Ngoảnh đi ngoảnh lại đã qua 2,5 năm kể từ ngày Fabio Capello chính thức được bổ nhiệm làm HLV trưởng ĐT Anh. Với quãng thời gian không phải ngắn ngủi đó, diện mạo Tam Sư dẫu đã có những đổi thay tích cực, song vẫn còn không ít tồn tại như là gót Achiles của bóng đá Anh.
Không ai phủ nhận thành công và sức sống mới của ĐT Anh dưới thời Capello. Don Fabio đến mang theo triết lý bóng đá kỷ luật và hiệu quả của một người Italia. Bây giờ, Tam Sư không còn sự khô cứng để có thể dễ dàng bị bắt nạt bởi những đối thủ giàu kỹ thuật. Hai màn hủy diệt Croatia - kẻ từng gạt họ khỏi EURO 2008 - trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2010 không chỉ chứng minh ĐT Anh là đội bóng mạnh nhất bảng, dễ dàng có vé đến Nam Phi, mà còn khẳng định bóng đá Anh đã dần trở nên đa dạng hơn, ngẫu hứng hơn.ĐT Anh của Capello chưa phải đã thật sự hoàn hảo
Có điều, tất cả những điều ấy sẽ trở nên vô nghĩa nếu vinh quang không đến được với Tam Sư ở World Cup 2010. Fabio Capello đặt mục tiêu lọt vào trận chung kết. Nhưng thử hỏi, có bao nhiêu đội đủ sức đặt tham vọng ấy? Rất nhiều. Và một câu hỏi khác, đã bao lần người Anh ôm mộng vô địch kể từ sau lần đầu tiên giành Cúp Thế giới năm 1966 trên sân nhà? Cũng rất nhiều. Điều quan trọng là không phải chỉ biết ước mơ. Để trở thành nhà vô địch, thực lực của ĐT Anh phải đủ để có thể làm được việc đó.
Đúng là trận giao hữu với Mexico đã khép lại bằng một chiến thắng. Đương nhiên, đó là một cú hích tâm lý trước trận đánh lớn và thực tế, cũng đã giúp HLV Fabio Capello sáng tỏ được nhiều điều. Nhưng chiến lược gia người Italia không thể che hết được sự lo âu trên khuôn mặt của ông chỉ 2 tuần trước ngày khởi tranh World Cup.
Chẳng ai tin một ĐT Anh từng được đánh giá là đông đảo và mạnh về lực lượng đến vậy mà bỗng nhiên phải gọi cả lão tướng Carragher vào thành phần dự tuyển. Và nếu Scholes không từ chối, chắc tiền vệ kỳ cựu của M.U cũng đã có mặt trong chuyến tập huấn trên đất Áo. Cùng với việc đưa cả “thương binh” David Beckham đến Nam Phi như một liều thuốc tinh thần, có cảm giác Capello không dám đặt niềm tin vào thế hệ trẻ. Nhưng World Cup bây giờ, còn mấy ai ở độ tuổi ngoài 30?
Dù sao, cũng cần ở vào tình thế của Capello thì mới có thể hiểu được vì sao ông có những quyết sách ấy. Đến tận lúc này, sau nhiều năm, những vấn đề khó xử muôn thuở ở ĐT Anh vẫn còn tồn tại. Ai sẽ bắt chính trong khung gỗ? Cặp tiền vệ nào sẽ đá trung tâm? Chẳng lẽ, nếu Barry không kịp bình phục, sẽ vẫn là Lampard - Gerrard với cái dớp thất bại ở những đấu trường lớn? Và đừng quên, nếu trước đây ĐT Anh cần tìm người đá cặp với Shearer rồi Owen trên hàng công, thì bây giờ, chọn ai sát cánh Rooney đủ khiến Capello kiệt sức.
Sau 2,5 năm, quả thực Capello đã không thể tìm được những đáp án nhân sự mới, hiệu quả. Dấu ấn cho sự thành công của ĐT Anh từ đó đến nay dựa nhiều vào dấu ấn cầm quân của chiến lược gia người Italia. Và có lẽ, Nam Phi Hè này, người Anh sẽ vẫn phải cậy bóng Capello, khi các tồn tại muôn thuở của Tam Sư không thể giải quyết.