Câu chuyện HLV của CLB Sài Gòn hết lời khen ngợi chất lượng mặt sân cỏ ở Hàng Đẫy là minh chứng rõ nhất cho thấy việc chuyên nghiệp hóa sân chơi V-League cần bắt đầu từ những điều căn bản nhất trong bóng đá.
Tại vòng 19 V-League 2017, nhà đương kim vô địch Hà Nội đã có trận đấu hết sức khó khăn trước đối thủ bám đuổi Sài Gòn FC trên sân Hàng Đẫy. Đây cũng là lần đầu tiên sau vài tháng, đại diện thủ đô được trở về sân nhà quen thuộc sau một thời gian phải chuyển sang thi đấu tại sân Mỹ Đình, nhằm phục vụ kế hoạch chỉnh trang mặt cỏ sân Hàng Đẫy ở giai đoạn lượt về của V-League.
Được thi đấu trở lại trên một mặt sân có chất lượng cỏ khá tốt, đội bóng thủ đô đã thi đấu khá tự tin và nhanh chóng triển khai lối đá tấn công kỹ thuật nhằm đánh phủ đầu đối thủ. Tốc độ, sức mạnh của cặp song sát Samson - Oseni trên hàng tiền đạo cùng với kỹ thuật, sự khéo léo của bộ đôi Văn Quyết – Thành Lương ngay lập tức được phát huy trên một mặt cỏ đẹp.
'Mặt sân ruộng' Hàng Đẫy trước khi được đại tu |
Họ sớm có được bàn thắng của Hoàng Vũ Samson ngay ở phút thứ hai của trận đấu. Tuy nhiên sau đó đội chủ nhà bất ngờ chơi trùng xuống và để Sài Gòn FC có liền 2 bàn thắng ở những phút đầu hiệp 2. Phải rất cố gắng, CLB Hà Nội mới có thể đưa trận đấu trở lại vạch xuất phát sau cú nã đại bác uy lực của tiền đạo Oseni từ ngoài vòng cấm.
Trận hòa này khiến 2 CLB Hà Nội và Sài Gòn bị FLC Thanh Hóa bỏ lại trên cuộc đua vô địch. Tuy nhiên hai bên đều tỏ ra khá hài lòng với những gì thể hiện trong suốt 90 phút trên một mặt cỏ khá chất lượng. HLV đội khách Sài Gòn thậm chí còn dành lời khen cho công tác chuẩn bị của đội chủ nhà, đặc biệt là chất lượng mặt sân được đảm bảo cho những trận đấu đỉnh cao.
“Các CLB nên chú trọng đầu tư từ những thứ nhỏ nhất như chất lượng sân bóng. Tôi nghĩ chỉ cần bỏ ra khoảng 60 nghìn USD là có thể có được một sân đấu tốt. Đầu tư như thế còn hơn là mua về những cầu thủ đắt mà lại thiếu chất lượng. Mặt sân đẹp khiến các cầu thủ sẽ có cảm hứng thi đấu hơn, chất lượng trận đấu tốt hơn và khán giả sẽ đến sân nhiều hơn. Với những mặt sân như thế này bóng đá Việt sẽ được cải thiện”, HLV Nguyễn Đức Thắng của Sài Gòn tâm sự sau trận.
Đánh giá của HLV Đức Thắng là hoàn toàn chính xác vào thời điểm này, khi mà có rất ít sân bóng trong số 14 đội bóng tham dự V-League đạt tiêu chuẩn về chất lượng thảm cỏ. Trước khi mặt cỏ sân Hàng Đẫy được ‘đại tu’, có lẽ số sân có mặt cỏ đạt yêu cầu tại Việt Nam chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, như sân Pleiku (HAGL) hay Gò Đậu (Bình Dương).
Sân Lạch Tray có mặt cỏ nham nhở thuộc loại xấu ở V-League |
Sân Thống Nhất luôn trong tình trạng quá tải và không đáp ứng điều kiện thoát nước vào mùa mưa, mặt sân Cần Thơ rất cứng, còn sân Khánh Hoà có mặt cỏ nhấp nhô. Trong khi đó, dù được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây mới SVĐ Hòa Xuân, nhưng đội bóng của HLV Lê Huỳnh Đức vẫn chưa được thi đấu trên một mặt sân có chất lượng đạt chuẩn. Càng trở ra Bắc, các sân đấu thậm chí còn có mặt cỏ ở dưới mức trung bình, nhất là vào mùa Đông, mà sân Lạch Tray của Hải Phòng là một ví dụ điển hình.
Ở các cấp độ thấp hơn, tại các đội hạng nhất và các đội trẻ của các CLB, chất lượng mặt cỏ thậm chí còn ở mức tệ hơn. Ngoài học viện của HAGL, lò Hà Nội, Viettel, PVF, những CLB khác rõ ràng rất khó đáp ứng điều này, khi mà sân bóng cho đội một của họ thậm chí còn không đủ tiêu chuẩn. Đây thực sự là một điều hết sức đáng ngại khi chúng ta đang tạo nên những thế hệ cầu thủ kế cận trên những mặt sân có chất lượng kém như vậy.
Đã nhiều năm qua, từ các lãnh đạo VFF cho tới ban tổ chức V-League đều hô hào các đội bóng tiến lên chuyên nghiệp, song ở chuyện đơn giản nhất - cái gốc để bắt đầu đi trên con đường chuyên nghiệp là chất lượng mặt sân còn chưa thể đảm bảo thì rất khó để mong đợi các CLB Việt Nam sớm đạt chuẩn, từ công tác tổ chức trận đấu cho tới văn hóa ứng xử trên sân và xa hơn là xóa vấn nạn xin điểm để trụ hạng.
Tổng hợp: Hà Nội 2-2 Sài Gòn (Vòng 19 V-League 2017)