Thậm chí, ông là số một, theo một thống kê nhỏ: Giúp đội Đức giành được số điểm trung bình là 2.23 qua tổng cộng 56 trận đã qua dưới triều đại của mình (7 trận ở World Cup lần này), Joachim Loew đã vượt mặt tất cả những nhà cầm quân khác trong lịch sử “Mannschaft”.
Qua 56 trận kể từ khi tiếp quản đội Đức từ Klinsmann, Loew giúp “Mannschaft” giành được 39 chiến thắng, 8 trận hòa và chỉ để thua 9 trận. Ở 2 giải đấu lớn dưới triều đại của ông, Đức đều gây được tiếng vang: Á quân ở EURO 2008 và hạng 3 ở World Cup 2010, với một đội ngũ cầu thủ trẻ trung, vận hành một lối chơi tấn công đẹp mắt, và nền tảng của lối chơi ấy lại do chính Loew cùng với Klinsmann bắt đầu gây dựng cách đây 4 năm.
Joachim Loew chưa đuợc tái ký hợp đồng với ĐT Đức |
Nhiều người cho rằng chính Loew mới là người có ảnh hưởng lớn nhất đến lối chơi hiện đại, sắc sảo và rất khoa học mà đội Đức vận hành suốt 4 năm qua: Klinsmann là người đề xướng ra kế hoạch thay đổi tư duy bóng đá của người Đức, nhưng để cụ thể hóa ý tưởng ấy, ông phải nhờ Loew, một bậc thầy về chiến thuật. Cả 2 đã từng gặp nhau nhiều năm trước trong trường đào tạo HLV, và khi được bổ nhiệm vào chiếc ghế HLV tuyển Đức, Klinsi đã lập tức mời Loew “giúp sức” cho mình trong cuộc cách mạng mà ông khởi xướng cho bóng đá Đức.
Ảnh hưởng lớn hơn Klinsmann
Nói cách khác, Klinsi là một nhà cách mạng về mặt tư tưởng, còn thực tiễn thì Loew mới là người có tiếng nói quyết định: Sau thành công ở World Cup 2006, Loew tiếp quản tư tưởng của Klinsmann, đồng thời tiếp tục cải tạo hệ thống chiến thuật mà chính ông đã xây dựng để phục vụ cho triết lý của Klinsi. Và chỉ sau 4 năm, từ một nhà kỹ thuật thuần túy, tầm vóc lãnh đạo của Loew cũng đã được thừa nhận. Bởi sự thấu hiểu đến từng mắt xích của tuyển Đức, bởi sự táo bạo trong việc đưa ra những quyết định đổi mới, táo bạo đến mức còn vượt cả sự liều lĩnh mà Klinsi từng có ở World Cup 2006.
Lối chơi tấn công của Klinsmann vẫn cần dựa trên điểm tựa là các tiền vệ chuyên trách phòng thủ (Frings, Hilszperger), trong khi Loew thậm chí đã phủ nhận vai trò của những cầu thủ chỉ biết phòng ngự. Đội Đức của Loew mang hơi hướm tổng lực: Các tiền vệ trung tâm của họ chuyển đổi liên tục giữa 2 nhiệm vụ tấn công và phòng thủ (Khedira thậm chí còn thường xuyên xâm nhập vòng cấm), các tiền vệ công của họ (Oezil, Mueller…) hoán đổi vị trí liên tục, và thậm chí trở thành một tiền đạo khi cần thiết, còn các hậu vệ biên (điển hình là Lahm), chơi như những tiền vệ cánh (trận tranh giải 3, Jansen còn được kéo lên chơi… tiền đạo trái, và thậm chí còn ghi bàn).
Sự dũng cảm ấy đã giúp Loew vượt xa khỏi cái bóng của Klinsmann, tiến thêm một bước dài nữa trên con đường khẳng định chất lượng lối chơi mới mà đội Đức đang đeo đuổi. Tiqui-taca của TBN có thể là lối chơi sẽ thống trị thế giới trong tương lai gần, nhưng thứ bóng đá tấn công đầy tính khoa học và tốc độ mà Loew đang gây dựng có thể vượt mặt người TBN bất cứ lúc nào, một khi thế hệ U-21 của Đức trưởng thành, và Loew có thêm thời gian để tiếp tục hoàn thiện thêm lối chơi hiện tại. Tất nhiên, điều ấy chỉ đến nếu thông tin tờ Bild đưa, rằng tuyên bố gia hạn hợp đồng thêm 2 năm với HLV Loew sẽ được DFB đưa ra vào cuối tháng này, là đúng. Hiện tại, sự thực là Loew đang thất nghiệp…
Joachim Loew |