Khẩu hiệu đón ĐT Anh ở sân bay quốc tế Oliver Tambo là “Hãy chiến đấu vì thanh danh và niềm tự hào”. Nhưng có lẽ, với độ tuổi trung bình cao nhất trong số các đội tuyển tham dự World Cup 2010, slogan thích hợp cho Tam Sư nên chăng là “Hãy chiến đấu cho cơ hội cuối cùng”?
Capello thích kinh nghiệm
Với danh sách 23 tuyển thủ tham dự World Cup 2010 gửi lên FIFA, độ tuổi trung bình của ĐT Anh theo tính toán là 28,7 tuổi, cao nhất trong số 32 đội tuyển tranh tài trên đất Nam Phi. Trong đó, có đến 13 cầu thủ ngoài 29 tuổi và chỉ 5 người dưới 27 tuổi là Glen Johnson, James Milner, Aaron Lennon, Wayne Rooney và Joe Hart. Nếu David Beckham, Owen Hagreaves không chấn thương và Paul Scholes không từ chối lên Tuyển, chắc rằng độ tuổi trung bình của Tam Sư sẽ còn cao hơn nữa.
So sánh thành phần được tranh tài ở Nam Phi và 7 gương mặt bị loại, có thể khẳng định rằng trong quyết định chọn quân, Don Fabio ưu tiên hơn cho những chiến binh nhiều tuổi, dày dạn kinh nghiệm. Stephen Warnock đã vượt qua Leighton Baines, còn Matthew Upson lấy chỗ của Michael Dawson, rồi Michael Carrick hơn Tom Huddlestone, Joe Cole thắng Adam Johnson và Shaun Wright-Phillips biến Theo Walcott thành khán giả. Điểm chung giữa các trường hợp này là: người được dự World Cup lớn tuổi hơn và được cho là giàu kinh nghiệm hơn.
Fabio Capello áp dụng mô hình thành công của Inter Milan vào ĐT Anh
Nhìn xa hơn một chút, cũng sẽ thấy còn khá nhiều tài năng trẻ người Anh khác từng được Capello sử dụng trong khoảng 2 năm qua như Micah Richards, Jack Rodwell, Ashley Young hay Gabriel Agbonlahor. Nhưng tất cả đều bị gạt ra ngoài từ trước khi Don Fabio chọn đội hình sơ bộ 30 cầu thủ. Và tại Nam Phi 2010, ngoài Rooney và Johnson vẫn còn trẻ và có thể tham dự được một kỳ Wolrd Cup khác, những trụ cột khác đều đã luống tuổi, gần như không còn hy vọng tham gia Cúp thế giới 2014.
Ngoài sở thích dành cho những chiến binh dày dạn kinh nghiệm, phải chăng Capello còn muốn huy động tối đa động lực, quyết tâm và khát khao của những cựu binh sẽ chẳng còn nhiều cơ hội tranh tài ở những đấu trường đỉnh cao khác?
Bài học quá khứ
Bốn năm trước, ĐT Anh đến Đức cũng với niềm kỳ vọng cực lớn. Kỳ World Cup đó, độ tuổi trung bình của Tam Sư chỉ là 25,4 tuổi. Tuy nhiên, thế hệ tài năng, trẻ trung và nhiều hoài bão đó đã không lên ngôi vô địch thế giới. Năm đó, trận chung kết là cuộc chiến của “những ông già” Italia và Pháp. Tại VCK World Cup 2006, Pháp có độ tuổi trung bình là 29,1 còn Italia là 28,11 tuổi. Kết quả là một Cannavaro già nua đã cùng với những chiến binh lớn tuổi khác của Azzurri nâng cao Cúp vô địch. Capello là một người Ý nên chắc ông còn nhớ lắm!
Và cũng nên biết rằng CLB Inter Milan với “Cú ăn Ba” lịch sử vừa qua cũng có độ tuổi trung bình lên tới tận 29,7, tức xấp xỉ 30. Đó chắc chắn sẽ là một bài học quý cho Capello.
Vậy nên, hãy cứ kỳ vọng ở Messi, Ronaldo hay Rooney bùng nổ. Bởi người ta chờ đợi họ chứng minh phẩm chất ở cấp độ CLB trên bình diện cao hơn là ĐTQG. Song để mong có một tập thể mạnh, già dơ nhằm vươn tới đỉnh cao, Capello đã làm đúng với ĐT Anh, khi quyết định chọn một lứa cầu thủ dù lớn tuổi, nhưng lại giàu bản lĩnh và dày dạn kinh nghiệm trận mạc.
Tuổi trung bình của 32 đội tuyển
Ghana: 24,1
CHDCND Triều Tiên: 24,8
Đức: 25,0
Cameroon: 25,2
Tây Ban Nha 25,9
Chile: 25,9
Serbia: 26,0
Slovakia: 26,1
Thụy Sĩ: 26,7
Bờ Biển Ngà: 26,7
Uruguay: 26,7
Slovenia: 26,7
Nam Phi: 26,9
Mỹ: 26,9
Mexico: 27,1
Argentina: 27,1
Hàn Quốc: 27,1
Algeria: 27,2
New Zealand: 27,3
Pháp: 27,4
Hy Lạp: 27,7
Nigeria: 27,7
Đan Mạch: 27,7
Hà Lan: 27,7
Bồ Đào Nha: 27,7
Nhật Bản: 27,8
Honduras: 28,1
Paraguay: 28,1
Italia: 28,2
Australia: 28,4
Brazil: 28,6
Anh: 28,7
(Theo báo Bóng Đá)