Thứ Ba, 24/12/2024Mới nhất
Zalo

Điểm danh những cầu thủ 9x ở World Cup 2010

Thứ Năm 03/06/2010 14:38(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Có 14/736 cầu thủ có mặt ở Nam Phi thuộc lứa trẻ trung nhất của làng bóng đá thế giới: thế hệ 9x. Đa phần trong số họ còn khá xa lạ với người hâm mộ nhưng chỉ không lâu nữa thôi, báo chí sẽ phải nhắc nhiều đến họ. Trong đó, ĐT Cameroon chiếm số lượng đông đảo nhất (3 người), ĐT được đánh giá yếu nhất New Zealand có 2 trong khi "Xe tăng" Đức là đại gia duy nhất sở hữu một gương mặt 9x trong đội hình.

Sở dĩ, Bongda24h đề cập đến khía cạnh này bởi ở World Cup năm nay, lứa cầu thủ 9x mới là một nét đặc biệt. Còn 4 năm sau tại World Cup 2014 tổ chức tại Brazil, sẽ tràn ngập những cầu thủ thuộc thế hệ này và lúc đó, sẽ chẳng có gì đáng nói. Nếu so với những bậc "cha chú" như David James (sinh năm 1970) thì họ mới còn "oe oe khóc" khi James bắt đầu chập chững bước vào sự nghiệp "quần đùi áo số" chuyên nghiệp. Và hãy cùng tìm hiểu về họ

1. Toni Kroos (ĐT Đức, 04/01/1990)

 

Đây có lẽ là 9x nổi tiếng nhất World Cup 2010, xét cả trên phương diện tài năng lẫn việc "cậu" đang khoác áo ĐT 3 lần VĐTG, Đức. Từ khi mới 17 tuổi, Toni Kroos đã được cả Bundesliga "biết mặt chỉ tên" khi ra mắt ở đội 1 Bayern Munich, đội bóng hùng mạnh nhất nước Đức. Ngay trong lần trình làng, Kroos đã để lại ấn tượng khi kiến tạo 2 đường chuyền quyết định cho Klose lập công. Sau đó, Kroos cũng đã được lần đầu thi đấu ở cúp châu Âu (UEFA Cup nay được đổi thành Europa League) và khiến không ít người phải ngỡ ngãng với một bàn thắng ghi được. Thăng tiến nhanh chóng nhưng để tìm một vị trí thường xuyên trong đội hình "Hùm xám" ở cái độ tuổi này là việc không dễ. Chính vì thế, Bayern cho Kroos "tu nghiệp" ở Leverkusen và tại đây trong hơn một năm, anh tiếp tục khẳng định tài năng xuất chúng của mình. Mặc cho sự nài nỉ của Leverkusen, Bayern Munich quyết tâm lấy lại Kroos để trao cho anh nhiều cơ hội hơn trong mùa giải mới (2010-2011). Vị trí tương lai của Kroos chính là đảm nhận vị trí số 10 của Bayern. Nhờ phong độ thuyết phục tại Leverkusen, Kroos đã được HLV Joachim Loew triệu tập vào ĐTQG và lần đầu khoác áo Mannschaft vào tháng 1 năm 2010. Loew cũng đưa Kroos tới Nam Phi không phải cho đủ quân số mà tiền vệ "non choẹt" này hứa hẹn sẽ là quân bài quan trọng trong sơ đồ chiến thuật của Loew

2. Sotiris Ninis (ĐT Hy Lạp, 03/04/1990)

 

Ở một quốc gia trình độ phát triển bóng đá chỉ thuộc vào hạng trung bình của châu Âu như Hy Lạp (dù từng làm nên câu chuyên thần thoại ở Euro 2004), thì việc xuất hiện những tài năng trẻ, nổi bật, đầy hứa hẹn như Ninis gây được rất nhiều chú ý. Ninis trưởng thành từ đội trẻ của Panathinaikos, CLB hàng đầu Hy Lạp và sau khi được đẩy lên đội 1 lúc mới 16 tuổi, anh chỉ mất có vài năm để giành lấy một vị trí thường xuyên trong đội hình ra sân. "Phù thuỷ" Otto Rehhagel cũng nhanh chóng để mắt đến anh và năm 2008, đã triệu tập Ninis vào ĐTQG. Ngay trong trận đầu tiên, Ninis đã có bàn thắng để trở thành "Cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trong màu áo ĐT Hy Lạp". Không được tham dự Euro 2008 nhưng đến kỳ WC 2010, Rehhagel không thể bỏ qua Ninis được nữa vì anh đã thực sự không còn ở diện "tiềm năng". Ninis sẽ có nhiều cơ hội trổ tài tại Nam Phi và nếu thể hiện được, chắc chắn anh sẽ lọt vào tầm ngắm của không ít đội bóng lớn. Trước đó, có thông tin MU, Real Madrid, AC Milan đều quan tâm đến Ninis nhưng có lẽ họ sẽ chờ sau WC mới chính thức ra tay.

3. Rene Krhin (ĐT Slovenia, 21/05/1990)

Rene Krhin (trái) trong một trận giao hữu với ĐT Anh

Cái tên Krhin không thể nổi tiếng bằng đội bóng anh đang khoác áo, Inter Milan với "cú ăn ba" vĩ đại vừa giành được. Mùa vừa qua, Jose Mourinho đã kéo gương mặt này lên bổ sung cho đội 1 nhưng anh rất ít khi được ra sân. Tính đến nay, Krhin mới có vài lần thi đấu cho Inter. Tuy vậy nhờ mác khoác áo đội bóng thành Milano, Krhin vẫn được HLV Matijaz Kek đưa vào danh sách ĐT Slovenia tham dự World Cup 2010 và không dễ để Krhin có mặt ở đội chính thức.

4. Christian Eriksen (ĐT Đan Mạch, 14/02/1992)

Christian Eriksen (phải)

Đây là cầu thủ ít tuổi nhất tại VCK World Cup 2010. Eriksen đã sớm gây được chú ý ở quê nhà Đan Mạch lúc mới 15, 16 tuổi và CLB Ajax (Hà Lan) đã nhanh tay chôp lấy Eriksen vào năm 2008 với mức giá gần 1 triệu Euro trước sự tiếc nuối của nhiều ông lớn khác của lục địa già. Ở đội bóng có hệ thống đào tạo trẻ danh tiếng bậc nhất châu Âu, Eriksen có nhiều điều kiện để phát triển và vào tháng 1 năm 2010, anh đã có trận đầu tiên trong màu áo Ajax. Kể từ đó, Eriksen nhận được rất nhiều lời khen tặng nhờ tài năng và sự chững chạc hiếm có ở cái tuổi chưa đến 20. Thậm chí, nhiều chuyên gia mạnh dạn đánh giá Eriksen là một Michael Laudrup mới (số 10 huyền thoại của bóng đá Đan Mạch). Chính vì lẽ đó, HLV Morten Olsen đã gọi anh vào ĐTQG và sau vài trận thi đấu, Eriksen đã thuyết phục được người thày đáng kính để được tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

5. Nicolas N'Koulou (27/03/1990); Joel Matip (09/08/1991); Vincent Aboubakar (22/01/1992) cùng của ĐT Cameroon

Nicoas N'Koulou (phải)

Trong 23 cầu thủ, HLV người Pháp, Paul Le Guen mang tới Nam Phi, có đến 3 gương mặt 9x. Câu hỏi được đặt ra: "Chẳng nhẽ Sư tử Cameroon thiếu cầu thủ xuất sắc đến mức phải chọn tới 3 gương mặt còn trẻ măng". Câu trả lời: "Không hẳn như vậy". Trong 3 cầu thủ này, Nicolas N'Koulou là nổi bật nhất. Năm 2008, N'Koulou rời quê nhà để tìm kiếm cơ hội nơi mảnh đất hứa châu Âu và lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển mộ đến từ CLB Monaco (Pháp). Hậu vệ này dần khẳng định được chỗ đứng tại Monaco. Cho đến nay, N'Koulou đã 6 lần khoác áo ĐTQG và nếu không thật sự có tài, anh đã không thể khiến Le Guen dám quyết định loại bỏ đi những người giàu kinh nghiệm hơn như Pierre Wome, Timothee Atouba để chọn N'Koulou vào danh sách 23 tuyển thủ đại diện cho quốc gia ở WC 2010. Một giải đấu thành công sẽ đồng nghĩa với việc N'Koulou có thể mơ tới những đội bóng lớn hơn.

Còn Joel Matip vốn sinh ra trên đất Đức (mẹ người Đức và cha là cầu thủ bóng đá người Cameroon, Jean Matip) nhưng anh đã quyết định gắn bó với cố quốc Cameroon dù đã được nhận được lời mời từ Liên đoàn bóng đá Đức. Matip do CLB Schalke, Á quân Bundesliga mùa vừa rồi phát hiện và đào tạo. Mùa giải vừa qua, anh đã phần nào để lại ấn tượng ở đội 1 Schalke và được CLB gia hạn hợp đồng nhắm tránh sự nhòm ngó của các đội khác. Matip mới chỉ 1 lần khoác áo ĐTQG hồi tháng 3 năm nay. Kém tên tuổi nhất là Vincent Aboubakar, một tiền đạo mới 18 tuổi và khoác áo một đội bóng trong nước. Tuy nhiên, trước khi WC diễn ra, anh đã được CLB Valenciennes của Pháp chiêu mộ. Sẽ không có nhiều cơ hội cho Aboubakar tại Nam Phi nhưng ở các kỳ WC sau nếu Cameroon được tham dự, anh sẽ là gương mặt sáng giá thay thế cho đội trưởng Samuel Eto'o

6. Tommy Smith (31/03/1990); Chris Wood (07/12/1991) cùng của ĐT New Zealand

Chris Wood

Trong 32 ĐT tham dự World Cup, New Zealand được đánh giá là đội yếu nhất với tình trạng "nhân tài hiếm như lá mùa thu". Vì thế, chẳng có gì khó hiểu khi họ triệu tập tới 2 cầu thủ "đầu 9": Tommy Smith và Chris Wood. Nếu họ thi đấu ở trong nước, chắc sẽ khó được để mắt đến nhưng cả hai hiện đang chinh chiến tại giải hạng Nhất nước Anh, nền bóng đá phát triển nhất nhì châu Âu nên không cần biết tài năng thực đến cỡ nào, họ vẫn tìm được chỗ đứng ở ĐT New Zealand. Thậm chí, cầu thủ trẻ hơn Chris Wood đã có gần chục lần thi đấu chính thức. Dù sao, so với nhiều đồng đội khác, họ vẫn ở tầm cao hơn bởi phần nào tiếp cận với bóng đá đỉnh cao, chứ không loay hoay ở cái "ao làng" châu Đại Dương.

7. Lukman Haruna (ĐT Nigeria, 12/04/1990)

Lukman Haruna (phải)

Haruna là đội trưởng ĐT U-17 Nigeria giành chức VĐTG dành cho lứa tuổi U-17 vào năm 2007. Nhờ thế, tiền vệ này đã được nhiều CLB tại châu Âu quan tâm và anh đã chọn Monaco (Pháp) làm điểm đến đầu tiên trong sự nghiệp. Thành tích sáng chói đó cũng giúp Haruna mau chóng thăng tiến vào ĐTQG và sau loạt đấu giao hữu chuẩn bị cho World Cup 2010, anh đã chiếm được cảm tình của HLV Lars Lagerback và có tên ở bản danh sách cuối cùng.

8. Ryad Boudebouz (ĐT Algeria, 19/02/1990)

Ryad Boudebouz (phải)

Ở đất nước Bắc Phi Algeria, nhiều người hâm mộ đã biết đến gương mặt trẻ Boudebouz, nhạc trưởng của CLB đang chơi ở Ligue 1, Sochaux dù mới 20 tuổi. Thực ra, Boudebouz sinh ra và lớn lên ở Pháp, đã từng khoác áo ĐT U-19 Pháp thế nhưng anh lại lựa chọn màu cờ của "quê cha đất tổ" Algeria để bảo vệ. Với việc trao cho Boudebouz chiếc áo số 7, chứng tỏ HLV Rabah Saadane đặt niềm tin vào cầu thủ này.

Ba cầu thủ còn lại thuộc thế hệ 9x có vinh dự góp mặt ở Nam Phi: hậu vệ Jonathan Mensah của ĐT Ghana (13/07/1990, đang thi đấu cho một CLB của Nam Phi),  tiền vệ Pak Sung-Hyok của ĐT CHDCND Triều Tiên (30/05/1990, chơi bóng ở trong nước), tiền vệ Xherdan Shaqiri của ĐT Thuỵ Sĩ (10/10/1991, người gốc Kosovo và đang khoác áo Basel, CLB đoạt chức vô địch Thuỵ Sĩ mùa vừa rồi).

  • Bảo Anh

Có thể bạn quan tâm

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Trong trận đầu tiên Ronaldo thi đấu ở La Liga 2017/18 sau khi hết án treo giò, Los Blancos đã bất lực trong việc ghi bàn, điều họ luôn hoàn thành trong 73 trận đấu liên tiếp trước đó. Bên cạnh sự xuất sắc của Adan, thủ môn do chính Real đào tạo ra thì bản thân dàn Galacticos cũng thi nhau bỏ lỡ cơ hội, tất nhiên bao gồm cả Ronaldo. Không thể ghi bàn, Los Blancos còn rơi vào bi kịch vào phút bù giờ cuối cùng khi bị đối thủ chọc thủng lưới.

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Ngôi sao Barca Lionel Messi đã thắng áp đảo đại kình địch Cristiano Ronaldo và người đồng đội Luis Suarez để giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu 2014/2015. Tại lễ trao giải, gương mặt Messi lúc nào cũng thường trực nụ cười tươi rói, còn CR7 lại giữ vẻ mặt lạnh lùng nhưng cũng vỗ tay chúc mừng đối thủ lớn của mình.

Xem thêm
top-arrow
X