Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Những hiểm họa của Italia: Azzurra và cuộc chiến chống lại độ cao

Thứ Năm 27/05/2010 14:23(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Những hơi thở trở nên gấp gáp, những cái đầu chuẩn bị nổ tung, những thân thể mệt mỏi và nhanh chóng rã rời. Đấy là hình dung của các tifosi về một ĐT Italia rã rượi ở World Cup, không phải vì đang bị các đối thủ giã cho nhiều trận, mà vì họ phải thi đấu trên độ cao.

Không có gì ngạc nhiên khi FIGC chọn nơi tập trung cho ĐT Italia trước khi xuất phát đi Nam Phi là Sestriere, vùng núi phía bắc của nước Ý, nơi có độ cao trung bình 1.400 mét so với mặt biển. Một tuần ở đó không chỉ để Lippi kiểm tra chân cẳng của các cầu thủ và lọc ra danh sách 23 cầu thủ đã được gút lại để đi World Cup mà còn là cơ hội để họ làm quen với việc thi đấu trên độ cao trong các trận đấu ở Nam Phi. Độ cao là một bất lợi rất lớn với các đội bóng châu Âu, trong đó có Italia, và được coi là một trở ngại nghiêm trọng cho họ trên con đường bảo vệ danh hiệu VĐTG. Việc chuẩn bị thể lực ở Sestriere do đó là cực kì quan trọng, bởi theo bác sĩ Castellacci của ĐT Ý, làm việc trên độ cao chính là một thứ doping của tự nhiên, bởi cơ thể sẽ phản ứng lại với những bất lợi do độ cao sinh ra, tạo ra một loại chất đặc biệt nhằm tăng khả năng đề kháng.

Các nhà ĐKVĐ thế giới rất sợ độ cao


Ở Nam Phi, ngoài trận đấu đầu tiên của vòng bảng với Paraguay ở Cape Town ngày 14/6, trong một SVĐ ngay sát biển, trong 2 trận còn lại, Italia luôn phải thi đấu ở lưng chừng trời. Họ sẽ gặp New Zealand ở Nespruit ngày 20/6, ở độ cao 619 mét so với mực nước biển và trận cuối cùng vòng bảng với Slovakia ở Johannesburg trên độ cao 1.694 mét. Thế nên, Italia đã chọn điểm đóng quân của mình trong thời gian World Cup ở gần thủ đô Pretoria, tại Centurion, có độ cao 1.600 mét. May mắn lớn cho Italia cũng như các đội khác trong giải, là dù đá trên độ cao, nhưng World Cup này sẽ diễn ra trong mùa đông ở Nam Phi, nên cái cảnh các đội châu Âu gần như kiệt quệ vì phải đá giữa trưa nóng bức, trên độ cao rất lớn ở giải World Cup Mexico 1986 không còn nữa. Kinh nghiệm xương máu từ thất bại của ĐT Thiên thanh ở giải Confederations Cup năm 2009 cho thấy, Italia có thể mất vương miện không phải vì đối phương đánh bại họ, mà vì độ cao. Ở giải đấu ấy, Italia đã mệt mỏi nhanh hơn bình thường và xuống sức như tên bắn trong hiệp 2, trong khi đối thủ vẫn chơi tốt. Có 2 câu hỏi đặt ra: 1) Chuẩn bị thể lực của Italia không tốt, sau một mùa bóng tương đối dài? 2) Italia không biết cách thích nghi với môi trường thi đấu không khí loãng? Câu trả lời là: cả 2.

Thế nên Castellacci đã kêu gào để được tập trung tại Sestriere trong vòng ít nhất là 3 tuần, nhưng ông chỉ toại nguyện được đúng một nửa. Do vậy, những người điều phối chương trình của ĐT Ý đã kết hợp kì nghỉ ở Sestriere với những chuyến thi đấu của đội ở Bruxelles và Geneva chỉ trong vòng 3 ngày (3 và 5/6) nhằm giúp các cầu thủ tích lũy thể lực và phong độ một cách nhanh nhất. Người ta yêu cầu các cầu thủ luôn tập chạy trên độ cao và trở lại ngủ ở Sestriere ngay sau các trận đấu ở Bỉ và Thụy Sĩ nói trên. Trong khi một số đội tuyển sử dụng các giường đặc biệt có khả năng tạo dưỡng khí nhân tạo nhằm giúp các cầu thủ quen nhanh hơn với việc ngủ trong điều kiện không khí loãng, Italia không sử dụng biện pháp ấy, mà muốn họ phải chấp nhận điều kiện tự nhiên để không bị ngợp khi đến Nam Phi. Trong quá khứ, Italia đã từng bị ngợp khi đá trên độ cao lớn và điều kiện không khí quá loãng và những bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị. 24 năm trước, ở Mexico 86 với một đội tuyển già nua và ít được bổ sung nhân lực mới, một HLV bảo thủ hệt Lippi bây giờ (Enzo Bearzot), Italia, lúc ấy là ĐKVĐTG đã chết thảm ngay ở vòng 2 bởi tay người Pháp. Đội bóng ngày ấy không khác bây giờ về chất và lượng là bao. Đội bóng ngày ấy đã lên đỉnh cao ở Espana 82, với nhiều cầu thủ đạt ngưỡng phong độ và tinh thần tốt nhất, nhưng không được bổ sung hợp lí và là một trong những đội già nhất Mexico 86. Thậm chí chẳng ai ở Italia cảm thấy đau xót khi đội bóng ấy thất bại.

Thi đấu trên độ cao là một vấn đề, thi đấu khi đang ở độ cao của thành công và danh vọng là một vấn đề khác, nghiêm trọng hơn nhiều. Và đội bóng Thiên thanh có thể thua ở Nam Phi không phải vì độ cao so với mực nước biển, mà vì độ cao của cái danh hiệu VĐTG mà họ đang sở hữu, khi chất lượng của đội bóng hiện tại không thể với tới. Trèo lên cũng phải có lúc trèo xuống. Vấn đề là lúc nào thôi.
  
 

Một đội tuyển tỉnh lẻ

Không có những ngôi sao từ các đội bóng lớn nhất nước, Italia trở thành tập hợp của một nhóm các cầu thủ “nhà quê”, mà dường như mỗi đội ở Serie A đóng góp một ít. Có đến 12 CLB góp cầu thủ cho danh sách sơ tuyển của đội tuyển (sẽ được gút lại còn 23 người ngày 1/6 tới), con số kỉ lục so với các ứng cử viên vô địch. Điều đáng chú ý là Inter, tác giả của cú ăn ba mùa này, không có một cầu thủ nào trong danh sách sơ tuyển. Lippi gạt Materazzi vì tuổi tác và phong độ, Balotelli vì thái độ sống, Santon vì chấn thương. Đội á quân Roma chỉ đóng góp mỗi De Rossi mà không có Totti, Brighi, Perrotta và Toni. Đội đứng thứ 3 Milan có 4 cái tên, nhưng có lẽ sắp thành 3, vì Borriello có nguy cơ bị loại. Trong khi ấy, kẻ thất bại lớn nhất mùa bóng qua, Juventus, đã từ 8 xuống chỉ còn 6 “azzurri” sau khi Grosso và Candreva bị loại, và sẽ tụt xuống còn 5, nếu Camoranesi không thuyết phục được Lippi bằng phong độ của mình. Lẽ ra, con số đã phải là 10, nếu Amauri, được nhập tịch Ý từ tháng 3, không quá sa sút, và Legrottaglie được “chiếu cố”. Những đội khác đóng góp thế nào? Sampdoria (thứ 4 Serie A) góp 2, Palermo (5) có 2, Napoli (6) có 3 (nhưng Quagliarella có thể bị gạt), Genoa (9) có 2, Bari (10) có 1, Fiorentina (11) góp 2, Udinese (15) có 2, Cagliari (16) góp 2. Thêm Villarreal từ TBN góp Rossi. Số lượng cầu thủ đã VĐTG ở Đức 4 năm trước rút xuống còn 9. Lippi có thể cao giọng tuyên bố, là những ai chỉ trích ông không thay máu ĐT sau World Cup đã sai lầm. Trên thực tế, quá trình thay máu có diễn ra. Nhưng chất lượng và khả năng tạo niềm tin cho công chúng lại là chuyện khác.


(Theo Thể Thao Văn Hoá)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Trong trận đầu tiên Ronaldo thi đấu ở La Liga 2017/18 sau khi hết án treo giò, Los Blancos đã bất lực trong việc ghi bàn, điều họ luôn hoàn thành trong 73 trận đấu liên tiếp trước đó. Bên cạnh sự xuất sắc của Adan, thủ môn do chính Real đào tạo ra thì bản thân dàn Galacticos cũng thi nhau bỏ lỡ cơ hội, tất nhiên bao gồm cả Ronaldo. Không thể ghi bàn, Los Blancos còn rơi vào bi kịch vào phút bù giờ cuối cùng khi bị đối thủ chọc thủng lưới.

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Ngôi sao Barca Lionel Messi đã thắng áp đảo đại kình địch Cristiano Ronaldo và người đồng đội Luis Suarez để giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu 2014/2015. Tại lễ trao giải, gương mặt Messi lúc nào cũng thường trực nụ cười tươi rói, còn CR7 lại giữ vẻ mặt lạnh lùng nhưng cũng vỗ tay chúc mừng đối thủ lớn của mình.

Xem thêm
top-arrow
X