Vòng chung kết năm 1990 là giải đấu có ít bàn thắng nhất, với tỷ lệ trung bình chỉ là 2,21 bàn mỗi trận, nhưng cũng có những sự kiện đáng nhớ và các trận đấu kịch tính. Trận khai mạc để lại một trong những dấu ấn sâu đậm nhất khi Cameroon bất ngờ hạ gục Argentina tại sân San Siro lộng lẫy vừa được cải tạo. Với Roger Milla ở phong độ đỉnh cao, “Sư tử bất khuất” sẽ còn làm nên lịch sử ở giải lần này.
ĐT Đức lần thứ 3 đăng quang ở World Cup |
Những kẻ gây bất ngờ
Vòng bảng diễn ra không có nhiều kịch tính, trừ việc một số gương mặt mới chơi hay hơn nhiều người dự đoán. Costa Rica đánh bại cả Scotland lẫn Thụy Điển để lọt vào vòng 16 đội. Ireland, do cựu tuyển thủ Anh Jack Charlton dẫn dắt, vào đến tận tứ kết ngay trong lần đầu góp mặt, nhưng những thành tích đó chưa thể sánh được với kỳ tích của Cameroon, cũng vào tới tứ kết. “Sư tử bất khuất” là đội bóng yêu mến nhất của nhiều CĐV trung lập ở Ý năm 1990 và Milla, đã 38 tuổi, vẫn là một ngôi sao đích thực.
Tiền đạo kỳ cựu này được gọi trở lại khi đã gần về hưu và đang chơi bóng ở đảo Reunion, nhưng ở Ý, sau khi vào sân từ ghế dự bị trong trận gặp Romania, Milla ghi 2 bàn và giúp Cameroon đi tiếp vào vòng hai. Sau đó ông lặp lại thành tích giống vậy trước Colombia, bao gồm một bàn thắng dẫn đến pha ăn mừng khiêu vũ bên cột cờ góc nổi tiếng. Lần đầu tiên châu Phi có đại diện của mình ở tứ kết một kỳ World Cup. Họ có thể đã tiến xa hơn nếu không có hai quả phạt đền của Gary Lineker cho tuyển Anh lúc Cameroon đang dẫn trước 2-1 và chỉ còn 10 phút là hết giờ. Nhưng như thế đã là đủ để “Sư tử bất khuất” được cả thế giới biết đến và châu Phi sẽ có thêm một đại diện nữa, nâng tổng số lên 3 đội, ở World Cup lần sau.
Với tuyển Anh, được tạo cảm hứng bởi tài năng và sức sáng tạo vô hạn của Paul Gascoigne, chiến thắng trước Cameroon giúp họ lại lần đầu tiên vào bán kết kể từ năm 1966, nhưng vận may lại chống lại họ khi gặp đối thủ cũ Tây Đức trong một trận đấu quyết liệt được quyết định trên tấm phạt đền, trận đấu sẽ còn được nhớ mãi bởi những giọt nước mắt lăn trên má Gascoigne. Đó cũng là trận đấu khó khăn nhất của tuyển Đức trên đường tới chức vô địch. Với ba trụ cột đều là những cầu thủ đang khoác áo Inter Milan, đội trưởng Lothar Matthaus, Jurgen Klinsmann và Andreas Brehme, Tây Đức gần như được chơi trên sân nhà ở San Siro trong 5 trận đầu tiên, bao gồm chiến thắng ấn tượng 4-1 trước Nam Tư và đánh bại Hà Lan gây nhiều thất vọng ở vòng hai.
Người hùng không ngờ Toto
Dù đã bỏ ra rất nhiều tiền cho World Cup, lợi thế sân nhà cũng chỉ giúp Ý vào được tới bán kết. Hành trình của họ bao gồm một bàn thắng tuyệt đẹp của Roberto Baggio trong trận gặp Tiệp Khắc và kỷ lục ở một kỳ World Cup cho thủ thành Walter Zenga, người đã giữ sạch lưới 5 trận liên tiếp, tương đương với 517 phút. Tuy nhiên, người hùng bất ngờ của đội chủ nhà ở giải lần này là Schillaci, người chỉ mới được khoác áo ĐTQG một lần trước vòng chung kết, nhưng đã ghi 6 bàn ở World Cup để đoạt danh hiệu Chiếc giày vàng. Không may cho đội bóng của HLV Azeglio Vicini, giấc mơ chiến thắng trên sân nhà của họ bị Argentina bóp chết ở Naples.
Đối thủ của Ý ở bán kết không còn là Argentina của năm 1986, nhưng Diego Maradona vẫn còn đó. Sự xuất hiện của anh đã chia rẽ cả thành phố Naples, nơi những CĐV coi anh như một vị thánh sau chức vô địch Serie A Maradona giành về cho Napoli mùa giải đó. Một nhân vật nổi bật khác trong màu áo trắng xanh là tiền đạo Claudio Caniggia, người ghi bàn thắng tuyệt đẹp ấn định tỷ số trong trận thắng ở vòng hai gặp Brazil. Ngoài ra phải kể đến thủ thành Sergio Goycochea. Chỉ là người bắt thay cho Nery Pumpido, bị chấn thương trong trận thứ hai của Argentina, nhưng Goycochea đã trở thành nhân tố quan trọng nhất trong hành trình vào chung kết với những pha cứu thua xuất thần trong trận gặp Brazil và trong loạt đá penalty với đội Nam Tư rất mạnh ở tứ kết. Trước Ý, Goycochea lại vào vai người hùng khi cứu hai quả phạt đền để đưa Argentina vào chung kết sau khi hai đội hòa 1-1 trong 120 phút.
Tuy nhiên, Goycochea không thể lặp lại kỳ tích ở Rome và bị Brehme đánh bại trên chấm phạt đền ở phút 85, bàn thắng quyết định một trận chung kết nhàm chán. Argentina, không có Caniggia vì án treo giò, trở thành đội đầu tiên không thể ghi bàn và có cầu thủ nhận thẻ đỏ trong trận chung kết khi Gustavo Dezotti bị đuổi khỏi sân. Vào cuối trận, Argentina chỉ còn 9 người sau khi Pedro Monzon nhận thẻ đỏ, nhưng dẫu sao, chiến thắng của Tây Đức vẫn xứng đáng. 16 năm sau khi đeo băng đội trưởng đội vô địch World Cup, Beckenbauer lại một lần nữa đăng quang với tư cách HLV. Với danh hiệu thứ 3, Đức cùng với Ý và Brazil giờ là những đội tuyển thành công nhất thế giới.
World Cup 1990 ở Ý |
(Theo Thể Thao Văn Hoá)