(Bongda24h) - Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản đang là niềm tư hào của bóng đá châu Á tại World Cup 2010. Cả hai đều đã vượt qua vòng bảng lần đầu tiên trong lịch sử ở những kỳ World Cup (không tính lần giải đấu được tổ chức trên sân nhà của họ vào năm 2002) và xét về độ thuyết phục, Nhật có phần trội hơn. Tại trận đấu cuối cùng trong khuôn khổ bảng E, Nhật Bản đã đánh bại đại diện của châu Âu, Đan Mạch bằng tỷ số 3-1 qua đó xếp thứ 2 bảng đấu và sẽ chạm trán với Paraguay ở vòng tới. Điểm nổi bật nhất trong chiến thắng của Nhật Bản là 2/3 bàn thắng của họ xuất phát từ những quả đá phạt trực tiếp, kỹ năng từ đầu giải đến giờ người hâm mộ ít được chứng kiến.
Cuộc chiến giữa Đan Mạch và Nhật Bản có thể coi là trận "chung kết" của bảng đấu. Đội bóng châu Á chỉ cần giành thêm được 1 điểm là chắc chắn đi tiếp trong khi Đan Mach buộc phải thắng bằng mọi giá. HLV Morten Olsen đã có 2 sự thay đổi so với chiến thắng 2-1 trước Cameroon khi Kroldrup thay thế Simon Kjaer bị treo giò còn Kahlenberg trở lại đội hình xuất phát sau một trận bị Gronjkaer chiếm mất. Trong khi, HLV Okada vẫn giữ nguyên cùng một đội hình xuất phát trong 3 trận vòng bảng.
Honda (số 18): Xứng danh ngôi sao lớn nhất ĐT Nhật Bản
Giống như 2 trận trước, Đan Mạch khởi đầu cực kỳ hứng khởi và gây ra nhiều sóng gió cho cầu môn Nhật Bản song họ chưa thể có bàn thắng sớm. Các chàng trai đến từ xứ sở Mặt trời mọc bình tĩnh chống trả bằng sự chắc chắn của một hàng thủ mang nhiều phong cách của châu Âu tuy nhiên các đợt lên bóng đáp trả của Nhật lại vẫn chứng tỏ cái chất kỹ thuật truyền thống, mang nhiều ảnh hưởng của Brazil. Phút 13, Đan Mạch đã gặp may khi pha dứt điểm của Matsui sau đường tạt chuẩn xác của Okubo lại trúng vào chân Sorenen khi mà thủ môn này đã phán đoán sai hướng. Ngay sau đó, đội trưởng Hasebe nhận thấy có nhiều khoảng trống ở trước mặt đã quyết định kết thúc ngay nhưng bóng bay vọt qua xà ngang.
Đến phút 17, Nhật Bản xuất sắc vượt lên dẫn trước. Họ được hưởng một quả đá phạt chếch bên cánh phải ở cự ly hơn 30m. Thông thường ở các tình huống tương tự thế này, các cầu thủ sẽ rót bóng vào khu cấm địa cho đồng đội chứ hiếm khi sút thẳng về cầu môn bởi cơ hội ăn bàn là rất thấp. Tuy nhiên, ngôi sao lớn nhất của ĐT Nhật Bản, Keisuke Honda đã nằm trong danh sách ít ỏi đó. Bằng cái chân trái khéo léo, Honda đã vẽ nên một quỹ đạo hết sức đẹp mắt và đưa trái bóng Jabulani nhằm thẳng về góc xa. Sorensen dường như ban đầu đã bị đánh lừa khi anh định đổ người sang trái và sau khi hối lại thì đã muộn. Dù bay người hết cỡ, thủ thành đang chơi bóng ở Premier League cho Stoke City vẫn không thể cứu thua cho đội nhà. Như vậy, Honda là người ghi cả hai bàn thắng cho Nhật Bản tính đến thời điểm này của World Cup 2010. Tải chương trình xem tại đây để xem nội dung tệp này.
Bàn thua buộc Đan Mạch phải không ngừng gia tăng sức ép nhưng họ đã vấp phải một trận điạ phòng thủ được triển khai cực kỳ chặt chẽ. Ngay cả các cầu thủ đảm trách nhiệm vụ tấn công cũng thường xuyên lui về hỗ trợ phòng ngự. Khi mà "Những chú lính chì" vẫn đang loay hoay trong bài toán tìm đường tiếp cận cầu môn thì họ bị dội thêm gáo nước lạnh thứ 2 và cũng từ một pha đá phạt chuẩn mực. Lần này, góc sút rộng hơn, nằm chính diện cầu môn còn khoảng cách thì tương tự. Và sau Honda, đến lượt Endo trổ tài sút phạt siêu đẳng của minh với một cú cứa lòng, đưa bóng vòng qua hàng rào chắn và nằm gọn trong góc lưới trước sự bất lực của Sorensen. Đây đã là bàn thứ 3 của World Cup 2010 đến từ những tình huống đá phạt trực tiếp và tất cả đều do các cầu thủ đến từ châu Á thực hiện (bàn đầu tiên do Park Chu Young của Hàn Quốc thực hiện ở trận hoà Nigeria 2-2). Trong khi một loạt những ngôi sao hàng đầu thế giới đã phải lên tiếng kêu can phàn nàn về sự "kỳ dị" của Jabulani khiến họ chưa thể điều khiển tốt trái bóng và tạo ra bàn thắng từ các cú sút phạt thì những cầu thủ ít tên tuổi hơn đến châu lục đông dân nhất thế giới lại chứng tỏ họ chẳng cảm thấy khó khăn gì, thậm chí có phần còn thích thú với trái bóng chính thức của giải đấu.
Nhật phòng ngự tốt còn Đan Mạch không biết tận dụng những cơ hội ít ỏi tạo ra được
Cánh cửa lọt vào vòng 1/8 đã trở nên rộng mở hơn bao giờ hết với thày trò Okada còn Đan Mạch đứng trước "điệp vụ bất khả thi": phải ghi được 3 bàn thắng trong những phút còn lại nếu muốn đi tiếp. Nhà cầm quân Morten Olsen cũng phải có sự điều chỉnh khi đưa Jakob Poulsen vào sân nhằm tăng cường khả năng khống chế tuyến giữa. Cho đến khi hiệp 1 kết thúc, Đan Mạch chưa thể làm gì nổi hàng thủ Nhật Bản còn đội bóng áo xanh đã có thêm vài ba tình huống nguy hiểm khác nhưng Sorensen hình như chỉ ngán mỗi trình độ sút phạt lợi hại của đối thủ mà thôi. Sau giờ nghỉ, thứ vũ khí vô cùng lợi hại của người Nhật tiếp tục được thể hiện. Phút 50, Endo lại tung ra một cú sút phạt khác và Sorensen có phần hơi chủ quan khi để trái bóng vuột ra khỏi tay và may cho Đan Mạch, cột dọc đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của họ.
Những chỉ đạo kịp thời của HLV trưởng đã giúp đội tuyển đến từ xứ sở cổ tích của Andersen tấn công sắc sảo và có đường nét hơn. Tuy nhiên về khâu dứt điểm cuối cùng của các học trò thì có lẽ Morten Olsen cũng chẳng thể có biện pháp gì hữu hiệu để cải thiện. Trong đó cầu thủ giàu kinh nghiệm nhất của Đan Mạch, tiền đạo kỳ cựu John Dahl Tomasson (với trên 100 lần khoác áo ĐTQG) tỏ ra hết sức vô duyên. Anh đã vài lần bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn do các đồng đội tạo ra. Lúc thì anh sút hụt, đánh đầu hụt, lúc thì anh xử lý kém để thời cơ tốt nhất đi qua. Còn Nhật Bản chủ động với chiến thuật phòng ngự - phản công và nếu sắc sảo hơn, họ đã có thể ghi thêm bàn thắng.
Phút 79, từ ngoài vòng cấm, tiền đạo mới vào sân Larsen tung cú đá chân trái cực kỳ hiểm hóc, đáng tiếc bóng đá trúng vào xà ngang khi mà Kawashima đã bó tay. Nhưng rồi, nỗ lực của Đan Mạch cũng được đền đáp. Hasebe đẩy ngã Agger trong khu vực 16m50 và trọng tài chính đến từ nước chủ nhà Nam Phi không ngần ngại chỉ tay vào chấm phạt đền. Đến lần này, Tomasson không thể bỏ lỡ được nữa dù cú sút của anh đã bị Kawashima cản phá nhưng bóng bật ra và chính Tomasson lao vào đá bồi vào lưới trống. Bàn thắng đã làm sống dậy hy vọng mong manh của Đan Mạch và họ dốc toàn lực lên tấn công hòng cố ghi thêm được bàn nào, hay bàn đấy. Tuy nhiên, mọi chuyện đã chấm dứt sau khi Nhật Bản ghi bàn thứ 3. Trong một đợt phản công nhanh, Honda xử lý kỹ thuật, loại bỏ Rommedahl rồi chuyền sang cho đồng đội Okazaki. Trước cầu môn đã rộng mở, tiền đạo này dễ dàng ấn định tỷ số của trận đấu.
Chiến thắng này có thể coi là một bất ngờ vì dù sao, Nhật Bản vẫn còn kém một khoảng cách khá xa so với Đan Mạch nhưng nếu nhìn lại những gì Nhật Bản đã thể hiện từ đầu giải, không chỉ trong phạm vi trận đấu này thì thắng lợi của thày trò Okada là hoàn toàn xứng đáng. Với thành tích này, Nhật hoàn toàn tự tin bước vào trận đấu vòng 1/8 gặp Paraguay, đội bóng xếp trên Đan Mạch vài bậc song giờ đây, niềm tin và tinh thần của các cầu thủ đến từ xứ hoa anh đào đang rất lớn. Vì thế, việc tạo thêm một bất ngờ nữa không hề là chuyện viển vông.
Đội hình thi đấu
Đan Mạch:1-Thomas Sorensen; 15-Simon Poulsen, 4-Daniel Agger, 13-Per Kroldrup (18-Soren Larsen 56'), 6-Lars Jacobsen, 19-Dennis Rommedahl, 2-Christian Poulsen, 10-Martin Jorgensen (14-Jakob Poulsen 34'), 12-Thomas Kahlenberg (21-Christian Eriksen 63'), 9-Jon Dahl Tomasson, 11-Nicklas Bendtner
Nhật Bản: 21-Eiji Kawashima; 2-Yuki Abe, 22-Yuji Nakazawa, 4-Tulio, 3-Yuichi Komano, 5-Yuto Nagatomo, 16-Yoshito Okubo (15-Yasuyuki Konno 88'), 7-Yasuhito Endo (20-Junichi Inamoto 90'), 17-Makoto Hasebe, 8-Daisuke Matsui (9-Shinji Okazaki 74'), 18-Keisuke Honda
Đan Mạch Nhật Bản 65% Tỷ lệ giữ bóng 35% 21 Sút bóng 15 6 Sút cầu môn 9 15 Sút ngoài cầu môn 6 6 Thủ môn cản phá 5 7 Phạt góc 2 23 Phạm lỗi 10 0 Việt vị 5 3 Thẻ vàng 2 0 Thẻ đỏ 0
Bảo Phương