Chủ Nhật, 29/12/2024Mới nhất
Zalo

VPF thỏa thuận hợp tác với J.League: Niềm tin ở tương lai

Thứ Tư 08/08/2012 17:15(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Với sự thăng tiến mạnh mẽ của bóng đá Nhật Bản trong thời gian gần đây, việc VPF ký kết được thoả thuận hợp tác với BTC J-League có thể xem là một động thái rất đáng hoan nghênh và hợp thời. Nhờ sự kết hợp này, chắc chắn những nhà tổ chức bóng đá Việt Nam sẽ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm lý thú và bổ ích từ phía BTC J-League, những người chỉ đi trước chúng ta chưa đầy 10 năm, nhưng tương quan khác biệt giữa 2 nền bóng đá bây giờ thì không thể chỉ mô tả bằng lời nói.

Theo thông tin do ông Kazumi Ohigashi, Chủ tịch BTC J-League, cung cấp, Việt Nam là quốc gia thứ 2 ở châu Á ký hợp đồng hợp tác với BTC J-League. Nói một cách khác, nếu coi việc hợp tác với BTC J-League để tìm cách học hỏi những điều hay của mô hình J-League là một hình thức kinh doanh nhượng quyền thì người Thái đã đi trước chúng ta một bước, và bây giờ Thai-League đang có sức sống tươi mới hơn hẳn so với V-League.

Vậy phải chăng sau lễ ký kết này thì bóng đá VN sẽ có cơ hội hoá rồng, hoặc ít nhất là sẽ mang lại diện mạo mới cho V-League trong thời gian không xa nữa? Câu trả lời là chưa chắc, bởi bóng đá Việt Nam có rất nhiều khác biệt so với Nhật Bản, trong khi giữa Thái Lan và Nhật Bản có rất nhiều nét tương đồng.

Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng (phải) và Chủ tịch BTC J-League Kazumi Ohigashi trong lễ ký thoả thuận hợp tác hôm qua
Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng (phải) và Chủ tịch BTC J-League Kazumi Ohigashi trong lễ ký thoả thuận hợp tác hôm qua

Chỉ lấy một ví dụ đơn giản, với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan, thể thao học đường ở những nơi này rất phát triển, và có rất nhiều cầu thủ chuyên nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Thái Lan trưởng thành từ thể thao học đường, trong khi khái niệm thể thao học đường gần như không tồn tại ở Việt Nam, và chẳng riêng gì bóng đá mà các môn thể thao khác đều lựa chọn hình thức đào tạo VĐV theo kiểu tập trung “gà nòi” từ nhỏ.

Đấy còn chưa kể tới hàng loạt biến thể kỳ lạ khác của bóng đá Việt Nam như “một ông chủ 2 đội bóng”, mua bán sang tên đội bóng như mua hàng ở siêu thị, “vừa đá bóng vừa thổi còi”, những điều mà chắc chắn sẽ không thấy ở những nền bóng đá phát triển theo lộ trình bài bản và chặt chẽ như Nhật Bản, Thái Lan hay Hàn Quốc.

Nói một cách khác, trong hành trình hơn 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, bên cạnh việc đạt được những thành tựu nhất định, bóng đá VN cũng còn rất nhiều thứ cần phải điều chỉnh, và trước khi nghĩ tới việc nâng cấp V-League thành một phiên bản của J-League ở Đông Nam Á thì chúng ta cần phải tự làm lành mạnh hoá cơ thể bóng đá Việt Nam bằng những biện pháp cải tổ triệt để và dứt khoát.

Không phải tới bây giờ bóng đá Việt Nam mới học theo Nhật Bản mà J-League đã trở thành hình mẫu để noi theo của bóng đá VN từ rất lâu rồi, và thực tế là có không ít thay đổi trong cung cách tổ chức và điều hành bóng đá VN được thực hiện dập khuôn theo mô hình của J-League, nhưng thành quả mà VFF thu được trong những năm qua là rất ít ỏi, và bây giờ người ta đang chờ đợi VPF với những ông bầu “nói được làm được” sẽ tạo nên sự khác biệt.

Trong 2 cuộc họp báo tại Hà Nội có sự tham dự của phái đoàn J-League ở 2 ngày liên tiếp vừa qua, Chủ tịch BTC J-League Ohigashi luôn mở đầu bài phát biểu của mình với những câu chào bằng tiếng Việt, hành động chứng tỏ sự tôn trọng của người Nhật với Việt Nam, dù rằng họ được mời đến đây để dạy chúng ta cách làm bóng đá chứ không phải V-League có sức hấp dẫn đến độ buộc J-League phải cử người sang học hỏi. Tuy thế, trong rất nhiều phần phát biểu của phía Việt Nam, gần như không thấy ai sử dụng một câu tiếng Nhật nào để đáp lễ phái đoàn Nhật Bản, ngoại trừ Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng với câu cảm ơn bằng tiếng Nhật và động tác cúi người xuống chào theo kiểu Nhật khi kết thúc bài phát biểu khai mạc tại buổi họp báo hôm qua.

Phải chăng đây cũng là sự khác biệt trong cách tiếp nhận kinh nghiệm từ J-League giữa VFF và VPF?

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X