“Bóng đá là môn thể thao với 22 người và một trái bóng, và người Đức luôn chiến thắng”. Ắt hẳn, NHM Anh chưa thể quên được câu nói chua chát đó của huyền thoại Gary Lineker, sau khi Anh bị Đức khuất phục tại bán kết World Cup 1990…
20 năm sau trận đấu đó, một cuộc đối đầu Anh - Đức khác mới lại diễn ra, lần thứ 5 tại World Cup. Người Anh có thể tự hào khi điểm sáng lớn nhất của Tam Sư tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh gắn liền với chiến công oanh liệt trước người Đức. Đó là tại World Cup 1966, khi Anh đánh bại Đức 4-2 trong một trận chung kết kịch tính đến nghẹt thở và… tranh cãi. Bởi với người Đức thì chiến thắng của người Anh là không xứng đáng vì bàn thắng quyết định (nâng tỷ số lên 3-2) mà huyền thoại Geoff Hurst ghi trong những phút thi đấu hiệp phụ là một “bàn thắng ma”.
Niềm vui Đức và nỗi buồn Anh tại World Cup 1990
Đó cũng là niềm vui duy nhất mà người Anh có được khi đối đầu với Đức, tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Bốn năm sau trận chung kết tranh cãi tại Wembley, Đức đã phục hận thành công tại Mexico 1970 với chiến thắng ngoạn mục 3-2 sau khi bị đối thủ dẫn trước tới 2-0. Sau trận hòa không bàn thắng tại Espana 1982, trận đấu tẻ nhạt nhất trong tất cả những cuộc đối đầu Anh - Đức, là một trận bán kết cực kỳ hấp dẫn trên đất Italia. Trận đấu đã tạo nên một hình ảnh thất bại của người Anh trước người Đức, hình ảnh: Paul Gascoinge.
Thời điểm đó, Gascoinge là một trong những ngôi sao sáng của Tam Sư, một cầu thủ luôn truyền được cảm xúc lên lối chơi đội bóng. Phút 99 (hiệp phụ thứ nhất), khi tỷ số đang là 1-1, Gascoinge… bật khóc khi chiếc thẻ vàng đã cướp đi cơ hội dự trận chung kết của anh. Nhưng thực tế thì chẳng có trận chung kết nào cả! Trên chấm phạt đền, Đức với tinh thần sắt thép đã không cho Anh một cơ hội để rồi sau đó đánh bại Argentina (cũng bằng một bàn thắng từ chấm phạt đền) và lần thứ ba vô địch World Cup.
Luôn được đánh giá cao tại các kỳ World Cup gần đây, nhưng điều mà Tam Sư mang đến chỉ là nỗi thất vọng. Nhưng hy vọng đang được sống dậy, khi Anh đang được dẫn dắt bởi Capello (người Italia là kỵ giơ của người Đức) và đội bóng xứ sở Sương mù vừa phát ra những tín hiệu tích cực ở chiến thắng trước Slovenia, sau màn khởi đầu thất vọng. Hy vọng đó càng trở nên thực tế hơn khi Đức bây giờ chỉ là một “vườn trẻ” và non kinh nghiệm thứ hai trong các kỳ World Cup mà họ từng tham gia (sau World Cup 1934). Nhưng dù sao thì đó cũng chỉ là bề nổi của tảng băng, có thể phán đoán trước về trận đấu này. Bởi ngoài yếu tố chuyên môn còn rất nhiều điều khác, từ chính trị và đặc biệt là niềm tự hào dân tộc của hai quốc gia hàng đầu lục địa Già.
Anh gặp Đức ngay tại vòng 1/8. Có thể điều đó tạo nên sự tiếc nuối cho nhiều người nhưng đó là bóng đá và nó khiến ngày hội bóng đá tại Nam Phi trở nên hấp dẫn hơn qua từng vòng đấu. Với Anh và Đức, World Cup 2010 giờ mới thực sự bắt đầu!