Người ta đã tán tụng rất nhiều về chiến thắng của người Đức trước Australia ở trận ra quân. Với đội hình gồm rất nhiều cầu thủ trẻ, đội quân của HLV Joachim Loew đã dễ dàng khuất phục đối thủ bằng một thế trận lấn lướt toàn diện. Đâu là bí mật của Mannschaft?
Một tháng trước, BHL Đức lo sốt vó khi tiền vệ đội trưởng Michael Ballack dính chấn thương và không thể tham dự World Cup. Ngay sau đó, tiền vệ phòng ngự Christian Traesch cũng chia tay giải với lý do tương tự. Sự thiếu thốn những cầu thủ có thiên hướng phòng ngự như Ballack và Traesch khiến Mannschaft không thể tiếp tục thi đấu với sơ đồ chiến thuật 4-4-2 truyền thống.Đức đang chứng tỏ sức mạnh của một ứng cử viên cho ngôi vô địch
Đó là tiền đề cho sự ra đời của sơ đồ 4-2-3-1. Ở 2 trận giao hữu trước Hungary và Bosnia, sự điều chỉnh này đã mang lại kết quả rất khả quan. Vai trò của một tiền vệ tổ chức như Ballack vốn là xương sống trong lối chơi đã được HLV Loew giải quyết khá triệt để. Không có một cầu thủ dẫn dắt thực sự, cách thức tổ chức tấn công của ĐT Đức là một hệ thống thống nhất. Sự linh hoạt ở hàng tiền vệ bố trí thành 2 lớp riêng (phòng ngự và tấn công) giúp cho Mannschaft không chỉ duy trì được áp lực tấn công liên tục, mà phòng ngự cũng rất kín kẽ. Lúc tấn công, 2 tiền vệ cánh và một tiền vệ trung tâm dâng lên giúp hàng công của ĐT Đức luôn thường trực có 4 người. Trong khi đó, lúc phòng thủ, 2 tiền vệ phòng ngự lùi về biến hàng thủ luôn có ít nhất 6 người. Nhờ lối chơi đầy biến hóa như vậy, dễ hiểu đội quân của HLV Joachim Loew đã giành chiến thắng không mấy khó khăn trước Hungary (3-0) và Bosnia (3-1).
Ở trận ra quân tại VCK World Cup 2010 gặp Australia, một lần nữa sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 lại được các cầu thủ Đức vận hành vô cùng nhuần nhuyễn. Thậm chí, người Đức còn được coi là bậc thầy trong việc sử dụng sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1. Một trong những điểm nổi bật trong lối chơi này chính là khả năng tấn công biên (điểm khác lạ trong sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1 nói chung) với sự cơ động của Philipp Lahm, Podolski và Mueller ở 2 cánh. Có cảm giác người Đức chơi tấn công biên còn hay hơn so với khi vận hành sơ đồ 4-4-2. Nên nhớ, cả Podolski và Mueller đều đã ghi bàn, còn Philipp Lahm cũng đã kiến tạo một bàn thắng.
Tuy nhiên, để vận hành lối chơi 4-2-3-1 tốt như thế không thể không nhắc đến dàn cầu thủ trẻ và sự gắn kết đặc biệt của các tuyển thủ Đức. Bây giờ, Joachim Loew có lý khi ông trao cơ hội cho những cầu thủ còn rất trẻ như Thomas Mueller, Badstuber, Oezil, Neuer ra quân trong đội hình chính thức tại một giải đấu lớn như World Cup. Ông cũng có lý khi trao chiếc băng thủ quân cho Philipp Lahm. Còn nhớ trước thềm World Cup 2010, không ít người bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào hậu vệ đang khoác áo Bayern Munich. Lối chơi “hơi hiền” của Lahm khiến nhiều người lo anh sẽ “không nói được” đồng đội. Song lúc này, tất cả khúc mắc đã được giải tỏa. Mannschaft đã vận hành một cách hoàn hảo.
(Theo báo Bóng Đá)