Tại sao khán giả đến sân xem V-League ngày càng thấp?
Thứ Bảy 15/04/2017 13:03(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Tại sao khán giả đến sân tại V-League vẫn "lẹt đẹt", thậm chí thấp kỷ lục tại vòng 3? Việc chính các câu lạc bộ chưa thực sự mặn mà trong việc thu hút khán giả là một trong những nguyên nhân.
Sau ba vòng đầu tiên tại
V-League 2017, lượng khán giả đến sân theo ban tổ chức thống kê thấp ở mức kỷ lục với chỉ trung bình 4.000 người/ trận ở vòng 3. Đây là hồi chuông cảnh báo cho sự quay lưng của người hâm mộ nước nhà nhưng dường như cả BTC lẫn các CLB đều... chẳng quan tâm dù V-League 2017 sắp qua nửa chặng đường.
|
Hình ảnh các sân bóng thưa thớt khán giả không còn xa lạ ở V-League. |
Bằng chứng là việc các ông bầu liên tục cãi nhau liên quan đến trọng tài, về kết quả trận đấu, thậm chí còn dùng cả những lời lẽ rất chợ búa. Còn ban tổ chức vẫn đang loay hoay trong vấn đề muôn thuở của bóng đá Việt, đó là việc các trọng tài liên tục có những quyết định gây tranh cãi.
Những điều đó làm người ta lãng quên thực trạng đáng báo động khác là V-League ngày càng thưa khán giả đến sân. Bên cạnh việc yếu tố chuyên môn chưa cao, vấn đề trọng tài khiến dư luận bức xúc cùng những hoài nghi sau những vụ án bán độ bị phanh phui, nguyên nhân lớn nhất nằm ở chính các câu lạc bộ.
Tình yêu không được khuyến khích Hiện nay ở V-League, ngoài CLB Thành phố Hồ Chí Minh với Chủ tịch
Lê Công Vinh chịu khó làm hình ảnh, làm truyền thông thì phần đa các đội bóng tại Việt Nam chưa chú trọng khâu này. Từ ngày Công Vinh nắm quyền, CLB TP HCM gây chú ý với phòng thay đồ mới, xe buýt mới, những chiêu trò để hút khán giả đến sân như mời ca sĩ nổi tiếng,...
Công Vinh cũng thường xuyên đi quanh sân sau mỗi trận đấu kết thúc để cảm ơn người hâm mộ. Dù những hành động đó chưa hẳn tạo nên sự khác biệt nhưng cũng cho thấy nỗ lực kéo khán giả đến sân của cá nhân Công Vinh cũng như tập thể CLB TP HCM.
Ở những nước có nền bóng đá phát triển, câu lạc bộ ngoài việc tập trung vào bóng đá còn có trách nhiệm xã hội với địa phương nơi họ đóng quân. Hình ảnh các cầu thủ của
Manchester United,
Barcelona,
Real Madrid hay cả Everton, Sunderland,... tới bệnh viện địa phương để giao lưu, động viên những bệnh nhân yêu bóng đá là điều thường xuyên diễn ra.
|
Khác với V-League, các CLB ở những nền bóng đá phát triển rất chú trọng đến trách nhiệm xã hội với địa phương nơi họ đóng quân. |
Không nói đến xa xôi ở châu Âu, ngay những quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản,... các CLB cũng rất chú ý đến tính kết nối giữa đội bóng với người dân địa phương. Hình ảnh
Công Phượng đi phát tờ rơi ở ga tàu điện ngầm nếu góc nhìn Việt Nam có thể coi là sự xúc phạm nhưng tại J-League, đó là chuyện hết sức bình thường.
Các CLB luôn đề nghị cầu thủ phải tạo được sự kết nối tối đa với người dân địa phương thông qua các hoạt động xã hội. Điều đáng nói là ở Việt Nam, gần như chẳng câu lạc bộ nào làm điều đó. Các ông bầu chỉ chú trọng đến thành tích của CLB vào cuối mùa mà chẳng quan tâm đến tính kết nối giữa đội bóng với địa phương mình đóng quân.
Phần đa các cầu thủ ở Việt Nam được biết đến với tiếng "ăn chơi", cặp kè cô ca sĩ, diễn viên, người mẫu nóng bỏng nào đó chứ rất hiếm có những hành động từ thiện, giao lưu. Khi người dân cho rằng CLB mang tên địa phương họ đang sinh sống không xứng đáng đại diện cho bộ mặt của tỉnh (thành phố), việc không nhiều người mặn mà đến sân vào mỗi cuối tuần là chuyện hết sức bình thường.
Đã đến lúc các CLB phải hướng dần đến việc phục vụ khán giả địa phương chứ không chỉ là phục vụ cho cá nhân của những ông bầu.
Như Đạt (Theo Thể thao Việt Nam)