* Vai trò mới của “2 số 6”
Đó là một trận đấu mà ông Loew đã rất bạo dạn với những thử nghiệm của mình, nhất là ở vị trí “2 số 6” đóng vai trò bản lề cho lối chơi của ĐT Đức. Việc xếp Toni Kroos, một tiền vệ tấn công thuần túy (như Oezil, Marin), vào vị trí cầm nhịp đã là một điều đáng ngạc nhiên. Bất ngờ thứ 2 là việc Sami Khedira, người đá cặp với Kroos và có khuynh hướng chơi thủ ở CLB Stuttgart, thậm chí đã được khuyến khích dâng cao chiếm lĩnh các khoảng trống như một tiền vệ công khi đội Đức có bóng.
Joachim Loew đã tìm ra đấu pháp hợp lý cho ĐT Đức khi không còn Ballack |
Kết quả? Với nhân sự tấn công có thời điểm lên đến 8 người (5 tiền vệ, 1 tiền đạo và 2 hậu vệ cánh dâng cao), người Đức đã liên tục phá vỡ kết cấu phòng thủ của Hungary bằng những bài phối hợp nhóm rất nhuần nhuyễn. Lối chơi ấy đặc biệt mạch lạc và nguy hiểm ở trung lộ: Oezil và Klose có ít nhất 4 tình huống đối mặt thủ môn trong hiệp một (tiếc là họ hoặc không thể thắng nổi thủ thành Gabor Kiraly, hoặc dứt điểm thiếu chính xác) nhờ những pha phối hợp một chạm rất chuẩn với các mắt xích xung quanh (thường là Khedira).
Vai trò của “2 số 6”, một yếu tố mang tính cốt lõi trong lối chơi của ĐT Đức, đã thay đổi hoàn toàn trong trận đấu này: Không còn giữ nhiệm vụ cầm nhịp (thậm chí là đánh chặn) như cặp Ballack – Schweinsteiger, Kroos và Khedira đã chơi với ý thức tấn công rất tích cực, khi luôn băng lên chiếm lĩnh khoảng trống, phối hợp với bộ 3 hộ công và thậm chí là xâm nhập cấm địa. Chỉ khi ĐT Đức chuyển sang chơi 4-4-2 với cặp tiền đạo Cacau – Klose, 2 tiền vệ trung tâm của họ mới được trả lại vai trò giữ nhịp.
Cuộc cách mạng của Loew
Đó có thể xem là một nét mới của ĐT Đức dưới thời Loew, với một lối chơi thậm chí còn phóng túng hơn so với lối đá tấn công khi Juergen Klinsmann còn nắm quyền. Sự vắng mặt của những tiền vệ thủ giỏi nhất nước Đức vì nhiều lý do đã khiến ông Loew phải nghĩ đến một phương án giàu tính tấn công hơn để bù đắp những lỗ hổng trong khả năng phòng ngự tuyến 2. Và chính điều ấy vô tình đã đem đến một đổi mới đáng kể: Đổi trọng tâm của lối đá tấn công biên dưới thời Klinsmann sang công phá trung lộ một cách trực diện, dựa trên những pha dâng cao liên tục của 2 tiền vệ trung tâm.
Đó có lẽ là lý do khiến HLV Loew không quá sốt sắng trong việc gọi thêm một tiền vệ mang khuynh hướng phòng thủ để thay thế cho Christian Traesch phải rời ĐT vì chấn thương, và những tiền vệ thủ thuần túy như Torsten Frings thậm chí không “nằm trong kế hoạch” của ông. Klinsmann cần những cầu thủ như thế để làm bệ phóng cho lối đá tấn công biên, nhưng Loew lại ưa thích những người có thể giúp đội bóng xoay chuyển từ phòng ngự sang tấn công nhanh chóng, như Khedira. Sự kết hợp đông đảo giữa bộ 3 hộ công và 2 tiền vệ trung tâm dâng cao đã đem đến hiệu ứng đáng kể: ĐT Đức phô diễn lối chơi một chạm cực nhuyễn và liên tục tạo ra cơ hội bằng những cú chọc khe xuyên thủng trung lộ, bất chấp việc Hungary có thời điểm đã chơi phòng ngự số đông trước khung thành thủ môn Kiraly.
Tất nhiên, Hungary, đội bóng xếp thứ 57 trên BXH FIFA, với sự thua kém quá xa cả về kỹ chiến thuật, đã để cho người Đức có thể thoải mái chơi bóng trong sự thể nghiệm mới của HLV Loew. Và cuộc cách mạng tấn công của riêng ông có thành công hay không cần nhận sự giải đáp từ những đối thủ lớn hơn.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)