Cũng không thể không đề phòng những ƯCV khác của trận tranh ba tư. Miroslav Klose, Thomas Muller của Đức và Diego Forlan của Uruguay hiện cùng ghi 4 bàn, tức chỉ kém bộ đôi của trận CK vỏn vẹn 1 bàn. Xét về tính chất, rõ ràng trận tranh ba tư sẽ "dễ thở" hơn rất nhiều so với trận chung kết. Klose có lẽ rất khát khao ghi bàn, vừa bảo vệ thành công danh hiệu Chiếc giày vàng (năm 2006, anh là Vua phá lưới với 5 bàn), vừa sánh ngang hoặc vượt kỷ lục của Ronaldo "béo". Nhưng vấn đề là trong 3 VCK mà Klose tham dự, không có bàn nào trong tổng số 14 bàn của Klose được ghi từ vòng bán kết trở đi. Forlan thì hiện đang điều trị chấn thương đùi và chưa chắc kịp bình phục cho trận tranh ba tư. Thomas Muller có thể gây bất ngờ khi anh trở lại ở trận cuối cùng của tuyển Đức. Dù sao, khả năng Muller độc chiếm danh hiệu Chiếc giày vàng, tức ghi ít nhất 2 bàn ở trận tranh ba tư, là rất thấp. Khác với Đức, Uruguay xem vị trí thứ 3 là thành công mang tính lịch sử và họ sẽ thi đấu nghiêm túc.
David Villa có giành nổi danh hiệu "Vua phá lưới World Cup 2010" |
Vì lẽ đó, khả năng danh hiệu Vua phá lưới được trao cho Sneijder hoặc Villa là cao nhất. Mức độ về tầm quan trọng của 5 bàn thắng mà họ đã ghi có thể xem ngang bằng nhau. Sneijder ghi bàn duy nhất ở trận thắng Nhật, ghi bàn thứ 2 trong trận thắng Slovakia 2-1, lập cú đúp ở màn lội ngược dòng 2-1 trước Brazil và gần nhất là bàn nâng tỷ số lên 2-1 ở trận gặp Uruguay, một bàn thắng mang tính bước ngoặt. Villa đã lập một cú đúp ở World Cup 2010 và đó là chiến thắng 2-0 trước Honduras. Những trận khác Villa ghi bàn, Tây Ban Nha đều thắng với cách biệt một bàn.
Một chi tiết đáng thú vị là cả 5 bàn thắng của Hà Lan đều được ghi trong hiệp 2. Khi nhập cuộc, các đối thủ thường chăm sóc Sneijder rất kỹ càng, như trận gặp Brazil hay trận chiến với Uruguay vừa qua. Nhưng càng về cuối, mức độ tập trung của họ thường giảm sút hoặc Sneijder phát hiện ra và tận dụng điểm yếu, khoảng trống để di chuyển. Với David Villa, các bàn thắng từ chân anh có thể đến bất kỳ lúc nào, đầu trận (Honduras, Chile), giữa trận (Honduras, Bồ Đào Nha) hoặc cuối trận (Paraguay). Villa đã ghi bàn 4/6 trận của Tây Ban Nha ở World Cup 2010. Hai trận mà Villa tịt ngòi, thua Thụy Sỹ 0-1 và trận gặp Đức vừa qua, cũng là 2 trận mà người đá cặp Fernando Torres không có tên trong đội hình xuất phát. Khi có Torres, David Villa được đá lệch trái và ở vị trí ấy, anh có nhiều khoảng trống để thực hiện những pha đi bóng khéo léo và tốc độ. Không Torres, Villa dường như mất hút ở vòng cấm, giữa hàng thủ đông người của đối phương.
Tiếng nói của lịch sử: chưa từng có cầu thủ Hà Lan hoặc Tây Ban Nha nào giành danh hiệu Vua phá lưới World Cup. Hai lần trước đây lọt vào CK, 1974 và 1978, hai cầu thủ của Hà Lan là Johan Neeskens và Rob Rensenbrink cùng ghi được 5 bàn. Năm 1974, Johan Neeskens kém Grzegorz Lato của Ba Lan 2 bàn. Năm 1978, Rob Rensenbrink kém Mario Kempes của nhà VĐ Argentina 1 bàn. Vào thời điểm ấy, hai cầu của Hà Lan không được tôn vinh vì mãi đến năm 1982, danh hiệu Chiếc giày bạc và giày đồng mới ra đời.
Việc Hà Lan của những năm 70 không có ai đoạt danh hiệu Vua phá lưới không có gì là khó hiểu. Như cái tên mỹ miều bóng đá tổng lực, sức mạnh lối chơi của Hà Lan trải đều chứ không phải tập trung vào một cá nhân. Tây Ban Nha từng có Emilio Butragueno đoạt chiếc giày bạc năm 1986, với 5 bàn (kém Lineker của Anh 1 bàn). Cũng không có gì khó hiểu khi chưa có cầu thủ Tây Ban Nha nào được tôn vinh ở giải thưởng cá nhân này: mãi đến năm nay, TBN mới lần đầu tiên vượt qua vòng tứ kết.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)