(Bongda24h) - Vậy là, người Đức đã đưa tiễn người Anh về đảo quốc sương mù sau một chiến thắng hoành tráng với tỷ số khó tin: 4-1. Lẽ ra thảm bại của thày trò Capello đã chẳng thể xảy ra nếu như một bàn thắng hoàn toàn hợp lệ của họ không bị từ chối khi tỷ số đang là 2-1. Nhưng cũng cần phải công nhận, xét tổng thể Đức chơi hay hơn và xứng đáng giành chiến thắng còn Tam sư phải trả giá đau đớn vì một hàng thủ quá lỏng lẻo và sơ hở.
Trận "siêu kinh điển" giữa Anh và Đức đã diễn ra đúng như mong đợi của hàng triệu người hâm mộ môn Thể thao Vua trên toàn thế giới với đầy đủ phẩm chất của một trận đỉnh cao: hấp dẫn, sôi động, kịch tính, căng thẳng và không thiếu những điểm nhấn. Hẳn người mà các CĐV Anh hận nhất sau trận đấu này là ông trọng tài người Uruguay, Jorge Larrionda, người đã nhất quyết lắc đầu không công nhận bàn thắng mười mươi của Lampard dù trái bóng đã nằm sau vạch vôi đến cả mét. Nếu không, tình thế sẽ phải khác bởi với tỷ số 2-2 cộng thêm với sự hưng phấn về mặt tinh thần, thày trò Capello hẳn sẽ có một hiệp 2 ra trò chứ không phải bị Đức cứa thêm nỗi đau bằng 2 bàn thắng nữa. Giờ đây, người Anh đã thấu hiểu được cảm giác cay đắng của người Đức, phát sinh từ những quyết định sai lầm của giới trọng tài. Tại World Cup 1966 tổ chức trên sân nhà, ở trận chung kết gặp ... Đức, Tam sư đã được hưởng lợi từ một "bàn thắng ma" Geoff Hurst (cho đến giờ, cuộc tranh cãi bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa vẫn không đi đế ngã ngũ) để giành thắng lợi chung cuộc 4-2 và lên ngôi vô địch. Chắc chắn nỗi đau của thày trò Capello và người hâm mộ xứ sở sương mù sẽ còn lâu mới chấm dứt.ĐT Đức lọt vào tứ kết là hoàn toàn xứng đáng
Tuy nhiên, nếu họ có những giây phút tĩnh tâm để suy xét thì họ nên thừa nhận một thực tế phũ phàng: ĐT Anh về nước sớm là quá xứng đáng khi không thể hiện được tư cách một ứng cử viên cho ngôi vua. Trước giải, Tam sư tràn đầy tự tin và đặt tham vọng rất lớn, dựa trên dàn cầu thủ tài năng, giàu kinh nghiệm, đang trong độ chín của sự nghiệp và đều là những ngôi sao của Premier League. Trên băng ghế huấn luyện là một Fabio Capello đã tạo dựng được tên tuổi trong giới cầm quân. ĐT Anh cũng đã thi đấu tốt ở vòng loại khu vực châu Âu, có sự chuẩn bị không đến nỗi tồi cho giải đấu thế nhưng khi chính thức bước vào giải, họ đã thể hiện một hình ảnh đáng buồn. Trải qua 3 trận vòng bảng, Anh không hề chứng tỏ được đắng cấp của mình và thi đấu rất thiếu thuyết phục. Những tưởng việc vượt qua khó khăn ban đầu sẽ khiến Anh cởi bỏ gánh nặng tâm lý để chơi thật tốt trong trận đấu vòng 1/8 gặp Đức. Vậy mà, bộ mặt kém cỏi của Anh ở World Cup 2010 đã được phô bày hết trước "Xe tăng" Đức: tấn công yếu, thiếu sáng tạo, phòng thủ lỏng lẻo, hay mắc sai lầm và trong đội bóng, không hề có một ai biết cách toả sáng vào những lúc cần thiết. Họ chỉ có thể vùng vẫy trong nửa cuối hiệp 1 khi bị dẫn 0-2 còn trong hiệp 2, ró ràng, họ có thừa thời gian để có được tất cả (kể cả có bị từ chối thêm một bàn thắng nữa) nhưng nhìn Anh thi đấu, không ai tin một ĐT như thế có thể đánh bại được một đối thủ thua kém xa về đẳng cấp huống chi là một đội có vai vế ở châu Âu.
Đã 20 năm trôi qua, cả hai mới lại chạm trán với nhau ở World Cup. Hồi đó tại Italia 1990, ở vòng bán kết, Anh đã thua tức tưởi Đức sau những loạt đấu súng định mệnh trên chấm 11m (hoà 1-1 sau 120 phút, Brehme mở tỷ số cho Đức và Lineker gỡ hoà cho Anh). Stuart Pearce, vi trợ lý hiện tại của Fabio Capello ở World Cup 2010, đã có mặt ở trận đấu đó và chính ông đã sút hỏng một quả luân lưu. Nhờ thế, Đức đã lọt vào chung kết và đánh bại nốt Argentina để lần thứ 3 đăng quang ở World Cup. Đến giờ, hẳn ký ức đó vẫn không hề phai mờ trong tâm trí Stuart Pearce và ông cùng Capello đã nung nấu những kế hoạch để các bậc "hậu bối" có thể rửa hận thành công cho đảo quốc sương mù trong phạm vi VCK World Cup. Còn nếu tính rộng ra trên mọi giải đấu thì vào năm 2001, ở vòng loại World Cup 2002 khu vực châu Âu, ĐT Anh đã làm nên thắng lợi vĩ đại nhất trước người Đức khi hạ nhục đối thủ 5-1 ngay trên sân đối phương. Michael Owen lập hattrick nhưng anh đã không còn có mặt ở ĐT trong khi 2 người ghi bàn còn lại: Steven Gerrard và Emile Heskey vẫn có mặt trong thành phần Tam sư thi đấu tại World Cup 2010. Và Gerrard chính là người đội trưởng ĐT Anh.
Kể từ khi chính thức đảm nhận chức vụ HLV trưởng ĐT Anh vào tháng 1 năm 2008, Capello mới lần đầu tiên giữ nguyên đội hình xuất phát trong 2 trận liên tiếp. Defoe, người ghi bàn duy nhất cho Anh ở trận quyết định vòng bảng gặp Slovenia, tiếp tục đá cặp với Rooney ở tuyến trên trong khi Upson vẫn đá cặp với John Terry dù Ledley King đã bình phục chấn thương. Barry cùng Lampard sẽ có nhiệm vụ quan trọng là khống chế bằng được tuyến giữa. Bên phía ĐT Đức, cả Schweinsteiger và Jerome Boateng đã kịp bình phục chấn thương để ra sân ở trận này còn Klose trở lại đảm nhận vị trí chơi cao nhất trên hàng công của Mannschaft sau khi hết án treo giò.ĐT Anh: Đừng tiếc vì một bàn thắng bị từ chối bởi họ thua kém toàn diện đối thủ ở trận này
Trái với dự đoán hai đội sẽ chơi thận trọng, trận đấu đã khởi đầu khá sôi động. Đức chủ động cầm bóng dâng lên tấn công còn Anh bình tĩnh giành quyền kiểm soát trung tuyến và tìm cách kiềm chế sự hưng phấn của đối thủ. Tuy nhiên, họ vẫn không thể ngăn Đức sớm tạo ra cơ hội nguy hiểm. Phút thứ 5, Ozil thoát xuống đón đường chuyền bổng của Schweinsteiger, loại bỏ Ashley Cole và tung ra pha kết thúc ở góc hẹp nhưng David James đã dùng chân cản phá thành công. Kinh nghiệm của "Tam sư" bắt đầu thắng thế sức trẻ của "Xe tăng". Các cầu thủ Anh cầm được bóng, giữ được thế trận theo ý đồ thực dụng của họ thế nhưng sai lầm của hàng thủ đã phá hỏng tất cả. Phút 20, từ quả phát bóng dài hết sức bình thường của thủ thành Neuer bên phần sân nhà nhưng không có một bóng áo đỏ nào theo tình huống và để cho Klose chớp lấy thời cơ lao xuống, thoái khỏi sự cản trở của Upson rồi hạ gục James trong pha đối mặt. Tải chương trình xem tại đây để xem nội dung tệp này.
Bàn thua này đã làm đảo lộn tất cả. Các cầu thủ Anh bị mất tinh thần chơi cực kỳ lúng túng và bối rối còn lối chơi tấn công phóng khoáng của Đức càng thể hiện sự nguy hiểm. Hàng tiền vệ Tam sư thường xuyên chuyền hỏng hoặc không có mục đích rõ ràng, khiến họ chẳng thể tạo ra một sức ép lớn lao lên khung thành đối thủ dù cho họ chiếm nhiều bóng hơn (58% so với 42%). Còn Đức "tấn công lần nào, nguy hiểm lần đấy", làm cho hàng thủ Anh xoay như chong chóng và những sơ hở chưa thể được khắc phục. Phút 31, Klose có cơ hội thứ 2 để đối đầu với James sau đường chọc khe thuận lợi của Muller và lần này, người chiến thắng là thủ môn đã gần 40 tuổi của Anh. Tuy nhiên, chưa đầy một phút sau, James đã phải ngậm ngùi vào lưới nhặt bóng lần thứ 2. Trong một đợt phản công cực kỳ sáng sảo, từ cánh phải, Klose vẩy bóng khéo léo cho Muller thoải mái băng xuống mà không gặp phải bất cứ sự truy cản nào. Tiền đạo số 13 hoàn toàn có thể thực hiện pha dứt điểm nhưng anh đã có quyết định thông minh hơn khi đưa bóng sang cho Podolski đang đứng một mình bởi các hậu vệ áo đủ đã bị hút hết sang phía Muller. Và Poldi đã không phụ công đồng đội. Bằng cú dứt điểm chìm, đầy uy lực, qua háng James, anh đã mang về bàn thứ 2 cho Đức.
Đám đông CĐV Anh trên khán đài không thể tin nổi vào mắt mình khi ĐT thân yêu của họ lại bất ngờ nhận 2 bàn thua choáng váng dù hiệp 1 vẫn chưa đi qua. Nhiều người đã nghĩ đến một cơn ác mộng của Tam sư trên sân Free State nhưng xem ra họ đã bi quan hơi sớm. Phút 37, xuất phát từ một quả đá phạt góc, Gerrard tạt bóng vào trong và Neuer lao ra cản phá chậm, để Mathew Upson dễ dàng bật cao đánh đầu vào lưới trống. Pha lập công của Upson có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì nó diễn ra đúng vào thời điểm tinh thần đội tuyển Anh đang xuống rất thấp. Sự hưng phấn trở lại với bầy sư tử và khung thành Đức bị đặt vào tình trạng báo động. Chưa đầy một phút sau, Lampard thực hiện cú sút xa từ ngoài vòng cấm. Neuer đã chịu bó tay và trái bóng đã đập vào xà ngang rồi đi vào phía bên trong vạch vôi đến cả nửa mét. Tất cả khán giả có mặt trên SVĐ và xem qua truyền hình đều nhìn thấy rõ đó là một bàn hợp lệ, chỉ có tổ trọng tài người Uruguay là không. Kết quả, toàn bộ ĐT Anh được phen mừng hụt một bàn thắng quá xứng đáng. Chắc chắn tình huống này sẽ còn là đề tài tranh cãi sôi nổi trên báo chí nhiều ngày sau khi trận đấu này kết thúc, nhất là trong trường hợp Anh bị loại. Wayne Rooney: Hình ảnh tiêu biểu cho một "Tam sư" kém cỏi
Những phút cuối hiệp, các học trò Capello kiểm soát hết thế trận và tạo ra sức ép vô cùng lớn nhưg cùng với sự trợ giúp của trọng tài, Đức đã sống sót thành công. Nếu bàn thắng đó được công nhận thì chắc chắn mọi chuyện sẽ khác. Dù sao, cả hai đội cũng đã cống hiến cho người hâm mộ một trận đấu quá hấp dẫn và đây là hiệp 1 hay nhất kể từ đầu giải. Sau giờ nghỉ, trận đấu đã diễn ra chậm hơn và ĐT Anh giữ vững được ưu thế đã có được. Phút 51, Lampard thực hiện cú đá phạt kỹ thuật từ cự ly gần 40m và bóng đã liếm vào mép trên xà ngang. Mọi thứ vẫn nằm trong tầm khống chế của Capello dù bàn thắng thứ 2 chưa xuất hiện. "Tam sư" áp đảo khu trung tuyến, tấn công khá sắc và nếu cứ chơi như thế này, chuyện ghi bàn thắng thứ 2 chỉ còn là vấn đế thời gian.
Phút 64, Capello đưa Joe Cole vào sân theo đúng kế hoạch đề ra. Song trong bóng đá, câu chuyện đâu có đơn giản như vậy. Phút 67, Đức tổ chức đợt phản công nhanh và hàng thủ Anh lại cho thấy sự kém cỏi của mình khi tập trung đến 3, 4 bóng áo đỏ nhưng vẫn để Schweinsteiger thoải mái chuyền bóng cho Muller. Một lần nữa, các cầu thủ Đức lại đứng trước cơ hội dứt điểm trong tư thế không bị ai kèm và lần này, Muller đã ghi tên mình lên bảng điện tử với cú sút trái phá, khiến cho James dù chạm được tay vào bóng nhưng không thể cứu thua. Bàn thắng thứ 3 của đối thủ đã dội một xô nước đá vào lòng nhiệt huyết của Tam sư và số phận trận đấu chính thức được định đoạt 3 phút sau đó. Tiếp tục là một cú "hồi mã thương" chí mạng. Ozil tăng tốc từ giữa sân đón đường chuyền của đồng đội, vượt qua Gareth Barry rồi nhẹ nhang căng ngang vào trong cho Muller hoàn tất cú đúp khi trước mặt chỉ còn David James. Với cách biệt 3 bàn và thời gian chỉ còn 20 phút, chỉ có điều thần kỳ mới giúp thày trò Capello lội ngược dòng thành công,
Lửa thi đấu gần như đã tắt trong lòng các cầu thủ Anh và họ chỉ còn chơi bóng vì lòng danh dự. Với Joachim Loew, ông đã có thừa lý do để lần lượt rút trụ cột ra khỏi sân. Mục tiêu mà "Tam sư" hướng tới chỉ là kiếm thêm bàn thắng để giảm bớt nỗi thất vọng. Tuy nhiên tất cả những gì họ làm được chỉ là một cú đặt lòng hiểm hóc của Gerrard vào góc xa và Neuer bằng nỗ lực tuyệt vời đã cứu thua cho đội nhà. Trận đấu dừng lại và vẻ mặt Capello không bộc lộ chút cảm xúc nào, lặng lẽ bước vào phòng thay đồ. Còn những ngôi sao của Premier League không giấu nổi sự thất vọng. Họ đã không thể trở về nhà trong tư thế ngẩng cao đầu sau thất bại toàn diện trước Đức: thua kém trong cả phòng ngự lẫn tấn công dù giàu kinh nghiệm hơn, có tên tuổi hơn. Những đứa trẻ nhà Loew thực sự đã lớn và có thể nghĩ tới chức VĐTG lần thứ 4.
Đội hình thi đấu
Đức: 1-Manuel Neuer; 16-Philipp Lahm, 3-Arne Friedrich, 17-Per Mertesacker, 20-Jerome Boateng, 13-Thomas Mueller, 6-Sami Khedira, 7-Bastian Schweinsteiger, 10-Lukas Podolski, 8-Mesut Ozil, 11-Miroslav Klose
Anh: 1-David James; 2-Glen Johnson, 15-Matthew Upson, 6-John Terry, 3-Ashley Cole; 16-James Milner, 4-Steven Gerrard, 8-Frank Lampard, 14-Gareth Barry; 19-Jermain Defoe, 10-Wayne Rooney.
Đức | Anh | |
45% | Tỷ lệ giữ bóng | 55% |
17 | Sút bóng | 18 |
6 | Sút cầu môn | 7 |
11 | Sút ngoài cầu môn | 11 |
6 | Thủ môn cản phá | 2 |
4 | Phạt góc | 6 |
7 | Phạm lỗi | 6 |
4 | Việt vị | 2 |
1 | Thẻ vàng | 1 |
0 | Thẻ đỏ | 0 |
Bảo Phương