Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

ĐT Anh mất Rio Ferdinand: Tổn thất không thể bù đắp

Chủ Nhật 06/06/2010 14:07(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Đó có thể là trách nhiệm của người đội trưởng, sự chuyên nghiệp của một cầu thủ đỉnh cao hay khát khao cống hiến ở giải đấu lớn nhiều khả năng là cuối cùng trong sự nghiệp, nhưng chính Rio Ferdinand là người đau buồn nhất khi anh rời sân tập ở khu phức hợp thể thao Royal Bafokeng, đại bản doanh của tuyển Anh, vào sáng ngày 4/6.

Về mặt cá nhân, đó là một bi kịch cho trung vệ của M.U. Hy vọng nâng cao chiếc cúp vàng danh giá với tư cách thủ quân tại sân Soccer City ngày 11/7 tới đã kết thúc khi anh bị tái phát chấn thương đầu gối sau một pha va chạm không quá mạnh với Emile Heskey vào cuối buổi tập ngày thứ bảy. Nhưng thảm họa hơn, Ferdinand đã ra đi và mang theo luôn hy vọng của cả nước Anh cùng mình.


Sự kỳ vọng vào anh không hề nhỏ. Một số nhà cái đã lập tức cập nhật biến động tin tức vào thị trường. Tỷ lệ cược cho Anh vô địch, từng có lúc xếp thứ hai sau TBN, giờ kém cả Argentina lẫn Brazil. Còn trong trại tập huấn của tuyển Mỹ, đối thủ trong tuần tới của đội bóng mà HLV Fabio Capello đang dẫn dắt, sự tự tin đang được gia cố.

Vắng Rio Ferdinand là tổn thất lớn lao của Tam sư


Tuyển Anh từng trải qua những cú sốc lớn hơn thế này vào các tuần lễ trước một giải đấu lớn, như hồi họ mất Wayne Rooney năm 2006. Đó là những chấn thương có thể làm cả một quốc gia lo lắng, khi người Anh thường có xu hướng trầm trọng hóa các vấn đề của họ. Còn nhớ hồi tháng 3, phản ứng lại tin nóng David Beckham bị chấn thương gót chân, bản tin Newsnight đã cắt ngang giữa chừng để đưa cả một tổng hợp về sự nghiệp của tiền vệ này tại ĐT Anh, dù giờ đây Beckham không còn là lựa chọn số một của Capello nữa.


Ferdinand tất nhiên là quan trọng hơn nhiều, cả bởi những gì anh làm được trong và ngoài sân cỏ. Một phần nữa, còn vì người đá dự bị cho anh, Ledley King, cũng có tiền sử chấn thương rất dài và sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu chỉ sau một hai tình huống quyết liệt ở Nam Phi, trung vệ của Tottenham lại phải vào phòng y tế. Thật ra, từ vài tháng nay, hồi chuông báo động đã được rung lên với hàng thủ của Capello, khi John Terry chấn thương trong một buổi tập với Chelsea.


Đành trông chờ ở King


Khi đó, Capello đã được nhắc nhở về King, một ý tưởng hấp dẫn sau những gì anh thể hiện ở Tottenham mùa này. Tuy nhiên, khi đội trưởng của Spurs thực sự trở lại trên đấu trường quốc tế sau gần ba năm vắng mặt và tỏ ra chậm chạp trước tốc độ và sự khó đoán của hàng công Mexico trong trận giao hữu ở Wembley tuần trước, nhiều CĐV Anh đã đổi ý. Ferdinand cũng không còn là trung vệ nhanh nhất nước Anh như thời đỉnh cao, sau những chấn thương liên tục, nhưng chắc chắn là vẫn đáng tin cậy hơn rất nhiều. Việc anh đá cặp với Terry cũng không thật sự thuyết phục trong vài năm qua, khi cả hai hiếm khi nào cùng lành lặn, nhưng bất cứ một HLV có lý trí nào cũng sẽ chọn anh thay vì King, Matthew Upson hay Michael Dawson bên cạnh đội trưởng Chelsea.


Giờ đây thì mọi chuyện đã thay đổi. Những HLV đối thủ của Capello, những người thích kiểu làm việc khoa học và nặng về chiến thuật như Bob Bradley của tuyển Mỹ chẳng hạn, chắc chắn sẽ ngay lập tức vạch ra trong đầu một kế hoạch tấn công vào điểm yếu nhất ở hàng thủ tuyển Anh hiện giờ, khi Ferdinand không thể ra sân. Tất nhiên, ở vòng bảng, dẫu không có trung vệ của M.U, Capello vẫn hoàn toàn đủ sức xoay xở với các tiền đạo của Mỹ, Algeria hay Slovenia, nhưng xa hơn nữa, trước các đối thủ tốc độ và sáng tạo, mọi chuyện có thể kết thúc chóng vánh hơn rất nhiều so với hy vọng của người Anh.


Đó là chưa kể đội bóng áo trắng dưới thời Capello không giỏi lắm trong việc phòng ngự. Trong 24 trận đã đá kể từ khi chào đón HLV người Ý, họ mới giữ sạch lưới được 7 lần, trước các đối thủ như Mỹ, Trinidad và Tobago, Andorra (hai lần), Slovakia, Kazakhstan và Belarus. Vấn đề trầm trọng hơn do Capello chưa có một thủ môn ổn định trong khung gỗ. David James đã vắng mặt trong buổi tập hôm thứ bảy vì chấn thương đầu gối. Bên cánh phải, nhiều khả năng Jamie Carragher sẽ được sử dụng vì lý do an toàn, bởi Glen Johnson có xu hướng làm một tiền vệ cánh hơn là hậu vệ cánh, nhất là khi Ferdinand vắng mặt.


Trong danh sách những người còn lại để đá cặp với Terry, Dawson cũng đã có một mùa giải thành công, hơn cả so với trung vệ của M.U, nhưng anh chưa đá trận nào cho tuyển Anh, chứ đừng nói là ở World Cup. Trong một giải pháp khác, Upson từng được coi là một ứng cử viên hàng đầu bị cắt giảm trong danh sách 30 cầu thủ sơ bộ Capello công bố vào tháng trước, nhưng rốt cuộc HLV người Italia vẫn phải mang anh tới Nam Phi, dù đây là một mùa giải tồi tệ với trung vệ đang khoác áo West Ham.


Thật ra thì, với những cầu thủ tài năng và kinh nghiệm như Terry, Ashley Cole, Steven Gerrard, Frank Lampard và Rooney, ĐT Anh vẫn có thể vượt qua vòng bảng và tiến xa, nhưng để vô địch thế giới, thì việc mất Ferdinand thực sự là một tổn thất không bù đắp được.

 
 
 

Lời nguyền với các đội trưởng tuyển Anh

Bobby Moore, 1970: Bị bắt ngay trước giải đấu vì bị tình nghi ăn cắp dây chuyền ở một tiệm trang sức tại Bogota, Colombia, nơi đội Anh đến đá giao hữu trước khi tham dự World Cup Mexico 1970. Ông được thả ba ngày sau đó và được minh oan. Anh không vượt qua vòng loại ở các World Cup 1974 và 1978

Kevin Keegan, 1982: Dính một chấn thương lưng ngay trước giải đấu, Keegan cuối cùng cũng kịp bình phục để vào sân thay người trong trận thứ 5 của tuyển Anh gặp TBN, nhưng bỏ lỡ một cơ hội đánh đầu rõ ràng và Anh bị đội chủ nhà loại.

Bryan Robson, 1986: Bị trật khớp tay trong trận thứ hai gặp Morocco và không thể tham gia giải đấu ở Mexico nữa.

Bryan Robson, 1990: Dính một chấn thương gót trong trận thứ hai gặp Hà Lan và vắng mặt cho đến hết giải. Robson đã về nhà và bình luận trận bán kết nổi tiếng gặp Đức ở đài BBC. Anh không vượt qua vòng loại ở World Cup 1994

Alan Shearer, 1998: Vắng mặt gần trọn mùa giải trong nước vì chấn thương mắt cá, Shearer chỉ còn là cái bóng mờ của tiền đạo từng giành Chiếc giày vàng tại Euro 1996.

David Beckham, 2002: Chấn thương xương mu bàn chân khi chơi cho M.U trong trận gặp Deportivo La Coruna vào tháng 4, Beckham vẫn có thể ra sân nhưng không bao giờ hoàn toàn lành lặn và chơi rất mờ nhạt.

David Beckham, 2006: Rời sân trong nước mắt sau một chấn thương trong trận tứ kết gặp BĐN, tuyển Anh bị loại và ngày hôm sau Beckham trả lại băng đội trưởng.

John Terry, 2010: Bị tước băng đội trưởng vì quan hệ với Vanessa Perroncel, bạn gái cũ của đồng đội tại tuyển Anh và Chelsea Wayne Bridge.

Rio Ferdinand, 2010: Tưởng như đã bình phục sau một mùa giải bị ám ảnh bởi các chấn thương, Ferdinand bị tái phát vết đau ở đầu gối chỉ trước khi World Cup khởi tranh một tuần.


(Theo Thể Thao Văn Hoá)
Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Trong trận đầu tiên Ronaldo thi đấu ở La Liga 2017/18 sau khi hết án treo giò, Los Blancos đã bất lực trong việc ghi bàn, điều họ luôn hoàn thành trong 73 trận đấu liên tiếp trước đó. Bên cạnh sự xuất sắc của Adan, thủ môn do chính Real đào tạo ra thì bản thân dàn Galacticos cũng thi nhau bỏ lỡ cơ hội, tất nhiên bao gồm cả Ronaldo. Không thể ghi bàn, Los Blancos còn rơi vào bi kịch vào phút bù giờ cuối cùng khi bị đối thủ chọc thủng lưới.

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Ngôi sao Barca Lionel Messi đã thắng áp đảo đại kình địch Cristiano Ronaldo và người đồng đội Luis Suarez để giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu 2014/2015. Tại lễ trao giải, gương mặt Messi lúc nào cũng thường trực nụ cười tươi rói, còn CR7 lại giữ vẻ mặt lạnh lùng nhưng cũng vỗ tay chúc mừng đối thủ lớn của mình.

Xem thêm
top-arrow
X