(Bongda24h) - Trước khi VCK World Cup 2010 khởi tranh, 4 đại diện của châu Á đều bị đánh giá rất thấp so với các châu lục khác. Tuy vậy sau lượt trận đầu tiên, giới mộ điệu đã phải nhìn họ bằng một con mắt rất khác
Thật đáng ngạc nhiên, đội được kì vọng nhiều nhất lại gây thất vọng lớn nhất. Australia với dàn cầu thủ chất lượng đa phần đều đang chính chiến ở các giải vô địch quốc gia châu Âu (điển hình là trường hợp của Cahill hay Lucas Niell, hiện đang khoác áo các CLB Premier League) đã thảm bại tới 0-4 trước ĐT Đức. Vẫn biết đội bóng từng 3 lần vô địch thế giới là một đối thủ rất mạnh nhưng việc thày trò Pim Verbeek thất bại trong một trận đấu mà họ thua kém toàn diện là một điều khó có thể chấp nhận được. Sự tương phản ấy càng lớn hơn, khi 3 đại diện châu Á chính gốc khác là Hàn Quốc, Nhật Bản hay Bắc Triều Tiên đều đã chứng minh được khả năng và thực lực của mình.Hàn Quốc đang làm rạng danh cho bóng đá châu Á
Hàn Quốc là đội ra quân sớm nhất trong số 4 đại diện của châu Á và cũng chính đội bóng xứ Kim chi là đội giương cao lá cờ đầu ngạo nghễ của châu lục luôn bị đánh giá là vùng trũng của bóng đá thế giới. Trước Hy Lạp, một đội bóng từng là nhà vô địch châu Âu 2004, Park Ji-sung và các đồng đội đã chơi với một tinh thần quyết tâm cao, thể hiện được tố chất của của một kẻ bề trên, dù trước trận, họ thậm chí còn bị đánh giá thấp hơn so với cựu vương châu Âu. Bằng một thế trận hợp lý, lấn lướt và tạo ra được những pha hãm thành nguy hiểm, Huh Jong - moo đã vượt trội hoàn toàn so với lối chơi bế tắc và quá nghèo nàn về ý tưởng tấn công của Hy Lạp. 2-0 là một tỷ số hợp lý và nó chứng minh Hàn Quốc sẽ là một ẩn số lớn ở bảng B.
Tiếp sau chiến thắng vẻ vang của Hàn Quốc, đến lượt Nhật Bản mang niềm tự hào về cho người dân Á châu. Không đẹp mắt, không ấn tượng như cách Hàn vượt qua Hy Lạp nhưng Nhật lại cho thấy sự chắc chắn về lối chơi, sự sắc sảo trong phản công cùng những phút ngẫu hứng đã giúp đội quân của HLV Okada. Pha lập công đơn giản của Honda đã giúp cho Nhật có được 3 điểm một cách trọn vẹn. Nhưng thành công lớn nhất của đội bóng xứ sở hoa anh đào chính là việc họ đã khắc chế được lối chơi thiên về sức mạnh của Cameroon. Không có được thể hình lý tưởng, cũng không sở hữu một nền tảng thể lực dồi dào nhưng Nhật Bản lại có sự dẻo dai cùng một tư duy chiến thuật hợp lý. Chính điều này đã khiến cho dàn "sư tử" của châu Phi từ "bất khuất" trở thành "khuất núi".
Lĩnh hội tư tưởng và tinh thần từ những đội bóng cùng châu lục, Triều Tiên bước vào thách thức lớn nhất là Brazil. Nếu như Hy Lạp và Cameroon vẫn là những đối thủ chỉ nhỉnh hơn Hàn Quốc và Nhật Bản một chút thì khoảng cách giữa Triều Tiên và Brazil lại quá xa vời. Nhưng nếu ai chứng kiến 90 phút quả cảm của những chàng trai châu Á trước đội bóng từng 5 lần vô địch thế giới đều đã có thể mỉm cười với cách mà họ đã khiến cho Brazil phải chật vật đến thế nào. Biết mình biết ta, Bắc Triều Tiên sử dụng một chiến thuật phòng ngự chiều sâu theo kiểm xe bus 2 tầng và khiến cho các họng súng chính của Brazil "câm nặng" trong cả hiệp đấu đầu tiên. Đội quân của Kim Jong-Hun chỉ thực sự thua khi Maicon đã quá xuất thần. Nhưng trước khi trận đấu kết thúc họ vẫn kịp để lại dấu ấn với bàn thắng tuyệt vời của Ji Yun-Nam và ngẩng cao đầu rời sân. Sự quả cảm ấy đã được chính Kim Jong-Hun thừa nhận ông không biết nói gì hơn ngoài 2 chữ "tự hào" với các học trò của mình.
Quay trở lại với Australia. Khi chứng kiến thày trò Verbeek sụp đổ trước Đức đối lập với sự tương phản của những nỗ lực tuyệt vời từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Triều Tiên, người ta bắt đầu nghi ngờ về tham vọng của đội bóng châu Đại dương nhưng lại dự World Cup khi mang danh của một đội bóng châu Á. Khi những đội bóng châu Á chính gốc gây ấn tượng mạnh thì kẻ "mượn danh" lại đang tự đánh mất đi niềm tự hào của người Á đông về những đại diện ưu tú của mình.
Song Tử