazil giờ là hiệu quả: Họ đánh phủ đầu bằng hai bàn thắng theo phong cách tàn nhẫn, và khép lại chiến thắng 3-0 trước Nhật Bản bằng một tình huống phản công. Cần gì danh tiếng của những ngôi sao cựu trào? Cần gì thành công quá khứ? Và không cần một người dẫn dắt thực sự, Brazil giờ là toan tính, rình rập và sự thực dụng.
Brazil năm 1994 đã từng là một phiên bản như thế, với một hàng tiền vệ giàu cơ bắp và không có ai thích nhảy Samba (cặp tiền vệ trung tâm là Dunga – Mauro Silva), và một cặp tiền đạo láu lỉnh có cách chơi tương đối thực dụng là Bebeto và Romario. Sự kết hợp ăn ý giữa họ cũng được tạo ra dựa trên kỷ luật chiến thuật, chứ không phải sự phối ngẫu với hứng khởi đặc biệt của những người Brazil đích thực.
Khi người Brazil không còn muốn chơi đẹp
Năm 2002, chính Scolari đã dẫn dắt một Brazil thực dụng như thế đến ngai vàng, bất chấp việc sở hữu 3 ngôi sao tấn công ngoại hạng là Rivaldo – Ronaldo – Ronaldinho. Đó là một Brazil đầy kỷ luật, ngay cả khi hàng công của họ chơi vô cùng ngẫu hứng. Thậm chí, Rivaldo còn khát khao chiến thắng đến mức để lại ấn tượng xấu với một pha ăn vạ trơ trẽn (bị đá bóng vào chân nhưng lại lăn ra ôm mặt, trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ ở World Cup 2002).
Chỉ có Brazil của Dunga là gặp “tai nạn” ở World Cup 2010: Họ chơi rất hay ở vòng bảng, trước khi thua Hà Lan ở tứ kết. Nhưng Hà Lan thời điểm ấy còn là một đội bóng thực dụng hơn Brazil rất nhiều.
Nét “phù phiếm” duy nhất của Brazil hiện tại là Neymar, nhưng như chúng ta đã thấy, chính anh cũng thể hiện mình một cách rất vừa phải dưới bàn tay Scolari. Tiền đạo của Barcelona hoàn toàn có thể là đầu tàu của Brazil ở Confed Cup lần này, nhưng không phải với hình ảnh thường thấy của anh tại Brazil. Đó là một Neymar đơn giản hơn, và cũng nguy hiểm hơn.
Đó là một Brazil “bình dị” chưa từng thấy, không hẳn vì họ đã không còn những cầu thủ chơi kiểu Brazil truyền thống. HLV Scolari xây dựng đội bóng hoàn toàn đi ngược lại với Joga Bonito thường thấy của họ. Và cho đến khi mà những người đã nâng tầm bóng đá lên thành nghệ thuật muốn thực dụng hóa nó, thì có lẽ tất cả các đối thủ đều phải dè chừng.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)