Kung-fu Hà Lan
Thất bại của người Hà Lan là điều tốt cho bóng đá thế giới |
Hà Lan đã tham dự 3 trận CK lớn trước đây, 2 World Cup và 1 EURO. Trận CK World Cup 1974 với Tây Đức, họ nhận 3 thẻ vàng. 4 năm sau là 2 vàng ở trận gặp Argentina. Năm 1988, họ giành danh hiệu cao quý duy nhất trong lịch sử với chiến thắng trước Liên Xô, ở một trận đấu mà họ chỉ nhận 2 vàng. Trong lịch sử World Cup, chưa có trận CK nào có quá 6 thẻ vàng. Nhưng riêng số thẻ phạt mà Hà Lan phải nhận ở Soccer City đêm Chủ nhật đã là 9 thẻ vàng và 1 thẻ đỏ. Cho dù các cầu thủ Hà Lan lẫn HLV van Marwijk chỉ trích Howard Webb sau trận đấu, số thẻ phạt mà trọng tài người Anh dành cho Hà Lan vẫn ít hơn nhiều so với số lỗi thực trên sân.
Tình huống đáng nhớ nhất về Hà Lan tại Nam Phi: De Jong tung chân đạp thẳng vào ngực của Alonso ở phút 26, chẳng khác gì cú kung-fu của Cantona nhắm vào một CĐV Crystal Palace 15 năm về trước. Cantona hành động như thế vì anh bị sỉ nhục. De Jong chỉ có một lý do: triệt hạ Alonso, người sau đó có lẽ vì quá đau nên thường xuyên chuyền bóng hỏng. Hà Lan ở Soccer City và ở các trận đấu khác ở World Cup 2010 có quá nhiều De Jong như thế. Điều kỳ lạ nhất là người đá cặp với De Jong ở khu vực giữa sân, van Bommel, không bị treo giò trận nào ở Nam Phi sau vô số cú vào bóng ác ý nhắm vào đối phương.
Phản Hà Lan, phản bóng đá
Có nhiều cách để thất bại. Những năm 70, Hà Lan chọn cách đẹp nhất, lãng mạn nhất, để rồi trở thành đội bóng thất bại vĩ đại nhất. Bây giờ, họ chọn cách xấu xí nhất, đáng lên án nhất, để rồi sẽ trở thành đội bóng thất bại nhơ bẩn nhất.
Johan Cruyff được xem là biểu tượng của bóng đá Hà Lan. Suốt sự nghiệp cầu thủ, HLV và cuộc đời của mình, ông luôn bảo vệ bóng đá tấn công, bóng đá đẹp, bóng đá cống hiến. Ông giải thích mình phải có trách nhiệm phải bảo vệ bóng đá. Ông thường xuyên xung đột với Jose Mourinho cũng vì lý do này. Ông chỉ trích Brazil của Dunga cũng vì lý do này. Trong suốt World Cup này, có lẽ ông rất đau đớn khi chỉ trích Hà Lan quá thực dụng. Chứng kiến trận CK, có lẽ ông muốn độn thổ khi Hà Lan của ông không chỉ dừng lại ở mức thực dụng: " Xấu xí, thô bạo và nặng về phòng ngự. Đội bóng nghĩ rằng họ có thể đá kiểu phản bóng đá để chiến thắng. Hà Lan chỉ đá bóng tốt trong 20 phút và sau đó quay sang đá người, đá chân".
Hà Lan vô địch EURO 1988 với sự tỏa sáng của Marco van Basten. Chân sút huyền thoại này đã phải từ giã sự nghiệp ở tuổi 30 vì chấn thương dính phải sau một pha vào bóng ác ý của đối phương. Không hiểu van Basten nghĩ gì khi chứng kiến cú ra chân của De Jong nhắm vào Alonso hay những pha vào bóng ác ý khác của các cầu thủ da cam.
Không thể phủ nhận Hà Lan của van Marwijk đã nỗ lực hết mình, đã tìm mọi cách và thủ đoạn để chiến thắng. Họ biết mình không mạnh nên đá thực dụng. Họ biết mình yếu hơn nên chọn giải pháp đá xấu. Sự thay đổi của Hà Lan không phải là can đảm, mà là liều lĩnh và coi thường tất cả.
Lấy mục tiêu để biện minh cho cách thức không phải là điều mới. Nhưng lịch sử hào hùng và tốt đẹp của bóng đá Hà Lan không đáng bị hành hạ bằng một trận chung kết như thế. Công sức và tinh thần của Johan Cruyff không đáng bị hủy hoại bằng lối chơi phản bóng đá như thế. Marco van Basten không đáng phải chứng kiến những cú kung-fu như thế từ đội nhà sau nỗi đau tột cùng mà anh từng chịu đựng.
Người Hà Lan từng nói rằng World Cup nợ họ 1 chức VĐ. Bây giờ, Hà Lan đang nợ World Cup, bóng đá một lời xin lỗi.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)