Sự nỗ lực của ban tổ chức cho đến các câu lạc bộ mang đến hiệu ứng tích cực cho V-League 2018. Tham vọng của những người làm bóng đá Việt liệu có mang đến thành công?
Đẹp và sạch là hai từ được những người làm bóng đá Việt Nam nhắc đến nhiều nhất trước thềm V-League 2018. Dễ hiểu thôi bởi việc người hâm mộ không đến sân tự thân nó đã nói lên sự mất niềm tin vào bóng đá quốc nội. Thế nên V-League 2018 được kỳ vọng làm thay đổi cách nhìn của người hâm mộ về bóng đá Việt, nhằm thay đổi thói quen đến sân cổ vũ cho các đội bóng địa phương vào mỗi cuối tuần.
|
V-League 2018 đang tạo hiệu ứng truyền thông tốt đẹp. |
Hiệu ứng từ U23 Việt Nam mang đến luồng gió mới cho bóng đá Việt, nhiều khán giả trẻ bắt đầu chờ đợi đến ngày V-League 2018 khởi tranh để đến sân xem tận mắt thần tượng của mình thi đấu. Những người làm bóng đá nội đã tận dụng tốt hiệu ứng này để mang đến niềm hy vọng lớn cho mùa giải mới, khi tín hiệu lạc quan dần kéo đến, từ những lời hứa về tạo môi trường "sạch" cho đến cách làm truyền thông để thu hút người hâm mộ.
Nỗ lực từ Ban tổ chức...
Không chỉ nóng trong cuộc đua vô địch, cuộc đua trụ hạng tại V-League 2018 cũng được dự đoán "nóng" chẳng kém khi suất xuống hạng tăng từ 1 lên thành 1.5. Mùa trước khi Long An chắc suất xuống hạng, những đội bóng không đủ sức đua vô địch bỗng hết động lực chiến đấu, thậm chí từ đó nảy sinh chuyện xin cho điểm giữa các đội. Việc tăng suất xuống hạng được kỳ vọng giảm bớt tình trạng này, giúp V-League 2018 hấp dẫn cho đến những vòng đấu cuối.
Tín hiệu tích cực từ buổi kiểm tra thể lực mới nhất của các trọng tài cũng mang đến hy vọng về một V-League 2018 không còn bị ám ảnh bởi những vị vua áo đen. Sân cỏ quốc nội chưa mùa nào ngớt những cú phốt từ các trọng tài, từ chuyện bẻ còi cho đến những quyết định gây tranh cãi. Những lời hứa về việc chấn chỉnh công tác trọng tài của các lãnh đạo như ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch VFF, ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF hay ông Nguyễn Văn Mùi - Trưởng Ban Trọng tài VFF, ít nhất cũng giúp người hâm mộ phần nào yên tâm.
|
Trọng tài V-League 2018 đảm bảo đủ điều kiện về thể lực. |
Chia tay Toyota, V-League 2018 chính thức bắt tay với Nutifood, đồng thời VPF cũng công bố logo mới cùng đoạn trailer nhằm tạo hiệu ứng truyền thông. Bầu Tú cũng đang nghĩ cách kiếm tiền từ V-League 2018 khi cắt hợp đồng với Next Media nhằm khai thác bản quyền truyền hình. VPF muốn bán bản quyền truyền hình cho các nhà đài, giúp tạo ra nguồn thu từ bóng đá.
Hiện tại, VPF không nhận được đồng nào từ tiền bản quyền truyền hình, bầu Tú cũng nói rõ lý do cắt hợp đồng với Next Media bởi đối tác không rạch ròi trong chuyện phân chia lợi nhuận. Đồng thời, bầu Tú cũng muốn bán bản quyền truyền hình cho một đối tác chuyên nghiệp như cách Thái Lan hay Malaysia đang làm. Thai League thu về 2.730 tỉ đồng từ Tập đoàn truyền thông TRUE với bản quyền truyền hình giai đoạn 2017-2020, trong khi Malaysia Super League cũng có giá trị xấp xỉ 2.557 tỉ đồng với gói 8 năm của Telekom Malaysia.
... và của các câu lạc bộ
Việc các câu lạc bộ đầu tư mạnh mẽ hơn trước mùa bóng mới giúp V-League 2018 hứa hẹn hấp dẫn hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội FC, FLC Thanh Hóa hay Hoàng Anh Gia Lai được đánh giá là ứng cử viên cho ngôi vô địch. CLB TP.HCM hay Quảng Nam FC cũng là những thế lực đầy hứa hẹn, một bên là nhà giàu mới nổi đầy tham vọng, một bên là đương kim vô địch.
Các câu lạc bộ cũng rất chăm chút hiệu ứng truyền thông nhằm ghi điểm trong mắt người hâm mộ. Hà Nội FC hay CLB TP.HCM đã thay đổi logo để gần gũi hơn với người hâm mộ địa phương, Nam Định FC hay Than Quảng Ninh cũng có nhà tài trợ áo đấu, giúp thiết kế trang phục thi đấu ấn tượng hơn.
|
Hà Nội FC trình làng áo đấu đẹp mắt cùng logo mới trước thềm V-League 2018. |
Hoàng Anh Gia Lai cũng công bố doanh thu ấn tượng từ việc bán vé cả mùa với con số nửa tỉ đồng. Để đạt được điều đó, HAGL những năm gần đây trung thành với khẩu hiệu bóng đá đẹp, ghi điểm lớn trong mắt người hâm mộ. Hơn nữa, đội bóng phố núi cũng tận dụng hiệu ứng từ tên tuổi các cầu thủ vừa thành công cùng U23 Việt Nam như Xuân Trường, Công Phượng,... với chương trình giao lưu người hâm mộ.
Thái độ cầu tiền của các câu lạc bộ rõ ràng ghi điểm lớn trong mắt người hâm mộ bởi như bầu Tú đã nhận xét, hiệu ứng U23 Việt Nam chỉ kéo khán giả đến sân trong khoảng 4-5 vòng đầu tiên. Sau đó, việc người hâm mộ tiếp tục gắn bó hay quay lưng phụ thuộc rất lớn vào chính nỗ lực từ các câu lạc bộ.
CLB HAGL thu bộn tiền trước khi V-League 2018 khởi tranhĐội bóng phố núi vừa thu về hơn 300 triệu đồng nhờ sức hút từ dàn sao trong đội hình với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường,...
Như Đạt (Bóng Đá 24h)