- Huyền thoại Klose hay thành bại của Die Mannschaft?
- Oezil "chạy bộ" vẫn hay hơn Neymar và Rodriguez
- Neymar chia tay World Cup: Lời cáo chung của vũ điệu Samba
Không một ai có thể ngờ rằng, nước chủ nhà World Cup 2014 lại có thể thua tan tác và nặng nề đến thế để rồi giấc mơ đăng quang trên sân nhà đã tan biến trong nỗi nhục nhã khó gột rửa. Đội khách Đức chơi không tồi song không quá xuất sắc và nếu không nhận được sự hỗ trợ đắc lực của đối thủ từ những sai lầm trong cách bố trí lối chơi, chỉ đạo chiến thuật của Scolari thì tin chắc họ chẳng thể làm ra nổi chiến thắng kỷ lục tại các vòng bán kết World Cup. Cần lưu ý rằng 4/7 bàn thắng đã xuất hiện chỉ trong vòng hơn... 6 phút đồng hồ của hiệp 1, một điều khó tin khác của trận vừa rồi và dẫn đến sự vỡ trận tất yếu của Selecao. Trong đó, Klose đã chính thức thiết lập kỷ lục ghi bàn mới tại World Cup. Phải đến phút cuối cùng, Brazil mới kiểm nổi bàn danh dự.
Thật ngạc nhiên khi bán kết World Cup 2014 mới là lần gặp gỡ thứ hai giữa hai đội tuyển giàu truyền thống bậc nhất giải bóng đá lớn nhất hành tinh với tổng cộng 8 danh hiệu VĐTG cũng như nhiều lần khác đạt thành tích rất cao tại giải đấu. Lần đầu tiên diễn ra cách đây 12 năm ở chung kết World Cup 2002 trên đất Nhật Bản và Đức đã phải ôm hận bởi cú đúp của "Người ngoài hành tinh" Ronaldo. HLV dẫn dắt Brazil khi đó chính là "cáo già" Luiz Felipe Scolari. Giờ đây, bất chấp phải thi đấu ngay tại sào huyệt của đối phương, Đức vẫn tràn trề cơ hội phục hận bởi bên cạnh trình độ, thực lực, đẳng cấp của bản thân thì Đức còn được Brazil "chấp" hai trụ cột cực kỳ quan trọng: cánh chim đầu đàn Neymar và thủ lĩnh Thiago Silva. Tại giải đấu năm nay, Die Mannschaft đã không hủy diệt, cán nát đối phương như người ta chờ đợi mà lầm lũi tiến một cách chắc chắn bằng sự đồng đều và hùng mạnh của đội hình trên mọi tuyến. Không những vậy, Đức bây giờ nếu thích có thể chơi phóng khoáng, cởi mở, áp đặt tấn công lên đối thủ chứ không còn chỉ biết tổ chức lối đá chắc chắn, thực dụng, thiên về khắc chế sức mạnh đối phương và rình rập thời cơ kết liễu số phận trận đấu như bản chất bấy lâu nay của nền bóng đá Đức. Bởi thế, chẳng sai khi giới chuyên môn tạm nghiêng về phía đội khách Đức trước bán kết.
David Luiz đã mang theo chiếc áo của Neymar lúc làm lễ chào cờ trước trận đấu
Trong khi đó, suốt những ngày qua, cả nước Brazil đã phải "sống trong hoang mang" thay vì vui sướng tột bậc khi đội nhà lọt vào nhóm 4 đội mạnh nhất giải bởi chấn thương của Neymar và án treo giò của Thiago Silva. Không hoang mang sao được khi Thiago Silva là thủ lĩnh không thể thay thế nơi hàng phòng ngự, là chỗ dựa chắc chắn về mặt tinh thần còn Neymar là linh hồn của đội bóng áo vàng và chiếm giữ hơn 50% sức mạnh của đội tuyển. Nhưng đó cũng xem là cái giá mà Brazil phải trả cho lối chơi bạo lực mà chính họ đã theo đuổi tại World Cup 2014. Cũng phải thấy rằng, chủ nhà Brazil chưa thực sự gây ấn tượng tại World Cup 2014 ngay cả khi có Thiago Silva và Neymar. Sự phụ thuộc của Selecao vào Neymar là quá rõ ràng và khi ngôi sao này không tỏa sáng, lối chơi của họ trở nên đơn điệu. Ở 2 trận đấu với các đối thủ khó chịu là Chile và Colombia, Selecao đều phải nhờ tới các tình huống bóng chết mới có thể ghi bàn. Tuy nhiên, được chơi trên sân nhà vẫn là ưu thế to lớn không thể phủ nhận đồng thời chính sự vắng mặt của bộ đôi Neymar - Thiago biết đâu sẽ tạo tâm lý thoải mái hơn cho Selecao vì nếu có thua thì cũng là khả năng được tính đến song nếu thắng thì đó đích thực là chiến công vĩ đại.
Đúng như dự đoán và thật ra Scolari làm gì moi đâu ra phương án nào tốt hơn, Dante đã có mặt ở hàng thủ để thay cho Thiago Silva. Trung vệ 30 tuổi này không chỉ thừa kinh nghiệm, đẳng cấp lẫn bản lĩnh thi đấu đỉnh cao mà còn khá am hiểu bóng đá Đức và biết rất rõ điểm mạnh - yếu của nhiều trụ cột bên phía Mannschaft nhờ quãng thời gian khoác áo Bayern Munich, nòng cốt của Đức tại World Cup 2014, từ năm 2012 cho tới nay (trước đó, Dante đã khoác áo một CLB Đức khác, Borussia Mönchengladbach). Chỉ có điều trước đó, Dante chưa được ra sân một phút nào ở giải đấu nên đòi hỏi anh phải thích ứng rất nhanh với bầu không khí đầy áp lực của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Trên hàng công, câu hỏi ai thay thế Neymar đã được giải đáp bằng cái tên Bernard chứ không phải Willian, Hernanes hay Ramires. Tiền vệ sinh năm 1992 đang chơi bóng tại Ukraine cho Shakhtar Donetsk sẽ đá lệch trái trong sơ đồ tấn công 4 người để Oscar bó vào giữa, gánh vác hoàn toàn trọng trách tổ chức, dẫn dắt lối chơi do Neymar để lại. Có lẽ, Big Phil tin tưởng vào sự tinh quái, lọc lõi, khả năng luồn lách của chàng cầu thủ nhỏ con chỉ cao 1m64 này sẽ là thứ vữ khí "chống tăng" hữu hiệu của người Brazil trận này (ngay từ cái tên, nói trắng ra nghe hơi giống... một chú cún, cũng đã nói lên phẩm chất của Bernard). Mặc cho thi đấu chẳng ra sao từ đầu mùa, Fred vẫn được chơi ở vị trí trung phong cắm như lời khẳng định cho sự bảo thủ ghê gớm của Scolari. Dẫu sau, nền tảng hiện tại trong lối chơi của Brazil phải là các chuyên gia phòng ngự trình độ cao như Luiz Gustavo, Fernandinho hay David Luiz (người được đeo băng đội trưởng thay Thiago Silva như sự chứng tỏ Scolari coi trọng khía cạnh phòng ngự đến mức nào) rồi Maicon, hậu vệ phải tiếp tục được sử dụng nhờ vào yếu tố sức mạnh, khả năng tranh chấp, chịu khó phòng ngự và không quá ham hố tấn công như Daniel Alves.
Về phần đội tuyển Đức, HLV Joachim Loew vẫn khiến không ít người phải ngạc nhiên khi tiếp tục đặt niềm tin vào Miroslav Klose và ông không có bất cứ sự điều chỉnh nào trong danh sách xuất phát so với trận tứ kết gặp Pháp. Hôm đó, lão tướng 36 tuổi, tiền đạo thực thụ duy nhất trong thành phần ĐT Đức dự World Cup 2014 đã không tung ra nổi bất cứ một cú sút nào trong gần 70 phút có mặt trên sân. Song đừng quên rằng, Klose hiện đồng nắm giữ kỷ lục ghi bàn tại các kỳ World Cup cùng Ronaldo, nhân vật đã làm đau người Đức 12 năm trước nên xem ra, anh vẫn khá hữu dụng và đủ sức làm nên chuyện nhờ vào khả năng chớp thời cơ, không chiến cực tốt. Thêm vào đó, Klose mà có hơi mờ nhạt thì vẫn còn đó Muller, gương mặt rất có duyên với World Cup khi đã có 10 bàn tính đến thời điểm này dù mới 24 tuổi, "người hùng thầm lặng" Mesut Ozil hay ông chủ tuyến giữa Toni Kroos. Ngoài ra, sự có mặt của một tượng đài như Klose kiểu gì cũng thu hút sự quan tâm của hàng thủ áo vàng, qua đó tạo thêm khoảng trống cho các cầu thủ khác.
Klose chính thức viết lại lịch sử World Cup
Trái với sự tưởng tượng của phần lớn giới chuyêm môn về kịch bản của tận đấu, Brazil đột ngột vào trận với lối chơi tấn công chủ động, đầy màu sắc chứ không hề chủ trương phòng ngự triệt để, không ngại đá rắn đầy xấu xí như hai trận gần nhất. Chính người Đức mới phải co về thủ thế, chơi chậm - chắc, tập trung nhiều vào bảo vệ an toàn phần sân nhà và sẵn sàng trong tư thế phản công. Phong cách mang hơi hướng tiqui-taka của TBN đã không còn tồn tại khi Đức chấp nhận nhường quyền kiểm soát trung tuyến cho đối thủ. Tuy nhiên, đây mới là bản ngã đích thực của người Đức đồng nghĩa nó vô cùng đáng sợ. Quả thật, hàng thủ Đức đã gần như vô hiệu hoá được sức tấn công của đội chủ nhà và giỏi lắm, Brazil chỉ có được vài tình huống uy hiếp không đáng kể như cú đá tầm xa chệch đích của Marcelo hay quả căng ngang nguy hiểm của Hulk từ cánh phải bị Neuer tóm gọn. Tất nhiên, mỗi khi có dịp, Đức chẳng ngần ngại triển khai các đợt phản công và các cầu thủ thuộc tuyến trên của Đức có khá nhiều khoảng trống để vẫy vùng.
Rốt cục, chỉ sau đôi ba lần đe doạ, Đức đã có bàn mở tỷ số ở phút thứ 10. Từ quả phạt góc của Kroos, Thomas Muller ung dung chọn đúng điểm rơi rồi đặt lòng nhẹ nhàng hạ gục Julio Cesar ở khoảng cách gần mà không gặp phải bất cứ sự truy cản nào. Sai lầm lớn nhất trong bàn thua này thuộc về đội trưởng David Luiz khi không theo kịp tình huống và phán đoán sai. Thực ra, ai cũng biết, Luiz vốn là mẫu trung vệ giỏi tấn công hơn phòng ngự và khi đối tác Thiago Silva không có mặt trên sân thì điểm này có vẻ càng được bộc lộ rõ. Nhờ vây, Muller đã có bàn thứ 5 tại World Cup 2014 và tiếp tục bám đuổi James Rodguez trong cuộc đua giành "Chiếc giày vàng World Cup". Bị dẫn bàn, đương nhiên Brazil càng phải điên cuồng tấn công hòng gỡ hoà nhưng họ không làm sao thoát khỏi sự kiềm toả của người Đức. Cố lắm, Brazil chỉ có nổi mấy lần xâm nhập được vòng cấm nhưng khá vô tổ chức và hỗn loạn chứ không phải sản phẩm của sự điềm tĩnh, lạnh lùng cần thiết khi bị dẫn trước. Scolari cũng chẳng đưa ra được sự chỉ đạo cần thiết cho các học trò dù ông quá thừa kinh nghiệm ở môi trường bóng đá đỉnh cao, đặc biệt tại các giải lớn. Đó chính là dấu hiệu cảnh báo cho một kịch bản tồi tệ ở phía trước.
Không lâu sau khi Marcelo ngã xuống sân trong khu vực 16m50 từ tác động của Lahm nhưng trọng tài không thổi còi, Đức đã có bàn thứ hai, mở đầu cho thảm kịch kinh hoàng. Phút 23, trong đợt tấn công trung lộ, Kroos thực hiện đường kiến tạo thiên tài, hoàn toàn xé toạc hàng thủ áo vàng và Muller có động tác chạm bóng tinh tế cho Klose dứt điểm song không thể đánh bại được Julio Cesar. Dẫu vậy, ở cú đá bồi sau đó thì Klose đã làm tung lưới Brazil để chính thức ghi tên mình vào lịch sử World Cup với tư cách "tay săn bàn vĩ đại nhất", vượt qua huyền thoại Ronaldo. Chưa kịp hoàn hồn, Selecao lại phải đón nhận bàn thua thứ 3 chỉ sau đó chưa đầy một phút. Từ một pha xuống biên, đội trưởng Lahm căng ngang tầm thấp vào phía trong, Muller dứt điểm hụt nhưng phía sau, Kroos đã có mặt và ung dung thực hiện động tác volley chân trái uy lực, hạ gục thủ thành kỳ cựu từng một thời xuất sắc nhất Serie A. Lần này, tới lượt cặp tiền vệ trung tâm mắc lỗi khi hoàn toàn biến mất trong tình huống Kroos lập công.
Những giọt nước mắt mặn chát của CĐV Brazil
Tuy nhiên, tấn bi kịch chưa từng có với người Brazil kể từ lần đầu góp mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh mới chỉ bắt đầu chứ chưa phải đến đây đã hết. Phút 26, Kroos và Khedira bật tường như chỗ không người trong vòng cấm địa rồi chính tiền vệ trung tâm hay nhất giải đấu tính đến thời điểm này thoải mái đặt lòng đủ lực để đánh bại Cesar một lần nữa. Với cú đúp có được thì Kroos dường như đã ghi điểm số quan trọng ở cuộc đua giành giải thưởng "Quả bóng vàng World Cup". Cũng chỉ tới phút 29, bảng tỷ số trên sân lại nhảy trong sự bàng hoàng, thất vọng cùng cực xen lẫn những giọt nước mắt sốc nặng trước những gì xảy ra của hàng triệu người Brazil. Vẫn là một đợt tấn công không quá sắc sảo song vẫn đủ sức phá vỡ hệ thống phòng ngự rối bời, nát như tương của đối thủ. Kết quả cuối cùng, Khedira trở thành cầu thủ người Đức thứ 8 lập công ở giải này sau pha đẩy bóng của Ozil.
Vậy là, chỉ trong vòng 6 phút đồng hồ, Brazil biến thành đội bóng quá tầm thường, thậm chí chẳng hơn gì một gương mặt thuộc diện trung bình yếu và kể cả họ có nỗ lực đến đâu trong khoảng thời gian còn lại để vớt vát lại danh dự thì tin chắc, đây sẽ là trận đấu tồi tệ nhất, kinh hoàng nhất, nhục nhã nhất trong lịch sử tham dự World Cup. Belo Horizonte, địa điểm diễn ra trận đấu này, đã không còn là "chân trời mới" như ý nghĩa của tên gọi mà chính xác hơn phải gọi là "chân trời ác mộng". Rõ ràng, người Đức không cần phải tỏ ra quá xuất sắc nổi trội mà vẫn có được một trong những thắng lợi kỳ vĩ, khó tin bậc nhất tại bán kết World Cup. Chính xác hơn, kịch bản này có đóng góp không nhỏ của người Brazil khi họ đã tự thua bằng cách tiếp cận trận đấu thiếu tỉnh táo và không có sự điều chỉnh hợp lý sau khi nhận bàn thua. Đáng nói hơn, Brazil dễ dàng rơi vào cảnh hỗn loạn, vô tô chức, vô kỷ luật để rồi liên tiếp bị chọc thủng lưới như một hệ quả tất yếu.
Phải đến khi tỷ số đã là 0-5 và cơ hội lật ngược thế cờ gần như bằng không thì Brazil mới phần nào tỉnh ngộ để xốc lại đội hình cũng như tinh thần xuống mức cực thấp. Không còn nghi ngờ gì, đúng như Mourinho từng nhận định, sự thiếu vắng của Thiago Silva mới là tổn thất nghiêm trọng nhất của Brazil chứ không phải Neymar bởi hàng thủ vừa mất đi sự vững chãi mà đội tuyển lại thiếu đi một thủ lĩnh đủ tầm để vực dậy toàn đội. David Luiz đến cả phòng ngự còn chẳng xong thì nói gì đến hoàn thành nghĩa vụ của một đội trưởng. Xem ra, Mourinho chẳng sai chút nào khi đẩy Luiz sang PSG, thậm chí đó còn là món hời của ông. Cho đến hết hiệp 1, mành lưới Brazil may mắn không rung lên một lần nào. Ngoài việc Brazil không còn quá lộn xộn như một đám ô hợp chứ chẳng phải tập hợp của những gương mặt đại diện cho nền bóng đá luôn tự hào đứng đầu thế giới thì bản thân Đức có vẻ cũng quá thoả mãn và chẳng muốn hành hạ thêm đội chủ nhà. Không những vậy, với kết quả này, họ cứ tha hồ nghĩ tới việc dành sức cho trận cuối cùng bởi thắng to ở bán kết mà thua ở chung kết thì cũng "vứt".
Chưa bao giờ trong lịch sử tham dự bán kết World Cup, Đức lại thắng dễ đến thế
Cơ hội nguy hiểm duy nhất mà Đức tạo ra trong 15 phút cuối hiệp 1 là cú sút từ ngoài vòng cấm của Kroos sượt qua người David Luiz và bay qua xà ngang. Trong khi, một mình nỗ lực không biết mệt mỏi của Oscar cũng đôi lần làm hàng thủ Đức phải vật vả song do chẳng nhận được sự hỗ trợ nào từ đồng đội xung quanh bởi cả Fred, Hulk lẫn "niềm hy vọng" Bernard chưa hết mơ ngủ mà Neuer chưa một lần phải đích thân ra tay. Sau giờ nghỉ giải lao, HLV Scolari đã thay liền hai cầu thủ khi Paulinho rồi Ramires có mặt trên sân, thế chỗ của Fernandinho và Hulk còn Loew cũng đưa Mertesacker vào thay Hummels, có lẽ nhằm cất trung vệ này cho trận chung kết. Cùng với đó, dấu ấn chỉ đạo của Big Phil cũng sớm được bộc lộ khi Brazil tấn công có phần khởi sắc hơn hẳn và khung thành Neuer bắt đầu chao đảo. Thủ thành số 1 nước Đức từng phải đối mặt với Oscar sau pha kiến tạo thông minh của Ramires và dùng chân cứu thua. Tiếp đó, Manuel Neuer hai lần liên tiếp chặn đứng nỗ lực dứt điểm của cầu thủ mới vào sân Paulinho.
Dù sao những bài tấn công khá ổn của Selecao cũng là cơ hội để hàng thủ Đức được trổ tài và tôi luyện thực tế cũng như giúp Loew nhận ra điểm yếu cần khắc phục cho trận chung kết. Phút 61, trong đòn đánh trả đầu tiên của hiệp 2, Muller suýt vươn lên ngang bằng thành tích của James Rodriguez ở World Cup lần này nếu như Julio Cesar không xuất sắc tung người đẩy cú sút khá hiểm của anh từ sát vạch 16m50. Ngay sau đó, Maicon lại đổ người trong vòng cấm và giống như mấy pha bóng trước, vị trọng tài Rodríguez từng bỏ qua tình huống lừng danh "Suarez cắn vào vai Chiellini" ở trận đấu Uruguay - Italia tại vòng bảng vẫn lắc đầu. Còn nhớ, trước trận bán kết, Joachim Loew từng đe nẹt trọng tài rằng không nên tiếp tục thiên vị đội chủ nhà và chẳng rõ có phải lời nói này đã tác động đến đội ngũ điều khiển trận đấu mà Brazil chưa được hưởng tý lợi lộc nào, mặc cho trong bối cảnh này, kể cả được giúp đỡ thì Brazil cũng hoàn toàn bất lực trong tham vọng lội ngược dòng.
Chẳng những tấn công mãi không ghi nổi bàn nào mà Brazil lại còn phải nhận bàn thua thứ 6. Lần này, hàng thủ áo vàng lại trở về trạng thái "mơ mơ tỉnh tỉnh" và bỏ mặc cho Lahm tung hoành trong vòng cấm địa rồi căng ngang thuận lợi vào phía trong, giúp Schurrle dễ dàng lập công. Không còn nghi ngờ gì, đây là thất bại nặng nề và nhục nhã nhất trong lịch sử tham dự World Cup của ĐTQG Brazil đồng thời chưa bao giờ có trận bán kết nào của giải đấu mà cách biệt lại lắm đến thế. Thật không thể tin nổi. Tuy nhiên, đừng vội nghĩ rằng, trận đấu sẽ dừng lại ở đây. Việc không thể chọc thủng lưới Neuer đã tác động lớn đến tinh thần và sự hưng phấn của các tuyển thủ chủ nhà, khiến sự yếu kém cố hữu nơi hàng phòng ngự lại được dịp bộc lộ. Phút 79, từ đường chuyền bên cánh trái của Muller, Schurrle băng vào khống chế gọn gàng rồi dứt điểm quyết đoán bằng chân trái, găm thẳng trái bóng vào góc cao trong sự bất lực tột độ của Cesar.
Schurrle kịp mang về một cú đúp
Như vậy, với tỷ số này thì Brazil chính thức phải nhận thất bại kỷ lục tại các giải đấu chính thức (tính thêm Olympic mùa hè và Copa America, giải vô địch bóng đá Nam Mỹ). Cách đây gần 100 năm (1920), Brazil từng thua Uruguay 0-6 ở Copa Ameria và không ai có thể ngờ, tại thế kỷ 21, lại ngay trên sân nhà, Brazil đã thua đến 0-7. Trong khi người Đức vẫn chưa thể san bằng kỷ lục "thắng đậm nhất" tại các kỳ World Cup mà họ đã lập chính ở World Cup 2002 (thắng Ả Rập Xê Út 8-0). Với riêng Muller, chỉ cần có được 1 bàn nữa thôi thì gần như anh sẽ bảo vệ thành công danh hiệu "Chiếc giày vàng World Cup" mà anh từng sở hữu cách đây 4 năm bởi hiện anh đã hơn James Rodriguez về số pha kiến tạo (3 so với 2), tiêu chí xét đến đầu tiên nếu có hơn 2 cầu thủ cùng sở hữu số bàn thắng nhiều nhất.
Song cuối cùng, Brazil cũng kiếm được bàn thắng vãn hồi danh dự. Đúng vào phút cuối cùng, Ozil rơi vào lằn ranh mong manh của thế việt vị đã bứt phá thoát xuống đón quả chuyền dài của Marcelo, không mấy khó khăn vượt qua sự hời hợt truy cản của Boateng rồi bình tĩnh đánh bại nốt chốt chặn cuối cùng Neuer, ấn định thất bại chung cuộc 1-7 cho đội nhà, một trong những cú sốc khủng khiếp nhất của World Cup từ xưa đến nay mà chắc chắn sẽ còn lưu truyền muôn đời. Thực ra, trận này sẽ còn phải có thêm vài bàn nữa nếu chính Oscar đánh bại được Neuer ở góc hẹp hay cú ra chân của Ozil đi chính xác hơn vài chục cm ở vài phút trước đó. Dù gì, 1-7 cũng đã là tỷ số không thể tin nổi và chắc chắn không hề tồn tại trong tâm trí bất cứ fan hâm mộ bóng đá nào, kể cả tếu táo và mơ mộng đến mấy.
Kết quả huy hoàng này không chỉ đưa người Đức lần thứ 8 có mặt ở chung kết (một kỷ lục nữa của giải đấu) mà còn giúp họ chính thức trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vương. Họ đã từng thua 4/7 trận chung kết trước đó (lại một .... kỷ lục) và tin chắc lần này, thầy trò Joachim Loew không muốn điều đó xảy ra. Với đội hình đang đạt đến độ chín nhất trong sự nghiệp và phong độ cực cao, tinh thần cực tốt, Đức đang đứng trước cơ hội lớn lần thứ 4 giương cao chiếc cúp vàng danh giá, ngang bằng với thành tích của ĐT Italia. Còn người Brazil chắc chắn cần phải đứng dậy ngay tức thì để phần nào vớt vát lại tình cảm của người hâm mộ ở trận tranh giải ba sắp tới dù ai cũng biết trận này thường chỉ được xem là "vô thưởng vô phạt" nhưng với Selecao vào lúc này thì giá trị cũng như ý nghĩa của nó không thua gì trận chung kết.
Đội hình thi đấu
Brazil: Julio Cesar, Maicon, David Luiz, Dante, Marcelo, Luiz Gustavo, Fernandinho (Paulinho 46'), Hulk (Ramires 46'), Oscar, Bernard, Fred (Willian 70')
Đức: Neuer, Lahm, Boateng, Hummels (Mertesacker 46'), Howedes, Khedira (Draxler 76'), Schweinsteiger, Kroos, Muller, Ozil, Klose (Schurrle 58')
Bảo Phương