Vậy là, VCK World Cup thứ 20 trong lịch sử chất chứa biết bao niềm tin, hy vọng của người Brazil khi giải đấu được diễn ra trên quê hương của họ đã kết thúc không thể bi kịch và nhục nhã hơn. Tưởng như, thầy trò Scolari sẽ có kết quả tốt ở trận tranh hạng 3 nhờ vào tấm thịnh tình "nhường nhịn" của đối thủ Hà Lan song rốt cục, Oranje đâu có ý định buông xuôi như tuyên bố ban đầu. Vị tướng tài Van Gaal cùng dàn quân sĩ thiện chiến vẫn chơi hết mình, quyết tâm như mọi khi nên việc vượt qua chủ nhà Brazil rõ ràng chẳng phải điều gì ghê gớm và hoàn toàn nằm trong khả năng. Chỉ có điều, Selecao tiếp tục thể hiên bộ mặt bệ rạc, bạc nhược, thiếu sinh khí, lối chơi yếu ớt cùng đội ngũ nhân sự tầm thường, chưa kể lại chơi quá thô bạo trong một trận đấu mà lẽ ra họ cần phải giành lai niềm tin nơi người hâm mộ nước nhà. Vì thế, thắng lợi của Hà Lan là cực kỳ xứng đáng và thuyết phục. Ba cầu thủ lập công cho "lốc Da cam" là Van Persie, Blind và Wijnaldum.
Quả thật, tuyên bố của Van Gaal rằng trận tranh 3-4 tại các kỳ World Cup thật sự vô bổ, vớ vẩn và lẽ ra không nên tồn tại chẳng sai chút nào. Trong bóng đá, rõ ràng chỉ có những đội vô địch là mãi được nhớ đến chứ còn ngay cả đội Á quân rồi cũng sớm chìm vào quên lãng, huống chi hạng 3 hay hạng 4. Thử hỏi trên đời này, có mấy người nhớ nổi hai đội xếp ở hai vị trí này tại các kỳ World Cup trước đó. Xét về mức độ tự hào và danh dự thì hiển nhiên thứ 3 hoặc thứ 4 không có chút gì khác biệt, cùng lắm chỉ chênh nhau ... ít tiền thưởng. Cần nhớ rằng, kể từ năm 1984, giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro) luôn được xem là hình mẫu không thua kém nhiều so với World Cup đã bỏ đi trận tranh 3-4 như một lời khẳng định cho tính chất "vô thưởng vô phạt" của trận đấu. Dẫu vậy, vẫn có thứ để người ta chờ đợi về trận tranh 3-4 tại World Cup lần này. Thứ nhất, tất cả đều muốn xem phản ứng của thầy trò Scolari ra sao sau thảm hoạ lịch sử Minerazo. Khóc lóc đã quá đủ rồi. Chưa bao giờ những giọt nước mắt trở nên đáng ghét như thế. Trong bối cảnh tất cả đều u ám thì những hành động tô đậm thêm sự uể oải, bi đát đều đáng bị tẩy chay. Thứ hai, liệu Hà Lan có thật sự buông và chẳng còn động lực nào ra sân thi đấu như những gì Van Gaal đã tâm sự. Hãy lưu ý, đây sẽ là trận chia tay của nhà cầm quân 62 tuổi với Oranje trước khi chính thức gia nhập Man Utd nên biết đâu tuyên bố vừa rồi chỉ là "đầu môi chót lưỡi" mà thôi bởi đơn giản, hẳn ông cũng muốn để lại kỷ niệm tốt đẹp ngày ra đi. Đó cũng là một sự quảng bá khác cho tài năng huấn luyện siêu việt của ông. Chẳng còn nghi ngờ gì, tính trên khía cạnh điều chỉnh chiến thuật và sử dụng nhân sự thì Van Gaal mới là chiến lược gia số 1 giải đấu này. Thứ 3, lịch sử đã chứng minh các trận tranh 3-4 đều rất hấp dẫn, sôi động và dồi dào bàn thắng khi mà hai đội không bị đè nặng bởi toan tính nên chẳng có lý do gì mà không bung hết sức.Van Gaal đã không buông như tuyên bố ban đầu
Trái ngược với đối thủ, Scolari đã tiến hành thay đổi mạnh mẽ danh sách xuất phát. Thực ra, mọi sự điều chỉnh đều hoàn toàn hợp lý vì nhiều gương mặt được ông tin tưởng tuyệt đối và bảo thủ sử dụng bất chấp dư luận cho đến trận bán kết đã chơi quá mờ nhạt và xứng đáng ngồi ngoài sân từ lâu rồi chứ chẳng phải chờ đến trận cuối cùng. Đây dường như là động thái xoa dịu dư luận nước nhà đang sục sôi đầy khôn ngoan của Big Phil. Marcelo, cầu thủ chơi cực tệ ở trận bán kết khi liên tục bị người Đức qua mặt dễ như ăn bánh ở cánh trái do anh quản lý, đã bị thay bằng Maxwell, hậu vệ đã 32 tuổi hiện khoác áo PSG sau khi từng kinh qua Barcelona, Inter Milan. Tại tuyến giữa, Fernandinho cũng bị trừng phạt thích đáng vì màn trình diễn dưới mức trung bình ở bán kết và Paulinho trở thành người đá cặp với Luiz Gustavo, vũ công Samba hiếm hoi đươc đánh giá cao ở giải này (cùng Neymar). Trên hàng công, rốt cục Ramires cùng Willian đã được ra sân, đẩy "Người khổng lồ xanh (nhưng rốt cục, chỉ là nhái tên nhân vật truyện tranh và phim ảnh mà thôi)" Hulk và Bernard, tiền vệ thi đấu quá tệ khi được đá thay Neymar, lên băng ghế dự bị. Nhờ vậy, bộ tam tấu Chelsea trên hàng công Selecao chính thức đươc thiết lập vì gương mặt còn lại không thể là ai khác ngoài Oscar, cái tên không quá xuất sắc, ổn định nhưng ít ra ngon gấp vạn lần so với những đồng đội khác. Thi đấu cao nhất không còn là chàng trung phong "chân gỗ đầu đất" Fred mà không hiểu sao vẫn có mặt không thiếu trận nào từ đầu giải đến bán kết. Thay vào đó, Jo được trọng dụng song nếu tạm bỏ qua quyết tâm chứng tỏ mình và khao khát thi đấu thì trình độ, đẳng cấp của Jo chẳng hơn bao nhiêu so với Fred (chàng tiền đạo 27 tuổi này từng có vài năm chơi bóng tại Premier League cho Man City, Everton nhưng đều được gắn với hai chữ "thất vọng").
Câu hỏi về động lực thi đấu của Oranje chính thức được giải đáp khi ngay sau tiếng còi khai cuộc, họ ào lên mạnh mẽ chứ không còn giữ quan điểm "tiếp cận trận đấu chậm rãi, từ tốn, thận trọng" như từng duy trì từ ngày ra quân tại World Cup 2014. Nhờ vậy mà khi kim đồng hồ mới trôi qua đươc hơn 2 phút, họ đã sớm tìm được bàn mở tỷ số, khiến mọi khán đài trên SVĐ quốc gia tại thủ đô Brasília trở nên câm lặng. Robben bứt tốc băng xuống đón cú chọc khe của Van Persie và anh đã bị thủ quân Thiago Silva của đối phương kéo ngã từ phía sau. Không chút chần chừ, vị trọng tài Haimoudi đã chỉ tay vào chấm 11m cùng tấm thẻ vàng dành cho trung vệ khoác áo PSG. Quyết định này của ông vua sân cỏ người Algeria sai đến hai lần. Lẽ ra, Thiago cần xứng đáng bị đuổi khỏi sân bởi ngăn cản Robben trong tình huống ăn bàn mười mươi nhưng điểm phạm lỗi có vẻ ở ngoài vạch 16m50 đồng nghĩa không thể thổi phạt penalty. Trách nhiệm sút phạt đền được giao cho thủ lĩnh Van Persie và anh lạnh lùng thực hiện cú đá vào góc chết (góc cao cầu môn), khiến Cesar đành bó tay dù đoán đúng hướng. Van Persie mở tỷ số từ chấm 11m
Bị dẫn bàn, không còn cách nào khác, Selecao phải vùng dậy hòng gỡ hoà và dần kiểm soát được thế trận, dồn ép đối thủ về phần sân nhà. Tuy nhiên, hệ thống phòng ngự gồm 3 trung vệ của Oranje đâu dễ bị đánh bại, chưa kể hai cầu thủ chạy cánh Dirk Kuyt - Daley Blind liên tục lùi xuống hỗ trợ, khiến dàn vũ công Samba rất khó nhảy múa và tiếp cận khung thành Cillessen. Dù buộc phải chuyển sang đấu pháp phòng ngự - phản công song ai cũng rõ, tại World Cup lần này, Hà Lan đáng sợ đến như thế nào khi phải thi đấu như vậy. Minh chứng hùng hồn: Phút 16, ở một đợt phản công nhanh, Hà Lan đã gia tăng được cách biệt. Robben ung dung đẩy bóng xuống cho De Guzman bên cánh trái (nhưng có vẻ tiền vệ đang chơi bóng tại Premier League cho Swansea City đã rơi vào thế việt vị) và cầu thủ này vô tư tạt vào trong mà không gặp phải bất cứ sự truy cản nào. David Luiz buộc phải phá bóng ra song không khác nào đường kiến tạo đẹp cho Daley Blind. Một trong những phát hiện lớn nhất của Van Gaal ở giải đấu lần này khéo léo khống chế bóng bằng chân trái rồi vung chân phải sút tung nóc lưới Cesar.
Thế là, Brazil vốn đã "điên" thì nay càng phải điên cuồng hơn hòng lật ngược thế cờ, tránh thảm hoạ thứ hai. Tuy nhiên, lối đá của họ vẫn rất thiếu đường nét, rời rạc, không gắn kết nên không thể có cửa xuyên thủng hàng thủ đối phương. Mãi tới phút 21, họ mới có nổi tình huống nguy hiểm đầu tiên khi Oscar đột phá trung lộ từ cánh phải rồi tung ra cú đá căng, buộc Cillessen phải trổ tài. Thủ thành 25 tuổi này thực sự là người gác đền số 1 ĐTQG hiện nay khi chỉ để thủng lưới có 9 bàn trong 14 lần bắt chính, trong đó có 8 trận giữ sạch lưới (tất nhiên, thành tích này không thể bao gồm loạt đá luân lưu 11m, một điểm yếu của Cillessen khi anh chưa từng cản phá thành công một cú đá 11m nào trong sự nghiệp). Oscar cũng chính là gương mặt chơi nổi bật nhất trên hàng công Brazil. Tiền vệ sinh năm 1992 đã tả xung hữu đột, tích cực di chuyển trên khắp các mặt sân hòng đem lại đột biến, khởi sắc cho hàng công và không thể phủ nhận, anh trở thành mối hiểm hoạ lớn nhất cho Hà Lan. Chỉ có điều công sức của một mình Oscar chưa thể làm nên "mùa xuân" cho binh đoàn áo vàng. Không ít lần Oscar tự kiếm cho đội nhà những quả đá phạt và cũng chính anh là người thực hiện với các đường tạt hóc hiểm vào vòng cấm địa nhưng không đồng đội nào của anh chớp được thời cơ.
Trong khi đó, bên cạnh giữ vững hậu phương và bảo đảm an toàn ở mức tối đa, Hà Lan vẫn không quên những đòn phản công khi có dịp. Phút 41, đón bóng từ ngoài vòng cấm, Percy ngả chân thực hiện cú volley đập đất khá căng nhưng Cesar kịp đổ người tóm gọn. Đầu hiệp 2, Brazil đã có sự thay đổi người khi Fernaidnho thế chỗ của Gustavo, tiền vệ không để lại nhiều ấn tượng trong hiệp 1. Đội chủ nhà vẫn miệt mài tấn công và hơi có dấu hiệu khởi sắc song vẫn là quá ít ỏi để có thể nghĩ tới chuyện đánh bại Cillessen. Hà Lan tiếp tục ung dung thủ thế và Brazil bắt đầu tỏ ra mất kiểm soát khi đôi lần phạm lỗi khá thô bạo. Sự bế tắc của Selecao ở trận tranh 3-4 thêm một lần khẳng định hoặc Brazil bây giờ đang cạn kiệt tài năng hoặc Scolari đã không lựa chọn ra những cái tên ưu tú nhất đại diện cho quốc gia. Mọi sự thay đổi của ông đều không thể giúp chất lượng đội hình tăng lên mà chẳng khác gì "làm cho có" trước sức ép của dư luận. Chưa dừng lại ở đó, Brazil còn để lại ấn tượng cực xấu về lối chơi thô bạo.
Phút 57, Hernanes vào sân thay cho Paulinho với kỳ vọng làm tăng khả năng phát động tấn công, sáng tạo ở tuyến giữa nhưng vừa có mặt chưa được bao lâu, tiền vệ khoác áo Inter Milan đã triệt hạ thẳng chân Robben và không hiểu sao, trọng tài lại bỏ qua. Phút 60, Ramires sút chìm chệch cột dọc trong gang tấc từ ngoài vòng cấm sau khi loại bỏ Ron Vlaar. Khi không thể ghi bàn thì khó tránh khỏi chuyện Brazil phải xài đến những chiêu trò, tiểu xảo. Phút 68, Oscar đã ngã xuống sân sau pha truy cản của Daley Blind và tiếng còi đã được cất lên nhưng không phải thổi 11m cho Brazil mà là phạt thẻ vàng cho Oscar vì diễn kịch. Ngay sau đó, Oscar đã "trút giận" lên đầu chính Blind, khiến cầu thủ này phải rời sân ở trên cáng và Daryl Janmaat vào thay.
Về phần Brazil, Scolari tính thổi hồn vào lối chơi và tìm cách tháo gỡ khó khăn bằng quyết định đưa gương mặt cũ mèm Hulk vào thế chỗ Ramires chơi thiếu hiệu quả. Rõ ràng, một lần nữa, vấn đề nhân sự của bóng đá Brazil lại được đặt ra nóng bỏng hơn bao giờ hết khi ĐTQG quá thiếu cầu thủ giỏi, quá ít phương án B đáng giá. Thời gian cứ trôi đi mà Brazil không làm sao mở được cánh cửa dẫn tới khung thành, nói gì đến kiếm bàn danh dự. Phút 82, Robben lại ngã xuống sân sau tác động vào lưng của Fernandinho nhưng lần này, chẳng có quả phạt đền nào cho Hà Lan. Cho đến hết trận, Brazil "tắc vẫn hoàn tắc" trên mặt trận tấn công trong khi vẫn liên tục phải hứng chịu các pha tập kích hết sức khó chịu của đối thủ để rồi đúng vào phút thi đấu cuối cùng, Wijnaldum đã ấn định kết quả chung cuộc 3-0 sau pha dứt điểm điệu nghệ cận thành từ quả căng ngang của Janmaat trong đợt tấn công nhanh do Robben khởi xướng. Sự kiện đánh chú ý cuối cùng của trận đấu là việc Van Gaal đưa thủ thành Vorm vào sân ngay trước tiếng còi mãn cuộc, qua đó xác lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu: Đội đầu tiên trong lịch sử World Cup sử dụng đầy đủ 23/23 cầu thủ mang tới tham dự giải đấu.
Không còn nghi ngờ gì, World Cup 2014 thực sự là thảm hoạ với bóng đá Brazil, không chỉ vì họ chỉ đứng hạng 4 chung cuộc mà bởi Selecao cho tất cả thấy đẳng cấp, bản lĩnh, trình độ của họ đến đâu, đặc biệt qua hai trận đấu cuối khi phải chạm trán những đối thủ "đồng cân đồng lạng". Chẳng ai có thể tin một quốc gia luôn tự hào giàu truyền thống nhất hành tinh và sở hữu nguồn tài năng dồi dào nhất làng túc cầu giáo lại thi đấu như kẻ tầm thường ở giải đấu họ chuẩn bị rất kỹ càng cũng như đã phải bỏ ra hơn chục tỷ USD để tổ chức. Chưa biết chừng, các cuộc bạo loạn sẽ lại nổ ra ở Brazil sau trận này, giống như trận bán kết bởi người hâm mộ cuồng nhiệt tại xứ sở Samba khó lòng chấp nhận nổi một hình ảnh nghèo nàn đến thế của ĐTQG. Trong khi, Van Gaal thực sự đã tạm biệt Oranje bằng thành tích đáng khen. Dù không thể lọt vào chung kết song rõ ràng, Hà Lan đã có một giải đấu quá thành công, mang đậm dấu ấn của vị thuyền trưởng sẽ dẫn dắt Man Utd mùa tới, báo hiệu một mùa bóng tại Premier League vô cùng đáng xem.
Đội hình thi đấu
Brazil: Cesar, Maicon, Silva, Luiz, Maxwell, Gustavo (Fernandinho 46'), Paulinho, Ramires (Hulk 72'), Oscar, Willian, Jo
Hà Lan: Cillessen (Vorm 90'+3), De Vrij, Vlaar, Martins Indi, Kuyt, Blind (Janmaat 70'), Clasie (Veltman 90'), Wijnaldum, De Guzman, Robben, Van Persie
Bảo Phương