Theo ghi nhận của tạp chí FourFourTwo, sơ đồ 4-4-2 đúng nghĩa (4 tiền vệ giăng ngang, 2 tiền đạo đứng ngang hàng) được người Italia phát minh ở thập niên 80 thế kỷ trước.
1. Cái chết của 4-4-2
Arrigo Sacchi đi tiên phong trong việc sử dụng chiến thuật này ở Milan rồi sau đó là Fabio Capello. Kết quả: Hai chiến lược gia tài ba này cùng Rossoneri thống trị Serie A và châu Âu những năm cuối thập niên 80 và đầu 90. Với 4-4-2, Arrigo Sacchi cũng đưa Azzurri vào tới tận trận chung kết World Cup 1994. Sau này, rất nhiều đội bóng đã học theo mô hình 4-4-2 của Milan, mà tiêu biểu là M.U với cặp tiền đạo Cole - Yorke giành “cú ăn Ba” mùa 98/99.
Tây Ban Nha đã thành công với sơ đồ 4-2-3-1 họ theo đuổi suốt bao năm qua
Ưu điểm của 4-4-2 là tạo được sự cân bằng giữa công và thủ. Bên cạnh đó, việc có 8 cầu thủ thường xuyên làm nhiệm vụ phòng ngự cũng tạo thành cấu trúc phòng thủ vững chắc. Đó là lý do sơ đồ này được sử dụng rộng rãi trong thời gian dài. Tuy nhiên cùng với sự mở rộng của luật việt vị (2 tiền đạo giăng ngang dễ bị việt vị hơn), sự phát triển của hệ thống chiến thuật khi các đội bóng có xu hướng sử dụng một hộ công kết hợp với các tiền vệ trung tâm hoặc tiền đạo tạo thành tam giác tấn công biến hóa, chưa kể kiếm được cặp tiền đạo nhắm mắt cũng thể thấy nhau kiểu Cole - Yorke ngày càng khó…, sơ đồ 4-4-2 đã trở nên cứng nhắc và không còn phù hợp với xu thế của bóng đá hiện đại nữa.
Thất bại của 4-4-2 thể hiện rõ ở World Cup 2010. Anh là đội tuyển hiếm hoi sử dụng 4-4-2 và bị loại từ vòng knock-out, mà trận thua 1-4 trước Đức minh chứng cho sự lỗi thời của sơ đồ này so với 4-2-3-1. Thực tế, 4-2-3-1 được người Tây Ban Nha sử dụng từ cách đây 20 năm và rất thịnh hành ở World Cup 2010. TBN và Đức là 2 đội tuyển áp dụng thành công nhất sơ đồ này.
2) Tầm quan trọng của tiền vệ phòng ngự
Cùng với sự phổ biến của 4-2-3-1 (2 đội tuyển vào chung kết đều sử dụng) là việc bùng nổ các tiền vệ phòng ngự. Cũng logic bởi trong chiến thuật này, khi đã có 4 người chủ yếu lo tấn công, thì vai trò của 2 “máy quét” làm nhiệm vụ dọn dẹp phía sau đặc biệt quan trọng. Mark van Bommel và Nigel de Jong (Hà Lan), Sami Khedira và Schweinsteiger (Đức), Marquez (Mexico), Bradley (Mỹ), Xabi Alonso (TBN) đều đã gây ấn tượng trong vai trò này.
3. Sự trở lại của sơ đồ 3 trung vệ
Sơ đồ 3 trung vệ cổ điển tưởng như đã khai tử từ rất lâu thì tại World Cup 2010, bỗng sống dậy. Khá nhiều đội tuyển yếu khi đối đầu các đối thủ mạnh hơn đều sử dụng 1 trung vệ thòng , lót phía sau cặp trung vệ và điểm chung là đều thu lại kết quả tốt. Uruguay đã dùng chiến thuật này khi đối đầu Pháp. Tương tự là Algeria dùng 5-4-1 và cầm hòa Anh 0-0. CHDCND Triều Tiên cũng thành công với 5-3-2 dù thất bại 1-2 trước Brazil. Cá biệt là New Zealand khi họ dùng sơ đồ 3-4-3 trong cả 3 trận ở vòng bảng. Nên nhớ, New Zealand là đội tuyển duy nhất… bất bại ở World Cup 2010.
4. Vai trò của cầu thủ tự do
Đã qua rồi thời mỗi cầu thủ chỉ đá tốt một vị trí. Bóng đá hiện đại đòi hỏi một người muốn đạt đẳng cấp ngôi sao phải chơi tốt trong nhiều vị trí khác nhau. Và World Cup 2010 là nơi tôn vinh vai trò các cầu thủ tự do. Có 2 loại nhóm cầu thủ này. Một nhóm chủ yếu chơi thiên về tấn công, hoạt động rất rộng, vừa có thể sắm vai người kiến tạo, vừa có thể chơi như tiền đạo thứ hai, dạng Robben (Hà Lan), Forlan (Uruguay), Andres Iniesta (Tây Ban Nha), Donovan (Mỹ), Lee Chung-Yong (Hàn Quốc). Một nhóm cầu thủ cần cù, hỗ trợ hàng phòng ngự tốt như Dirk Kuyt (Hà Lan), James Milner (Anh), Ramires (Brazil) hoặc Park Ji-Sung (Hàn Quốc).
5. Phá lối chơi
Hầu hết các đội tuyển dự World Cup 2010 đặt việc phá lối chơi của đối thủ thay vì phát huy sở trường là ưu tiên hàng đầu. Ngay cả Hà Lan, đội tuyển nổi tiếng chơi đẹp nhưng cũng dùng lối đá này khi đối đầu TBN trong trận chung kết. Việc quá thiên về phòng ngự là lý do khiến đây là kỳ World Cup có số bàn thắng ít thứ 2 trong lịch sử (2,27 bàn/trận).
(Theo báo Bóng Đá)