Sau thời gian đá tập, Italia đã chính thức ra mắt “phiên bản” 4-2-3-1 mà HLV Marcello Lippi kỳ vọng sẽ tạo nên khác biệt trong cuộc bảo vệ ngôi quán quân thế giới. Những gì diễn ra trong 90 phút ở Stade Roi Baudouin cho thấy, cái gọi là 4-2-3-1 vẫn chưa thực sự định hình.
Thất bại đầu tiên sau 10 lần không thua trước Mexico (thắng 6, hòa 4) chẳng nói lên điều gì. Kể cả khi các cầu thủ Mexico ăn mừng như thể họ vừa đánh bại Italia trong một giải đấu quan trọng nào đó, thì đội quân của HLV Lippi cũng không lấy đó làm phiền lòng. Đơn giản, cho đến thời điểm này, Mexico có được sự chuẩn bị tốt hơn, và thầy trò Javier Aguirre cho thấy họ đã sẵn sàng cho cuộc chơi ở Nam Phi. Ngược lại, sau thời gian “lên núi luyện công”, đây mới là lần đầu tiên Azzurri lắp ghép đội hình thực sự để Lippi tìm kiếm những giải pháp tối ưu nhất.
ĐKVĐ thế giới chưa tạo được niềm tin cho người hâm mộ
Nhưng, không hẳn là trận đấu tại Stade Roi Baudouin (Bỉ) vô nghĩa với Italia, mà ngược lại, nó chỉ ra không ít vấn đề. Những gì diễn ra trong lần đầu tiên lắp ghép đội hình cho thấy, Lippi sẽ còn nhiều việc phải làm trước khi bước vào trận đấu đầu tiên trên đất Nam Phi (14/6), và chặng đường bảo vệ vinh quang 4 năm trước của Italia hứa hẹn đầy rẫy chông gai. Một điều quan trọng hơn, chiến thuật mới 4-2-3-1 mà Lippi xây dựng cần phải có thêm thời gian để củng cố, nếu muốn nó hoạt động một cách trơ tru nhất.
Rõ ràng, Mexico không phải một đội bóng làng kiểu Russi, đối thủ mà Italia dễ dàng trút vào lưới 8 bàn trong một lần đá tập với sơ đồ 4-2-3-1. Những cái tên như Perez, Salcido, Marquez, Vela, Blanco hay Giovanni không phải những anh chàng vô danh của Russi (bao gồm công nhân, người bán sách và cả thầy giáo). Bằng lối chơi nhanh, áp sát và sử dụng những đường bóng đậm chất kỹ thuật, Mexico đã chỉ ra một điều: thực tế cái gọi là 4-2-3-1 của Lippi vẫn đang là một mớ hỗn độn. Không có một sự phối hợp bài bản nào sau 10 ngày tập luyện ở Sestriere, Italia thi đấu rời rạc, các cầu thủ chỉ biết chạy mà không có sự tính toán, và không ít vị trí đá dẫm chân nhau.
Bên cạnh chiến thuật chưa định hình, những vị trí chủ chốt của Italia cũng gây thất vọng lớn, trừ một Buffon vẫn luôn làm tốt nhiệm vụ của mình trong khung thành (nếu Buffon không xuất sắc, Italia có thể đã thủng lưới đến 5 bàn). Đội trưởng Cannavaro một lần nữa thể hiện mình chỉ còn là gánh nặng của đội, khi liên tục bị đối phương qua mặt dễ dàng. Criscitio chưa thực sự chín bên hành lang trái; Zambrotta thì quá già và mất động lực thi đấu; Pirlo không còn nhãn quan chiến thuật; hàng công không có tiếng nói chung và hoàn toàn mờ nhạt. Ngay đến De Rossi cũng không còn là mình.
Nhân vật được “soi” kỹ nhất khi Italia bước vào trận đấu với Mexico, tiền vệ Marchisio, cho thấy vai trò “trequartista” vẫn còn xa lạ và quá tầm đối với anh. Mặc dù lối chơi được xây dựng quanh anh, nhưng Marchisio chưa thể hiện được ảnh hưởng và khả năng tạo áp lực như Totti; không có một bộ óc như Pirlo 4 năm trước. Tiền vệ của Juve vẫn còn máy móc trong xử lý, và cả trận không có một đường chuyền nào “ra ngô, ra khoai”. Những cái tên gây thất vọng trên đã khiến CĐV Italia bắt đầu cảm thấy nhớ những người bị Lippi bỏ rơi bởi sự bảo thủ, như Giuseppe Rossi, Cassano, Miccoli, Nocerino, hay “nghịch tử” lắm tài nhiều tật Mario Balotelli.
Dù sao, cũng có lý do để Italia thoải mái đón nhận thất bại và hy vọng vào sự đổi mới trong những ngày tới, khi đây mới là lần đầu tiên họ xuống núi. Đồng thời những giải pháp dự phòng như Maggio, Quagliarella, Pepe mang đến tín hiệu khả quan, và thậm chí họ hoàn toàn có thể đá chính. Bocchetti cũng là một giải pháp tốt, nếu Lippi quyết đoán đẩy Cannavaro lên ghế dự bị. Chính trung vệ trẻ của Genoa là tác nhân trong bàn gỡ của Bonucci, đồng thời cho thấy sự tỉnh táo và lạnh lùng trong phòng ngự.
Đêm nay, trước Thụy Sĩ, sẽ là một Azzurri khác, với nhiều điều lạc quan hơn trước khi bay sang Nam Phi?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)