Chưa bao giờ trong lịch sử World Cup, lại diễn ra một vòng đấu loại trực tiếp 16 đội hấp dẫn đến thế khi yếu tố kịch tính, nghẹt thở, được duy trì từ trận đấu đến trận cuối. Trong đó, trận thứ 8 Bỉ - Mỹ chắc chắn là trận có chất lượng chuyên môn cao nhất dù chung cuộc, đội nằm ở "cửa trên" vẫn giành quyền đi tiếp sau màn tử chiến giàu cảm xúc mà phải kéo dài thêm hai hiệp phụ. Thực ra, nếu hai bên không quá lãng phí cơ hội thì có lẽ kết cục trận đấu đã được định đoạt sau 90 phút song chính sự "vô duyên" đó đã tạo ra 30 phút "thêm giờ" cực kỳ đáng nhớ. Bỉ liên tiếp ghi hai bàn tuy nhiên nào ai ngờ Mỹ lại vùng dậy mạnh mẽ, gỡ lại 1 bàn và hoàn toàn lấn lướt trong 15 phút cuối. Đáng tiếc, do khâu dứt điểm có vấn đề, đoàn quân của Klinsmann đã nổi dậy bất thành song cái chết của họ rõ ràng rất oanh liệt.
7 trận đấu vừa qua của vòng 1/8 đã chứng kiến sự thắng thế tuyệt đối của nhóm đội tuyển đứng đầu vòng bảng. Điều này đồng nghĩa với việc họ mặc nhiên được đánh giá cao hơn dù rằng không hề có trận đấu nào dễ dàng và tất cả đã phải tiêu tốn biết bao công sức, hao tổn không ít nguyên khí mới có thể giành lấy tấm vé đi tiếp một cách kịch tính, nghẹt thở. Bởi thế, người hâm mộ bóng đá đơn thuần chắc hẳn rất kỳ vọng kịch bản đó sẽ không tái diễn ở cuộc đối đầu khép lại vòng 1/8 giữa ĐT Bỉ giàu sức sống và ĐT Mỹ vô cùng khó chơi vì đơn giản, bóng đá mà thiếu đi yếu tố bất ngờ, những màn lật đổ của các đội "chiếu dưới" thì hẳn sự thú vị, cái đẹp sẽ giảm đi ít nhiều. Thực ra, có rất nhiều lý do để tin vào một chiến thắng dành cho tuyển Mỹ. Họ đã xuất sắc vượt qua bảng đấu có sự hiện diện của những đối thủ rắn mặt như Bồ Đào Nha, Ghana và Đức nhưng quan trọng hơn, HLV Jurgen Klinsmann, một người mang trong mình dòng máu Đức nhưng giờ đã là người Mỹ chính hiệu, đã xây dựng ra một đội tuyển theo đúng tinh thần Mỹ. Ở đó, cơ hội luôn dành cho tất cả từ số cầu thủ trẻ cho đến những người tưởng chừng đã hết thời; từ những người sinh trưởng tại Mỹ cho đến những anh chàng gốc ngoại, và cũng chẳng cần phải là ngôi sao danh tiếng, tất cả đều có thể có chỗ đứng, nếu nỗ lực. Đấy cũng chính là thứ hi vọng mà nhiều người ấp ủ khi tìm đến đất Mỹ. Và cũng vì vậy mà đội tuyển của Klinsmann tạo ra một hấp lực đặc biệt.
Phải đến hiêp phụ, Bỉ mới được hưởng niềm vui dù sau cùng vẫn phải trải qua cảm giác sợ hãi
Chưa bao giờ, người dân Mỹ lại dành sự quan tâm cao đến thế cho ĐTQG ở một đất nước mà bóng đá chưa bao giờ là môn thể thao số 1. Ngay cả Tổng thống Obama cũng phải chăm chú xem trận đấu giữa Mỹ và Đức, dù ông đang ở trên máy bay. Các công ty Mỹ thì bố trí cho nhân viên theo dõi trận đấu ngay tại công sở. Số lượng người theo dõi 3 trận vòng bảng vừa qua của tuyển Mỹ đã chạm tới con số kỷ lục trong lịch sử phát triển môn thể thao vua tại xứ sở cờ hoa, không hề thua kém các sự kiện thể thao lớn khác diễn ra tại đất nước này. Trong khi đó, dù sở hữu lực lượng dồi dào, hùng hậu gồm rất nhiều cầu thủ tài năng có trình độ tương đương, song Bỉ thật sự chưa thể hiện được quá nhiều ở World Cup 2014. Việc họ toàn thắng tại vòng bảng phần nhiều là do đối thủ quá yếu, chứ không hẳn Hazard và các đồng đội quá xuất sắc. Lối chơi gắn kết, kỷ luật và dựa trên nền tảng thể lực sung mãn của ĐT Mỹ (được Klinsi nhồi thể lực rất nặng) hoàn toàn có thể khiến đoàn quân của HLV Wilmots gặp khó. Thêm vào đó, ĐT Bỉ bây giờ rõ ràng chỉ là một "tân binh" của World Cup bởi toàn bộ 23 cầu thủ cùng HLV trưởng mới lần đầu được trải nghiệm giải bóng đá lớn nhất hành tinh nên hoàn toàn thua kém về mặt kinh nghiệm so với tuyển Mỹ và vị thuyền trưởng Klinsmann, vốn đã không ít lần dự World Cup với tư cách cầu thủ lẫn HLV.
Không những vậy, Bỉ còn phải bước vào trận đấu mà không có được đội hình mạnh nhất khi hai hậu vệ Thomas Vermaelen và Anthony Vanden Borre dính chấn thương còn Steven Defour bị treo giò. Cũng may, thủ quân Vincent Kompany đã kịp bình phục chấn thương để ra sân ngay từ đầu, mang lại sự an tâm cho hàng phòng ngự. Toby Alderweireld, thành viên của Atletico Madrid vô địch La Liga, đảm nhận vị trí hậu vệ phải do Vanden Borre để lại và Vertonghen tiêp tục phải dạt sang cánh trái. Tại tuyến giữa, tiền vệ đã hồi sinh mạnh mẽ khi trở về khoác áo ĐTQG sau mùa giải thảm hoạ tại Man utd, Fellaini đá cặp với Alex Witsel, chiến binh đang khoác áo Zenit (Nga). Trên hàng công, phát hiện mới Divock Origi, chân sút mới 19 tuổi, đã được giao trọng trách trung phong cắm thay vì Romelu Lukaku, tiền đạo thể hiện rất mờ nhạt từ đầu giải, thậm chí còn được cho đang xích mích với HLV trưởng. Hỗ trợ cho Origi vẫn là bộ tam tiền vệ công hay nhất Bỉ gồm De Bruyne, Mertens và nhạc trưởng Eden Hazard. Trong số này, bất ngờ thay Mertens mới đang là người thể hiện ổn hơn cả chứ không phải "số 10 Hazard". Bên phía ĐT Mỹ, Klinsi đã đưa ra sân những gương mặt tốt nhất với nòng cốt là những cựu binh dày dạn kinh nghiệm trận mạc như thủ môn Tim Howard, thủ quân Dempsey, tiền vệ Jones hay hậu vệ DaMarcus Beasley. Đây cũng là yếu tố được ông đề cao khi cầu thủ "trẻ" nhất trong đội hình xuất phát (Gonzalez) cũng đã 25 tuổi.
"Quỷ đỏ" Bỉ lộ rõ ý đồ đánh phủ đầu "chú Sam" khi ào lên tấn công ngay sau tiếng còi mãn cuộc và khi thời gian chưa trôi qua được 1 phút đồng hồ, Tim Howard đã phải ra chân ngăn chặn cú dứt điểm ở góc hẹp của Origi sau khi gương mặt trẻ này dũng mãnh vượt qua Besler. Song nhờ bản lĩnh cao cường và tinh thần thép, Mỹ dần kiềm chế được sự hưng phấn của đối thủ, khiến kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" của người Bỉ sớm bị phá sản. Song đại diện của châu Âu cũng rất thức thời khi mau chóng chuyển sang lối đá chặt chẽ, kín kẽ chứ không ào ạt tấn công thiếu kiếm soát, dễ dẫn đến hậu quả khôn lường. Quả thực Mỹ bây giờ không còn là tay mơ ở đấu trường quốc tế khi đã sở hữu lối đã vô cùng hiện đại, biết "cương - nhu" một cách hợp lý. Chấp nhận bị lép vế nhưng khi cần, Mỹ sẽ đột ngột tăng tốc gây choáng cho hàng thủ đối phương. Phút 21, ở một tình huống như vậy, Clint Dempsey, tiền đạo từng nhiều năm chơi bóng tại Premier League, đã có cơ hội tung ra pha dứt điểm ở sát vạch 16m50 nhưng không quá hiểm hóc với thủ thành trẻ triển vọng bậc nhất thế giới hiện nay, Thibaut Courtois. Trước đó, Cameron đã có cú đánh đầu hơi thiếu chính xác từ quả phạt góc của Zusi.
Hai đội đã cống hiến một trận sôi nổi và đội tận dụng cơ hội tốt hơn đã giành chiến thắng
Tuy nhiên, hàng thủ Mỹ đã lại phải hoạt động đầy vất vả khi Bỉ tăng tốc trở lại và không ngừng uy hiếp cầu môn từ nhiều hướng bằng lối đá khoáng đạt dựa trên tốc độ cao. Phút 23, De Bruyen dứt điểm chệch cột dọc đầy tiếc nuối dù thời cơ ăn bàn rất rõ nét trong đợt phản công nhanh xuất phát từ pha cướp bóng trong chân Zusi của Vertonghen. Không lâu sau đó, Beasley đã xuất sắc ngăn chặn thành công quả căng ngang của Vertonghen cho Fellaini ở phía trong. Phút 32, Mỹ đã phải chịu tổn thất khi Fabian Johnson, trụ cột hàng thủ, không thể tiếp tục thi đấu do căng cơ và DeAndre Yedlin, tài năng trẻ sinh năm 1993 hiện chơi bóng ở trong nước, vào thay. Càng về cuối hiệp 1, Bỉ càng kiểm soát được tình hình nhưng không có nghĩa hàng thủ sẽ "rong chơi". Trái lại, họ vẫn phải tập trung tối đa hòng chặn đứng các đợt tập kích bất ngờ và đầy màu sắc của người Mỹ.
Mỗi bên đều có được vài cơ hội ăn bàn của riêng mình nhưng không ai tận dụng thành công trước thời điểm nghỉ giải lao. Giống hệt như lúc đầu trận, Bỉ lại chủ trương "đánh úp" bằng lối chơi tấn công vũ bão vào đầu hiệp 2. Phút 48, Kevin De Bruyne vẩy má ngoài chân phải thực hiện đường chuyền hết sức kỹ thuật cho Mertens bật cao đánh đầu nhưng Howard đã kịp với tay đẩy bóng qua xà ngang. Song một lần nữa, "mưu đồ cao siêu" của người Bỉ đã bị Mỹ từng bước đập tan. Dù vậy, xét về mức độ sắc sảo thì hàng công đội bóng áo đỏ đã có sự cải thiện rõ nét. Phút 53, Vertonghen căng ngang khó chịu từ cánh trái nhưng lần lượt De Bruyne rồi Origi sút trượt bóng khi mà phía trước rất thông thoáng. Vài phút sau, cú đánh đầu của Origi sau quả tạt của Alderweireld bên cánh phải đã liếm vào mép trên xà ngang. Phút 57, hậu vệ chơi khá nổi bật từ đầu trận, xuất sắc trong cả công lẫn thủ, Vertonghen đã bắt volley chân trái chệch đích trong gang tấc sau khi Tim Howard chặn đựoc một pha kết thúc.
Đến phút 61, tới lượt Mertens kết thúc hỏng, uổng phí nỗ lực của Origi bên cánh trái và hệ quả tất yếu, cầu thủ này phải rời sân nhường chỗ cho Kevin Mirallas, tiền đạo hiện khoác áo Everton. Song bộ mặt của Bỉ chẳng khởi sắc rõ rệt mặc cho họ giành được nhiều bóng và chiếm ưu thế. Phút 69, Axel Witsel có thừa thời gian và không gian để nắn nót tung ra cú cứa lòng ở sát vòng cấm địa, ấy thế mà trái bóng chỉ có thể đi chệch cột dọc. Nỗi thất vọng không thể chọc thủng lưới đối phương của tuyển Bỉ còn kéo dài khoảng thời gian tiếp sau khi lão tướng Tim Howard liên tiếp từ chối các cú dứt điểm có khả năng ăn bàn cao từ đôi chân của Origi, Mirallas rồi Eden Hazard. Đây quả thực là một ngày đẹp trời của người gác đền quá quen mặt ở Premier League.
Tim Howard đã thiết lập kỷ lục mới về số pha cứu thua tại một trận đấu của World Cup (15)
Bỉ vẫn miệt mài tấn công cho đến cuối trận bởi chẳng hề muốn kéo dài cuộc đấu đến khoảng thời gian hiệp phụ hay xa xôi hơn là thi đấu luân lưu 11m. Thế là, hàng thủ Mỹ bị quần cho tơi tả và chỉ còn thi đấu bằng niềm tin, tinh thần khi mà sức lực đã gần cạn kiệt. Song Bỉ vẫn không làm sao kiếm nổi bàn thắng dù chỉ một và cần một mà thôi. Trước khi thời gian 90 phút chính thức khép lại, nỗi thất vọng của người Bỉ được nối dài bởi pha kết thúc đúng kiểu trung vệ của đội trưởng Kompany trong vòng cấm và quả đánh đầu qua xà ngang của Fellaini. Suýt chút nữa, Bỉ đã phải trả cái giá cực đắt do quá phung phí cơ hội khi vào phút bù giờ thứ hai, cầu thủ vào sân thay người Wondolowski không vung chân sút ra ngoài trong tư thế đối diện với Courtois.
Chắc chắn chân sút 31 tuổi này sẽ phải cực kỳ ân hận khi không tận dụng cơ hội trời cho để chính thức kết liễu số phận đối thủ bởi ngay đầu hiệp phụ thứ nhất, rốt cục Bỉ đã tìm được bàn thắng. Trước đó, cần phải dành lời khen cho quyết định quá sáng suốt của HLV Marc Wilmots khi tung Lukaku vào sân. Rõ ràng, đây là sự lựa chọn không thể hợp lý hơn bởi Lukaku sở hữu nền tảng thể lực dồi dào của một cầu thủ gốc Phi trong bối cảnh các hậu vệ Mỹ đa phần "thở không ra hơi". Phút 93, Lukaku ung dung khai thác sở trường dũng mãnh đột nhập vòng cấm địa rồi nhả bóng ra phía sau cho Kevin De Bruyne. Tiền vệ đã gia nhập Chelsea cùng thời điểm với Lukaku (song De Bruyne giờ đã khoác áo Wolfsburg còn Lukaku trên nguyên tắc vẵn thuộc biên chế Chelsea dù Mourinho chẳng ưa thích anh) bình tĩnh chỉnh bóng một nhịp để lấy tư thế dứt điểm trước khi dứt điểm chéo góc quyết đoán, đánh đổ tượng đài Tim Howard.
Không còn lựa chọn nào khác, Mỹ buộc phải gắng gượng lao lên tấn công hòng gỡ hoà nhưng khoẻ mạnh còn chẳng dễ bật lại, huống chi một đám quân đã "sức tàn lực kiệt". Bởi thế, chẳng quá ngạc nhiên khi Bỉ chỉ đôi lần uy hiếp được cầu môn Courtois nhưng thủ thành này cũng không phải động thủ lần nào. Trong khi đó, do liều mạng dâng cao hòng gỡ hoà bằng mọi giá, Mỹ càng mở toang hậu phương cho đối thủ khám phá. Đã hai lần Lukaku đối đầu với Howard nhưng phần thắng đều thuộc về thủ thành người Mỹ. Cần lưu ý rằng, mùa vừa rồi, Lukaku và Howard đã sát cánh ở Everton nên có vẻ thủ môn đã 35 tuổi bắt được vị chân sút trẻ sinh năm 1993. Không chỉ Lukaku mà Mirallas cũng phải bất lực trước Howard mà nguyên nhân có lẽ cũng chỉ do anh khoác áo Everton.
Song đến phút 105 thì Howard đã bị đánh bại lần thứ hai sau pha ra chân lạnh lùng của Lukaku từ cú chọc khe đỉnh cao của De Bruyne, tiền vệ hoàn toàn làm lu mờ Eden Hazard dù anh không hề được giao trọng trách dẫn dắt lối chơi. Số phận trận đấu coi như đã an bài tuy nhiên Mỹ không hề có ý định buông xuôi. HLV Klinsmann đã đưa thần đồng 19 tuổi Julian Green vào sân như một sự gửi gắm niềm hy vọng "xanh" về cuộc lật đổ kỳ vĩ vào 15 phút cuối trận cũng như muốn quảng bá cho thế giới thấy tiềm năng phát triển lâu dài của bóng đá Mỹ. Tuy sinh ra tại Mỹ nhưng từ nhỏ, Green cùng gia đình đã chuyển tới Đức và trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của Bayern Munich (hiện Green đã được đôn lên đội 1 "Hùm xám" xứ Bavaria). Dù đã ra sân ở các cấp độ trẻ của ĐT Đức song Green cuối cùng đã quyết định cống hiến cho cố quốc bởi anh thừa hiểu tại Mỹ, anh mới thật sự được trọng dụng.
Và Klinsi đã không phải thất vọng về quyết định thay người của mình khi phút 107, chính Green đã đem về bàn gỡ sau cú ngả người volley chuẩn xác từ đường chuyền bổng qua đầu hàng thủ đối phương hết sức mẫu mực của Bradley. Kể từ đây, trận đấu hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của ĐT Mỹ và Bỉ đã phải sống trong sợ hãi. Với niềm hưng phấn cao độ, các học trò của Klinsmann không ngừng đe doạ khung thành đội bạn và dù chống đỡ hết mình, hàng thủ áo đỏ vẫn không thể ngăn nổi những cơn sóng dâng trào màu trắng. Chỉ có điều, thật đáng tiếc, nếu không bị Courtois cản phá xuất sắc thì bản thân các tuyển thủ Mỹ lại cho thấy khả năng dứt điểm khá tệ, khiến giấc mơ làm ra một trong những cuộc lật đổ ngoạn mục nhất trong lịch sử World Cup dần tiêu tan trong đau đớn.
Tiếng còi mãn cuộc vang lên trong sự bùng nổ của người Bỉ sau khi đã phải trải qua 15 phút đồng hồ căng thẳng tột độ với cảm giác lưỡi hái tử thần lúc nào cũng kè kè bên cạnh. Dù sao, Bỉ giành quyền đi tiếp cũng là kết quả xứng đáng bởi tận dụng cơ hội tốt hơn nhưng Mỹ có quyền ngẩng cao đầu rời khỏi Brazil giống như 7 đội nhì bảng trước đó. Với việc 8 đội đứng nhất bảng hội tụ đầy đủ ở vòng tứ kết, hứa hẹn sẽ còn những trận đấu còn kịch tính, nghẹt thở và thót tim hơn nhiều ở phía trước.
Đội hình thi đấu
Bỉ: Courtois; Alderweireld, Van Buyten, Kompany, Vertonghen, Witsel, De Bruyne, Fellaini, Hazard (Chadli 111'), Mertens (Mirallas 61'), Origi (Lukaku 91')
Mỹ: Howard, Johnson (Yedlin 32'), Gonzalez, Besler, Beasley, Cameron, Zusi (Wondolowski 72'), Jones, Bradley, Bedoya (Green 105'), Dempsey
Bảo Phương