Nếu như sơ đồ 4-3-3 ngày càng được nhiều CLB châu Âu sử dụng thì trên cấp độ ĐTQG, 4-2-3-1 đang lên ngôi ở World Cup 2010. Minh chứng hùng hồn nhất là cả 4 đội tiến sâu nhất trên đất Nam Phi đều sử dụng sơ đồ này để xưng hùng xưng bá.
Khoảng chục năm về trước, 4-4-2 được xem là sơ đồ “tủ” của phần lớn các đội bóng châu Âu. Đấy là giai đoạn mà việc bố trí cặp tiền đạo chơi giăng ngang rất thịnh hành. Người Anh có bộ đôi Alan Shearer - Michael Owen. ĐT Pháp đăng quang tại EURO 2000 bằng khẩu pháo hai nòng Thierry Henry - David Trezeguet. Tây Ban Nha cũng sở hữu cặp Raul - Fernando Morientes rất lợi hại. Ở cấp độ CLB, 4-4-2 cũng là lựa chọn tối ưu thời điểm đó. Mùa giải 1998/99, M.U đăng quang tại Champions League Dwight Yorke và Andy Cole sát cánh cùng nhau trên tuyến đầu.
Tây Ban Nha thành công nhờ thay đổi đấu pháp hợp lý
Thế nhưng, sơ đồ cặp tiền đạo giăng ngang đã không còn hữu dụng vài năm sau đó. Lý do là khu vực vòng cấm địa đối phương ngày càng trở nên chật chội khiến bộ đôi tiền đạo phối hợp với nhau rất khó khăn. Năm 1999, Yorke và Cole của M.U có thể đan bóng qua lại như chỗ không người, song đến 2004 chơi theo cách đó chẳng khác nào tự sát. Việc Hy Lạp đăng quang ở EURO 2004 và Porto lên ngôi tại Champions League 2003/04 phần nào cho thấy bóng đá ngày càng thay đổi theo hướng thực dụng hơn.
Những năm gần đây, nhiều CLB lớn ở châu Âu có chiều hướng quay sang sử dụng sơ đồ 4-3-3. Thành công của Barcelona trong mùa bóng 2008/09 càng cổ vũ xu thế phát triển của sơ đồ này. Thế nhưng ở cấp độ ĐTQG, 4-2-3-1 mới là lựa chọn của những kẻ muốn xưng hùng xưng bá. Cả 4 đội bóng góp mặt tại Bán kết World Cup 2010 đều sử dụng sơ đồ này. Trong khi đó, 4-4-2 của người Anh đã đưa đến một kết cục thê thảm. Argentina với sơ đồ 4-3-3 chỉ thành công ở vòng ngoài, rồi sau đó cũng phải rời cuộc chơi với thảm bại 0-4.
Điều đáng nói là 4-2-3-1 không phải là sơ đồ truyền thống của cả 4 đại diện góp mặt tại vòng Bán kết World Cup 2010. Người Hà Lan trước nay quen với 4-3-3. ĐT Đức chinh chiến tại vòng loại bằng sơ đồ 4-4-2. Mannschaft chỉ bắt đầu chuyển đổi khi trụ cột Michael Ballack dính chấn thương và không thể lên đường san Nam Phi. Trước khi World Cup 2010 khởi tranh khoảng một tháng, cực chẳng đã HLV Joachim Loew mới quay sang sử dụng 4-2-3-1. Thế nhưng quyết định dũng cảm này đã đưa đến thành công ngoài mong đợi. Nó giúp ĐT Đức có thể nhanh chóng chuyển từ thế trận phòng ngự sang tấn công. Với 4-2-3-1, Mannschaft tận dụng tốt hơn những khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ biên của đối phương.
Con đường đến với 4-2-3-1 của Tây Ban Nha tốt hơn đôi chút. Họ sử dụng sơ đồ 4-4-2 cho đến vòng Tứ kết. Song đúng vào giai đoạn then chốt, HLV Del Bosque đã phải hy sinh Fernando Torres để đưa bộ ba Iniesta - Xavi - Pedro chơi sau lưng David Villa. Sự thay đổi này giúp ĐT Tây Ban Nha có thêm nhân lực để khống chế trung tuyến. Nhiều khả năng Del Bosque sẽ tiếp tục sử dụng phương án chiến thuật này trong trận chung kết với Hà Lan vào ngày 12/6 tới đây.
(Theo báo Bóng Đá)