Thua đối thủ trực tiếp K.Kiên Giang ở vòng 11, V.Hải Phòng (V.HP) tiếp tục đội sổ bảng tổng sắp V-League 2012. Đã có nhiều người cho rằng, V.HP nên nghĩ đến chức vô địch hạng Nhất mùa tới, lo trụ hạng làm sao nổi.
Thôi thì “còn nước, còn tát”, V.HP đang chuẩn bị “tát”, mà ở đó có cả một két tiền để mua sắm cầu thủ cho giai đoạn lượt về. Nhưng mua để làm gì, khi những người hâm mộ đội bắt đầu thấy ngán ngẩm vì đội bóng mà mình yêu quý không còn nói giọng Hải Phòng.
Đội bóng “ngàn sao”
Phải đặt tên như thế mới tương xứng với V.HP. Trong thời buổi hội nhập này, V.HP là CLB hội nhập nhanh nhất. Bằng chứng là dù qua 2 mùa V-League không còn góp tên trong nhóm tranh chấp huy chương, nhưng V.HP vẫn vãi tiền mua cầu thủ. Ở đâu có ngôi sao là họ gạ mua.Nếu V.HP cứ thua tiếp thế này thì HLV Lê Thuỵ Hải cũng khó lòng tiếp tục ở lại Lạch Tray
Kể từ ngày quay lại với bóng đá, V.HP là đội chuyên đi mua cầu thủ rồi ấn vào tay HLV mà không cần chút tham khảo cầu thủ ấy có phù hợp với lối chơi của mình hay không. Hễ thấy cầu thủ của đội khác đá hay là V.HP mua liền tay, không cần tính toán.
V.HP muốn rút ruột các đội làm họ yếu đi để mình mạnh lên, nhưng chính V.HP lại phải đón nhận hậu quả. Phần lớn các cầu thủ mua về không hợp đất Lạch Tray và không thể hiện được sự tinh quái như các cầu thủ Hải Phòng trưởng thành từ lò đào tạo sân Cảng.
Ở V-League 2009, V.HP mua về 3 cầu thủ của Nam Định. Đáng mặt nhất là tuyển thủ quốc gia thủ môn Quang Huy và tiền đạo Đức Dương. V.HP rút ruột đội bóng thành Nam khiến CLB này yếu xìu, sau đó xuống hạng, còn V.HP gặt hái kết quả chẳng khá hơn, bởi các cầu thủ mới không hoà hợp với lối chơi toàn đội khiến V.HP kết thúc V-League 2010 ở giữa bảng tổng sắp. Nhiều người nói vui: “V.HP không thích ăn bánh đa cua, muốn ăn phở bò”.
Tương tự, ở V-League 2011, đội mua về nhiều ngôi sao nhưng tất thảy là “sao chổi”. Tiền mất tật mang, V.HP phải mướt mồ hôi đến trận cuối cùng mới trụ hạng trong điều tiếng.
Vẫn thói quen cũ là rút ruột đội mạnh, thể hiện đẳng cấp đại gia, V.HP sẵn sàng để các cầu thủ Hải Phòng ra đi rồi lao vào chiến dịch mua quân cho V-League 2012. Đội bê nguyên bộ ba ngoại binh giúp SLNA vô địch V-League 2011 là Kavin-Fagan-Ansah, ngôi sao Đình Tùng (Thanh Hoá), Văn Ngân (Đồng Tháp)... nhưng sự kỳ vọng chuyển thành thất vọng, khi Kavin, cầu thủ được chờ đợi nhất, như sinh nhầm ngày 27/7. V.HP giờ đứng cuối bảng xếp hạng, trụ hạng cũng rất khó khăn.
Hết mùi bánh đa cua
Các ngôi sao tiền tỷ gây thất vọng, giờ V.HP lại đi mua quân cho cuộc đua trụ hạng ở giai đoạn lượt về. Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa thông, chắc chắn nhất mới chỉ là 2 cầu thủ ngoại đang tập với đội. Vậy nên sự bất ổn ở hàng phòng ngự có thể vẫn kéo dài, vẫn là tuyến để lọt lưới nhiều nhất tại V-League 2012. Nhưng điều người yêu bóng đá Hải Phòng lo nhất là đội bóng này đang mất dần hương vị bánh đa cua, một món đặc sản của Hải Phòng.
V.HP đang làm bóng đá không giống ai, bao nhiêu tiền đều dồn cho mua cầu thủ phục vụ đội bóng lớn, không ngó đến đào tạo “lộc non, chồi biếc” khiến V.HP thiếu tính bền vững. Người hâm mộ cảm thấy đội bóng đang mất dần gốc, rễ và họ còn ấm ức khi thấy V.HP mua về những cầu thủ vốn không tìm được chỗ đứng ở CLB cũ của mình, còn cầu thủ Hải Phòng lại ra đi.
Mua nhiều cầu thủ rồi ấn vào tay HLV để bắt ghép những mảnh ấy sao cho phù hợp, nhưng họ đã không làm được. V.HP không những không đáp ứng tốt sự đòi hỏi rất khó tính của người hâm mộ đất Cảng, mà bản sắc đặc trưng của bóng đá Hải Phòng là quyết liệt, lỳ lợm, chơi rắn và khi cần thì tiểu xảo không còn hiện hữu ở đội.
V.HP lại tung tiền mua cầu thủ, đó là biểu hiện quen dạ rồi. Với bóng đá thế giới, chuyện các ông lớn rút ruột cầu thủ xuất sắc của các đội bóng nhỏ khiến họ yếu đi để mình mạnh lên là bình thường.
Song, cách làm của họ khác với V.HP. Họ có thể mua cầu thủ về rồi để đấy, cho ngồi ghế dự bị, còn vẫn dùng những cầu thủ do chính họ đào tạo. V.HP là đội duy nhất của V-League không đào tạo trẻ, chỉ đi mua quân chẳng khác gì đánh bạc. Vậy nên ở giai đoạn hạng Nhất đang vẫy gọi, V.HP mua nhiều cầu thủ để làm gì?!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)