Khi Luis Suarez hai tay bưng mặt khóc, lặng lẽ bước trên đường piste sân Soccer City, người ta đều hiểu tâm trạng anh đang nặng trĩu. Thế mà chỉ 1 giây sau, cũng chính anh chàng ấy, ở chính vị trí ấy lại nhẩy cẫng lên ăn mừng cứ như thể anh ta vừa mang Cúp vàng thế giới về Uruguay. Thế đấy, ranh giới giữa người hùng và tội đồ đôi khi mỏng manh đến khó định nghĩa.
1. Nelson Mandela Bay, chỉ vài tiếng trước đó. Dunga cúi gằm mặt bước nhanh ra khỏi SVĐ, cố tránh những ống kính máy quay của đám phóng viên tọc mạch. Melo thì như thất thần chẳng hiểu điều gì đã xẩy ra. Họ sẽ phải đối mặt với búa rìu dư luận ở quê nhà Brazil với tư cách là hai kẻ nặng tội nhất. Ấy thế nhưng chỉ 45 phút trước, cả Melo lẫn Dunga đều là người hùng làm nên một Brazil tưởng chừng bất khả chiến bại.Nhờ pha bóng này, Luis Suarez đã trở thành người hùng của cả dân tộc Uruguay
World Cup 2010 đã có bao nhiêu Melo, Suarez, Dunga? Kể thì rất nhiều. Nếu cú sút đưa bóng vào sâu 50cm trong khung thành của Lampard được trọng tài công nhận thì tiền vệ Chelsea cũng là người hùng và Capello không bị coi là kẻ lãng phí cơ hội cuối cùng của thế hệ Vàng nước Anh. Hay nếu pha đệm bóng cận thành của Pepe ở những giây cuối không đi chệch cột dọc thì hành trình của nhà ĐKVĐ Italia đã không chấm dứt ngay từ vòng bảng. Rồi nữa, nếu cú sút xa của Salcido không đưa bóng tới trúng xà ngang thì Mexico có thể vượt qua Argentina lắm chứ. Nhiều và sẽ còn nhiều nữa những trường hợp trái ngang như vậy.
Vì đó là bóng đá!
2. Trước ngày lên đường sang Nam Phi, HLV Calisto trong một cuộc trao đổi với người viết có nói rằng “trong bóng đá, tôi hay anh đều không thể nói chắc điều gì. Vì chỉ một tình huống thôi có thể làm thay đổi mọi chuyện. Đó là bóng đá”.
“Đó là bóng đá”, vâng, nghe thì thật đơn giản nhưng cứ nhìn vào Brazil hay Ghana, người ta mới thấy hóa ra chấp nhận cái điều tưởng chừng đơn giản ấy lại quá… phức tạp. Vì đằng sau một câu nói quá ngắn gọn như thế, bao nhiêu người sẽ phải thân bại danh liệt? Bao nhiêu người sẽ còn phải ám ảnh mãi chỉ vì một khoảnh khắc “đó mới là bóng đá”?
Tất nhiên, sự đen đủi của người này có khi lại mang đến sự may mắn cho người khác. Một người thân bại danh liệt thì sẽ có một người khác được thăng hoa. Đấy là bóng đá và đấy cũng là cuộc đời. Bởi để thành công thì ai cũng phải có may mắn.
Đến đây, lại nhớ tới chuyện của BĐVN. Chúng ta từng tôn vinh hai thế hệ Vàng (1998 và 2003), nhưng rút cục thì họ chỉ xứng đáng được gọi là thế hệ Bạc. Thậm chí, chính thế hệ 2003 còn tạo nên một tai tiếng mang tính lịch sử (SEA Games 2005). Nhưng cái thế hệ mà người Việt Nam không kỳ vọng nhất thì năm 2008 lại đưa BĐVN lên đỉnh Đông Nam Á (ĐNA). Vì chúng ta hay? Vì chúng ta giỏi? Hay còn vì cái vận của BĐVN tới lúc đó mới đến?
3. Từ World Cup rồi lại nhìn về BĐVN, chợt thấy trong bóng đá, thành - bại thật quá mong manh. Và vì thế, thật không hay, không phải nếu ta cứ nghiêm trọng hóa, nâng tầm vấn đề sau mỗi thành công hay thất bại. Vì thắng chưa chắc đã nhờ hay mà thua cũng không hẳn đã vì dở.
Song dẫu biết thế nhưng cũng mấy ai làm được thế. Vì cảm xúc mà bóng đá mang lại đôi khi vẫn lấn lướt lý trí, khiến người ta không thể nhìn nhận một cách chân xác vấn đề. Bởi “đó là bóng đá” mà!
Nhật ký World cup: Thượng đế ngủ quên!
1. Khi Kaka ôm mặt và bước đi thật nhanh như muốn trốn tránh tất cả sau trận tứ kết với người Hà Lan, thì người ta hiểu rằng với Kaka, với Brazil, và với triều đại Dunga, mọi thứ thật sự đã hết. Thực chất thì triều đại nào rồi cũng đến lúc phải kết thúc, nhưng cái cách nó hết thì nghiệt quá và đau quá. Công bằng mà nói, 90 phút với Hà Lan, Brazil đã có tất cả: Một bàn thắng dẫn trước, một tâm lý thoải mái và một thế trận cao cơ hơn hẳn đối phương. Nhưng rồi chỉ 2 tình huống cố định và 2 sai lầm của hệ thống phòng ngự đã “cướp” đi của Brazil tất cả.
Hết rồi, hết thật rồi. Brazil đã phải rời cuộc chơi trong một kịch bản không thể tức tưởi, thảm sầu hơn.
2. Chỉ vài giờ sau giọt nước mắt của Kaka, World Cup lại chứng kiến giọt nước mắt của Gyan - sát thủ tấn công của ĐT Ghana. Khi mà quả luân lưu cuối cùng của Uruguay trúng đích, khi mà thầy trò Tabarez vỡ òa hạnh phúc với chiến tích lọt vào bán kết sau hàng chục năm chờ đợi thì cũng là khi ở phía bên kia chiến tuyến, Gyan đã khóc như thể cuộc đời này toàn nước mắt mà thôi.
Không có được sự áp đảo giống như Brazil trong hiệp 1 trận gặp Hà Lan, nhưng công bằng mà nói, Ghana có một thế trận tấn công cùng những cơ hội ăn bàn nhiều hơn hẳn Uruguay. Khi tỷ số hòa 1-1 trong 90 phút được giữ nguyên, và khi trận đấu phải kéo sang 2 hiệp phụ thì với nền thể lực vượt trội của mình, Ghana thật sự đã dồn đối thủ vào thế chân tường. Và đúng ở phút cuối cùng của hiệp phụ, sau khi cả tá cơ hội bị bỏ lỡ thì Ghana được hưởng phạt đền. Nhưng, chuyên gia phạt đền Gyan lại đưa bóng tông thẳng xà ngang, để rồi vài phút sau đó thì đội bóng của anh chết giấc ngay trên chấm luân lưu 11m.
3. Ngày 2/7 là ngày mà những đội bóng chơi hay hơn, xứng đáng chiến thắng hơn rốt cuộc lại là người bại trận. Ngày 2/7, những giọt nước mắt của Kaka, của Gyan đủ nói lên nỗi tức tưởi của những kẻ đã nhìn ra thiên đường nhưng lại hụt chân rớt khỏi đó.
Ngày 2/7, Thượng đế đã “ngủ quên” giữa bầu trời Nam Phi!
(Theo báo Bóng Đá)