Hồi thành lập VPF để điều hành các giải đấu, nhiều người khá phấn khởi với phần đề án “một vốn bốn lời” của bầu Kiên cùng chủ trương “Của bóng đá trả về cho những người làm bóng đá”.Ông Trần Duy Ly từ chối ngồi lại ghế trưởng giải sau mùa bóng đại loạn 2013
Đó là ý tưởng rất tốt, nhưng khi thực hiện thì nó lại không đơn giản như toán tính của một ông bầu có nhiều quyền lực và nghĩ có quyền rồi thì lực và tài chính sẽ đi theo. Và bước đầu, từ việc đòi lại bản quyền từ AVG rồi “bán” cho Hội bảo trợ bóng đá mà ở đấy, bầu Kiên đã gom được khoản 10 doanh nghiệp có quan hệ làm ăn đa phương.
Đùng một cái, bầu Kiên dính vào những vụ án kinh tế và phần bản quyền đó gãy ngay. Tất nhiên, những kế hoạch tiếp theo liên quan đến việc làm ra tiền từ V-League kiểu xổ số bóng đá hay thu tiền từ những nhà bảo trợ bóng đá… đều gãy.
Không khó để nhận ra thành phần còn lại của Hội đồng quản trị có lúc phải “bơi” để VPF tồn tại, trong khi “ông chủ” có cổ phần lớn nhất là VFF thì không mặn với “đứa con” bị ép phải sinh. Đại hội cổ đông VPF lần này rất cần những phản biện từ những cổ đông như các đội bóng, trong đó có nhiều đội chưa đóng tiền lẫn đóng phí dự giải.
Con số từ VPF báo lãi ròng qua hai mùa bóng thực chất không phải là tiền làm ra mà là tiền nhận của tài trợ và tiền phí dự giải của các đội bóng. Nó cũng không khác gì với thời VFF tổ chức - cũng là tiền tài trợ và các đội đóng phí, rồi người ta “xào nấu” để giải xong và có lãi.
Vẫn chưa phải là cách làm ăn đúng nghĩa từ chủ trương lập VPF để nâng chất và để có tiền từ bóng đá, trong đó phần chính là sản phẩm của bóng đá được thừa nhận là bán được. Một đại hội cổ đông phải biết bỏ qua chuyện lời lãi từ con số để đi vào phần chính thống là nâng chất các CLB và nâng chất bóng đá VN và sản phẩm bóng đá bán được, thay vì trước giờ vẫn là tiền đi xin.
Theo Lao Động