Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Diego Maradona: Bất tài hay có tài?

Thứ Hai 05/07/2010 14:49(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

(Bongda24h) - Kể từ sau thất bại nặng nề của Argentina trước Đức tại World Cup 2001, đã xuất hiện những ý kiến trái ngược về vấn đề: trách nhiệm của "Cậu bé vàng" Diego Maradona trong thảm hoạ này. Với những người yêu muốn cuồng si ĐT Argentina nói chung và Maradona nói riêng, thất bại của Diego chỉ là nhất thời, không đánh giá hết tài năng của ông trên cương vị HLV trưởng ĐT và huyền thoại của làng túc cầu giáo vẫn xứng đáng tại vị ở Albiceslte. Còn những người khách quan hơn (phần lớn giới chuyên môn) thì đều chung nhận định rằng, Maradona có quá nhiều hạn chế và ông phải chịu trách nhiệm chính trong thất bại này vì không đủ tài cầm quân một ĐT như Argentina.

Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, người viết muốn cố gắng nêu lên một cách nhìn khách quan, thực tế về những gì Maradona đóng góp cho ĐT Argentina. Chắc chắn sẽ rất nhiều fan hâm mộ "Cậu bé vàng" sẽ không đồng tình và phản đối dữ dội nhưng nếu các bạn có những giây phút nào tạm gạt đi tình yêu quá lớn của mình với thần tượng (dẫn tới những sự suy xét nặng cảm tính và mù quáng), hãy thử nghiền ngẫm lại xem quan điểm mà người viết đưa ra có đáng bị các bạn lên án.

Đầu tiên, người viết sẽ không đề cập hay phủ nhận Maradona trong tư cách cầu thủ vì sự xuất sắc và vĩ đại của ông trên sân cỏ là điều không cần phải bàn cãi. Những hành động "kỳ quặc" của ông kể từ ngày làm HLV trưởng Albiceleste cũng sẽ không được nhắc đến vì đó là cá tính riêng, cần phải tôn trọng, không nên đem ra bàn tán ở đây. Vấn đề được nêu ra chỉ đơn thuần liên quan đến chuyên môn: Diego Maradona đã thực sự làm được những gì cho ĐT xứ sở Tango khi nắm giữ vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định thành tích của Argentina. Xin được nhắc lại một thực tế đau lòng (mà tin chắc nhiều người có đầu óc tỉnh táo cũng nghĩ như vậy): dấu ấn của Maradona ở ĐT Argentina về mặt lối chơi, đấu pháp, nhân sự,...rất mờ nhạt và với một ĐT có tiềm lực như vậy, nếu "Cậu bé vàng" tỉnh táo hơn, bỏ qua cái tôi cá nhân của một con người vĩ đại hoặc nói một cách thẳng thắn là chứng minh được ông có chút ít tài năng thiên bẩm của một chiến lược gia (giống như cái cách Maradona tung hoành trên sân cỏ khi còn là cầu thủ), thì có lẽ thành tích và bộ mặt của Argentina đã sáng sủa hơn rất nhiều.

Cần phán xét khách quan "công và tội" của Maradona ở ĐT Argetina

Tại sao ư? Điều dễ nhận thấy nhất là đóng góp lớn nhất của Maradona chỉ đơn thuần liên quan đến mặt tinh thần. Có Diego ở ĐT, các cầu thủ Argentina luôn tràn đầy tự tin, vui vẻ, hưng phấn, được mặc sức phô diễn bản thân với suy nghĩ mình là một người giỏi giang vì Maradona khuyến khích họ như vậy và nhờ vào sự vĩ đại của mình, Diego càng dễ "thu phục nhân tâm" bởi toàn bộ tuyển thủ Argentina đều tôn sùng Maradona như một vị Thánh. Tuy nhiên trong thời buổi bóng đá hiện đại, chỉ tinh thần thôi là chưa đủ. Một đội bóng có thể kém cỏi về mặt đẳng cấp và thực lực nhưng hoàn toàn đủ sức giành được vinh quang nếu biết tổ chức lối chơi, chiến thuật một cách hợp lý (bằng chứng rõ rệt là câu chuyện thần thoại mà Hy Lạp đã vẽ nên ở Euro 2004). Còn nếu tinh thần tốt mà lối chơi tệ, chiến thuật kém thì ngay cả khi sở hữu dàn sao hùng hậu, thất bại vẫn là kết quả có thể nhìn thấy trước. Nói qua cũng phải nói lại, việc các cầu thủ Argentina chẳng có lời phàn nàn nào về cung cách huấn luyện nặng về tinh thần của Maradona bởi một lý do dễ hiểu, ông là thần tượng khiến họ phải kính nể. Chứ nếu là một người khác xem, chắc chắn không phải ai cũng cảm thấy hài lòng.

Hãy nhìn lại lối chơi của Argentina (chỉ tính trong phạm vi World Cup 2010). Mang tiếng là đấu pháp thiên về tấn công nhưng nó quá bản năng, lộn xộn, không có đường nét và được tổ chức một cách quy củ. Các cầu thủ chỉ biết cầm bóng, tận dụng tối đa kỹ thuật cá nhân do Thượng đế ban và lao lên phía trước hết sức "tự nhiên chủ nghĩa", hệt như cái thuở sơ khai của môn Thể thao vua. Song đây là thế kỷ 21, cả thế giới và bóng đá đã phát triển những bước rất dài. Ngày nay, yếu tố chiến thuật luôn rất được coi trọng và đã được xác định là nhân tố chính đem đến thành công vì thế nếu chỉ đá dựa trên cảm hứng và bản năng sẵn có của từng cầu thủ thì không thất bại mới là lạ. Không ai nhìn thấy ở Argentina điểm gì được coi là mang tính chiến thuật hay cách mạng. Đá tự nhiên như thế thì quá dễ để cho các đối thủ có chút đẳng cấp bắt bài. Và đến trận gặp Đức, tất cả đã được phơi bày. Rõ ràng, Đức ở một tầm khác hẳn so với những đối thủ Argentina đã gặp ở World Cup (và đều giành chiến thắng, khiến không ít người "xuề xoà" không chịu nhìn ra lối đá quá chân phương của các vũ công Tango) và họ thừa sức khống chế mà không cần phải áp dụng đấu pháp "siêu thủ". Vậy thì cứ cho đó là cách chơi mà Maradona áp dụng cho Argentina nhưng nó không hề phù hợp với thời đại. Tấn công cũng phải có nghệ thuật của nó, không phải chỉ đơn giản như suy nghĩ và cách làm của Maradona. Đừng so sánh với những đội luôn nổi tiếng về tấn công như CLB Barcelona hay ĐT Tây Ban Nha. Họ chơi rất có bài bản, biết lúc nào cần phối hợp nhóm, bật tường nhanh, lúc nào cần phải tung ra những miếng đánh trung lộ hóc hiểm, lúc nào phải tổ chức giãn biên. Đến cả như thế mà chưa chắc đã "ăn được" người, huống gì cách triển khai tấn công quá sơ đẳng của Argentina.

Năng lực hạn chế của HLV Maradona còn ở chỗ ông chẳng hề có chút động tác nào để điều chỉnh đấu pháp nhằm mang lại đột phá và sức sống mới. Bị đối thủ dẫn bàn và ai cũng thấy một sự bế tắc tột độ trong cách thức tấn công nhưng các cầu thủ Argentina vẫn cứ chơi hồn nhiên như thế cho đến hết trận, khiến nhiều người phải đặt ra nghi vấn: Dường như, Maradona chẳng nghĩ ra nổi bất cứ một bài vở hay ngón đón gì để áp dụng cho Argentina nên khi cái "bản năng chơi bóng" trong mỗi cầu thủ không còn được phát huy, Maradona lập tức chịu bó tay luôn. Vậy thì việc Diego ngồi lên chiếc ghế HLV để làm gì hay trọng trách này vượt quá khả năng sẵn có của ông. Nếu đá theo kiểu của ĐT Xanh - trắng ở World Cup 2010 mà vẫn giành được thành công thì có lẽ những người như Mourinho, Alex Ferguson chẳng bao giờ có "đất sống" trong giới HLV vì quá nhiều người có thể làm tốt cái công việc bảo các cầu thủ cứ lao lên phía trước, cứ đá theo khả năng và những gì nghĩ trong đầu mà chẳng cần phải theo một chiến lược hay đấu pháp nào cụ thể. Nhìn rộng hơn, có thể nhận ra, Maradona cũng đã quá bảo thủ trong cách dùng người (phải chăng chính cái vị thế "độc bá thiên hạ" ở xứ sở Argentina khiến ông quá cao ngạo, chẳng thèm nghe ai). Nhìn Otamendi thi đấu, nhiều CĐV đã phải thốt lên "Giá như Javier Zanetti có mặt trong ĐT". Xem Mascherano vật vã ở hàng tiền vệ, một số khác lại ao ước tiền vệ của Liverpool có được Cambiasso thi đấu bên cạnh. Cả hai đều là những cầu thủ quá giỏi, đẳng cấp thế giới chứ không phải làng nhàng song không bao giờ có cơ hội được cống hiến ở Argentina vì Maradona coi họ không bằng được nhiều cầu thủ "thường thường bậc trung" mà ông đã lựa chọn. Đó chỉ là hai ví dụ tiêu biểu cho cách "dụng nhân" thiên về cảm tính của Diego Maradona. Triệu tập đầy đủ những cầu thủ tốt nhất có thể chưa đủ để thành công nhưng ít ra, Argentina sẽ khá khẩm hơn rất nhiều so với hình ảnh đã trình diễn.

Người viết đã khá buồn cười khi không ít người có cách nhìn quá dễ dãi và khôi hài: Nào là trong bóng đá, ở một ngày hội như World Cup, đừng đặt nặng vấn đề thắng - thua. Nào là đá như Argentina cũng là tuyệt vời rồi, sao lại đi chê trách.... nhằm biện minh cho trách nhiệm của Maradona ở ĐT. Quả thực đó là quan điểm hết sức AQ. Nên nhớ bóng đá ở tầm cỡ thế giới mang nặng tính cạnh tranh chứ không còn là một trò chơi vui của trẻ con mà bảo đi thi đấu không thèm quan tâm đến kết quả mà cứ chơi hết mình là được rồi. Các đội tham dự World Cup đều vì một mục tiêu nhất định tuỳ theo năng lực của từng đội và sẽ phấn đấu vì nó chứ không phải đến với tâm trạng thoải mái như kiểu đang được góp mặt ở một Festival vui vẻ nào đó. Đúng là Argentina chơi hết mình (mới cả 32 ĐT, làm gì có đội nào thi đấu nửa vời) nhưng cái hết mình ở đây cần được đánh giá trên nhiều phương diện và chắc hẳn không phải người dân nào của Argentina cũng thích sự "hết mình" như thế của ĐT bởi Maradona đã không hề xây dựng nổi một ĐT mạnh, có bản sắc, có lối chơi được định hình, có chiến thuật sắc sảo. Nếu được như thế thì có lẽ Maradona đã được nhìn nhận khác đi về tài cầm quân. Mới cả nắm trong tay một ĐTQG tầm cỡ hàng đầu thế giới như Argentina thì công việc của Maradona không chỉ là "cống hiến cho sướng mắt" mà phải làm sao mang về được thành công, kể cả bằng "thủ đoạn", miễn nó hợp pháp. Không ai bắt "Cậu bé vàng" phải thức thời, đi theo xu hướng chủ đạo hiện nay (lấy sự chặt chẽ, phòng ngự làm nền tảng trong lối chơi) mà ông hoàn toàn có thể theo đuổi quan điểm "vị nghệ thuật" song cách tấn công của Argetina phải được tổ chức hợp lý, khoa học, đa dạng, nhiều màu sắc chứ không chỉ dựa vào duy nhất nền tảng kỹ thuật cá nhân. Nếu coi lối chơi hiện tại của Argentina là "đẹp mắt", "thế là ổn" thì thử hỏi lối đá của Đức và Tây Ban Nha sẽ là gì (tấn công có nhịp độ, đầy tính tập thể, các cầu thủ xử lý kỹ thuật ở mức vừa phải chứ không lạm dụng). Ai dám bảo Đức hay Tây Ban Nha chơi không đẹp, không cống hiến. Chứ còn cái đẹp chỉ tồn tại ở sự "vẽ vời" dựa trên từng cá nhân thì liệu rằng có đáng để chiêm ngưỡng khi đây World Cup là một cuộc chiến chứ không phải màn phô diễn kỹ thuật "mua vui".

Vụ việc "yêu thương mù quáng" Diego Maradona này đã gợi nhớ lại câu chuyện Jose Mourinho hồi cuối mùa giải năm ngoái. Hồi ấy, khi đưa Inter lên "cú ăn ba" vĩ đại với những đóng góp không thể phủ nhận của Mourinho cho đội bóng Italia và cả nền bóng đá thế giới, thế nhưng không ít người vẫn chẳng coi "Người đặc biệt" ra gì và không hề đánh giá thực tế những gì Mourinho đã làm được với những lời lẽ hết sức cảm tính, dựa trên yêu - ghét cá nhân. Giờ đây, mọi chuyện lại tương tự (dù theo chiều hướng ngược lại) khi Maradona không làm được gì nhiều cho Argentina và thất bại của ĐT có một phần trách nhiệm rất lớn của Diego nhưng vì tình yêu, người ta vẫn nhìn ông bớt khắt khe hơn, thậm chí có phần hơi hoà nhã so với những người khác (như Fabio Capello hay Domenech chẳng hạn) để rồi nếu có ai đó "nặng lời", "đụng chạm", lập tức bị tổng công kích. Bởi vì Diego Maradona là một Thiên tài, một huyền thoại được tôn sùng đứng đầu làng bóng đá nhưng thiên tài cũng chỉ là một con người bình thường, chứ chẳng phải thần thánh mà làm cái gì cũng giỏi, lĩnh vực nào cũng am hiểu, lời nói nào thốt ra cũng là chân lý. Maradona đá bóng giỏi nhưng không có nghĩa, ông cũng sẽ là một chiến lược gia giỏi. Nói như thế không phải để khẳng định Maradona sẽ luôn thất bại trong nghề HLV. Thành công vẫn sẽ đến nếu ông biết "cầu thị" và chịu khó học hỏi những người khác, biết rút kinh nghiệm sau mỗi lần vấp ngã chứ đừng nên lúc nào tự đánh giá mình là nhất, những gì mình đã làm là quá hoàn hảo, chẳng cần phải sửa đổi gì. Suy rộng ra, bóng đá cũng như cuộc đời, mọi người nên có cách phán xét một cách công tâm, khách quan, đừng vì con tim mà quên mất lý trí để rồi tự tạo ra sự dễ dãi cho bản thân. Một điều không nên chút nào.

  • Thiên Bình

Có thể bạn quan tâm

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Real Madrid 0-1 Betis (KT): Ronaldo tái xuất, Los Blancos chết đứng vào phút chót

Trong trận đầu tiên Ronaldo thi đấu ở La Liga 2017/18 sau khi hết án treo giò, Los Blancos đã bất lực trong việc ghi bàn, điều họ luôn hoàn thành trong 73 trận đấu liên tiếp trước đó. Bên cạnh sự xuất sắc của Adan, thủ môn do chính Real đào tạo ra thì bản thân dàn Galacticos cũng thi nhau bỏ lỡ cơ hội, tất nhiên bao gồm cả Ronaldo. Không thể ghi bàn, Los Blancos còn rơi vào bi kịch vào phút bù giờ cuối cùng khi bị đối thủ chọc thủng lưới.

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Messi cười tươi rói, Ronaldo mặt lạnh lùng tại lễ trao giải

Ngôi sao Barca Lionel Messi đã thắng áp đảo đại kình địch Cristiano Ronaldo và người đồng đội Luis Suarez để giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu 2014/2015. Tại lễ trao giải, gương mặt Messi lúc nào cũng thường trực nụ cười tươi rói, còn CR7 lại giữ vẻ mặt lạnh lùng nhưng cũng vỗ tay chúc mừng đối thủ lớn của mình.

Xem thêm
top-arrow
X