Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Felipe Melo hoá thân thành tội đồ, Brazil đành "đầu hàng" trước Hà Lan

Thứ Sáu 02/07/2010 22:57(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Bị đánh giá thấp hơn, lại dính đòn phủ đầu choáng váng với bàn thua ngay những phút đầu trận nhưng đội tuyển đến từ xứ sở hoa Tulip đã thể hiện nỗ lực vượt khó tuyệt vời khi lật ngược thế trận trong hiệp 2 bằng hai bàn thắng đến từ những tình huống cố định để giành tấm vé vào bán kết trong nỗi cay đắng của người Brazil, nhất là khi có một cầu thủ Selecao đã góp phần không nhỏ vào thất bại của đội nhà: Felipe Melo. Tiền vệ này đã mắc lỗi trong cả hai bàn thua rồi nhận thêm một tấm thẻ đỏ trực tiếp, khiến Selecao bó tay trong việc tìm kiếm bàn gỡ hoà. Vậy là thày trò Carlos Dunga đã phải chia ly World Cup 2010 trong nước mắt. Thật tiếc cho nền bóng đá hàng đầu thế giới.

Trong môn Thể thao Vua, những khoảnh khắc nhỏ nhoi luôn có sức mạnh to lớn. Nó có thể quyết định số phận một trận đấu, hay thậm chí một cuộc chơi kéo dài nhiều ngày. Hôm qua, Hà Lan đã vượt qua Brazil nhờ hai khoảnh khắc như vậy. Cả trận, họ không chơi hay hơn, có phần còn tỏ ra lép vế và thiếu sắc bén ở cách thức tổ chức tấn công thế nhưng lại ghi được 2 bàn thắng nhờ tận dụng thành công thoáng bối rối và lung túng của hàng thủ, nói chính xác hơn là dựa vào hai "khoảnh khắc tội đồ" của Melo. Sự trớ trêu của số phận là chính cái anh chàng mang áo số 5 đó ở phút thứ 10 lại có một giây phút loé sáng như một thiên tài với cú chọc khe xuất sắc hiếm thấy ở một tiền vệ chỉ biết đánh chặn. Vậy mà khoảng thời gian về sau, Melo lại chơi quá tệ, điển hình trong cả hai bàn thua.

Cơ đồ của Brazil đổ sập trong tay một người, Felipe Melo


Bàn đầu, anh thiếu sự ăn ý với người đồng đội Julio Cesar và là người chạm bóng cuối cùng sau đường tạt của Sneijder. Bàn thứ 2, anh đứng lơ ngơ, để cho Sneijder thoải mái đánh đầu mà không có bất cứ một sự cản trở nào. Chỉ như thế, cũng đủ để phá hỏng một ngày thi đấu tuyệt vời của Melo (giả định là như thế). Không dừng lại ở đó, Melo đã có tình huống nổi nóng không đáng có, thể hiện rõ phẩm chất của một cầu thủ chưa lớn trong một đội hình đẳng cấp như Selecao khi đạp vào người Robben để phải nhận lấy tấm thẻ đỏ, báo hại cho đội nhà.  Brazil đã "chết" không phải vì kém hơn đối thủ, không phải vì lối chơi "phản Samba" mà bởi những "khoảnh khắc định mệnh" đã giết hại họ. Một kết cục đáng buồn và có thể không công bằng với thày trò Dunga. Nhưng bóng đá là vậy. Nó luôn cay đắng và nghiệt ngã.

Điểm đặc biệt trong quá khứ ở cuộc đối đầu được cả thế giới chờ đón này là đội thắng sau đó đều có mặt ở trận đấu cuối cùng của World Cup: trận chung kết. Năm nay, kịch bản tương tự hoàn toàn có thể xảy ra bởi đối thủ ở trận bán kết chỉ là Uruguay hoặc Ghana, những đội không xứng tầm với cả Brazil và Hà Lan. Trận này, Dunga vui mừng chào đón sự trở lại của Felipe Melo khi tiền vệ của Juve kịp bình phục chấn thương trong khi vị trí của Elano trên hàng tiền vệ tiếp tục do Daniel Alves đảm nhận. Kaka vẫn đảm nhận vị trí hộ công phía dưới cặp tiền đạo Robinho - Fabiano. Về phần Hà Lan, trong thời gian khởi động chuẩn bị cho trận đấu, số 4 Joris Mathijsen đã bị đau và để đảm bảo an toàn, HLV Bert van Marwijk đã đưa số 13 Andre Ooijer vào sân. Tiền vệ Wesley Sneijder sẽ là bộ não trong lối chơi của Hà Lan nhưng Robben mới hứa hẹn là cái tên có thể tạo ra đột biến.

Đúng như những gì đã được dự báo, cả hai đội Hà Lan và Brazil đều tiếp cận trận đấu theo đúng phong cách ưa thích hiện nay, không còn là lối chơi tấn cộng rực lửa mang bản sắc truyền thống Samba và Da cam, thay vào đó là một chiến thuật chắc chắn, thận trọng, an toàn đã được hai chiến lược gia xây dựng ngay từ khi đảm nhận chức vụ HLV trưởng. Tuy nhiên, tiềm ẩn trong cách chơi có phần chậm rãi của Selecao là những thứ vũ khí bí mật hết sức đáng sợ. Đó là các pha tăng tốc bất ngờ hay những đòn đánh chớp nhoáng, khiến đối thủ không kịp trở tay. Phút thứ 8, trong một pha bóng như vậy, mành lưới của Hà Lan đã phải rung lên nhưng tiếng còi đã cất lên báo lỗi việt vị của Robinho.

Song chỉ hơn 2 phút sau, Brazil đã mở được tỷ số. Nhận thấy khoảng trống to tướng trước mặt, Felipe Melo quyết định thực hiện đường chọc khe hoàn hảo cho Robinho băng xuống. Lần này, tiền đạo số 11 không ở thế việt vị và anh dễ dàng đánh lừa Stekelenburg trong pha đối mặt. Các trung vệ của Hà Lan đã mắc sai sót nghiêm trọng khi không kịp dâng lên cũng như thiếu bọc lót cho nhau hiệu quả. Bị dẫn trước, "Cơn lốc" ngay lập thức được thổi bùng lên. Dirk Kuyt dứt điểm chếch bên góc phải của vòng cấm địa và Julio Cesar đổ người khép góc thành công.

Hà Lan không chơi hay hơn Brazil bao nhiêu nhưng rốt cục vẫn giành chiến thắng

Giờ đây, Hà Lan không thể thu mình trong cái "vỏ kén" mà buộc phải triển khai lối chơi đã thành thương hiệu và do chính họ khai sinh ra: tấn công tổng lực. Trong khi Brazil càng có điều kiện khẳng định cái dòng máu đậm chất châu Âu đang rần rật chảy trong huyết quản của những vũ công Samba. Đội quân của Dunga tỏ rõ sự thực dụng của minh: bắt người rất chặt từ khu vực giữa sân, hàng thủ chơi kín kẽ và không để hở ra bất cứ một sơ hở nào. Và Hà Lan đã dần lâm vào thế bế tắc. Van Persie gần như mất hút ở tuyến trên còn Robben cũng chẳng thể thực hiện nổi các pha dẫn bóng quen thuộc khi luôn bị 2, 3 cầu thủ áo xanh theo sát.

Không tấn công mạnh và nhiều như xưa nhưng với đẳng cấp và trình độ của các tuyển thủ tầm cỡ thế giới, Brazil vẫn tạo ra được các tình huống uy hiếp nguy hiểm và hết sức sắc sảo. Phút 25, Daniel Alves nỗ lực căng ngang vào trong và không hiểu trung vệ Juan thì chỗ nào chui ra đã lao vào đệm bóng vọt xà ngang ở cự ly gần trước sự truy cản của Van Persie. Selecao bây giờ chơi ít màu mè hơn, tốc độ cao hơn và các pha xử lý của cầu thủ không rườm rà mà chỉ vừa đủ để tạo nên các màn phối hợp nhuẫn nhuyễn. Robinho đã cố gắng đi qua hai cầu thủ Da cam rồi đưa sang cho Fabiano và cầu thủ này lập tức thực hiện cú giật gót ngẫu hứng, đưa bóng đến đúng tầm chân Kaka. Không cần khống chế, tiền vệ của Real Madrid tung ngay cú sút hiểm hóc nhằm về góc cao và Stekelenburg đã bay người cứu thua xuất sắc bằng một tay.

Tải chương trình xem tại đây để xem nội dung tệp này.

Có lẽ phải chờ đến giờ nghỉ, HLV Van Marwijk mới có thời gian để đưa ra những chỉ đạo kịp thời cho đội bóng nhằm giải quyết sự bế tắc. Dường như các hậu vệ Brazil đã quá hiểu lối "rê dắt" của Robben nên không mấy khó khăn hoá giải ngòi nổ nguy hiểm nhất của đối thủ. Hàng thủ Hà Lan có thể bị phá vỡ trước vũ điêu Samba nhưng Stekelenburg thì không. Phút bù giờ cuối cùng của hiệp 1, Daniel Alves vẩy bóng kỹ thuật, đúng tầm di chuyển xuống của Maicon và hậu vệ này sút bóng ngay khi đang chạy bằng má ngoài chân phải song Stekelenburg lại một lần nữa trở thành người hùng của Hà Lan. Pha bóng này làm nhiều người nhớ lại bàn thắng kinh điển mà Carlos Alberto ghi đựoc ở trận chung kết World Cup 1970 vì sự giống nhau đến kỳ lạ (Carlos Alberto cũng là một hậu vệ phải như Maicon).

Khi mà trận đấu vẫn nằm trong tầm kiểm soát của người Brazil trong những phút đầu hiệp 2 và tình hình của Hà Lan chưa khả quan hơn bao nhiêu thì bất ngờ, bàn san bằng tỷ số đã đến với đại diện của châu Âu. Sau khi phối hợp đá phạt nhanh, Sneijder chuyền hú hoạ vào trong nhưng thủ thành Julio Cesar và Felipe Melo đã không hiểu ý nhau, dẫn tới chuyện trái bóng sượt qua đầu tiền vệ số 5 và nằm gọn trong lưới. Hà Lan quá mừng rỡ với bàn thắng trời cho này và với tinh thần đã được giải toả, họ không còn cảm thấy vất vả trong cách triển khai lên bóng. Họ đã gây ra được nhiều sức ép nhưng thiếu một chút sáng tạo ở những khoảnh khắc quyết định.

Dường như bàn thua đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu của Selecao, khiến họ đánh mất đi chính mình và không còn giữ được thế trận tốt như 45 phút đầu. Phút 65, Kaka có pha dứt điểm nguy hiểm, ngang qua cầu môn. Vài phút sau, Brazil lại bị trừng phạt sau một tình huống cố định. Robben đá phạt góc, Kuyt đánh đầu ngược ra phía sau và dù thể hình thấp bé, Sneijder vẫn có thể lắc cái đầu, đưa bóng vào góc lưới trong sự bất lực của Julio Cesar. Melo tiếp tục mắc phải sai lầm trong tình huống này khi không theo kèm Sneijder để nhạc trưởng của Inter Milan quá thoải mái trong cú kết thúc. Một ngày thi đấu đáng quên của Melo khép lại  băng tấm thẻ đỏ. Anh đã không giữ nổi sự bình tĩnh trước lối đi bóng khó chịu của Robben nên đã có hành động phi thể thao: đạp lên người cầu thủ đối phương và trọng tài người Nhật, Yuichi Nishimura không ngần ngại rút ra tấm thẻ đỏ dành cho Melo. Với 10 người trên sân và lại đang bị dẫn trước, Brazil phải đối diện với hàng núi thử thách quá lớn và không dễ gì vượt qua.

Hà Lan có mặt ở bán kết và loại đi ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch World Cup 2010

Chiến lược gia Dunga buộc lòng phải có sự thay đổi khi đưa Nilmar vào sân Fabiano với hy vọng, chất kỹ thuật của Nilmar sẽ mang lại đột phá. Trong những phút còn lại, trận đấu diễn ra cực kỳ hấp dẫn khi Brazil chẳng còn gì để mất, dâng cao đội hình tiến về phần sân của đối thủ. Khung thành của Stekelenburg liên tục bị đe doạ nhưng hàng thủ với số đông cầu thủ, lại được gia cố đáng kể, tạo thành một con đê biển vững chãi chống đỡ toàn bộ những đợt sóng Xanh mạnh mẽ. Mải lao lên tấn công, Selecao không thể tránh khỏi sơ hở nơi hàng thủ. Phút 85, Sneijder có cơ hội định đoạt số phận trận đấu tuy vậy, anh lại sút quá lành và Cesar dễ dàng ôm gọn. Ngay lập tức, Brazil đáp trả và với sự dũng mãnh, Kaka dẫn bóng xâm nhập vòng cấm từ giữa sân rồi dứt điểm trúng vào chân Ooijer đầy tiếc nuối.

Thời gian cứ trôi đi, kéo theo nỗi thất vọng tăng dần với người Brazil và Hà Lan bắt đầu nghĩ tới màn ăn mừng sau trận. Một điểm khá kỳ lạ của đội bóng Da Cam ở trận này là họ sắc sảo bao nhiêu trong các tình huống cố định thì lại tỏ ra kém cỏi bấy nhiêu trong những pha "bóng sống". Phút cuối cùng của trận đấu, nếu cầu thủ vào thay người Huntelaar xử lý nhanh hơn, nếu người hùng Sneijder không chần chừ đến khó hiểu trong vòng cấm thì họ đã có thể thắng với tỷ số 3-1 khi mà Brazil chỉ còn vai ba người ít ỏi bên phần sân nhà. Dù sao 2-1 cũng là tỷ số quá đủ để Hà Lan hùng dũng bước tiếp tuy rằng họ chơi không thuyết phục và không xuất sắc bằng đối thủ. Nhưng nên nhớ, trong bóng đá, kẻ thắng là kẻ có tất cả (niềm vui, sự khen ngợi) còn kẻ thua thì mất tất (nỗi buồn, sự chỉ trích). Đó chính là những gì đang chờ đợi thày trò Dunga khi đặt chân về quê hương bởi sự thất bại đau đớn trong canh bạc "đánh đổi giá trị, nét tinh tuý Samba truyền thống để lấy về sự thực dụng và tính toán xa lạ của người châu Âu". Người Brazil không bao giờ thích thất bại và xem chừng, Dunga sắp bị "hành quyết" đến nơi.

Đội hình thi đấu
Hà Lan: 1-Maarten Stekelenburg; 2-Gregory van der Wiel, 3-John Heitinga, 13-Andre Ooijer , 5-Giovanni van Bronckhorst; 7-Dirk Kuyt, 6-Mark van Bommel, 10-Wesley Sneijder, 8-Nigel de Jong, 11-Arjen Robben; 9-Robin van Persie (21-Klaas-Jan Huntelaar 87')
Brazil: 1-Julio Cesar; 2-Maicon, 3-Lucio, 4-Juan, 6-Michel Bastos (16-Gilberto Melo 62'), 5-Felipe Melo, 8-Gilberto Silva, 13-Dani Alves, 10-Kaka, 11-Robinho, 9-Luis Fabiano (21-Nilmar 77')

Hà Lan Brazil
51%Tỷ lệ giữ bóng49%
10Sút bóng15
4Sút cầu môn4
6Sút ngoài cầu môn11
3Thủ môn cản phá3
4Phạt góc8
20Phạm lỗi20
2Việt vị2
4Thẻ vàng1
0Thẻ đỏ1

  • Bảo Phương

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Trong trận đầu tiên Ronaldo thi đấu ở La Liga 2017/18 sau khi hết án treo giò, Los Blancos đã bất lực trong việc ghi bàn, điều họ luôn hoàn thành trong 73 trận đấu liên tiếp trước đó. Bên cạnh sự xuất sắc của Adan, thủ môn do chính Real đào tạo ra thì bản thân dàn Galacticos cũng thi nhau bỏ lỡ cơ hội, tất nhiên bao gồm cả Ronaldo. Không thể ghi bàn, Los Blancos còn rơi vào bi kịch vào phút bù giờ cuối cùng khi bị đối thủ chọc thủng lưới.

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Ngôi sao Barca Lionel Messi đã thắng áp đảo đại kình địch Cristiano Ronaldo và người đồng đội Luis Suarez để giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu 2014/2015. Tại lễ trao giải, gương mặt Messi lúc nào cũng thường trực nụ cười tươi rói, còn CR7 lại giữ vẻ mặt lạnh lùng nhưng cũng vỗ tay chúc mừng đối thủ lớn của mình.

Xem thêm
top-arrow
X