Tây Ban Nha mới lần đầu vô địch World Cup. Nhưng đó là chức vô địch thế giới vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bóng đá. “Vị Vua mới” không chỉ vượt qua các chướng ngại vật tại Nam Phi thật đẹp mắt và thuyết phục mà còn xóa bỏ nhiều lời nguyền của quá khứ. NHM có lẽ chưa bao giờ được chứng kiến một chức vô địch World Cup siêu phàm đến vậy. Dưới đây là 7 cái dớp lịch sử hãi hùng mà Tây Ban Nha vượt qua trên con đường chinh phục vinh quang.
Thua trận đầu
Khi Tây Ban Nha ra quân và thất trận trước Thụy Sỹ, những nhà thống lịch sử World Cup lắc đầu ngán ngầm tiếc thương cho số phận của Bò tót. Trong 18 kỳ World Cup trước đây, 80 năm lịch sử giải đấu, chưa có đội bóng nào lên ngôi vô địch khi để thua trong trận xuất quân. Để rồi, không ít người chẳng ngần ngại gạch tên ƯCV số một Tây Ban Nha ra khỏi cuộc đua tới Cúp Vàng.Tây Ban Nha đã vượt qua nhiều lời nguyên để đăng quang thuyết phục
ƯCV Vô địch số một
Sau khi Tây Ban Nha thua Thụy Sỹ, NHM càng có lý do để tin vào cái dớp ƯCV vô địch số một sẽ phải đối mặt với định mệnh hẩm hiu vốn đã ứng nghiệm ở một loạt kỳ World Cup gần đây. Thực tế, rào cản vô hình đó cứ đeo bám Tây Ban Nha ở suốt hành trình sau đó. Họ chỉ vượt qua vòng bảng sau 2 chiến thắng vô cùng nhọc nhằn trước Honduras (2-0) và Chile (2-1).
Ít bàn thắng
Khi Tây Ban Nha đã hoàn tất sứ mệnh tại Soccer City, NHM mới nhận ra rằng để giành chức vô địch World Cup, một đội bóng không nhất thiết phải ghi quá nhiều bàn thắng. Từ trận thua Thụy Sỹ cho tới khi đánh bại Hà Lan, Bò tót mới ghi được 8 bàn. Trong lịch sử World Cup, chưa có nhà vô địch nào có ít bàn thắng đến thế. Lưu ý, tại Nam Phi 2010, Tây Ban Nha còn phủ nhận một chân lý của bóng đá: chơi đẹp không nhất thiết phải ghi thật nhiều bàn thắng.
“Vua đoán ngược” Pele
Với chức vô địch World Cup 2010, Tây Ban Nha đã phá luôn cái dớp dự đoán ngược của “Vua bóng đá” Pele. Trước giải, huyền thoại bóng đá người Brazil tuyên: Tây Ban Nha là ƯCV vô địch số một. Bò tót sa sầm mày mặt, còn HLV Del Bosque cuống cuồng họp báo khước từ “ân huệ” của Pele. Từ trước tới nay ai cũng biết, bất cứ dự đoán nào mà Pele đưa ra đều có kết quả ngược lại.
Chung kết mặc áo phụ
Trong 18 kỳ World Cup trước, những đội bóng phải mặc áo thi đấu phụ trong trận chung kết đều không thể giành chiến thắng. Hai ví dụ gần đây nhất là trường hợp của Argentina ở World Cup 1990 và Pháp tại World Cup 2006. Hay nói cách khác, tất cả các nhà vô địch thế giới đều mặc đồng phục truyền thống tại trận chung kết. Nhưng ở Nam Phi 2010, Tây Ban Nha với sức mạnh không thể ngăn cản đã vượt qua được cái bẫy vụn vặt song ma mãnh của lịch sử.
Vua châu Âu lụn bại
Chức vô địch của Tây Ban Nha còn kỳ diệu hơn nếu biết, trong lịch sử mới chỉ có một nhà ĐKVĐ châu Âu giành được Cúp Vàng 2 năm sau đó. Đó là khi Đức liên tiếp lên ngôi tại EURO 1972 và World Cup 1974. Trong suốt 36 năm sau đó, các vị vua châu Âu đều không thể hoàn tất sứ mệnh chinh phạt thế giới, thậm chí còn thường chịu thất bại đau đớn như trường hợp của Hy Lạp 2004 (không lọt qua vòng loại).
Nam Mỹ và châu Âu luân phiên
Chiếc Cúp Vàng của người Tây Ban Nha cũng phủ nhận luôn cả 2 quy luật luật tưởng như bất di bất dịch tại World Cup: châu Âu không thể vô địch bên ngoài lãnh địa; châu Âu và Nam Mỹ phải thay nhau vô địch thế giới. Trước Tây Ban Nha, chưa có đội bóng châu Âu nào đăng quang World Cup bên ngoài Lục địa Già. Và kể từ năm 1962, với dấu mốc là chức vô địch của Brazil, châu Âu và Nam Mỹ luôn phải luân phiên đoạt Cúp Vàng danh giá.
(Theo báo Bóng Đá)