Nếu người ta vẫn sẵn sàng đánh đổi tương lai của những cầu thủ triển vọng như Lương Xuân Trường vì bệnh thành tích thế này, bóng đá Việt Nam còn lâu mới thoát ra khỏi vùng trũng.
Ban đầu Sea Games được tổ chức với hai mục đích: Thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước trong khu vực và nâng cao kỹ, chiến thuật của vận động viên để hướng đến Đại hội Thể thao Châu Á (ASIAD) cũng như Olympic. Bóng đá nam tại Sea Games cũng không nằm ngoài mục đích đó.
|
Thể trạng của Xuân Trường và Tuấn Anh không tốt do chấn thương nhưng vẫn bị triệu tập vì một trận giao hữu vô thưởng vô phạt. |
Thậm chí, bóng đá nam tại Sea Games chỉ giới hạn ở độ tuổi U23 với mục đích cho các cầu thủ trẻ có thêm kinh nghiệm cọ xát. Thái Lan đang thực hiện đúng mục đích đó khi dồn toàn lực cho đấu trường châu Á hay World Cup, còn
bóng đá Việt Namvẫn sống trong giấc mơ "thằng chột làm vua xứ mù".
Chỉ vì bệnh thành tích
Căn bệnh thành tích đã ăn quá sâu vào xã hội Việt Nam ở gần như mọi mặt của cuộc sống. Bóng đá cũng chẳng nằm ngoài quy luật đó. Trong khi bóng đá các nước ở khu vực Đông Nam Á đang cố gắng thoát khỏi đẳng cấp vùng trũng để vươn tầm châu lục, hay táo bạo hơn là thế giới như Thái Lan thì Việt Nam vẫn chỉ mơ về danh hiệu ở Đông Nam Á.
Chỉ vì căn bệnh thành tích, Sea Games và AFF Cup vẫn luôn được ưu tiên số một. Những người làm bóng đá nước nhà nhận định đó là giải đấu "vừa sức" để Việt Nam có được những danh hiệu. Có thể trước kia tư duy này là đúng nhưng xét ở tình cảnh hiện tại, tư duy này đã lỗi thời khi trở thành biểu hiện của bệnh thành tích.
Nhìn vào những gì bóng đá trẻ làm được, Việt Nam cần mục tiêu xa hơn là vươn tầm châu lục, thay vì mãi quanh quẩn ở giấc mơ ao làng Đông Nam Á. Căn bệnh thành tích đã ngăn cản tất cả, người ta cần một chức vô địch để dễ báo cáo tổng kết, chứ không phải là đấu trường châu Á "xa tầm".
Điều đó đi ngược với tư duy vươn lên. Người Thái thất bại trong giấc mơ World Cup 2018 nhưng họ vẫn cố gắng theo đuổi con đường đã chọn. Theo dự kiến, Sea Games sắp tới Thái Lan sẽ chỉ tung ra sân một lực lượng trẻ thực sự nhằm cọ xát. Còn những cầu thủ trẻ đã khẳng định được mình không cần thiết phải tham gia sân chơi như vậy.
Kylian Mbappe hay Marcus Rashford có tham dự U20 World Cup không? Chắc chắn là không. Các quốc gia bóng đá được quy hoạch bài bản sẽ không có chuyện một cầu thủ đẳng cấp đội tuyển đi đá cùng lứa trẻ để "tích lũy kinh nghiệm".
|
Sao không trao cơ hội đá Sea Games cho những cầu thủ trẻ thực sự của lứa U20? |
Có lẽ chỉ ở Việt Nam, nơi căn bệnh thành tích đã ăn quá sâu mới có chuyện những cầu thủ ở đẳng cấp đội tuyển quốc gia xuống đá cùng tuyển trẻ. Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh đều là những cầu thủ triển vọng của bóng đá nước nhà nhưng tư duy của "người lớn" có thể phá hỏng tương lai của họ.
Tuấn Anh đang trong quá trình hồi phục chấn thương nhưng HLV Nguyễn Hữu Thắng vẫn cố triệu tập bằng được để chuẩn bị cho trận giao hữu giữa U22 Việt Nam với U20 Argentina. Nếu mạo hiểm ra sân ở thời điểm hiện tại, cả hai đều có thể dính chấn thương khi thể trạng chưa đảm bảo, đặc biệt là với một cầu thủ vốn "mẫn cảm" như Tuấn Anh.
Cái cớ chuẩn bị lực lượng mạnh nhất cho Sea Games liệu có thuyết phục? Tại sao không trao cơ hội cho lứa cầu thủ U20 vừa tham dự World Cup vào tháng Năm tại Hàn Quốc? Giống Mbappe hay Rashford, Xuân Trường hay Tuấn Anh đều đủ sức thi đấu cho tuyển quốc gia nên chẳng cần thiết phải đá giải trẻ.
Xuân Trường cần được ra sân tại K-League để biết bản thân mình đang ở trình độ nào, chứ không phải tham dự vài trận giao hữu vô thưởng vô phạt. Tuấn Anh mới trở lại sau 6 tháng chấn thương. Việc thi đấu quá sớm có thể hủy hoại sự nghiệp của tài năng từng được chính HLV Arsene Wenger đánh giá cao.
Còn tư duy ngược vì bệnh thành tích, bóng đá Việt Nam chẳng thể thoát khỏi ao làng.
Như Đạt (Theo Thể thao Việt Nam)