Trận thua U18 Campuchia tất nhiên là sốc nhưng nhìn theo một cách khác, chúng ta phải chấp nhận rằng thất bại là một mặt khác của bóng đá.
Lịch sử theo một cách khác
Từ đầu năm 2018 đến nay, bóng đá Việt Nam bội thực với từ… lịch sử. BĐVN làm nên lịch sử với ngôi á quân ở VCK U23 châu Á, lịch sử với bán kết ASIAD 2018, với AFF Cup 2018, với tứ kết Asian Cup 2019, với thắng lợi đậm nhất khi đối đầu với bóng đá Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á,…
|
U18 Việt Nam thua đau đớn U18 Campuchia ở giải ĐNÁ |
Ngoài ra, hàng loạt cái “lịch sử” cũng được lập nên như trận cầu đông khán giả nhất ở V-League, cầu thủ đầu tiên tới Bỉ chơi bóng. Tựu chung lại, phần lớn những thứ gắn với “lịch sử” trong hơn một năm qua mang ý nghĩa tích cực.
Đùng một cái, bóng đá Việt có thêm một cái lịch sử nữa nhưng theo cách không ai mong muốn. Lần đầu tiên, một đại diện của Việt Nam để thua bóng đá Campuchia trong một đấu trường chính thức.
U18 Việt Nam dừng bước ngay ở vòng bảng VCK U18 Đông Nam Á được tổ chức tại sân nhà. HLV Hoàng Anh Tuấn nói lời chia tay ghế HLV trưởng sau nhiều năm gắn bó. Người ta lại được dịp chất vấn và hoài nghi về chất lượng đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam.
Tất nhiên những hoài nghi đó là có cơ sở bởi sau một thất bại, thật khó để người ta suy nghĩ tích cực.
Bóng đá có tính chu kỳ
Trong cuộc sống, chẳng có gì thịnh mãi, chẳng có gì suy mãi, bóng đá cũng vậy mà thôi. Bóng đá Việt Nam đã trải qua ba cái chu kỳ 10 năm theo đúng cách như thế. Lứa 1998 thắng Thái Lan rồi suýt vô địch Tiger Cup, lứa 2008 và 2018 vô địch AFF Cup. Mà chẳng cứ ta, ngay cả bóng đá Tây cũng thế thôi.
|
Khoảnh khắc ĐT Việt Nam nâng cúp vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi. |
ĐT Pháp vô địch thế giới năm 1998 rồi phải đợi tròn 20 năm sau mới có thể làm lại điều đó, dù chẳng thiếu tài năng. ĐT Tây Ban Nha “thống trị” bóng đá thế giới và châu Âu giai đoạn 2008-2012 cũng đang rơi vào suy thoái. ĐT Croatia cũng phải đợi hai thập kỷ (1998-2018) mới lại vụt sáng ở đấu trường World Cup.
Như người ta hay nói, bóng đá mang tính chu kỳ. Anh không thể khẳng định mình thắng ở giải đấu trước rồi sẽ làm tốt ở giải sau được.
Một thế hệ để đi đến thành công gồm rất nhiều yếu tố từ chuyên môn của HLV, của từng cầu thủ, của sự ăn ý trên sân, của tâm lý, của tác động ngoại cảnh và nhiều khi cả may mắn nữa. Như trận thua U18 Campuchia, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn bị chính đối thủ nhận xét là gặp vấn đề tâm lý.
Sau lứa Quang Hải, Văn Hậu, Đức Chinh, Trọng Đại,.. bóng đá trẻ Việt Nam chưa có dấu hiệu sản sinh ra một lứa tài năng nào cả, thậm chí còn gây thất vọng liên tiếp những năm gần đây. Khi chúng ta đang chững lại, bóng đá trẻ Campuchia lại đang có sự tiến bộ, đừng quên rằng U18 Campuchia đã hạ gục U18 Thái Lan cũng tại giải đấu năm nay.
Ngày mai trời vẫn sáng
Buồn, thất vọng và giận dữ là điều có thể hiểu được sau thất bại của U18 Việt Nam, nhưng vội vàng nhận xét đây là điểm kết cho một thế hệ liệu có phải quá bất công? Nhiều cầu thủ U18 Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn trong tương lai nếu được rèn giũa và trao thêm cơ hội.
|
Các cầu thủ U18 Việt Nam chỉ biết động viên nhau sau thất bại trước U18 Campuchia. Ảnh: Quang Thịnh/Zing.vn |
Đừng quên rằng chính lứa U23 từng làm nên thành công tại VCK U23 châu Á 2018 từng bị chỉ trích tơi tả sau thất bại ở SEA Games 2017. Nhiều người cho rằng lứa đó là “vứt đi”, nên dành chỗ cho lứa sau.
Những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Bùi Tiến Dũng,… đã vượt qua tất cả để chứng minh giá trị của bản thân. Có thể nói, thất bại ở SEA Games 2017 lại trở thành tiền đề cho nhiều cầu thủ U23 Việt Nam lứa đó làm động lực để “rũ bùn đứng dậy”.
Vậy thì tại sao không thể hy vọng lứa U18 Việt Nam hiện tại sẽ vượt qua thất bại ngày hôm nay để vươn lên chứng tỏ bản thân trong tương lai?