Hôm qua, ông Đỗ Quang Hiển, TGĐ kiêm Chủ tịch HĐQT tập đoàn T&T và ngân hàng SHB, đã xác nhận với báo chí về việc tập đoàn T&T và ngân hàng SHB đã chính thức thoái vốn khỏi 2 công ty CP thể thao T&T và SHB.ĐN, đơn vị sở hữu CLB HN.T&T và SHB.ĐN. Vậy phải chăng điều này có nghĩa là tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” sẽ chấm dứt ở V-League từ đây?
Câu trả lời chắc chắn là không, bởi ai cũng biết 2 công ty CP thể thao T&T và SHB.ĐN được thành lập để đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp hoá về hình thức của VFF, còn bản thân 2 công ty này chẳng kinh doanh gì ra tiền để nuôi được HN.T&T và SHB.ĐN.
Cho tới 22h tối qua, khi truy cập vào website của tập đoàn T&T, chúng tôi vẫn thấy ông Hiển được giới thiệu là “Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một số Công ty khác như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Công ty CP Quản lý Quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF), Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Công ty CP Phát triển đô thị và khu công nghiệp SHB (SHB Land), Công ty CP T&T Đà Nẵng”.V-League mùa sau có còn “một ông chủ 2 đội bóng”?
Điều đó có nghĩa chừng nào Đà Nẵng còn gắn tên SHB thì chừng ấy tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” vẫn tồn tại ở V-League. Chỉ khi nào các doanh nghiệp thuộc sở hữu bầu Hiển thoái vốn hoàn toàn khỏi SHB và không liên quan gì tới ngân hàng này, hoặc SHB chấm dứt tài trợ cho CLB Đà Nẵng thì lúc ấy HN.T&T và SHB.ĐN mới coi như không còn quan hệ anh em, còn việc tập đoàn T&T và ngân hàng SHB thoái vốn khỏi 2 công ty CP thể thao T&T và SHB.ĐN chỉ là chuyện nội bộ của nhà T&T mà thôi.
Trao đổi với báo chí trong thời gian vừa qua, bầu Hiển không giấu giếm cảm giác tự ái và hơi có phần khó chịu khi bị dư luận chỉ trích quá nhiều về vấn đề “một ông chủ 2 đội bóng”, mà bản thân ông Hiển chưa bao giờ công nhận sự tồn tại của tình trạng này. Nhưng dân gian có câu: “Không có lửa sao có khói”, HN.T&T và SHB.ĐN thực sự có quan hệ như thế nào thì tất cả đều biết, và màn song kiếm hợp bích của 2 CLB này ở đoạn kết V-League 2012 đến giờ vẫn còn khiến người ta cảm thấy bức xúc.
Việc bầu Hiển cảm thấy không vui khi bị chỉ trích và phê bình vì cái mà ông cho rằng nó không hề tồn tại như người ta vẫn than phiền là chuyện hết sức bình thường, chỉ có điều không biết có bao giờ bầu Hiển tự đặt mình vào vị trí của người khác để thử nghĩ rằng, nếu một ngày SHB chia tay Đà Nẵng và ông Hiển chỉ còn lại HN.T&T mà CLB này bị 2 đội bóng khác được cho là có cùng một chủ sở hữu ở hậu trường đánh cho te tua ở V-League thì ông có bức xúc, có phẫn nộ và có kiên quyết đi đòi công lý hay không?
Bóng đá chuyên nghiệp muốn tồn tại không thể không có sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ cần bỏ tiền đầu tư vào bóng đá thì các doanh nghiệp có thể làm bất cứ những gì mình muốn, chẳng hạn như lấy Luật Doanh nghiệp để biện bạch cho những hành vi sai lè lè của mình trong lĩnh vực… bóng đá.
Vả lại, bản thân các doanh nghiệp khi đầu tư vào bóng đá đều được nhận lại những quyền lợi tương xứng, không nhiều thì ít, không trực tiếp thì gián tiếp, nên quan hệ giữa doanh nghiệp và bóng đá có thể xem là đôi bên cùng có lợi, không bên nào quá phụ thuộc vào bên nào. Không có doanh nghiệp thì bóng đá cũng vẫn phải tồn tại, vì đấy đã là một ngành nghề lao động trong xã hội, còn nếu không đầu tư cho bóng đá thì doanh nghiệp cũng còn nhiều cách khác để quảng bá thương hiệu cho mình.
Không ai có thể bắt ép doanh nghiệp phải gắn bó với bóng đá nếu họ thực sự không muốn, vậy nên chẳng có lý do gì các doanh nghiệp khi đầu tư vào bóng đá lại được trao cho những đặc quyền đặc lợi đi ngược lại với Quy chế, Điều lệ của bóng đá. VFF đã sai khi để tình trạng “một ông chủ 2 đội bóng” kéo dài suốt từ năm 2009 tới nay, bởi đây là điều mà cả FIFA, AFC cũng như bản thân luật lệ của VFF đều không cho phép, và bây giờ là lúc để họ sửa chữa thiếu sót của mình.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)