Dù biết khó khăn đến mấy, Argentina vẫn đủ sức đánh bại Thuỵ Sĩ nhưng không nhiều người nghĩ thắng lợi của họ lại nhọc nhằn và vất vả đến thế. Phải đến tận phút 118, thời điểm rất cận kề với loạt đá luân lưu 11m nhằm phân định thắng thua, đoàn vũ công xanh - trắng mới kiếm nổi bàn thắng quyết định sau màn đi bóng, kiến tạo tuyệt vời của thủ lĩnh Lionel Messi cùng pha dứt điểm chính xác của Di Maria. Trước đó, Albiceleste hoàn toàn bất lực trong việc công phá cầu môn đối phương, được bảo vệ bởi một hệ thống phòng ngự vô cùng khoa học, tổ chức tốt và một thủ thành chơi cực kỳ vững chãi. Vậy là, lại có thêm một ông lớn nữa lê lết, trầy trật vào tứ kết sau khi phải chiến đấu cật lực với đối thủ bị đánh giá thấp hơn.
6/8 trận trước đó của vòng 1/8 World Cup 2014 đã diễn ra hấp dẫn, căng thẳng, kịch tính nhưng rõ ràng thiếu tính hấp dẫn bởi các đội quá toan tính, thận trọng và không dám mạo hiểm triển khai lối chơi tấn công ngay cả khi đó là sở trường của họ. Bởi thế, giới chuyên môn cùng người hâm mộ rất chờ đợi cặp đấu Argentina - Thuỵ Sĩ sẽ khác bởi cả hai đội tuyển vốn không mạnh về phòng ngự nên kiểu gì cũng phải chấp nhận "lấy công bù thủ". Tất nhiên, Argentia được đánh giá cao hơn song dù thắng trọn vẹn 3 trận vòng bảng, Albiceleste vẫn tạo cảm giác bất an cho người chứng kiến bởi đơn giản, họ quá phụ thuộc vào một gương mặt duy nhất: Lionel Messi. Bây giờ, Argentina vẫn chưa phải là một tập thể đúng nghĩa, cho dù Alejandro Sabella ngồi ghế HLV trưởng đã 3 năm. Sabella mãi loay hoay đi tìm một bộ khung nhất định và không có sự quyết đoán cần thiết của một ông chủ trong phòng thay đồ. Sabella có thể thừa tình cảm trong cách ông đối xử với cầu thủ, nhưng như thế là không đủ. Một HLV giỏi cần thêm cá tính, kiểu Diego Simeone ở Atletico, hay Sampaoli với Chile. Giữa 3 tuyến của Argentina luôn tồn tại khoảng cách xa vời vợi và liên kết với nhau khá lỏng lẻo dù bố trí sơ đồ nào đi chẳng nữa. Ngoài ra, ĐT xứ Tangon hiện còn thiếu sức chiến đấu của một chiến binh thực thụ.
Messi và Di Maria đã tạo ra bàn thắng quyết định cho Argentina
Bởi thế, công việc cần lầm của Sabella cho trận đấu với Thuỵ Sĩ không hẳn là phải tìm ra tồn tại không Messi mà là làm sao tăng được tính gắn kết, đoàn kết trong đội hình để tạo ra sức mạnh tập thể có thể khoan phá mọi hàng thủ, kể cả khi Messi mờ nhạt. Sergio Aguero, đối tác thân thiết lâu năm mà Messi đôi lần bày tỏ mong muốn được sát cánh ở CLB Barcelona, không thể thi đấu do chấn thương và không nằm ngoài dự đoán, HLV Sabella đã sử dụng Lavezzi, một tiền đạo rất đa năng. Trong sơ đồ 4-3-3, Lavezzi có thể di chuyển liên tục để tạo khoảng trống cho các cầu thủ còn lại, hoán đổi vai trò với Di Maria ở phía dưới để tăng tính bất ngờ. Lavezzi sẽ tạo ra vòng quay mới để những người khác di chuyển theo. Khi ấy, Argentina có thể chuyển sang 4-4-2 nếu cần thiết. Đó cũng là sự điều chỉnh duy nhất trong đội hình xuất phát quen thuộc của Argentina. 10 cái tên còn lại đều là lựa chọn tốt nhất cho từng vị trí như trung phong Higuain, cặp đôi tiền vệ trung tâm Mascheran - Gago, trung vệ Garay hay hai hậu vệ cánh Zabaleta - Rojo. Về phần ĐTQG Thuỵ Sĩ, sự thay đổi duy nhất là việc Fabian Schar có mặt ở vị trí trung vệ thay cho Von Bergen đã phải trở về nước ngay sau vòng bảng do chấn thương nặng gặp phải ở trận cuối (thắng Honduras 3-0). Cái tên đáng chú ý nhất của ĐT đến từ xứ sở đồng hồ đương nhiên là Xherdan Shaqiri, tiền vệ được mệnh danh là "Messi núi Alps" và đã có được hattrick ở World Cup 2014 vào lưới Honduras. Ngoài ra, cũng cần phải nhắc tới Xhaka hay Ricardo Rodríguez, hai gương mặt khác rất giàu tài năng cũng thuộc thế hệ 9x như Shaqiri.
Đúng nhu sự chờ đợi của tất cả, hai đội nhập cuộc khá thông thoáng, cùng lựa chọn cách chơi tấn công dù rằng tốc độ ban đầu chỉ duy trì ở mức thấp. Khá bất ngờ khi Thuỵ Sĩ mới là đội đầu tiên "xới tung" được hàng phòng ngự với màn phối hợp nhịp nhàng giữa Shaqiri và Mehmedi bên cánh trái trước khi quả căng ngang vào trong bị Garay chặn đứng. Argentina trả lời bằng pha xử lý của Messi cũng từ cánh trái, xâm nhập được vòng cấm nhưng đường chuyền tiếp theo của M10 lại không quá hiểm vì chẳng nhắm đến mục tiêu nào cụ thể và Benaglio đổ người tóm gọn. Nhìn chung, sau nửa hiệp 1, thế trận khá cân bằng và giằng co bởi quyết tâm, độ máu chiến, tinh thần kỷ luật cao của các tuyển thủ Thuỵ Sĩ. Họ nỗ lực giành giật trung tuyến, không để rơi vào tay địch thủ hùng mạnh được đánh giá cao hơn hẳn.
Hai Messi cũng chính là hai cầu thủ chơi tích cực nhất của hai đội trên sân khi hết chạy cánh trái lại đổi sang tung hoành cánh phải hay đột phá ở trung lộ. Cơ hội thực sự nguy hiểm đầu tiên của trận đấu vẫn do Thuỵ Sĩ tạo ra. Phút 27, sau nỗ lực của Shaqiri bên cánh phải, trái bóng được đưa vào trong cho Xhaka và một cú dứt điểm nhanh, mạnh mau chóng được tung ra song Romero đã xuất sắc dùng chân cứu nguy cho Argentina. Như bị chạm tự ái, binh đoàn xanh - trắng dưới sự cổ vũ của hàng chục nghìn CĐV trên khán đài, đáp trả thích đáng bằng pha đánh đầu chiến thuật của Higuain cho Lavezzi nhưng cú kết thúc của tiền đạo khoác áo PSG không thể hạ gục nổi Benaglio. Ở tình huống phạt góc ngay sau đó, Garay suýt chạm được vào bóng khi mà cầu môn phía trước đã mời gọi.
Messi đã bị Thuỵ Sĩ phong toả chặt chẽ, khiến sức mạnh của Argentina cũng suy giảm theo
Thêm một lần, kịch bản quen thuộc của vòng 1/8 "đội mạnh không dễ gì ăn hiếp đội yếu" lại được thể hiện. Thuỵ Sĩ rất bình tình "ăn miếng trả miếng" nhiệt tình chứ chẳng có vẻ gì bị "ức hiếp". Thậm chí xét về mức độ ăn bàn thì Thuỵ Sĩ mới là đội trội hơn. Phút 39, trong đợt phản công nhanh, Drmic bứt tốc băng xuống đón đường chuyền dài qua đầu toàn bộ hàng thủ Argentina và trước mặt chân sút đang chơi bóng tại Đức cho Leverkusen chỉ còn thủ thành Romero. Đáng tiếc thay, ý đồ tâng bóng khá điêu luyện và kỹ thuật của anh lại không thật sự hóc hiểm nên bị Romero bắt dính dễ dàng. Trong khi sự kiên cường và tỉnh táo của hàng thủ đã giúp Thuỵ Sĩ hạn chế tối đa những đợt tấn công của Argentina, trong đó riêng Messi được chăm sóc tận tình và luôn bị phong toả, bao vây chặt chẽ. Vậy là, hiệp đầu của một trận đấu nữa thuộc vòng 1/8 lại kết thúc không bàn thắng (chỉ 2/14 bàn thắng được ghi ở 6 trận trước đó thuộc vòng này diễn ra trong hiệp 1).
Sau giờ nghỉ giải lao, Argentina chủ động đẩy cao nhịp độ thi đấu nhưng vẫn chưa thể làm cục diện xoay chuyển bởi Thuỵ Sĩ vẫn giữ được sự khó chịu của mình: vững chắc nơi hậu phương, sắc sảo nơi tuyến đầu. Dẫu vậy, con đường tiếp cận cầu môn Benaglio cũng rộng mở hơn chứ không còn bó hẹp, chỉ có điều các pha xử lý cuối cùng (chủ yếu là quả tạt từ hai cánh) lại không thật sự chuẩn xác, chẳng hạn như màn solo qua hai cầu thủ đối phương của Di Maria chếch bên cánh phải rồi rabona (xử lý bóng theo kiểu vắt chéo chân) lên trời. Chính xác, tới phút 62, các vũ công Tango mới lần đầu buộc Benaglio phải thật sự trổ tài khi Higuain đánh đầu hiểm sau quả tạt của Rojo bên cánh trái và thủ thành đang khoác áo Wolfsburg (Đức) đã phản xạ nhanh nhạy đẩy bóng ra khỏi xà ngang.
Phút 68, rốt cục gương mặt gánh vác trên vai kỳ vọng của cả một dân tộc, Lionel Messi đã lần đầu lên tiếng về sự có mặt của mình ở trên sân trong hiệp 2 khi đỡ bóng bằng ngực rồi thực hiện động tác bắt volley sạt xà ngang. Không thể kiếm nổi bàn, tất yếu HLV Sabella phải tiến hành thay người và chân sút kỳ cựu Rodrigo Palacio được vào sân. Ngay ở lần chạm bóng đầu tiên, tiền đạo 32 này đã đánh đầu chệch cầu môn sau quả tạt khó chịu của Messi. Phút 77, M10 mau lẹ vượt qua Behrami rồi xâm nhập vòng cấm dựa trên các bước chạy, động tác khống chế bóng quen thuộc và kết thúc bằng cú sút chìm nhưng chưa đủ khả năng hạ gục nổi chốt chặn cuối cùng Benaglio.
Thuỵ Sĩ về nước cay đắng
Khoảng thời gian cuối trận, Argentina vẫn miệt mài tấn công và tấn công nhưng tất cả đều rơi vào vô vọng. Thế là, trận thứ 4 của vòng 1/8 phải diễn ra thêm 30 phút hiệp phụ. Sau khoảng gần chục phút tạm nghỉ ngay trên sân, Argentina tiếp tục dồn ép không ngừng nghỉ đối phương như thể không muốn đưa trận đấu vào loạt đấu súng cân não. Bằng sự tập trung cao độ, thủ môn Benaglio hai lần liên tiếp từ chối cú đánh đầu của Garay và Palacio. Giống như 90 phút của hai hiệp chính, Thuỵ Sĩ bên cạnh giữ vững an toàn tối đa cho khu vực cầu môn thì còn luôn biết phản ứng lúc có dịp, khiến không ít CĐV Argentina phải hồi hộp lo lắng.
Bước sang hiệp phụ thứ hai, tình hình không biến chuyển gì dù Argentina vẫn dốc sức hòng giải quyết bằng được đối thủ trong thời gian thi đấu chứ không chờ đến thi đá luân lưu. Phút 108, Di Maria bất ngờ nã đạn từ chếch bên cánh trái và ngoài vạch 16m50 song Benaglio vẫn giữ được sự tập trung tối đa để tung người cản phá thành công. Đến phút 113, sự có mặt của Dzemaili trên sân đã biến tuyến giữa của Thuỵ Sĩ thành "nhà riêng" của CLB Napoli khi bộ ba tiền vệ Behrami - Inler - Dzemaili hiện cùng khoác áo đội bóng Italia. Cuối cùng, nỗ lực không mệt mỏi của Argentina đã được đền đáp thật xứng đáng. Phút 118, xuất phát từ sai lầm của Lichtsteiner, Lionel Messi có được bóng ở gần giữa sân và anh quyết định phi một mạch về vòng cấm địa đối thủ bằng những động tác dẫn thuần thục. Nhận thấy đồng đội Di Maria ở tư thế thuận lợi, anh lập tức đẩy bóng sang và Thiên thần vừa giành chiếc cúp Champions League cùng Real đã không phụ công người đồng đội khi đặt lòng chân trái quyết đoán, đưa bóng nằm gọn vào góc lưới trong sự bất lực của Benaglio.
Còn nước còn tát, Thuỵ Sĩ dồn toàn bộ đội hình lên vây hãm Argentina trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại. Ngay cả thủ thành Benaglio cũng bỏ hẳn cầu môn để lên tham gia tấn công, qua đó tạo nên cao trào vào phút chót. Chính anh đã tung người thực hiện kỹ thuật "xe đạp chổng ngược" mà nếu có thêm chút chính xác, trái bóng đã bay trúng đích. Nhưng đáng tiếc hơn cả là pha đánh đầu cận thành trúng cột dọc của Dzemaili ở phút bù giờ thứ nhất và ngay sau đó, Di Maria suýt lập nên tuyệt tác ở cự ly phải đến 50m khi rót bóng nhằm về khung thành hoàn toàn bỏ trống. Lúc thời gian chỉ còn được tính bằng giây, hàng triệu người Argentina đã phải nín thở và cầu trời khấn Phật bởi trọng tài chính quyết định cho Thuỵ Sĩ hưởng quả đá phạt ngay sát vạch 16m50 và chính diện với cầu môn sau khi Shaqiri phạm lỗi. Rất may mắn, cú đá của chính Shaqiri chỉ có thể trúng vào hàng rào chắn và tiếng còi mãn cuộc cũng lập tức được vang lên.
Thuỵ Sĩ đã đổ gục xuống sân với nỗi thất vọng tràn trề khi họ không thể làm nên chuyện dù đã nỗ lực hết mình và chơi một trận ra trò trước Argentina trong khi thầy trò Sabella tất nhiên ăn mừng tưng bừng. Song đánh giá tổng thể, Argentina vẫn chỉ có được chiến thắng nhờ những khoảnh khắc loé sáng của cá nhân mà cụ thể ở đây là "hạt nhân" Lionel Messi. Những vấn đề cố hữu cần phải khắc phục vẫn chưa hề được Sabella tìm ra cách giải quyết đúng đắn. Nhưng Messi đâu phải Thánh mà trận nào cũng lên tiếng và những đối thủ sắp tới chắc chắn khủng hơn Thuỵ Sĩ nhiều, tức là kiểu gì cũng có phương án hoá giải M10 thành công mà như thế thì Argentina "chết chắc".
Đội hình thi đấu
Argentina: Romero, Zabaleta, Garay, Fernandez, Rojo (Basanta 105'), Mascherano, Gago (Biglia 106'), Di Maria, Messi, Lavezzi (Palacio 74'), Higuain
Thuỵ Sĩ: Benaglio; Lichtsteiner, Schar, Djourou, Rodriguez; Inler, Xhaka (Gelson Fernandes 66'), Behrami; Mehmedi (Dzemaili 113'), Drmic (Seferovic 82'), Shaqiri.
Bảo Phương