Tinh thần Samurai (võ sỹ đạo) cũng toàn bích như vẻ đẹp kiên cường của những đóa Sakura (hoa Anh đào). Đó chính là cội nguồn sức mạnh của người Nhật Bản. Nhưng đoàn quân của HLV Takeshi Okada thậm chí còn thể hiện những phẩm chất đáng khâm phục hơn thế.
Bởi họ không “tự sát” như Samurai sau thất bại. Họ chỉ học tinh thần bất khuất và biến nó thành thứ vũ khí lợi hại cho công cuộc “báo thù 10 năm chưa muộn”.
Ngả mũ trước Samurai
Năm ngày sau thất bại trước Hà Lan, đã có một Nhật Bản lạnh lùng đến kinh ngạc, bình tĩnh đâm nhát kiếm chí mạng hạ gục Chú lính chì Đan Mạch. Những lo toan rằng sau cú ngã trước Hà Lan, Nhật Bản sẽ thêm một lần đau trước người châu Âu khác (Đan Mạch) đã không xẩy ra. Vì Nhật Bản học hỏi rất nhanh từ chính thất bại.Nhật Bản làm rạng danh bóng đá châu Á
Trước Đan Mạch, Nhật Bản không cho đối thủ nhiều đất diễn như họ từng nép mình trước Hà Lan. Chủ động hơn, không nhường thế trận nên Nhật Bản không còn bị dồn ép quá sâu về sân nhà. Thống kê cho thấy, Đan Mạch sút 19 lần còn Nhật Bản cũng dứt điểm tới 15 lần. Sự chênh lệch không lớn thể hiện rõ cách tiếp cận trận đấu tích cực của Nhật Bản dù họ chỉ cần kết quả hòa.
Tất nhiên, cách vào trận, sự quyết tâm là một chuyện nhưng đẳng cấp lại là chuyện khác. Không có đẳng cấp thì chẳng làm được điều gì. Thành công của Nhật Bản còn nhờ sự xuất sắc của dàn cầu thủ hàng đầu châu Á. Các học trò của HLV Okada giữ cự ly cực tốt nên họ chuyển rất nhanh chóng từ trạng thái phòng ngự sang tấn công và ngược lại. Linh hồn trong lối chơi ấy là nhạc trưởng Honda, người đã làm quay cuồng các hậu vệ Đan Mạch bằng kỹ thuật và sự tinh quái. Chính anh đã làm cho ý đồ chiến thuật của HLV Okada đi vào thực tiễn một cách nuột nà hơn. Nói công bằng, chưa bao giờ Nhật Bản có một nhạc trưởng thể hiện tầm ảnh hưởng lớn đến thế ở đẳng cấp World Cup.
Sợ gì Paraguay
Trước mặt Nhật Bản sẽ là Paraguay. Liệu Honda và đồng đội có làm nên lịch sử khi lần đầu tiên đưa Đội bóng xứ Phù Tang vào tứ kết World Cup?
Dĩ nhiên, đấy không phải nhiệm vụ đơn giản vì Paraguay là tập thể rất cân bằng, lại dư thừa kinh nghiệm. Họ mới ghi 3 bàn song cũng chỉ lọt lưới 1 bàn sau vòng bảng. Rõ ràng, đó là đối thủ rất cứng cựa.
Nhưng Nhật Bản cũng có cơ sở để tự tin. Hàng công của họ có thể chưa sắc hơn Italia, Slovakia, New Zealand nhưng không thắng bằng tình huống động thì có thể tìm cơ hội ở tình huống tĩnh. Từ đầu giải, Nhật Bản là đội duy nhất đá phạt trực tiếp thành công đến 2 lần (ngoài họ, chỉ có thêm Hàn Quốc ghi bàn từ đá phạt). Đấy sẽ là vũ khí để giải quyết Paraguay vì Honda và đồng đội tỏ ra rất biết chế ngự trái bóng Jabulani?
Cần nói thêm rằng với chiến tích trước Đan Mạch, Nhật Bản là đội châu Á đầu tiên sau CHDCND Triều Tiên (1966) ghi được 3 bàn trong một trận đấu tại World Cup. Nhưng khác CHDCND Triều Tiên (thua Bồ Đào Nha 5-3), Nhật Bản có kết quả tốt đẹp hơn nhiều. Và đấy cũng là cơ sở cho xứ Anh đào thêm tự tin.
(Theo báo Bóng Đá)