Các vụ rắc rối luôn là một phần của bóng đá, nhưng cá biệt có những scandal đã đi vào huyền thoại. Dưới đây là những câu chuyện tâm điểm ở một số kỳ World Cup.
World Cup 1930: Cãi nhau vì bóng
Trong lần tổ chức đầu tiên, World Cup gặp không ít trở ngại. Khởi đầu là việc làng bóng đá châu Âu tẩy chay và chỉ 4 đội của lục địa này đăng ký tham dự. Trận đấu có nhiều rắc rối là trận chung kết giữa chủ nhà Uruguay và Argentina. Hậu vệ Luis Monti của đội khách đã bị các CĐV chủ nhà dọa giết, còn trọng tài người Bỉ, John Lagenus, nằng nặc đòi ban tổ chức thu xếp phương án để ông an toàn về tàu sau trận đấu do lo ngại sự giận dữ của CĐV đội thua (thời đó máy bay chưa được thương mại hóa triệt để).Trái bóng Tiento của Uruguay.
Câu chuyện gây bất ngờ nhất là cả Uruguay và Argentina đều không chịu dùng bóng của đối phương. Giải pháp được trọng tài Lagenus đưa ra là mỗi hiệp dùng bóng của một nước. Trong hiệp đầu, bóng của Argentina được sử dụng và đội này vươn lên dẫn 2-1. Sang hiệp hai, Uruguay ghi được ba bàn, lật ngược tình thế với trái bóng mang tên "Tiento".
World Cup 1962: Trận đấu rùng rợn ở Santiago (Chile)
Trước giải vô địch thế giới lần thứ 7, giới truyền thông Italy chỉ trích công tác tổ chức của chủ nhà Chile, nên các CĐV nước này lên kế hoạch "trả đũa" khi hai đội gặp nhau ở vòng bảng. Theo mô tả của các bình luận viên BBC, SVĐ quốc gia ở thủ đô Santiago tràn ngập bầu không khí thù địch và những tiếng la ó khi đội tuyển Italy xuất hiện. Một số cầu thủ Chile bắt đầu trận đấu bằng hành động nhổ nước bọt vào mặt đội bạn. Trọng tài người Anh, Ken Aston, vào hùa bằng cách thổi thiên vị đội chủ nhà. Hai cầu thủ Italy bị phạt thẻ đỏ trong khi họ mới là nạn nhân của những đòn bạo lực. Humberto Maschio, một cầu thủ Italy khác, kết thúc trận đấu với cái mũi bị vỡ. Kết quả là Chile giành chiến thắng 2-0. "Đoàn quân thiên thanh" bị hàng trăm CĐV chủ nhà theo sát cho đến khi về trại huấn luyện.
Trong buổi điểm tin tối của BBC hôm đó, phát thanh viên David Coleman nói: “Xin chào quý vị khán thính giả. Sau đây là trận đấu mà bạn có thể chứng kiến sự xuẩn ngốc, ghê tởm và ô nhục nhất trong lịch sử bóng đá thế giới”.
World Cup 1966: Bàn thắng gây tranh cãi của Geoff Hurst trong trận chung kết Anh - Đức (4-2)
Cựu danh thủ đội tuyển Anh là người lập hat-trick duy nhất trong lịch sử trận chung kết World Cup nhưng danh tiếng của ông bị hoen ố phần nào bởi bàn nâng tỷ số lên 3-2. Trong tình huống gây tranh cãi, Hurst sút căng sau khi đón quả tạt của Alan Ball. Bóng đập xà ngang, dội xuống vạch vôi rồi nảy ra ngoài.Trận chung kết WC 1996 giữa Anh và Đức
Bối rối trước tình huống đó, trọng tài Gottfried Dienst quyết định tham khảo ý kiến của trợ lý Tofik Bakhramov. Mặc dù vị trí đứng cách khung thành khá xa song vị trợ lý người Azerbajan vẫn quả quyết "bóng đã qua vạch vôi". Bàn thắng được công nhận cho đội tuyển Anh trong khi pha quay chậm cho thấy phán quyết trên là một sai lầm.
World Cup 1970: Sự ức chế của đội tuyển El Salvador
Trọng tài người Ai Cập, Ali Kandil, đã phạm một sai lầm khó hiểu trong trận đấu giữa chủ nhà Mexico và El Salvador. Đội khách cầm hòa 0-0 tới phút 44 thì được hưởng một quả phạt bên phần sân nhà. Tuy nhiên, khi nó chưa được thực hiện thì tiền đạo Padilla của Mexico cướp bóng, tạt dọn cỗ cho Valdivia mở tỷ số.
Các cầu thủ El Salvador đã tức giận, vây quanh trọng tài và trợ lý để phản đối, nhưng hai ông vua sân cỏ cho rằng họ đã chạm bóng rồi để đối thủ lấy mất. Trong bầu không khí căng thẳng, trọng tài liền thổi còi để kết thúc hiệp một rồi đi vào trong đường hầm, để lại sau lưng gương mặt phẫn nộ của các cầu thủ El Salvador. Có thể do ức chế với cách xử lý của trọng tài nên trong hiệp hai, đội khách đều sút lên khán đài mỗi khi có bóng. Mexico giành chiến thắng 4-0 ở trận này.
World Cup 1974: Bí ẩn Haiti
Dưới chế độ độc tài của "Papa Doc Duvalier" (cố tổng thống Francois Duvalier), người ta cho rằng bất cứ chuyện gì đều có thể xảy ra tại Haiti. Ở vòng loại khu vực CONCACAF, đội tuyển nước này thắng Trinidad & Tobago trên sân nhà trong trận cuối để đoạt vé. Đội khách đã bị từ chối ít nhất 4 bàn và nguyên nhân được giới thạo tin đồn là là áp lực của Duvalier.
Mang theo mớ kinh nghiệm nghèo nàn tới vòng chung kết, Haiti để thua Italy với tỷ số 1-3 trong trận đầu tiên. Điều gây rắc rối là hậu vệ Ernst Jean Joseph bị phát hiện sử dụng chất kích thích, trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử bị trục xuất khỏi World Cup. Do lo sợ bị trừng phạt sau khi về nước, Jean Joseph đã nhờ hai thành viên của ban tổ chức đỡ lời, nhưng cả hai vị này đều bị cảnh cáo vì can thiệp "chuyện nội bộ của Haiti".
World Cup 1978: Sự nghi ngờ về suất chơi chung kết của Argentina
Thể thức đội dẫn đầu vòng bảng thứ hai được tranh chức vô địch đã gây ra tranh cãi nghiêm trọng tại vòng chung kết thứ 11. Brazil kết thúc vòng bảng thứ hai với 2 trận thắng và 1 trận hòa, được 5 điểm (kiểu tính điểm cũ), có hiệu số là +5. Argentina có ít hơn 2 điểm và hiệu số +2 nhưng còn một trận chưa đấu với Peru (diễn ra muộn hơn trận của Brazil gần một giờ). Người ta có cảm giác như Peru đã mở toang khung thành để đội tuyển chủ nhà ghi 6 bàn. Argentina qua mặt Brazil, lọt vào chung kết nhờ hiệu số cao hơn.
World Cup 1982: Scandal dàn xếp tỷ số
Trận Đức - Áo tại vòng bảng năm 1982 là một chương đen tối trong lịch sử các vòng chung kết World Cup. Sau thất bại 1-2 trước Algeria và chiến thắng 4-1 trước Chile, Đức cần một chiến thắng nữa để đi tiếp trong khi Áo chỉ cần thua không quá chênh lệch hai bàn. Hai đội tuyển láng giềng trên đã "bắt tay nhau" để loại Algeria. Sau khi Horst Hrubesch đánh đầu mở tỷ số cho Đức ở phút thứ 10, 22 cầu thủ chơi như đi bộ, chuyền bóng cho nhau theo kiểu "hữu nghị". Tỷ số 1-0 được duy trì cho tới hết trận và Algeria phải ra về trong nước mắt do kém hơn về hiệu số. Sau sự cố trên, FIFA đưa ra quy định buộc các trận ở lượt cuối vòng bảng phải đá cùng giờ.
World Cup 1982: Sự cố của đội tuyển Kuwait
Trong trận đấu ở bảng D, Pháp thể hiện sự vượt trội nhưng Kuwait thì bất chấp quy định về fair-play để máu ăn thua đến cùng. Sau khi Alain Giresse nâng tỷ số lên 4-1, các cầu thủ của đội tuyển Trung Đông vây quanh trọng tài Stupar để phản đối với lý do tất cả họ đều dừng lại khi nghe thấy một tiếng còi trước đó (xuất phát từ khán đài, theo điều tra về sau). Chủ tịch liên đoàn bóng đá Kuwait khi đó - hoàng tử Fahid - cũng xuống sân để bày tỏ sự bất bình và vị trọng tài thiếu kiên quyết đành hủy pha lập công hợp lệ của Giresse. Tỷ số cuối cùng vẫn là 4-1 nghiêng về Pháp sau khi Bossis lập công ở phút 89. Sau đó Kuwait bị phạt 8.000 bảng vì hành vi phản ứng lỗ mãng.
World Cup 1986: "Bàn tay của Chúa"
Bàn thắng nổi tiếng của thiên tài Diego Maradona là một trong những kỷ niệm khó quên của kỳ World Cup thứ 13. Trong trận tứ kết giữa Anh và Argentina, "cậu bé vàng" Maradona chạy theo cú phá bóng của hậu vệ đối phương rồi dùng tay đẩy bóng qua đầu thủ môn lão luyện Peter Shilton để mở tỷ số cho Argentina. Sau trận đấu, thiên tài bóng đá giải thích: "Bàn thắng đó được ghi bằng cái đầu của tôi và bàn tay của Chúa".Pha ghi bàn nổi tiếng nhất lịch sử WC
World Cup 2002: Trọng tài thiên vị Hàn Quốc
Mặc dù CĐV xứ sở kim chi có thể tự hào về thành tích Hàn Quốc là đội bóng đầu tiên của châu Á lọt vào bán kết World Cup thì sự thiên vị mà trọng tài dành cho họ tại giải đấu 8 năm trước là thực tế hiển nhiên. Trong trận Hàn Quốc gặp Italy ở vòng hai, trọng tài người Ecuador, Byron Moreno, từ chối một bàn thắng hợp lệ của Vieri, tạo điều kiện cho đội đồng chủ nhà bất ngờ vùng lên giành chiến thắng 2-1.
Ở trận tứ kết tiếp theo, đối thủ của Hàn Quốc, Tây Ban Nha, cũng bị từ chối một bàn thắng hợp lệ. Trọng tài người Ai Cập, Gamal Ghandour, cho rằng bóng đi hết đường biên ngang trước khi Joaquin tạt bóng cho Morientes. Tuy nhiên, băng quay chậm lại cho thấy cả "ông vua sân cỏ" lẫn trợ lý đều có trí tưởng tượng phong phú.
World Cup 2006: Zidane dùng đầu húc ngã Materazzi ở trận chung kết
Vị thủ lĩnh hiền lành của đội tuyển Pháp đã làm người xem bị bất ngờ khi dùng đầu húc vào ngực trung vệ Marco Materazzi của Italy ở hiệp phụ, và nhận thẻ đỏ. Hậu quả của hành động nóng nảy là ưu thế tấn công cũng như tinh thần thi đấu của Pháp bị ảnh hưởng xấu. Italy đã giành chức vô địch khi thắng với tỷ số 5-3 trong loạt sút luân lưu. Nguyên nhân dẫn tới cú húc đầu của Zidane được xác định sau đó là những lời thóa mạ của Materazzi nhằm vào gia đình tiền vệ người Pháp.
(Theo Vnexpress)